Em vừa xem vnexpress một số thông tin
Những mất mát đầu tiên từ cơn bão số 6
Đà Nẵng, Quảng Nam, nơi tâm bão hoành hành đến 12h trưa nay, đã có ít nhất 3 người chết và 70 bị thương. Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng nhận định, thảm họa sẽ còn nối tiếp và yêu cầu các địa phương phải lên phương án cứu nạn sau bão. Ban Chỉ huy tiền phương đã phải rút xuống tầng cố thủ.
*Tiếp tục cập nhật
Tâm bão đã tiến sâu vào huyện miền núi Nam Giang, Phước Sang của Quảng Nam. Tuy nhiên, trước khi vào khu vực này, bão đã quật ngã hàng nghìn cột điện, cây xanh của các huyện Điện Bàn, Duy Xuyên, Đại Lộc, Quế Sơn. Một nhân viên Viettel đã thiệt mạng trong ca trực phòng chống bão.
"Tại huyện Điện Bàn, có một làng ven biển bị bão giật sập toàn bộ nóc nhà, hàng chục ngôi nhà bị san phẳng", bà Hồ Thị Thanh Lâm, Phó chủ tịch UBND tỉnh thông báo.
Bà Lâm cho biết đã lệnh cấm không cho người dân ra đường vì có thể bị gió cuốn bay. Tuy nhiên, nhiều người dân đã phải cố leo lên mái nhà để đắp chặn, gia cố thêm mái cho chắc chắn.
Mưa to, lượng mưa lên đến 270 mm đã nhấn chìm thị xã Tam Kỳ, Hội An và một phần của huyện Núi Thành trong biển nước. Nhiều ngôi nhà cổ ở đô thị Hội An đã bị hư hỏng và đứng trước nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào.
Quốc lộ 1A bị gián đoạn hoàn toàn bởi tràn ngập cây đổ, một số đoạn bị nước lũ tràn qua. Các lực lượng gồm quân khu 5, cảnh sát giao thông trong trang phục áo phao đỏ đang túc trực tại các vị trí xung yếu để hướng dẫn giao thông và giúp dân chằng lại nhà cửa.
Cây đổ ở Đà Nẵng. Ảnh: TTXVN.
Tại Đà Nẵng, trong tiếng gió gào thét là tiếng xe cứu hỏa rú vang trời. Bão đã cướp đi 2 sinh mạng. Bệnh viện Đà Nẵng liên tục nhận được các ca cấp cứu nạn nhân bị thương do nhà sập, tốc mái. Chỉ trong sáng nay, tại bệnh viện này đã có 70 bệnh nhân.
Trên các đường phố ở trung tâm thành phố Đà Nẵng ngổn ngang các mảnh vỡ, bảng hiệu quảng cáo, cây đổ. Hầu hết người dân cố thủ trong nhà tối om vì từ 9h tối qua, toàn thành phố bị cắt điện hoàn toàn. Một số ít mạnh dạn ló ra ngoài đường, nhưng rồi lại phải vào nhà ngay vì gió quá mạnh.
Tại các phường ven biển, khung cảnh còn hoang tàn hơn. Sóng biển đánh mạnh vào kè tạo thành những vòng bọt trắng xóa, cao tới 2-3 m. Cây cối đổ rạp, nhiều ngôi nhà cấp 4 bị san phẳng. Ngay trong bão, công an đã được lệnh sơ tán khoảng 500 người dân phường Hòa Minh. Nơi đây có quá nhiều nhà sập và người dân bị thương do tường đổ, ngói rơi trúng người.
Hiện gió bão ở Đà Nẵng, Quảng Nam vẫn trên cấp 8, giật cấp 11-12, các máy bay cứu hộ đã không thể tiếp cận hai địa phương này. Trước đó, máy bay được chi viện từ Tân Sơn Nhất và Hà Nội đã phải nằm chờ tại sân bay Phan Rang và Vinh. Các phương tiện này chỉ hoạt động trong điều kiện gió cấp 6 trở xuống.
Trong khi các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Quảng Trị mưa bão tơi bời thì không khí tại các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Gia Lai, Kon Tum, Đăk Lăk lại khá yên ắng. Ông Trần Đình Tâm, trưởng ban phòng chống lụt bão huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định cho biết, thậm chí trời còn hửng nắng, nhiều lúc có mây, gió chỉ cấp 4. Tại các tỉnh Tây Nguyên chỉ có mưa nhẹ, gió cấp 5. Ông Lê Việt Hường, phó chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho biết, lượng mưa ở Tây Nguyên nên với sức chứa của các hồ nước tại đây, chưa có khả năng gây lũ, lũ quét và sạt lở.
