Kinh doanh đa cấp: Được gì mất gì?
Những diễn biến xung quanh câu chuyện lừa đảo của Muaban24.vn thực sự đã hâm nóng lại câu chuyện “cũ mà mới”: Nên hay không nên tham gia mạng lưới kinh doanh đa cấp. Bài viết này nhằm phân tích một chút khái niệm “Kinh doanh đa cấp” cũng như cung cấp cho bạn những điều bạn nhận được khi tham gia mô hình này.
Kinh doanh đa cấp là gì?
Chỉ cần tra tìm các từ khóa như Kinh doanh đa cấp hay Multi Level Marketing, bạn sẽ nhận một khái niệm chỉ phương thức tiếp thị sản phẩm trực tiếp tới tay người tiêu dùng, không thông qua các đại lý hay cửa hàng bán lẻ mà qua hệ thống “Nhà phân phối” (Distributors). Hình thức này được cho là tiết kiệm nhiều khoản chi phí như sân bãi, kho chứa, vận chuyển, khuyến mại hay quảng cáo. Số tiền tiết kiệm được sẽ dùng để trả thưởng cho các nhà phân phối và hoa hồng cho các nhà bảo trợ tuyến trên.
Có hai loại hình MLM:
1. Kinh doanh đa cấp hợp pháp
2. Kinh doanh đa cấp biến tướng
Nói đơn giản, loại kinh doanh đa cấp biến tướng hay hình tháp ảo là hình thức tập trung vào tuyển mộ càng nhiều người vào hệ thống để ăn hoa hồng, đồng thời sử dụng sản phẩm như một loại “bình phong” che giấu đi mục đích thực sự là phân phối lại thu nhập. Những công ty này thường sử dụng những loại sản phẩm chất lượng thấp hoặc những sản phẩm bình thường không có gì đặc biệt nhưng tung hỏa mù, ngụy trang cho chúng trở thành những sản phẩm siêu cấp có giá trị lớn. Hiện nay ở Việt Nam xuất hiện nhiều công ty dạng này và Muaban24 là bằng chứng nhãn tiền đầu tiên cho thấy hậu quả nghiêm trọng của nó. Một công ty kinh doanh đa cấp hợp pháp thì buộc phải có sản phẩm được kiểm định, có chất lượng, ngoài ra họ phải bán được phần lớn hàng hóa cho những người không phải nhà phân phối trong tổ chức, nếu không cũng sẽ bị quy kết là mô hình hình tháp ảo phạm pháp.
Kiến thức thông thường là vậy. Nhưng cái quan trọng là bạn được gì khi tham gia kinh doanh đa cấp. Trước hết mời các bạn đọc qua case study này:
“Dữ kiện 1: Amway có 3 triệu NPP (Nhà phân phối)
Dữ kiện 2: Doanh thu của Amway vào năm 2009 là 8,4 tỷ USD.
Dữ kiện 3: Doanh thu của Amway vào năm 2008 là 8,2 tỷ USD.
Dữ kiện 4: Doanh thu của Amway vào năm 2007 là 7,1 tỷ USD.
Dựa trên các dữ kiện, có thể rút ra điều sau: Trong năm 2009, doanh thu bán ra một năm của một NPP là 8,4 tỷ / 3 tr = 2,800 USD.
Doanh thu này bằng chi phí sản xuất ra hàng hóa + lãi, hay nói cách khác, giá trị của sản phẩm + hoa hồng mà NPP được hưởng. Đặt giả thuyết lãi ở mức cao, 30%, như vậy số tiền mà một NPP kiếm được một năm sẽ là: 2,800 * 30% = 840 USD. Một tháng, một NPP kiếm được trung bình: 840/12 = 70 USD, tương đương khoảng 1,5 triệu VND.
Chi phí để kiếm được số tiền đó phải tính đến xăng xe để đi lại, điện nước phải chi trả, tiền trà nước để mời đối tượng tiềm năng, chi phí mua băng đĩa, phí cho các buổi họp… Trừ đi hết những khoảng này, nếu NPP may mắn không lỗ, anh ta cũng không thu được bao nhiêu.
