Bảo Đại kể về những ngày tháng sống lưu vong ở Trung Quốc không xu dính túi
Tôi đang nghĩ tới đó, thì thấy một người đến đứng phía sau lưng. Ngoảnh đầu trông lại thì đây là một người Trung Hoa, vận âu phục, hơi có vẻ lớn hơn tôi ít tuổi. Ông ta cười và hỏi:
- Ông nói tiếng Pháp ạ?
- Dạ vâng. Tôi đáp, vì sung sướng được nói chuyện với bất cứ ai lúc ấy.
Ông này tự giới thiệu:
- Tôi là Yu, trước luật sư ở Paris.
- Tôi cũng đã theo học ở Pháp. Tên tôi là Vĩnh, sanh ở Việt Nam. Tôi đi du lịch và vừa lỡ chuyến bay…
- Thế ông ở đâu?…
Thấy tôi ngập ngừng, ông hiểu ngay hoàn cảnh của tôi, và nói nhanh:
- Xin mời ông đến nhà tôi ạ. Tôi là con của vị Thị trưởng ở đây. Ông cụ tôi mất được ít lâu nay, chính vì thế mà tôi trở về nước. Rồi ông sẽ thấy nhà tôi khá rộng, và ông sẽ được hài lòng.
Tôi đã đến và được cả gia đình quí trọng. Nhà rộng, xây kiểu xưa, có bà Yu, và cụ nội ông ta, các anh chị em và nhiều gia nhân. Từ khi ông cụ chết đi thì gia chủ ngôi nhà là ông bạn này. Tất cả mọi người đã tỏ ra kín đáo và không ai dám thắc mắc gì.
Trong thời gian tôi đi với phái đoàn ở Côn Minh, tôi không có dịp đi thăm thành phố. Nay thì tôi có thể đi thăm, và Yu tỏ ra là người dẫn đường thành thuộc.
Côn Minh trước kia gọi là Vân Nam phủ, là một tiểu thủ đô về thời trung cổ. Thành phố rất đẹp, đường phố hẹp, nhà cửa mái ngói đỏ tươi, thời kháng chiến chống Nhật đã đóng vai trò quan trọng. Thật vậy, vì nằm ở cuối con đường xe lửa Vân Nam do người Pháp thiết lập, để thông xuyên đến vịnh Bắc kỳ qua cửa bể Hải Phòng, đồng thời cũng là cửa ngõ quan trọng để thông với Miến Điện, mà người Anh lập nên, tốn kém không biết bao nhiêu tiền của. Người Mỹ đã thiết lập ở đây một căn cứ không quân, để tiếp viện cho Trung Hoa Dân quốc rất nhiều dụng cụ viện trợ. Cũng từ căn cứ này, xuất phát các tuyến bay cho mọi phi vụ cho khắp cả vùng Đông Nam Á châu.
Vì vậy, khi các binh sĩ Mỹ vừa bỏ đi, dân chúng cả triệu người vẫn còn sống trong sự phồn vinh, mặc dù giả tạo. Đường xá của tân thành phố còn đầy những xe nhà binh đủ loại: xe GMC, xe Jeeps, cả các xe dân sự nữa. Các cửa hàng cũng tràn ngập hàng hóa.
Nhờ sự hảo tâm của chủ nhân, tôi có thể mua sắm được mấy bộ quần áo để thay đổi. Trong một cửa hàng bán quần áo cũ, tôi đã mua đầy đủ một bộ cánh nhà binh: áo lót, áo sơ mi, quần, áo choàng, và thêm vào đó… sao lại không, chiếc mũ ca-lô đầy huy hiệu sặc sỡ. Thay bộ đồ ngay tại chỗ, tôi lấy làm ngạc nhiên khi ra đường gặp các binh sĩ Trung Hoa nghiêm chào. Khi kể chuyện với ông Yu lúc về nhà, ông này cho biết, tôi đã vô tình vận bộ binh phục của viên Đại tá Không quân Mỹ. Thế là cả nhà reo mừng đùa là tôi mới được thăng chức nhanh chỏng.