Đường dây 500 KV ngừng hoạt động, điện thoại tê liệt
12h: Ông Trần Quốc Anh, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực VN (EVN) đang có mặt ở Đà Nẵng cho biết, đến 12h trưa nay, chỉ có 3 khu vực còn đảm bảo nguồn điện lưới là Đài Truyền hình thành phố, Ban phòng chống bão lụt Trung ương và Trung tâm Khí tượng thủy văn miền Trung.
"Chiều nay, chúng tôi sẽ đưa một máy diezel lên Trung tâm khí tượng Thủy văn miền Trung để cung ứng đủ nguồn điện để không gián đoạn thông tin dự báo thời tiết.", ông Quốc Anh cho biết.
Đường dây 500 KV, nơi cung cấp nguồn điện chính cho miền Trung và miền Bắc đã ngừng hoạt động. Có khả năng sẽ phải cắt điện một loạt các tỉnh lân cận Đà Nẵng và một số khu vực của Hà Nội.
Trung tâm điều độ của Điện lực Đà Nẵng bị vỡ hàng loạt cửa kính máy móc bị va đập, nhưng các chuyên gia vẫn không dám ra ngoài để kiểm tra. "Chúng tôi sẽ kiểm tra ngay khi nào mưa ngớt vì nếu làm việc trong điều kiện không đảm bảo sẽ ảnh hưởng đến tính mạng", ông nói.
11h45: Liên lạc điện thoại cố định ở miền Trung tê liệt. Ông Phạm Xuân Kiên, Phó giám đốc Bưu điện Đà Nẵng cho biết, tình hình vô cùng nghiêm trọng. 4 đài vệ tinh cung cấp cho điện thoại cố định đã ngừng hoạt động. Các trạm thu phát sóng của mạng di động MobiFone và VinaPhone đang hoạt động cầm cự và chỉ đáp ứng được 20-30% lưu lượng cuộc gọi.
Riêng các số máy nóng của các thành viên trong ban chỉ đạo sử dụng điện thoại di động nội thị Daphone còn hoạt động. "Đây là cơn bão có sức gió mạnh khủng khiếp khiến các trạm thu phát sóng lưu động, Inmasat vệ tinh phủ sóng cho các thiết bị đầu cuối viễn thông... mà VNPT chuẩn bị để ứng cứu sự cố cũng không thể phát huy tác dụng", ông Kiên nói. Theo ông thông tin liên lạc từ điện thoại di động chỉ còn tính theo từng phút.
Ảnh tâm bão chụp qua vệ tinh lúc 11h30
Ảnh trên mây vệ tinh cho thấy, 11h30, mắt bão hoạt động rất rộng, trong bán kính khoảng 500 km suốt từ ngoài biển vào sâu trong đất liền của Đà Nẵng và Quảng Nam. Khi tiến vào bờ, mắt bão mờ dần. Đuôi bão có xu hướng tách khỏi vòng xoáy tâm bão.
Còn theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn, sau khi đi vào thành phố Đà Nẵng, bão đã gây gió giật cấp 13-14; giật trên cấp 13 tại thị xã Tam Kỳ (Quảng Nam); giật cấp 13 tại đảo Lý Sơn; cấp 10 tại thành phố Huế. Ở các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi đã có mưa to đến rất to.
Dự báo, bão tiếp tục tiến sâu vào đất liền Quảng Nam theo hướng Tây với tốc độ 15-20 km một giờ và suy yếu dần. Trưa và chiều nay bão ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam
Liên lạc ở miền Trung có thể tê liệt
10h: Hàng loạt trạm thu phát sóng điện thoại của VNPT, Viettel ở Đà Nẵng bị đánh gục. Mất điện trên diện rộng, các trạm thu phát phải sử dụng máy nổ tuy nhiên cố gắng lắm cũng chỉ cầm cự được đến khoảng 12h. Hai số điện thoại nóng của Viettel mở cho Trưởng ban Chỉ huy Tiền phương Nguyễn Sinh Hùng bị gián đoạn.
Ông Phạm Xuân Kiên Phó giám đốc Bưu điện Đà Nẵng, trưởng ban phòng chống bão lụt VNPT khu vực miền Trung, cho biết toàn bộ hệ thống nhà trạm bị tốc mái, máy móc bị hỏng, tài liệu bị tiêu hủy hoàn toàn. Hầu hết các trạm thu phát sóng bị gẫy đổ, dây cáp đứt hàng loạt nếu cố gắng lắm thì cũng chỉ cầm cự được đến khoảng 12h.
