Về lời bài hát, ta thường nghe:
"Bắc kim thang cà lang bí rợ
Cột bên kèo là kèo bên cột
Chú bán dầu qua cầu mà té
Chú bán ếch ở lại làm chi
Con le le đánh trống thổi kèn
Con bìm bịp thổi tí te tò te"
Đây là một bài đồng dao mà trẻ em Nam Bộ thường hát khi chơi một trò chơi dân gian truyền thống - trò chơi "khèo chân".
Trước hết, hãy hiểu đồng giao là gì? Chính là những câu, những bài hát dân gian của trẻ em hát lúc vui chơi và thường là kèm theo các trò chơi dân gian. Đồng giao cung cấp cho trẻ em có được những tri thức thông thường về cuộc sống, theo những chủ đề cụ thể.
BẮC KIM THANG - cái tên này là không đúng, mà phải là BẮT KIM THAN!
Vì sao ư? dễ hiểu thôi, rất đơn giản: "Kim than" là con ngựa kim màu nâu sậm, "bắt kim than" là bắt con ngựa ấy! (xem cuốn "Đại Nam quốc âm thi tập tự vị" in năm 1895 của Huỳnh Tịnh Paulus Của).
Bài đồng dao và trò chơi này đang được đưa vào trong nhà trường, đó là điều rất nên. Tuy nhiên, hiểu và hướng dẫn cho đúng để không có sự vô lý trong đó là trách nhiệm của những người truyền dạy.
Hãy bắt đầu bằng câu thứ nhất:
Câu thứ 1: Bắc kim thang cá lang bí rợ
=> Có lẽ không ít người hiểu "Bắc kim thang" là bắc cái thang màu vàng, nhỏ xíu như cái kim để leo lên đống bí rợ được người nông dân đã thu hoạch đem về sân chất cao lên. Vậy, các em chơi vậy, ca những bài như vậy, có nguy hiểm không? quá nghịch ngợm không?
Câu thứ 2: Cột bên kèo là kèo bên cột
=> Kết cấu khung sườn nhà, người ta xẻ ngoàm (ngàm) đầu trên của cây cột để có độ chịu cây kèo, chứ không thể rời nhau kiểu cột một bên, kèo một bên được.
Có dị bản là: Cột qua kèo là kèo qua cột, cũng vậy thôi!
Vậy, độ liên quan, giằng đỡ là từ nào đây?!
Bốn câu cuối thì đúng là có vấn đề:
Chú bán dầu qua cầu mà té
Chú bán ếch ở lại làm chi
Kỳ không? Chú bán dầu "té" xuống nước, không có ai lo cứu lại còn "kêu" chú bán ếch "té luôn cho rồi", "ở lại làm chi" (!).
Con le le đánh trống thổi kèn
Con bìm bịp thổi tí te tò te
Trước tình cảnh vậy, le le, bìm bịp khoái trí cười vang và "đánh trống, thổi kèn" nữa! Điều này, khiến cho các em nghĩ và làm sao đây?!
Thực tế bài đồng giao này như sau:
Bắt kim than
Cà lang bí rợ
Cột quai chèo
Chèo qua chèo lại
Bắt ngựa ô
Chạy vô vườn mít
Hái lá mít
Chùi đít ngựa ô.
Trò chơi này hiện đang được hướng dẫn chơi như sau:
Một nhóm 5, 7 em đứng thành vòng tròn, lưng quay vào nhau, mặt nhìn ra phía ngoài. Mỗi em đứng một chân, một chân co móc ra phía sau chạm vào chân của các bạn khác. Khi hát, bạn nào để chân co rơi xuống đất trước là người thua cuộc.
Thực tế, trò chơi này rất vui nhộn, thường diễn ra lúc trời chạng vạng tối. Gồm bốn em nắm tay nhau, bung ra thành vòng tròn (nhìn nhau và tưởng tượng cái đầu của bạn mình chẳng khác gì trái bí rợ chất ở cà lang).
Cà lang - ở miền Tây Nam Bộ khi lúa gặt xong được chất ở sân để trâu đạp (trục) ra hột. Cách chất rất khéo và rất đặc trưng: Vòng theo sân lúa, có lớp lang, ngay ngắn, cọng quay ra, bông hướng vào trong tâm, nên chuột không cắn phá và tiện trông nom, giữ gìn - đó là cà lang lúa.
Những vùng chuyên trồng màu như bí rợ thì cũng làm vậy, ở trong bài đồng dao này là cà lang bí rợ.
Bốn em sẽ chơi như sau:
Chân trái đứng, chân phải đưa thẳng ra phía trước, gác lên chỗ tay của 2 em đối diện đang nắm chặt, 4 cái chân ấy đan vào nhau như quai chèo. Và như thế khỏi cần nắm tay nhau nữa thì 4 cái chân đã tựa chịu vào nhau nên rất chắc, vững. Rồi các em vừa hát, vừa vỗ tay theo nhịp điệu... Tất nhiên, đứng một chân ắt sẽ tê mỏi, nên thỉnh thoảng có em phải nhảy lựng khựng để lấy tư thế cân bằng thì 3 em kia cũng phải điều chỉnh theo, vì thế mới gọi là "bắt kim than" như thắng dây cương ngựa vậy!
Sau khi "bắt kim than" (bắt con ngựa đen) xong, các em tiếp tục "bắt ngựa ô" (bắt con ngựa đen) - nghĩa là hát đến câu cuối cùng (chùi đít ngựa ô) thì các em đồng loạt ngưng vỗ tay và em này vỗ mông em kia rồi phá lên cười ngặt nghẽo, té nghiêng, té ngửa, lồm cồm dậy lại chơi tiếp!
Bắt kim than là bài hát/trò chơi dân gian Nam Bộ, rất có thể nơi xuất phát là Cù lao Bí (Qua Châu) - một địa danh xưa cũ của tỉnh An Giang (sách Đại Nam nhất thống chí và sách Gia Định thành thống chí có đề cập).