Xx/10/2018 Chuyến đi thứ hai, chuyến đi khảo sát
Anh em chia tay, người về SG người về HN, bẵng đi hơn tuần sau, đứng trước núi băn khoăn cứ tưởng huynh iDo trong phút cao hứng chơi đã bay mất theo gió biển Sầm Sơn...
Lần này thông qua Fb, huynh iDo cũng đã rắc thính lôi được mấy anh em gia nhập, vào Thanh Hóa nhóm có 4 người thu xếp đi được...nghề nghiệp cơ bản chẳng dính dáng đến tàu bè: huynh Ái - iDo dân công nghệ thông tin, huynh Hộ dân thể thao biển, cha nội gần 50 mà nhìn người cứ như cái tượng đồng đen, thêm bộ râu rậm, ấn tượng ban đầu không khác hải tặc là mấy, huynh Huân dân kiến trúc sư, nổi tiếng với việc đóng một con thuyền đến năm nay là năm thứ 18 mà vẫn nằm sấp! (18 năm chưa xuống nước)
Ở HN huynh iDo cứ yêu cầu em phải chạy con Trion MobiHome để tối ngủ bãi biển cho nó đã
. Thế này nhà nghỉ khách sạn SS mùa này đã ế lại càng ế hơn...
Ngủ đêm bên bãi biển SS
Mấy anh em kẻ Bắc người Nam lần đầu gặp mặt tay bắt mặt mừng và cả nhóm đã thống nhất: tìm hiểu vùng nguyên liệu làm bè: Luồng, mây, cách đóng bè tre, cách tạo hệ buồm, cách điều khiển buồm theo kiểu cổ Việt Nam vẫn còn sót trong các nghệ nhân dân gian Thanh Hóa, kết hợp với các sách cổ về Tàu thuyền Việt Nam. Ghi chép lại các kiến thức dân gian về bè tre, tìm đến những nghệ nhân, ngư dân còn nắm kỹ thuật làm bè tre chạy buồm.
Quay lại năm 1995, Mr Tim một nhà văn, nhà thám hiểm người Anh khi đóng bè Tre tại Sầm Sơn - Thanh Hóa để thực hiện chuyến đi từ China sang Châu Mỹ trêm một cái bè tre với tên gọi Từ Phúc (một nhân vật theo lệnh của Tần Thủy Hoàng đi tìm thuốc trường sinh), được ông ấy mô tả trong quyển sách “The China Voyage – Hải trình Trung Hoa” để chứng minh giả thiết về những điểm tương đồng văn hóa giữa hai lục địa cách đây cả ngàn năm. Tại thời điểm đó ông ấy tìm cả Châu Á không còn nước nào sử dụng bè tre chạy buồm, và thật “may mắn” được bạn bè mách bảo…ông tìm đến Sầm Sơn để đặt đóng bè theo thiết kế của ông ấy. Bè của Mr Tim thiết kế do người bạn Châu Âu đảm nhận, Buồm cánh dơi may ở Quảng ninh, người thợ SS góp tay nghề và vật liệu ...
Từ năm 1995 đến nay đã hơn 20 năm, ngư dân Sầm sơn đã hoàn toàn chuyển sang chạy bè máy, cũng khá vất vả để anh em trong nhóm lê la các xã ven biển Thanh Hóa tìm lại những ngư dân, nghệ nhân còn nắm chắc kỹ thuật đóng bè cổ!
Sáng hôm sau nhóm di chuyển về vùng nguyên liệu cơ bản nhất để tạo thành bè. Rừng Luồng tập trung tại các huyện miền núi, nhưng nhiều nhất là các huyện Ngọc Lặc, Lang Chánh, Cẩm Thủy, Bá Thước, Quan Sơn, Quan Hóa...nhóm hướng thẳng đến vùng đất được mệnh danh là “thủ phủ của Luồng”, huyện Lang Chánh.
Người dân sử dụng luồng vào rất nhiều việc khác nhau, mang lại nhiều giá trị kinh tế từ đan lát, xây dựng, làm giấy,…nhưng tuyệt nhiên nhu cầu trồng luồng khai thác làm bè đã biến mất (cũng phải thôi, dân chuyển sang bè xốp chạy máy hết rồi!).
