Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam: VinFast sẽ góp phần dẫn dắt công nghiệp hỗ trợ Việt Nam bứt phá
Dân trí Ông Lê Dương Quang đánh giá cao VinFast đã xuất sắc hoàn thành kỳ tích khi chỉ mất 21 tháng xây dựng để khánh thành Nhà máy sản xuất ô tô thương hiệu Việt đầu tiên, đồng thời cho rằng thương hiệu ô tô của Vingroup sẽ trở thành đầu tàu thúc đẩy ngành công nghiệp chế tạo trong nước phát triển, đặc biệt là lĩnh vực phụ trợ.
Vị Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hộ trợ Việt Nam, nguyên ********** Bộ Công thương nhìn nhận, VinFast là người đi sau nên có thể đi thẳng vào công nghệ mới nhất, hiện đại nhất và bày tỏ sự thán phục với độ “chịu chơi” của VinFast khi toàn bộ thiết bị trong nhà máy đều là “hàng hiệu”, mang lại sự yên tâm tuyệt đối về chất lượng sản phẩm.
Chuyên gia Lê Dương Quang
“Bài toán khó 20 năm” được VinFast giải trong 21 tháng
Là một người luôn dõi theo sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, ông đánh giá thế nào về sự kiện khánh thành Nhà máy sản xuất ô tô VinFast?
Đã hơn 20 năm rồi kể từ ngày chúng ta bắt đầu đặt nền móng cho ngành công nghiệp ô tô tại Việt Nam. Cũng có nhiều doanh nghiệp bước vào thử sức, tuy nhiên, theo đánh giá chung của giới chuyên môn thì ngành công nghiệp ô tô Việt Nam vẫn chưa đạt tới mức chính phủ đề ra.Trong bối cảnh đó, việc đầu tư một nhà máy sản xuất hiện đại nhất thế giới của VinFast, theo tôi là ý tưởng rất táo bạo và tạo được niềm tin rằng người Việt hoàn toàn có thể có một thương hiệu ôtô dành riêng cho mình.
Giờ đây, sau 21 tháng VinFast “dấn thân”, niềm tin, hay kỳ vọng về một thương hiệu ô tô Việt đã trở thành hiện thực. Đây là sự kiện lịch sử không chỉ của VinFast mà còn của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, thực sự là một bước ngoặt khi bài toán trăn trở hơn 20 năm qua đã được VinFast giải xong chỉ trong 21 tháng.
Đã có dịp đi khảo sát quá trình xây dựng nhà máy của VinFast, ông có một góc nhìn khá khác biệt khi quan sát rất kỹ tên tuổi của các đối tác cung cấp thiết bị, máy móc tại đây. Vì sao vậy?
Trong các ngành công nghiệp công nghệ cao như công nghiệp ô tô, bên cạnh yếu tố con người thì công nghệ sản xuất, máy móc, thiết bị đóng vai trò cực kỳ quan trọng, Nó thể hiện trình độ sản xuất của mỗi nhà máy, mỗi doanh nghiệp.
Nhìn vào các đối tác cung cấp thiết bị, máy móc cho Nhà máy VinFast, có thể thấy đều là các tên tuổi hàng đầu thế giới trong từng lĩnh vực, phần lớn trong số đó đến từ CHLB Đức là đỉnh cao kỹ thuật của thế giới. Quá trình lắp đặt thiết bị tại Nhà máy được thực hiện với kỹ thuật cao nhất hiện nay: định vị tất cả các vị trí lắp đặt máy móc, thiết bị thông qua tọa độ chính xác. Khi thiết bị được chở về là đưa vào vị trí lắp đặt luôn, không phải lưu kho bãi.
Tất cả những điều đó vừa thể hiện quy trình sản xuất hiện đại top đầu thế giới của VinFast, vừa góp phần giúp VinFast đẩy nhanh được tiến độ xây dựng để đạt được kỳ tích 21 tháng như vậy.
Quy trình sản xuất hiện đại như ông vừa nói sẽ giúp gì cho VinFast trong quá trình vận hành nhà máy sau này?
VinFast đi sau nên có điều kiện đi thẳng vào công nghệ mới nhất, hiện đại nhất để tạo nên một quy trình sản xuất hiện đại 4.0 với mức độ áp dụng tự động hóa cao, tích hợp hàng nghìn robot trong các khâu sản xuất. Quy trình hiện đại một mặt giúp VinFast tối ưu hóa hiệu quả sản xuất, mặt khác có thể sản xuất ra những sản phẩm có chất lượng, phẩm cấp đồng đều và độ tin cậy cao.
Theo ông, sản phẩm tốt liệu có là đủ để VinFast thành công?
