Đẹp quá , bác có thể giải thích rõ hơn giúp em cái lễ hội này là gì không ạ , tổ chức ngày nào ạ ??
Em từ nơi xa , nhưng mê Tây Bắc lắm , năm nay vẫn còn được 1 chuyến chơi xa nữa nên đang lên lịch .
Nếu được chiêm ngưỡng cái này thì tuyệt .
Đây cụ ơi ...
Sáng ngày đã chọn, tất cả người dân trong xã cùng nhau kéo về khu trung tâm xã, thường thì họ mang theo nhiều kiến thức ăn, đồ uống của ngày tết về dự lễ hội. Và những già làng, những ông trưởng họ đã cùng với thanh niên trong xã chuẩn bị cho ngày lễ những thứ cần thiết, như đồ cúng, những thực phẩm, lương thực, bánh trái dành cho bữa ăn trưa.
Đúng giờ đẹp, giờ tốt, phần chính lễ được bắt đầu, những đồ lễ mang tính dân tộc, theo tập quán người Dao đỏ được bày ra một chiếc bàn dài, nơi được coi là chỗ trang nghiêm nhất, trước chiếc sân rộng. Ngay giữa sân, một đống củi to đã được thanh niên mang đến, xếp gọn gàng, như đống củi thường đốt trong những đêm lửa trại. Ông chủ lễ bắt đầu ngồi xuống ghế, niên phụ lễ và bài cúng thần lửa được cất lên bằng những câu cầu may cho một năm mới, một cuộc sống bình yên, hạnh phúc, cầu mong "mưa thuận, gió hoà", muôn nhà khoẻ mạnh. Rồi sau đó là nhân ngày đầu xuân, chủ lễ mong cầu thần lửa mang hơi ấm của mình về sưởi ấm dân làng, về vui cùng lễ hội. Trong lúc chủ lễ cầu khấn, cũng là lúc người phụ lễ dùng một gióng vầu tre đã được chuẩn bị từ trước, được chẻ đôi, cầm chặt vào nhau như chưa hề chẻ ra, gieo xuống bàn hay xuống đất. Hình thể như ông thầy cúng của dân tộc Kinh làm lễ, "gieo quẻ xin âm dương", khi hai mảnh tre hay vầu cùng ngửa, hay cùng sấp thì cũng có nghĩa là thần lửa đã đồng ý về vui cùng dân bản, còn một sấp, một ngửa thi phải xin lại, đến lúc nào được thì thôi.
Bắt đầu vào buổi lễ, cũng là lúc đống củi được đốt lên, đến khi này, đống củi đã trở thành một đống than hồng rừng rực cháy. Những người muốn được nhảy lửa đã ngồi "hầu lễ" từ đầu buổi lễ, họ lấy que tre gõ liên tục vào những nửa ống vầu đã chuẩn bị sẵn và sẵn sàng ngồi xin thần lửa cùng vui nhảy lửa, chủ lễ lại tiếp tục "gieo quẻ xin âm dương", đến khi thần lửa đồng ý. Và thường thì từng đôi một nhảy lửa, họ đi chân không trên đống than, họ nhảy, họ lăn vòng trên than hồng khi lửa còn lem lém bốc cháy theo từng bước chân của họ. Và khi những đôi bắt đầu được thần lửa đồng ý cho nhảy lửa thì cũng là lúc các đôi khác tiếp tục vào "hầu lễ" để được là người nhảy lửa tiếp theo, cứ đôi nọ, nối tiếp đôi kia cho đến khi đống than hồng tắt lịm dưới những đôi chân trần đen nhẻm do than để lại. Và cũng thật kỳ lạ, chẳng có ai bỏng chân, tay, cháy quần áo, mắt ai cũng như say lờ đờ, ánh lửa mùa xuân như vẫn rừng rực cháy trong lòng họ. Và tình xuân thì đang rực cháy trong hàng trăm đôi mắt các cô gái người Dao dõi theo những chàng trai chưa có vợ, đang nhảy lửa, để rồi xong hội xuân, họ tìm đến nhau, nhen nhóm tình yêu, thương trộm, nhớ thầm để rồi nếu hợp duyên, bén số sẽ nên vợ, nên chồng. Mùa xuân sau, họ lại địu con, theo chồng xuống cùng lễ hội khai xuân, mong thần lửa mang về cho họ hơi ấm tình yêu, hơi ấm của mùa màng no ấm, hạnh phúc.
Lễ hội nhảy lửa chỉ là một phần trong lễ hội khai xuân của người Dao đỏ Hồ Thầu, bên cạnh là lễ hội đẩy gậy, lễ hội "hát mừng xuân" và nhất là khi xong phần lễ là phần hội xuống đồng, tết trồng cây, một sự khởi đầu cho một năm làm ăn mới. Một truyền thống đẹp và cũng mang đậm nét văn hoá truyền thống của dân tộc Dao đỏ . Tỉnh Hà Giang
Theo
Nguyễn Quang
(Báo Dân tộc thiểu số & Miền núi - Số 2/2007)