Không phải NPP nào cũng lỗ, giả dụ như 2% NPP Direct. Có thể sẽ có người nói tôi kiếm được một tháng nhờ Amway nhiều hơn nhiều 70 USD. Có thể, nhưng con số trung bình vẫn còn đó. Bạn kiếm nhiều hơn nhiều, cũng có nghĩa là sẽ có vài người khác kiếm ít hơn nhiều, bởi tổng tất cả cộng lại chia đều vẫn là con số trung bình đó.
Một nhà đầu tư kiếm được một tháng 3,000 USD. Giả sử con số ít hơn của người khác chỉ là 20 USD. Phải có (3,000 – 70) / 20 = 147 người chỉ kiếm được 50 USD/tháng để cân bằng lại với anh ta dưới quyền lực của con số trung bình.” (ptamthuy.wordpress.com)
Những con số trên được lấy từ chính báo cáo của Amway, công ty bán hàng đa cấp nổi tiếng thường được những fan cuồng nhiệt đem ra làm bia đỡ khi bị phản pháo. Với mức thu nhập trung bình 1,5 triệu VND/tháng, tôi băn khoăn không biết những nhà phân phối này sẽ… ăn bằng gì? Chắc hẳn sẽ có người kiếm được nhiều hơn, nhưng ngược lại thì sẽ phải có người kiếm ít đi để đạt được con số trung bình như lý luận ở trên. Sau đây sẽ là những thứ bạn nhận được nếu tham gia đa cấp:
1. Học cách ăn mặc:
Tôi thường rất lấy làm ngạc nhiên khi những người bạn tham gia bán hàng đa cấp mà tôi biết không thể nào rời được bộ vest lịch lãm của họ dù là trong khi đi hát karaoke hay ăn nhậu ở những quán bình dân. Có lẽ bởi họ luôn mong muốn giữ một hình tượng đẹp về một người “thành công” với quần áo nuột nà và phong thái bề trên. Nếu đã đi làm được một thời gian thì mánh này thường không có tác dụng với bạn, nhưng nó lại có hiệu quả bất ngờ lên những người ngờ nghệch, thường là sinh viên hay người kém hiểu biết, ít học hành. Tôi luôn tự hỏi bản thân, không biết những người đi uống rượu ở chốn toàn ông quần đùi áo may ô mà vẫn mặc vest sau này có thành công hay không?
2. Học sự tự tin
Ngoài việc sử dụng quần áo để khiến người khác kinh ngạc về “sự thành công” của mình, những anh chàng hay cô nàng bán hàng đa cấp còn sử dụng phương pháp khác để chứng tỏ bản thân, đó là sự tự tin! Không tự tin sao được khi đứng trước hàng mấy chục người, thậm chí là mấy trăm người để nói rằng mình thành công! Không tự tin sao được khi thuyết trình một cách đầy ngẫu hứng và thuyết phục về những sản phẩm đặc biệt tốt, cơ hội kinh doanh ngàn năm có một và những khoản hoa hồng thưởng lên tới cả triệu đô? Họ còn tự tin tới độ cho rằng mình luôn đúng, còn người khác là sai, là “không hiểu bản thân”, là “kém hiểu biết”. Tôi nghi ngờ những người cho là “tự hiểu mình” ấy thực ra cũng chẳng hiểu mình là cái thứ gì. Dù sao, tham gia kinh doanh theo mạng sẽ giúp bạn tự tin hơn, còn chuyện người khác đánh giá sự tự tin đó của bạn là nhờ khả năng bản thân hay là bị người khác nhồi vào sọ thì đó là chuyện khác.
