Lần này thì đã nhấc được bánh lên khỏi mặt đất rồi nhé.
(Ảnh nguồn từ nhiều báo)
(Ảnh nguồn từ nhiều báo)
Link: http://vnexpress.net/gl/khoa-hoc/2012/03/anh-thuong-binh-tu-che-truc-thang/Anh thương binh tự chế trực thăng
Mất 3 năm ròng vừa mày mò, vừa học hỏi, người kỹ sư thương binh đã cho ra đời chiếc máy bay trực thăng siêu nhẹ ngay tại garage sửa chữa ôtô của mình, với giá thành 200 triệu đồng.
Trong nhà kho rộng 1.500 m2 nằm trong khuôn viên garage Bùi Hiển (thị trấn An Thạnh, thị xã Thuận An, Bình Dương), kỹ sư cơ khí Nguyễn Bùi Hiển, thương binh hạng 4/4, cơ khí cho hay, chiếc trực thăng vừa mới hoàn thành, là sản phẩm mà ông đã ấp ủ từ rất lâu nay mới thành hiện thực.
Chiếc trực thăng do ông Hiển chế tạo thuộc loại siêu nhẹ, trọng lượng 250 kg, dài 2,950 m, rộng 1,2 m, cao 2,4 m, trang bị động cơ công suất máy 106 mã lực/6.500 vòng/phút; với độ dài sải cánh 4,6 m quay đảo chiều nhau. Theo ông Hiển máy bay có thể chở khoảng 100 kg.
Kỹ sư, thương binh Nguyễn Bùi Hiển đang sửa chữa cánh quạt của chiếc trực thăng do mình sản xuất. Ảnh: Tuệ Mẫn.
Biết ý định chế tạo máy bay của ông Hiển, nhiều người cho rằng ông đang làm chuyện không tưởng, thậm chí có nhân viên còn bảo ông chủ không được bình thường. Nhưng nguồn cảm hứng khiến ông bỏ ra hơn cả nghìn ngày nghiên cứu, chế tạo ra chiếc máy bay xuất phát từ niềm đam mê chơi máy bay mô hình.
"Cách đây khoảng 3 năm chiếc máy bay mô hình tôi đang điều khiển thì gặp trục trặc và rơi hỏng, trở về nhà tôi ấm ức tự hỏi tại sao mình không thể chế tạo máy bay riêng để có thể điều khiển, thế là tôi bắt đầu lên kế hoạch sản xuất máy bay cho mình", ông Hiển chia sẻ.
Để thiết kế chiếc trực thăng, ông Hiển đã phải bỏ rất nhiều thời gian lên Internet để thu thập tài liệu kỹ thuật. Tuy nhiên sách vở vẫn là lý thuyết, vì nhiều lần các thiết kế đều không thể vận dụng ra cho sản phẩm.
Thiết kế cánh máy bay, ông sử dụng nguyên liệu bằng nhôm nhìn cũng khá đẹp, nhưng khởi động chỉ vài vòng là cánh cong chỉ còn cách tháo ra đem bán phế liệu. "Khi tôi làm được bộ cánh ưng ý nặng chỉ 32 kg bằng chất liệu inox thì động cơ lại trở chứng chỉ quay như quạt gió mà không thể cất cánh...", ông Hiển nhớ lại lần thử nghiệm thất bại.
Không chịu đầu hàng, kỹ sư 58 tuổi tháo chiếc động cơ công suất 50HP (50 mã lực) trị giá 40 triệu đồng cất vào góc nhà kho rồi lặn lội tìm mua động cơ của chiếc ca nô công suất lên đến 106 mã lực với giá 60 triệu đồng. Ông giao toàn bộ việc kinh doanh garage cho con trai mình và tiếp tục tập trung hoàn chỉnh "đứa con tinh thần".
Động cơ bên trong chiếc trực thăng tự tạo của ông Hiển là động cơ của một chiếc ca nô được ông mua với giá 60 triệu đồng. Ảnh: Tuệ Mẫn.