VinFast không chỉ có những sản phẩm tốt. Với một hệ sinh thái rộng lớn và kinh nghiệm trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ, tôi tin rằng hệ thống chăm sóc sau bán hàng của VinFast – điều mà người tiêu dùng rất quan tâm – cũng sẽ rất tốt.
Chưa kể với các sản phẩm xe máy điện và ô tô điện sau này, VinFast đã hợp tác với các doanh nghiệp có mạng lưới rộng bậc nhất Việt Nam như PV Oil, Petrolimex, Viettel để tăng khả năng tiếp cận dịch vụ của khách hàng. Đó là những bước đi cực kỳ bài bản và tôi tin là các sản phẩm của VinFast sẽ được người tiêu dùng đón nhận.
Công nghiệp hỗ trợ trước cơ hội bứt phá
Trong vài năm gần đây, công nghiệp ô tô Việt Nam đã có những bước khởi sắc. Đặc biệt là VinFast đã trở thành doanh nghiệp đầu tiên xây dựng được chuỗi giá trị sản xuất ô tô quốc tế, thậm chí là dành diện tích 100ha để cho các doanh nghiệp hỗ trợ trong dự án VinFast. Bối cảnh này giúp công nghiệp hỗ trợ được hưởng lợi như thế nào, thưa ông?
Hiện nay, tỷ lệ nội địa hóa đối với xe bus đạt trên 40% giá trị xe, đối với xe tải nhỏ và cỡ trung cũng khoảng 35 - 45%. Riêng xe cá nhân, tỷ lệ nội địa hóa mới đạt khoảng trên 10%.
Tuy nhiên, với thực tế hiện nay, nhất là với sự dẫn dắt của VinFast và mô hình phát triển song hành cùng các doanh nghiệp hỗ trợ, tôi tin là công nghiệp ô tô Việt Nam sẽ có tương lai phát triển và kéo theo ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển trên nhiều lĩnh vực: cơ khí, nhựa, cao su, hóa chất, điện – điện tử...
Với tỷ lệ nội địa hóa như VinFast đặt mục tiêu là 60% thì khả năng của ngành công nghiệp hỗ trợ sẽ có thể đáp ứng được, tất nhiên là với những chính sách hỗ trợ hết sức cụ thể.
Về máy móc, nếu có cơ chế phù hợp, chúng ta hoàn toàn có thể nhập những máy móc hiện đại về để sản xuất. Đối với việc vận hành, sản xuất thì tôi khẳng định công nhân Việt Nam rất sáng tạo và có thể đảm đương tốt.
Đặc biệt, chúng ta cần làm tốt khâu liên kết thì công nghiệp hỗ trợ mới có thể phát triển bứt phá. Thậm chí không chỉ tham gia chuỗi sản xuất của VinFast mà còn tham gia vào các chuỗi sản xuất ô tô toàn cầu của các thương hiệu quốc tế khác. Khi các doanh nghiệp hỗ trợ trở thành một mắt xích trong đó thì giá trị mang lại là cực lớn và sẽ mang lại những lợi ích cho cả nền kinh tế. Vì công nghiệp hỗ trợ phát triển sẽ kích thích một loạt các ngành công nghiệp cơ bản như luyện kim, chế tạo máy, vật liệu mới... phát triển theo.
Vậy muốn tham gia chuỗi sản xuất ô tô toàn cầu như ông nói thì chúng ta cần có định hướng thế nào với công nghiệp hỗ trợ?
Hãy hình dung một chiếc ô tô có hàng chục nghìn chi tiết, không có nền công nghiệp nào có khả năng sản xuất ra tất cả các chi tiết đó một cách hiệu quả.
Cho nên cần chọn ra một vài chi tiết để tập trung đầu tư sản xuất với số lượng lớn, chất lượng cao để đáp ứng trước hết là cho các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp trong nước, sau đó là các nước ASEAN, và xa hơn nữa có thể là cung cấp trên phạm vi toàn cầu.
Như vậy doanh nghiệp hỗ trợ sẽ trở thành một mắt xích trong chuỗi sản xuất ô tô trong nước, ASEAN và toàn cầu. Đó là một mô hình rất hay và tôi cho rằng sẽ làm được. Vấn đề là cách làm thế nào, chính sách của mình ra sao để có thể khuyến khích được các doanh nghiệp đi theo hướng đó.
https://dantri.com.vn/kinh-doanh/chu-tich-hiep-hoi-cong-nghiep-ho-tro-viet-nam-vin-fast-se-gop-phan-dan-dat-cong-nghiep-ho-tro-viet-nam-but-pha-20190620113752562.htm