"Chưa bao giờ cơn bão lại khủng khiếp như thế, tôi đang đứng bên tổng đài cùng với anh em kỹ thuật để tiếp tục cầm cự với gió bão. Mưa, gió vần vũ trên đầu, nhà tốc mái, chúng tôi đang di chuyển hệ thống tổng đài sâu vào trong để phòng chập điện", ông Kiên nói trong tiếng gió bão gầm rít.
Phó ban Phòng chống bão lụt khu vực miền Trung của Viettel Ngô Anh Thắng hớt hải cho biết, 2 trạm thu phát số 5 và 25 đang đổ gục ngay trước mặt ông. Hệ thống thông tin do Viettel cung cấp luôn trong tình trạng chập chờn.
Lúc 1h đêm qua Viettel đã mở hai số điện thoại cố định không dây cho Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, Trưởng ban Chỉ huy tiền phương, để đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt trong thời gian diễn ra bão. Tuy nhiên, theo ông Thắng, hai số này đã bị gián đoạn vì đường dây cáp bị đứt. Sáng nay, các chuyên gia kỹ thuật đã được huy động sang kiểm tra hệ thống mạng lưới nơi Ban phòng chống lụt bão Trung ương đóng. Thế nhưng, chưa thấy ai quay trở về và điện thoại cũng ở ngoài vùng phủ sóng.
Sông Hương đang lên rất nhanh
9h30: Ông Lê Viết Xê, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, hiện gió đang rất mạnh. Mưa to đi kèm với gió cấp 10 giật trên cấp 11 khiến rất nhiều nhà tốc mái, sập, nhiều cây to bị gió thổi bật gốc. Nước sông Hương đang lên rất nhanh, ở mức báo động 3 và chỉ còn cách mố cầu Tràng Tiền chừng 1m. Nước đã tràn qua đập Đá. Tuy nhiên, theo ông Xê, điều quan tâm nhất của Thừa Thiên Huế hiện nay là khu nhà tạm, nhà ven sông Hương và ven đầm Phá. Bởi dân cư ở đây chưa được di dời.
Tại Hà Tĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Trần Đinh Đàn cho biết, Lo lắng nhất hiện nay của Hà Tĩnh là lũ quét. Theo ông Đàn, các huyện Hương Sơn, Hương Khê và Phú Quan có nguy cơ xảy ra lũ quét, nếu trong thời gian tới, nước lũ từ Lào tràn qua. Đến nay, tỉnh đã sơ tán hết dân khỏi vùng nguy hiểm và toàn bộ tàu thuyền đã về bờ. Hiện bão ở đây mới chỉ ở cấp 6-7, mưa nhỏ, chưa có ảnh hưởng đáng kể. Chỉ có huyện Kỳ Anh là bị ảnh hưởng nặng do nằm ở cuối tỉnh, sát Quảng Bình.
Tại Quảng Nam, mưa đã giảm và gió cũng bớt quay cuồng so với 2 tiếng trước đó. Toàn tỉnh bị cắt điện từ lúc 8h sáng. Tại thị xã Hội An và huyện Duy Xuyên, nơi tập trung nhiều tàu biển, sóng biển đánh mạnh khiến các tàu xô vào nhau, có chiếc chìm nghỉm.
"Tôi được thông báo tại các huyện thị phía bắc giáp với tâm bão Đà Nẵng (gồm thị xã Hội An, huyện Điện Bàn, Duy Xuên, Núi Thành) bị thiệt hại rất nặng. Dù chưa có thông báo người chết, nhưng tàu chìm, nhà cửa đổ sập rất nhiều", bà Hồ Thị Thanh Lâm, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam thông báo.
Tại Quảng Trị, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, hiện gió mới ở cấp 6-7, lượng mưa chừng 40mm. Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng và Thủy văn Trung ương, sáng nay, Quảng Trị sẽ có mưa to. "Tuy nhiên, do bị chắn bởi đèo Hải Vân nên bão hiện mới chỉ gây ảnh hưởng nhẹ tới Quảng Trị", ông Hiếu nói.
Đà Nẵng - tâm bão
9h: Tâm bão số 6 (Xangsane) đã đi vào đất liền Đà Nẵng với sức gió giật trên cấp 12. Tuy đã giảm một cấp so với khi hoành hành ở biển, nhưng gió bão đã nhấn chìm nhiều tàu neo đậu trên sông Hàn, giật tung cột điện, cây cối ven đường. Mái ngói, tôn, cửa kính nhiều ngôi nhà bị gió cuốn bay rào rào.
