Em nghĩ là phải trả tiền cho ngân hàng thôi, hầu như không có hướng khác đâu.
Ngoài ra có một số vấn đề em xin phép chia sẻ như sau:
1. Hợp đồng công chứng là gì? Là hợp đồng được ký giữa hai hoặc nhiều bên được xác nhận bởi công chứng viên có đủ điều kiện để hành nghề, là các bên tham gia có đầy đủ năng lực hành vi, hoàn toàn tự nguyện và giao kết không trái pháp luật. Hợp đồng thế chấp tài sản/Hợp đồng thế chấp tài sản của bên thứ ba để đảm bảo cho nghĩa vụ nợ của Bên vay với Bên cho vay được xác lập ở Phòng Công chứng để đảm bảo tính khách quan, và gia tăng mức độ chuẩn xác, đảm bảo đúng quy định pháp luật, nếu phải mang ra xử lý khi có tranh chấp.
Thực tế có hợp đồng thế chấp song phương các bên tự ký với nhau không mang ra công chứng không? Có. Trong trường hợp tài sản chưa đủ điều kiện để ký công chứng, hoặc tài sản được đảm bảo cho nghĩa vụ có tính rủi ro không quá lớn, xét thấy có thể đơn giản thủ tục được.
So sánh thì như báo cáo tài chính do công ty lập với báo cáo có xác nhận kiểm toán ấy, dù có hay không có công chứng thì hợp đồng vẫn được thừa nhận là văn bản ràng buộc quyền lợi và nghĩa vụ của các bên khi có tranh chấp xảy ra.
2. Đăng ký giao dịch đảm bảo là gì? Nói ngắn gọn là đăng ký với cơ quan chủ quản của tài sản là tài sản này đã được thế chấp cho tôi, đề nghị ông không xác nhận mua bán, chuyển nhượng, cho tặng... tóm lại là chuyển dịch tài sản này. Ngoài ra, nó còn xác nhận thứ tự ưu tiên khi xử lý tài sản thu nợ, ông nào đăng ký trước được ưu tiên xử lý trước, ông nào đăng ký sau được ưu tiên xử lý sau. Ví dụ: 1 cái nhà 30 tỷ đảm bảo khoản vay 3 tỷ ở Ngân hàng A, đăng ký giao dịch đảm bảo tháng 1/2016; Ngân hàng B thích cho vay, cũng nhận tài sản này làm tài sản đảm bảo thêm cho khoản vay 5 tỷ, đăng ký giao dịch đảm bảo tháng 5/2016. Như vậy, khi xử lý ông A sẽ được ưu tiên thu nợ trước, ông B sẽ được sau. Trường hợp này khó xảy ra với nhà đất vì chả ông Ngân hàng B nào dại thế, và thực tế việc đăng ký gd đảm bảo với nhà đất hiện tại khó để làm với nhiều ngân hàng khác nhau. Nhưng tài sản khác ví dụ hàng tồn kho, khoản phải thu... mặc dù hiếm, nhưng không phải là không có truờng hợp nhận chung làm tài sản đảm bảo giữa các ngân hàng.
3. Cái bảo lãnh bằng tài sản này khác hẳn với nghiệp vụ bảo lãnh của các ngân hàng thông qua phát hành các thư bảo lãnh và L/C.
4. Có một lý do các Ngân hàng không thích khởi kiện hình sự với các bên vay quá hạn, đấy là án mà đã sang hình sự là hầu như không có đường về dân sự. Tài sản sẽ bị treo lên rất lằng nhằng không biết đến bao giờ mới xử lý để thu được nợ.
5. Về phía bên bảo lãnh nếu muốn khởi kiện hình sự với bên vay thì đây là vụ án khác, không liên quan gì đến việc ngân hàng phát mại thu tài sản theo vụ án kinh doanh thương mại (dân sự). Nếu lằng nhằng quá mà làm phát sinh nhiều thì cũng có nguy cơ cái nhà tài sản sẽ bị treo ngược lên, ở có thể vẫn được nhưng đường mua bán, cho tặng, chuyển nhượng là bế tắc. Cụ chủ cũng nên cân nhắc.
6. Để tìm được lỗi dẫn đến hợp đồng tín dụng vô hiệu không phải tư vấn trên này là được, mà cũng không phải luật sư dân sự nào cũng làm được. Thường phải là nhân viên ngân hàng có thâm niên xử lý nợ mới có thể nhạy cảm với lỗi này, mà cũng hiếm khi họ làm giúp vì nó liên quan đến đạo đức nghề nghiệp. Nếu để tự làm, cụ chủ thớt và gia đình hầu như vô phương.
Cá nhân em cho rằng, có bệnh thì vái tứ phương, cái nhà là tài sản lớn ai mà không xót. Nhưng cụ chủ nên bình tĩnh sao cho giải quyết xong cả nhà yên ổn làm ăn lại. Nếu mệt mỏi quá có thể ảnh hưởng tinh thần, sức khoẻ mà chưa chắc được việc gì đâu ạ.