Đứng giữa thủ phủ của Luồng, bạt ngàn cơ man là luồng, hỏi thăm một số đầu nậu về Luồng làm bè thì gần như họ khá ngạc nhiên. Việc kiếm được đủ số lượng luồng đúng quy cách về chiều dài, độ tuổi, luồng thiên tư, thiên năm (đường kính của lòng cây Luồng đút đượt 4 đến 5 ngón chân), có độ thẳng tương đối khá khó kiếm đòi hỏi phải nỗ lực gom từ nhiều nguồn khác nhau.
Cơ man là Luồng ....
Đợt này đi xe 4x4 nên phát huy tác dụng lớn...bãi biển, đồi núi chui tất!
Bên ấm trà, ngay cạnh bờ biển tụi em được nghe các ngư dân nói chuyện về bè cổ thật lý thú, sống động. Kỹ thuật từ cách chọn cây Luồng làm bè như thế nào mới đạt chuẩn, Luồng thiên tư, thiên năm, luồng bánh tẻ (không già mà không non tránh việc ngấm nước, không bền nếu quá non và dễ nứt vỡ nếu quá già) bằng cách gõ vào cây Luồng để nghe âm thanh. Trên bè có các tấm gỗ bố trí dọc theo bè để chống dạt khi chạy ngược gió … ngư dân mình gọi là xiểng, tây nó gọi là dagger board… dân Sầm sơn gọi là tấm thiên, tấm địa.... Sở dĩ dân Sầm sơn gọi là tấm thiên bởi vì nó làm từ gỗ quan tài! Ngày xưa khi khó kiếm gỗ, dân phải tận dụng tấm ván hòm khi bốc mả…làm dagger board và cái tên ván Thiên ra đời từ đó…Rồi cách dùng sơn ta để bảo quản luồng tránh con hà bám vào vỏ và đục khoét. Ấu trùng hà trôi nổi trong nước gặp thuyền gỗ, bè tre là bám vào các thớ các khe và trụ lại ở đó. Không khác gì con mọt gỗ, mọt tre, nó sẽ âm thầm gặm nhấm, chỉ có khác là với tốc độ nhanh hơn...và chẳng mấy chốc phương tiện của bạn sẽ bị nghiền nát! Đối với các chuyến đi ngắn ngày, ngư dân có thể kéo phương tiện lên bờ để bảo quản, để diệt Hà, nhưng đối với những chuyến đi dài ngày chỉ có cách duy nhất là lặn xuống và gỡ từng con…và điều này là không thể! Để chống lại hà cha ông ta lấy cây Sơn trên rừng chế biến thành sơn để quét như sơn mình đang dùng ngày nay. Nó chính là loại sơn bảo vệ 100% tự nhiên. Ngày xưa ngoài việc dùng để sơn gỗ, các cụ làm đồ sơn mài, mỹ nghệ. Về hình thức nó như dầu máy đặc, tuy nhiên không phải ai cũng có thể thi công, đa số đều bị dị ứng rất khủng khiếp với sơn ta. Mặt và da tay đều bị sưng và phồng rộp…và đặc biệt hay ở chỗ chỉ một vài người là không sao, gần như vô nhiễm, không có hiện tượng dị ứng với sơn ta…Từ đây em mới hiểu rõ câu các cụ hay nói “Sơn ăn tùy mặt – Ma bắt tùy người”.
Rất thú vị khi nghe được những câu chuyện lý thú xoay quanh chiếc bè buồm cổ!
Được người quen giới thiệu nhóm vào nhà của một ngư dân trung tuổi, khá mạnh mẽ có thể sẽ nhận lời đứng ra nhận thầu đóng bè cho nhóm. Gia đình nhà cửa tươm tất. Chuyện trò rôm rả, tụi em cùng chủ nhà ra bãi biển cách nhà cũng không xa lắm để xem phương tiện bè tre đã được cải tiến, làm sàn bằng xốp, lắp máy nổ. Tuy luồng bây giờ chỉ làm kết cấu nhưng cái bè này được đóng gọn gàng, chắc chắn, thể hiện tay nghề thành thạo của chủ nhà!
Câu chuyện kết thúc tốt đẹp với lời hứa đảm bảo chất lượng, tiến độ, từ phía chủ nhà nếu hợp đồng được ký kết…và tụi emcũng có 1 phần thiện cảm.
Chào chủ nhà tụi em mua quà là hai chai nước mắm 1,5 lít. Mỗi chai 300K được chủ nhà giới thiệu là nước cốt vừa được chiết ở cái lu góc sân. Và chai nước mắm này chính lại là vấn đề...hic hic