Tại cửa sông Hàn, nơi trú ẩn hàng trăm tàu thuyền, gió bão quay cuồng, giật đứt dây neo đậu. Một số tàu đã chìm nghỉm trước sự bất lực của con người.
Chị Phạm Thị Kim Hiếu, trú tại quận Ngũ Hành Sơn, đang cố thủ trong nhà mái bằng, nói giọng run run: "Đóng hết cửa rồi, vẫn nghe gió thổi ào ào, mái ngói bay vù vù. Chưa bao giờ thấy tôi gió dữ như vậy".
Nhiều cửa kính các khách sạn ven biển Đà Nẵng cũng bị gió cuốn vỡ tan. Nhiều khách sạn khác đang ra sức gia cố, chắn cửa kính. Anh Nguyễn Văn Nhơn, khách đang trú ngụ tại khách sạn Royal trên đường Quang Trung, Đà Nẵng cho biết, gió bão quá mạnh, cây cối gãy nằm la liệt ngoài đường. Phố vắng tanh. Toàn bộ khách du lịch trú tại khách sạn này tối qua thức trắng.
Các tỉnh từ Đà Nẵng ngược ra phía bắc, mưa đang rất to. Tại Quảng Nam, gió giật cấp 10; Huế cấp 9; Hà Tĩnh là cấp 8. Quảng Bình, dù cách Đà Nẵng tới 2 tỉnh, nhưng gió vẫn giật cấp 10.
Sáng nay, tại cuộc họp khẩn cấp của Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Ngọc Thuật cho biết, điều lo ngại nhất hiện nay là mưa lớn làm hình thành lũ, đe dọa nhấn chìm hàng nghìn hộ dân sinh sống dọc các bờ sông. Sáng nay, lũ trên các sông Bồ, Hương đang ở xấp xỉ báo động 2. Nhưng dự báo chỉ trong chiều tối nay, lũ sẽ vượt cấp 3, cấp cao nhất trong mức độ dự báo.
Mưa lớn tràn về các hồ chứa, đe dọa vỡ và có thể cuốn phăng hàng trăm nhà dân. Tuy nhiên, đại diện Cục Thủy lợi đã trấn an rằng các hồ của Tây Nguyên đang bước vào cuối mùa mưa, hồ gần đầy nước. Để đảm bảo an toàn, ban quản lý các hồ này đã được lệnh mở cửa tràn, xả bớt nước.
Riêng hồ Trà Cân, huyện Đại Lộc, Quảng Nam, nơi tâm bão có thể đi qua, đang trong tình trạng báo động đỏ. Do chất lượng bêtông thân cống kém, đập đất bị thấm, lại nằm ở độ cao 116 m so với dân cư vùng hạ lưu, nên để tránh nguy cơ nước đầy, vỡ hồ, 500 người dân nằm trong vùng nguy hiểm đã được di dời từ hôm qua.
Quảng Nam mưa gió mịt mù
Mưa gió mịt mùng. Ảnh: TTXVN
8h: Gió bão số 6 (Xangsane) mạnh cấp 10 tại Đà Nẵng, cấp 9 ở Quảng Nam. Suốt từ Thừa Thiên - Huế đến Quảng Ngãi, người dân lo sợ ngồi trong nhà, đóng kín cửa.
Xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, Quảng Nam nằm sát cạnh biển hiện chìm trong mưa gió mịt mù. Ghi nhận của phóng viên VnExpress có mặt tại đây, gió mạnh hơn so với 1 tiếng trước, bẻ gãy cành toàn bộ hàng phi lao chắn sóng biển, nhổ trốc gốc cây cối và ném ra xa.
Hoàn lưu bão đã tạo nên gió Tây Nam từ đất liền thổi ra. Trong khi đó bão từ biển thổi vào khiến sóng dâng cao 4-5m đánh mạnh vào bờ. Sức gió mạnh hơn đã làm giảm sức mạnh của sóng lại và thổi dạt ra biển. Nhờ vậy, bãi biển khu vực này đã giảm bớt một phần thiệt hại ảnh hưởng của sóng.
Miền Trung mất điện diện rộng
Tin khí tượng thủy văn dự báo, 8-9h, tâm bão sẽ đổ bộ vào các tỉnh Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi. Cơn bão đi chếch theo hướng tây tây nam nên Đà Nẵng hứng gió mạnh đầu tiên. Sóng biển có thể cao tới 10-15m.
7h30: Gió tại Đà Nẵng giật trên cấp 10. Quảng Nam cấp 9, Quảng Ngãi gió giật trên cấp 7.
