Kết quả chưa có nhỉ, nhưng lợi thế đang nghiêng về Trump.
Có nhiều ý kiến tranh luận về phiếu đại cử tri, xem nó có tính quyết định hay không hay chỉ là hình thức. Đây là vấn đề khá thú vị nhưng cũng rất dễ hiểu.
Thực tế phiếu đại cử tri bao hàm cả hai yếu tố: Nó vừa có tính QUYẾT ĐỊNH, vừa có tính HÌNH THỨC.
Thoạt tiên thì thấy có vẻ mâu thuẫn nhau. Nhưng khi phân tích thì lại rất đơn giản.
Thứ nhất, theo hiến pháp Mỹ, ứng viên chiếm đa số phiếu đại cử tri sẽ giành phần thắng. Do đó phiếu đại cử tri có tính quyết định.
Tuy nhiên, đại cử tri là những ai? Họ là những con người cụ thể, những công dân Mỹ có tên tuổi địa chỉ ... rất rõ ràng. Nhưng danh sách các đại cử tri của cùng một bang đối với mỗi đảng lại rất khác nhau. Lấy ví dụ bang Texas có 40 phiếu đại cử tri. Trước kỳ bầu cử, đảng Cộng Hòa sẽ chọn ra 40 đảng viên trung thành nhất với đảng tại bang đó, và đăng ký danh sách đại cử tri của đảng cộng hòa tại bang Texas với Ủy ban bầu cử. Đảng dân chủ cũng chọn lựa và đăng ký một danh sách 40 người của mình. Sau khi có kết quả kiểm phiếu, đảng nào thắng thì danh sách đại cử tri đã đăng ký của đảng đó sẽ được chọn và có hiệu lực chính thức. Do cơ chế chọn lựa ngay từ ban đầu như vậy, nên các đại cử tri chính thức của mỗi bang, đều gần như chắc chắn sẽ bỏ phiếu cho ứng viên của Đảng mình tại bang đó. Vì thế, đây chính là tính HÌNH THỨC của phiếu đại cử tri. Đại cử tri mỗi bang trong mỗi kỳ bầu cử là những con người cụ thể, nhưng người ta sẽ nhanh chóng quên họ là ai sau kỳ bầu cử, cũng vì tính hình thức đã đề cập ở trên.
Sẽ vẫn có ngoại lệ. Khi các đảng đăng ký danh sách đại cử tri đã "chọn nhầm" một đảng viên "quay xe". Thực tế chuyện này từng xảy ra, nhưng khá hãn hữu và chỉ là số ít. Mỗi bang ở Mỹ cũng có luật cụ thể để xử lý các trường hợp này. Một số bang thừa nhận hiệu lực của phiếu quay xe, một số bang không thừa nhận, một số thì không thừa nhận và chọn đại cử tri thay thế. Xét về thống kê lịch sử, số đại cử tri quay xe chưa bao giờ đủ lớn để tác động làm thay đổi kết quả bầu cử.
Kết luận: Bầu cử Mỹ vẫn là sự phản ánh chính xác ý chí của đa số cử tri Mỹ đi bỏ phiếu. Nhưng không phải là đa số trên toàn quốc, mà là đa số trên từng bang của 50 bang ở Mỹ. Cơ chế phức tạp này được thiết lập để đảm bảo các bang ít dân cũng sẽ vẫn có tiếng nói thực sự trong chọn lựa người đứng đầu quốc gia chứ không bị các bang đông dân hơn "nuốt chửng". Nguyên tắc này nhằm tạo sự gắn kết của liên bang, và tính đến giờ, nó đã có hơn 200 năm vận hành tốt và góp phần tạo ra một nước Mỹ mạnh nhất hoàn cầu như hiện nay.