3. Học cách tiêu tiền
Một khi bước chân vào ngưỡng cửa kinh doanh theo mạng, bạn sẽ biết thế nào là cách tiêu tiền, tiêu tiền một cách... vô ích. Theo như case study ở bên trên, thật dễ dàng nhận ra bạn khó lòng có thể kiếm được mức thu nhập thụ động lên tới cả tỉ đồng như những người đó hay quảng cáo. Trái lại, bạn sẽ trở thành những con thỏ non ngốc nghếch nộp tiền vào một chốn mà chắc chắn là không thể lấy ra được, trừ phi bạn học thành thạo hai điều ở phía trên.
4. Học cách… mất bạn bè
Ai từng bị những người bạn thì thầm vào tai “đi cùng tớ đi. Có một cơ hội kinh doanh/nhóm kinh doanh hay ho lắm” để rồi lại tham gia một hội thảo đa cấp toàn “người thành công” hẳn sẽ chẳng vui vẻ gì khi vừa mất một buổi chiều để rồi chuốc bực vào người. Câu chuyện nếu chỉ có vậy thì đã chẳng sao, nhưng khi người bạn chúng ta tin tưởng lại dành thời gian suốt ngày tỉ tê, nhắn tin, gọi điện ta tham gia, thậm chí có thể làm mặt lạnh, cắt quan hệ thì lúc đó thực sự ta phải xem xét lại. Liệu cái hình thức đa cấp này nó tốt tới mức bạn bè có thể “lừa” nhau đi tham dự mấy hội thảo tạp nham? Tại sao không nói thẳng đó là một hội thảo đa cấp mà phải dựng chuyện bày vẽ đủ thứ đánh lận con đen? Thật nực cười khi bạn bè đánh mất nhau chỉ vì những trò hề đa cấp.
5. Học cách làm ngơ những quy luật xã hội
Nếu được hỏi nghề nghiệp nào ai làm cũng được, không cần bằng cấp nhưng lại có thể giàu và tất nhiên phải hợp pháp, tôi sẽ trả lời đó là “Kinh doanh đa cấp”. Tuy nhiên, cái phần có “giàu hay không” thì tôi không dám chắc vì chỉ có 5% trong nhà lãnh đạo của Amway là có tiền, còn số 95% còn lại thì chắc nghèo rớt mùng tơi, chẳng đủ mức sống cơ bản. Tôi băn khoăn không hiểu sao bán hàng đa cấp lại màu nhiệm như thế? Ai cũng có thể giàu có, chẳng cần học hành, đào tạo, từ ông lái xe tới bà bán rau hay kể cả mấy anh trai làng ít học cũng có tương lai thành... tỉ phú!!! Ôi những quy luật xã hội tầm thường rằng phải học tập, làm việc chăm chỉ, có kiến thức chuyên môn giờ đã trở lên thật ngớ ngẩn làm sao.
Lời kết
Đa cấp có thể là một hình thức kinh doanh “được cho là" tiên tiến, nhưng ẩn sâu đằng sau cái vẻ hào nhoáng của nó là những cạm bẫy nguy hiểm. Cho tới giờ cũng chưa có nghiên cứu nào khẳng định một sự tồn tại lâu dài của mô hình đa cấp. 50 năm chưa phải thời gian đủ dài để một mô hình sai lầm sụp đổ. Bạn có thể tùy quyền lựa chọn tham gia, nhưng hãy nghĩ trước về những hậu quả mà bạn có thể gặp phải với mô hình này. Còn rất nhiều bài nghiên cứu cho thấy làm đa cấp không giúp bạn có tự do tài chính hay thời gian, mà trái lại, nó khiến bạn phải lao tâm khổ tứ hơn rất nhiều so với việc nắm vững chuyên môn và đi làm, chưa kể bạn còn phải chịu áp lực từ xã hội về những hành vi lừa lọc. Hãy để thời gian chứng minh hiệu quả của bán hàng đa cấp, nhưng đừng để tới khi hậu quả nhãn tiền mới hối hận thì đã muộn đấy.
Thấy bài viết hay , copy về cho các cụ nhà mình bình loạn tý !