Toàn bộ Đà Nẵng bị mất điện từ 3h sáng. Điện lưới trong hầm đường bộ Hải Vân cũng bị mất hoàn toàn. Điện lực đã phải khôi phục trạm phát điện 110 KV để đảm bảo lưu thông trong hầm.
Các huyện Thăng Bình, Duy Xuyên, Điện Bàn, Hội An của Quảng Nam không có điện. Huyện Bình Sơn, Trà Bồng thuộc Quảng Ngãi bị ngắt điện từ lúc 22h tối qua. Lúc gần sáng thành phố Quảng Ngãi cắt điện trong 30 phút, sau đó ngành điện lực đã sửa chữa ngay.
Đảo Lý Sơn của Quảng Ngãi, Cù lao Chàm thuộc Quảng Nam với hơn 4.000 người đang bị cô lập hoàn toàn. Nhiều con đường ở Cù Lao Chàm ngập 1m dưới biển.
Trưởng Ban phòng chống lụt bão Quảng Ngãi Trương Ngọc Nhi cho biết, 8h sáng nay, tỉnh sẽ họp Ban chỉ đạo để bàn phương án tiếp cứu cho đảo Lý Sơn.
Mưa chưa nhiều. Thống kê của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão các tỉnh miền Trung, lượng mưa chỉ mới đạt trung bình 40-50mm. Tuy vậy lũ ở các con sông trong khu vực đang lên nhanh đến báo động 2. Đến rạng sáng nay, nước sông Bồ ở 2,73 m, sông Vu Gia 5,21m. Dự báo của khí tượng thủy văn, lũ sẽ còn lên cao rất nhanh do ảnh hưởng của mưa bão.
Thấp thỏm lo âu
7h: Phó Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão thành phố Đà Nẵng cho biết, nhiều cây cối đang ngã đổ trên đường. Nhiều ngôi nhà bị tốc mái. Điện thoại liên lạc thường xuyên mất sóng. Cả Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương cũng phải sử dụng máy phát điện dự phòng để hoạt động.
Gia đình ông Thái Văn Kiệt, một người dân ở khu cân cư Hòa Cường, Đà Nẵng gồm 3 người đang dồn nấp vào toilet tầng 1 vì sợ đổ nhà. "Khi tâm bão trên cấp 13 vào, không biết giếng trời nhà tôi có chịu đựng nổi không", ông Kiệt lo âu nói với phóng viên VnExpress.
Nếu giếng trời bị bốc đi, toàn bộ mái nhà của ông sẽ bị gió lột sạch. Ông Kiệt đang dựng giường lên sát vách toilet như một công sự dã chiến ngay trong nhà, đề phòng trường hợp xấu nhất nhà bị sập thì cả gia đình chui xuống giường trú ẩn. Đây là một phương pháp thường được thế giới áp dụng khi xảy ra động đất.
Nhiều người dân rời nơi trú ẩn
Ở huyện Thăng Bình, Quảng Nam, nhiều người dân đang ở nơi trú bão là bệnh viện đa khoa huyện lại lục tục kéo nhau về nhà vì lo cho gia đình. Chị Nguyễn Thị Hai, một người dân cho biết: "Về nhìn qua nhà xem có bị mất cái gì hay không". Tình trạng rời khỏi nơi trú ẩn trong khi bão chuẩn bị đổ bộ như thế này là rất nguy hiểm.
3h: Đồn biên phòng 264 đóng tại xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, nằm cách biển khoảng 5m, đã phải nhổ trại dời vào bệnh viện đa khoa, nơi trú ẩn của người dân. Gió bão mạnh cấp 5, 6, sóng biển cao 2m kết hợp triều cường làm nước tràn lên đồn, buộc mọi người phải di tản. Phóng viên VnExpress cũng có mặt tại đồn và phải di chuyển cùng các chiến sỹ. 7h sáng nay, triều rút ra xa hơn 30m, cả đồn lại kéo về chỗ cũ để theo dõi diễn biến cơn bão.
Hiện khoảng vài chục hộ dân ở ven sông Trường Gia, con sông song song với biển Quảng Nam đang có nguy cơ bị nước cuốn. Những hộ dân này nuôi tôm sú trên sông nên không chịu sơ tán. Theo ông Nguyễn Ngọc Quang, Trưởng ban phòng chống lụt bão tỉnh, nếu bão đổ bộ vào và sóng lớn, khu vực sông Trường Giang sẽ có lũ mạnh, nguy hiểm cho dân. Phương án tiếp cứu đang được triển khai, song người dân chưa chịu hợp tác.
*Tiếp tục cập nhật