Hàng loạt bộ phận như đĩa quay, bộ phận truyền động, hộp số... được ông tham khảo trên mạng và các diễn đàn, rồi ngày ngày cắm cúi trong xưởng phay tiện. Những kiến thức có được và học hỏi trên Internet giúp ông chế tạo được những bộ phận quan trọng.
Các bộ phận còn lại của chiếc trực thăng như bình đựng nhiên liệu được ông Hiển lấy can nhựa cũ loại 20 lít làm thùng đựng xăng. Pô, két nước tản nhiệt cho động cơ, đồng hồ xăng nhớt... đều tận dụng từ phụ tùng thải ra của một chiếc xe tải nhỏ.
Để đảm bảo trọng lượng siêu nhẹ, trong khoang lái, ông chỉ đặt một chiếc ghế nhựa; phần khung khoang lái được bổ sung để đảm bảo an toàn, nếu không thì máy báy cất cánh có thể nhẹ thêm vài chục kg.
"Nhà chế tạo" nói rằng máy bay do mình chế tạo vẫn còn thiếu nhiều bộ phận quan trọng khác như đồng hồ đo các thông số độ cao, tốc độ bay… "Một trong những bộ phận quan trọng chính là cánh máy bay, tuy làm thủ công nhưng sai số về trọng lượng gần như không có, mỗi chiếc cách nặng đúng 8 kg", ông Hiển chia sẻ.
Theo tính toán của ông Hiển, nếu được phép bay trên bầu trời chiếc trực thăng có khả năng bay ở độ cao 200 m, tốc độc 150-200 km một giờ, tải trọng khoảng 350 kg. Tổng chi phí chế tạo khoảng 200 triệu đồng. Máy bay này có thể sử dụng loại xăng thông thường như A92 hoặc A95.
Ổng Hiển vào "khoang lái" và cất cánh chiếc trực thăng. Ảnh: Tuệ Mẫn.
Những ngày qua công việc chế tạo gần như xong, ông Hiển đang tập trung cho việc học lái. Thử nghiệm bước đầu trong nhà xưởng cho thấy máy bay có thể lên xuống một cách nhẹ nhàng. Tuy nhiên, ông Hiển cho rằng, việc lái máy bay này còn phải mất nhiều thời gian để tập luyện nhằm đảm bảo an toàn kỹ thuật.
Khi bước vào khoang lái và khởi động, tiếng động cơ vang lên giòn giã, cánh máy bay rít gió đều đặn, ông cầm trục lái tay nắm cần số từ từ cho máy bay cất cánh ngay trong xưởng giữa tiếng vỗ tay tán thưởng của nhiều người. Do giới hạn của nhà xưởng nên "phi công Hiển" chỉ biểu diễn nâng lên trên mặt đất hơn một mét rồi điều khiển xoay vòng rẽ trái, rẽ phải. Theo ông Hiển việc máy bay của ông nâng khỏi mặt đất coi như đã có thể cất cánh được.
Trao đổi với VnExpress.net ông Hiển cho biết, hiện chưa có ý định xin cấp "bằng sáng chế" bởi ông biết thủ tục để công nhận nó là cả một quá trình lâu dài. "Tuy nhiên, nếu được cơ quan chức năng cho bay thử nghiệm bên ngoài tôi sẽ rất sẵn sàng để mọi người thưởng lãm. Hiện tôi chưa có ý định xin phép cho trực thăng bay lưu thông, chỉ thỏa mãn mơ ước chế tạo thành công máy bay siêu nhẹ và để làm kỷ niệm, tôi chỉ muốn chứng minh rằng người ta làm được mình cũng làm được… chỉ vậy thôi", kỹ sư Hiển khiêm tốn bộc bạch.
Tuệ Mẫn - Hoàng Lê
Chỉnh sửa cuối: