“Anh vốn có lịch làm việc ở VOV nhưng gần đến giờ vẫn không xuất hiện, êkíp không liên lạc được. Người thân đến nhà tìm lúc 3 h chiều, phá cửa vào thấy anh đã đi rồi, ước chừng cách đó 1-2 h. Anh vốn bị bệnh phổi nên có thể bị tắc nghẽn đường thở và tử vong.
Mọi người thảng thốt vì sự ra đi của anh. Nhưng có lẽ chỉ có mình anh là hiểu rõ sự ra đi đó. Anh từng có những câu thơ như tiên tri " Một mai chết thật âm thầm/Mấy nhành cỏ dại khẽ trầm ngâm ru/ Một mai chết hết hận thù/Mắt chầm chậm khép, tay từ từ xuôi/Một mai chết thật buồn cười/Tóc tôi buông xuống như người ngủ mơ"
Tôi nằm trong thế hệ yêu thơ Hoàng Nhuận Cầm. Mà cách nay 30-40 năm, thơ anh được thuộc nằm lòng. Là vì dù là lính tham chiến trong chiến tranh Việt- Mỹ, nhưng hầu như Hoàng Nhuận Cầm chỉ làm thơ tình. Mà thật ra có lẽ với cả đời Hoàng Nhuận Cầm thì điều quan trọng nhất là tình yêu và thân phận con người. Những đề tài khác anh viết chỉ là dạng phết phẩy cho vui, mà nói thật cũng thua xa thơ tình của anh. Những bài thơ của anh hồi đó sổ tay học sinh hay sinh viên nào cũng có thể chép như Viên xúc xắc mùa thu, Chiếc lá đầu tiên, Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến....
"Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến/Chỉ tiếc mùa thu vừa mới đi rồi/Còn sót lại trên bàn bông cúc tím/Bốn cành tàn, ba cánh sắp sửa rơi/Hò hẹn mãi cuối cùng em đã tới/Như cánh chim trong mắt của chân trời/Ta đã chán lời vu vơ, giả dối/Hót lên! dù đau xót một lần thôi."
Hoàng Nhuận Cầm là thi sĩ thực sự. Thơ của anh cho thấy một người cuồng nhiệt yêu, mê say, tới tận cùng. Mà gieo vần rất giản dị và trong sáng. Và đời anh cũng liêu xiêu theo mọi biến cố thời cuộc. Anh là con trai đầu của nhạc sĩ Hoàng Giác, tác giả bản Mơ hoa huyền thoại và mẹ là bà Kim Châu, một trong những tiểu thư xinh đẹp bậc nhất Hà Thành năm 1945. Vì bài Ngày về hồi xưa làm nhạc hiệu cho chương trình chiêu hồi của CQSG trước 1975 mà gia đình anh tự dưng bị tai vạ.Thảm họa trên trời giáng xuống đã biến bà Kim Châu từ vai trò một người vợ yếu đuối, thành người lo toan chuyện cơm áo, chạy vạy nuôi cả gia đình vì Hoàng Giác tự dưng không được làm gì nữa.
Hoàng Nhuận Cầm vừa thi đậu đại học là đi lính. Anh may mắn thoát chết trở về, nhưng gia đình chỉ sống trong căn phòng hơn 10 m2 tại Hàng Bún. Nhà rất bé lại hôi hám vì sát nhà vệ sinh chung. Rồi anh đi học lại cho hết đại học, làm thơ và làm phim. Chức sắc cao nhất anh từng làm là Phó giám đốc Hãng phim truyện Hội nhà văn VN. Nhưng thật ra mọi người chỉ nhớ anh khi là Bác sĩ Hoa súng với những câu thoại khiến mọi người cười bò. Và nhớ tới anh như một thi sĩ.
Thi sĩ Hoàng Nhuận Cầm đã ra đi. Cách nay 30 năm anh đã hình dung về cái chết của mình rất rõ
"Nếu tôi chết - gia tài để lại
Thơ mấy bài nào có gì đâu
Bạn đến viếng mua hoa thật rẻ
Cắm trên mồ cho được bền lâu
Kẻo bạn về, tôi buồn phát khóc
Chỉ có hoa thủ thỉ đôi lời
Đừng đốt nhé nến hồng, nến trắng
Tôi chết rồi nào thích dạo chơi
Nếu tôi chết – rượu buồn hãy cạn
Thôi lạy người! Uống hộ một ly
Sống tôi đã như loài cây cỏ
Chết đừng làm say bắt tôi đi…"
"Mai đành xa sông Thương thật thương
Mắt nhớ một người, nước in một bóng
Mây trôi một chiều, chim kêu một giọng
Anh một mình náo động một mình anh."
Chiều qua, ngày 20/4/2021, Hoàng Nhuận Cầm đã thật sự ra đi với sự một mình " Anh một mình náo động một mình anh"
Cầu cho anh thật bình an nơi cõi khác. Và dù ở cõi nào thì anh cũng hãy cứ làm thơ.
Hình Hoàng Nhuận Cầm, hình ba mẹ anh - ông bà nhạc sĩ Hoàng Giác- Kim Châu thời trẻ, hình anh và vợ là diễn viên Điệp Vân/“
Nhà báo Nguyễn Thị Bích Hậu