Chợ phiên Bắc Hà sẽ biến mất?
Sắm váy thổ cẩm trong chợ phiên Bắc Hà
Chỉ cách thành phố Lào Cai chừng 70km nhưng đường lên Bắc Hà - điểm du lịch được “khách Tây” ưa chuộng chỉ sau Sa Pa - vẫn khá gập ghềnh.
“Chịu khó vài năm nữa thôi - anh lái xe động viên tôi sau khi vừa khéo léo tránh được một “ổ trâu” trên đường - khi đường xuyên Á làm xong, đi Bắc Hà chả khác gì lên Sa Pa…”.
Những chợ phiên cuối cùng?
Không như những năm trước mận bán theo thồ (khoảng 20 - 30kg/thồ), mận năm nay được bày bán ở chợ Bắc Hà trong những rổ nhỏ, loại ngon giá tới 25.000đ/kg. Chị Tô Thị Hòa, người xã Bản Phố, chỉ vào chiếc làn nhựa, bảo: “Cả vườn nhà tôi chỉ có bấy nhiêu thôi. Năm nay đúng vào mùa mận ra hoa thì rét đậm rét hại”.
Xuýt xoa hỏi có tiếc không, chị thật thà: “Được mùa cũng khổ chết người. Năm ngoái lúc rẻ nhất có 2.000đ/kg, hái khổ sở, sâu róm đầy mặt cũng chỉ được bằng một làn mận này. Nhưng tất nhiên chả ai mong mất mùa. Mận được giá thì hàng trăm thứ cũng lên giá”…
Sau hai tiếng đồng hồ mưa tầm tã, trời hửng sáng. Chợ phiên Bắc Hà nhộn nhịp nhất vào lúc 10g. Chỗ này, các bà các chị xúm lại chọn mua váy áo thổ cẩm mới. Đằng kia, nom thật ngộ nghĩnh, là đám heo cắp nách, bán theo con chứ không cân. Loại heo này chỉ từ 7-10kg/con, nuôi thả nên thịt rất thơm ngon. “450.000đ một cái (có lẽ người bán muốn nói cái dây dắt heo, tức là một con) đấy, không biết mấy cân đâu”, anh thanh niên người địa phương vui vẻ trả lời tôi.
Lũ heo mỗi con được buộc một sợi dây, chắc thấy đông người nên sợ hãi, chúi vào nhau thành một vòng tròn. Ngã giá xong, người mua được trao cho sợi dây để dắt đi như dắt chú chó nhỏ. Đám gia súc lớn như ngựa, trâu bình thản gặm cỏ trong khi chờ được mua bán, trao đổi.
Anh Trần Hồng Thắng, nhân viên Ban quản lý chợ chỉ sang phía bên kia hồ, bảo: “Có lẽ chợ chỉ còn họp ở đây vài phiên nữa. Chợ mới đằng kia đã sắp xong rồi, chắc tháng sau sẽ dọn sang. Khoảng đất gần hồ này đắc địa, sẽ được làm hạ tầng rồi bán để xây nhà, xây khách sạn, biệt thự”. Nghe nói, mỗi miếng đất diện tích 120m2 được định giá từ 170 triệu đồng trở lên.
Cần quy hoạch trước khi quá muộn
Bán heo tại chợ phiên
Cũng giống như chính thị trấn Bắc Hà, lâu đài mà người Pháp xây cho vua Mèo Hoàng A Tưởng xưa nằm gọn trong vòng ôm của cánh núi lực lưỡng, mặt hướng ra dòng suối. Một phần suối đã được ngăn lại thành hồ, giữa hồ có đảo, nghe nói sẽ dành để xây dựng công viên.
Đó là ý tưởng hay và sẽ không có gì để bàn nếu như tầm mắt không bị “chặn” lại bởi dãy phố mỏng ngay bên hồ, bên suối với những căn nhà không đẹp theo kiểu cổ, cũng chẳng hiện đại tân kỳ.
Ngay cả lâu đài Hoàng A Tưởng, không dám bàn sâu về cung cách trùng tu nhưng nhiều người có tuổi ở Bắc Hà cứ bảo, cái tường mới trát phẳng lì với màu vôi vàng rực chẳng giống với bức tường xưa rêu phong vàng hắt dưới nắng chiều…
Mà có lẽ cũng là chuyện lạ so với một huyện lỵ miền xuôi đất chật người đông, ở Bắc Hà, mỗi phòng chức năng của UBND huyện đều có “nhà riêng”, không ở gần nhau. Thi thoảng đi dạo trong đêm, người ta dễ dàng nhận ra các công sở ấy bởi mùi hoa ngọc lan ngan ngát, ý nhị.
Anh lái xe đã không sai khi bảo tôi, nhà khách UBND huyện - nơi trước kia là sân bay trực thăng mà người Pháp để lại - là nơi có tầm nhìn cảnh quan đẹp nhất thị trấn. Tiếc là “chủ nhà” đã tự làm mất đi ưu thế của mình với kiến trúc phía trước nặng nề, hạn chế tầm nhìn và những ô cửa sổ có chấn song dày đặc, quá chắc chắn so với yêu cầu an toàn ở thị trấn sơn cước hiền hòa này.
Vẫn biết đô thị hóa là xu hướng tất yếu nhưng du khách từ xa đến không khỏi thoáng chút lo âu. Bài học về quy hoạch xây dựng từ thị trấn Tam Đảo (Vĩnh Phúc) và trong một chừng mực nào đó là cả Sa Pa (Lào Cai) vẫn còn nguyên giá trị. Lưu ý đúng mức đến công tác quy hoạch và quản lý chặt chẽ việc tuân thủ quy hoạch, Bắc Hà mới có thể trở thành một điểm đến tuyệt vời cho du lịch Việt Nam, nhất là trong một vài năm nữa, khi đường lên Bắc Hà đã hoàn thành, êm thuận.
Theo ANH PHƯƠNG - Sài Gòn Giải Phóng