Chào mợ Dims trưởng đoàn. Mợ mê mải đi đâu bỏ anh em bơ vơ như chú thỏ con trong "Truyện cổ tích dành cho người lớn" thế.
Có một câu chuyện trên Việt báo kể thế này:
Người ta bảo những phiên chợ tít tắp trên những vùng cao là linh hồn của đời sống văn hóa các dân tộc ít người, nhưng cái linh hồn ấy giờ đã nhạt dần theo làn sóng thị trường...
Ngày hội và con buôn...
Nằm cheo leo giữa lưng chừng núi, chợ phiên Cán Cấu (thuộc huyện Simacai, tỉnh Lào Cai) chỉ họp vào mỗi sáng thứ bảy hằng tuần. Từ rất lâu Cán Cấu đã nổi tiếng khắp vùng Hoàng Liên Sơn như một cuộc giao lưu văn hóa của những sắc tộc Mông Đen, Mông Đỏ, Mông Hoa, Dao, Tày...
Hơn 7 giờ sáng, chợ đã bắt đầu nhộn nhịp. Tiếng nói cười xôn xao cùng với ngựa hí hòa lẫn với điệu khèn, tiếng sáo và đủ sắc màu áo quần xanh, đỏ. Chợ họp giữa lưng chừng núi, các dãy quán thắng cố, mèn mén, phở chua... nghi ngút khói.
Những cô gái Dao, Mông đã bắt đầu bày những món thổ cẩm, tấm khăn thêu thùa rực rỡ, những ổ chó, con gà, con lợn ra trao đổi, nhưng hễ nơi đâu cất lên tiếng khèn gợi tình của những chàng trai trẻ là các cô ùa chạy đi, bỏ mặc hàng hóa chỏng chơ trên nền đất... Chúng tôi có cảm giác lạc giữa chốn bồng bềnh thiên nhiên trữ tình với mây, núi hòa quyện trong tiếng khèn, tiếng hát...
Tiếng hát, tiếng khèn bỗng im bặt bởi từ xa tiếng kèn ôtô đột ngột rú lên inh ỏi. Những chú ngựa thồ hậm hực hí vang trời, những cánh áo màu sặc sỡ của người Mông, Dao, Tày... lúp xúp chạy dạt sang hai bên mép núi... Đoàn xe tải ùn ùn kéo nhau vào chợ... Nam, người bạn vùng cao của chúng tôi, lắc đầu ngao ngán: “Bọn Thổ Tang lại lên lừa người mua trâu nữa kìa!”.
Không biết từ khi nào Cán Cấu đã nổi tiếng khắp vùng Hoàng Liên Sơn với những đàn trâu to khỏe nên dân làm nghề lái trâu ùn ùn kéo lên lợi dụng cái tính thật thà của người dân để gạ đổi chác, mua rẻ bán đắt.
Một gã lực lưỡng bước đến cạnh ông Giàng A Lềnh - người Mông Đỏ, chủ con trâu mộng to đùng - hất hàm hỏi giá: “Bao nhiêu?”, ông Lềnh giơ năm ngón tay, đáp bằng giọng Kinh lơ lớ: “5 triệu đồng”. “Đắt thế! Con này nặng bao nhiêu, tao chỉ mua 3 triệu”. Ông Lềnh thật thà: “Tao không biết, mày cứ đo sải tay thì biết nó nặng bao nhiêu thôi”.
Hai ba tay lái trâu bu quanh chê tới chê lui, kẻ bảo trâu gầy, người nói trâu bệnh làm ông Lềnh rối trí. Cuối cùng ông đồng ý bán con trâu giá 3,5 triệu. Ông Lềnh cầm xấp tiền trên tay mà than thở: “Ngày trước bán con trâu có thể sống cả năm, còn giờ chỉ đủ sống có nửa năm...”.
Nam, một thổ địa ở Cán Cấu, cho biết mỗi phiên chợ đều có ít nhất hàng chục chuyến xe tải từ Thổ Tang, Vĩnh Phúc lên thu mua trâu, bò. Một phiên chợ họ thu gom đến cả trăm con. Cán Cấu đã trở thành trung tâm mua bán gia súc lớn nhất ở vùng cao phía Bắc.
Ấy vậy nhưng ông Giàng A Chảo, bí thư đảng ủy xã, cứ buồn ra mặt: “Từ khi Cán Cấu trở thành chợ gia súc nổi tiếng, cái hồn của người Mông đã bay đi mất rồi, người ta đến Cán Cấu chỉ để mua bán, lừa lọc thôi”...
Chúng tôi vượt dốc Trung Đô cao chất ngất để đến với chợ phiên Bắc Hà, phiên chợ này được khá nhiều du khách biết đến và ví von như là một “phiên chợ không toan tính”, bởi người đến chợ phải trèo qua bao ngọn núi, lội qua bao con suối, gặp nhau để tâm sự, tỏ tình, chứ việc mua bán gần như không.
Không hiểu sao từ nhiều năm qua người ta cho xây một nhà lồng chợ to đùng để lùa bà con vào buôn bán “cho văn minh, hiện đại”. Lồng chợ có kiôt, có quầy hàng, có cả chỗ giữ ngựa như miền xuôi người ta giữ xe vậy.
Nhưng bà con cứ đến phiên chợ lại kéo ra ngoài bãi đất trống mà trò chuyện, múa hát và mua bán đổi chác. Nhiều sạp còn bỏ trống nhưng bên ngoài, trên đồi nắng gắt chang chang người ta lại ngồi kín để xem khèn, xem xòe. Những phụ nữ người Mông hết sức ngỡ ngàng khi nhân viên của ban quản lý chợ đòi thu các khoản lệ phí chỗ ngồi, phí vệ sinh môi trường, phí giữ ngựa...
Họ lý sự: “Tao chỉ đổi mấy thứ hàng, uống chén rượu một lúc là về sao mày lại thu tiền của tao?”. Hoàng Thị Mén, cô gái Mông Đỏ, nói như than: “Đồ thổ cẩm tao thêu mang ra đổi ít gạo mang về sao cứ bảo đóng tiền? Ngựa tao cột ngoài đồi cũng bắt thu tiền, tao không chịu đâu!”... Chợ Bắc Hà vẫn đông vui, đầy âm thanh, màu sắc giữa trời mây thiên nhiên trong khi trong nhà lồng chợ vắng đến đìu hiu...
“Nó thích mèo thì đổi thịt cho tao”
Từ cầu treo Bảo Nhai, Bắc Hà chúng tôi đi ngược dòng sông Chảy khoảng 10km bằng thuyền thì đến chợ phiên Cốc Ly. Phiên chợ này là nơi có tiền cũng không thể mua bán, vì nơi này có tập tục chỉ trao đổi hàng hóa cho nhau.
Ở ngay đầu chợ, ông Nông Chí Sảnh - người Tày, nhà ở tận xã Nàn Sín, cách Cốc Ly gần 30km - đang trao đổi với một người đàn bà Mông đang pha thịt lợn. Ông Sảnh muốn đổi con mèo con của ông lấy dăm cân thịt heo của bà. Chúng tôi hỏi ông Sảnh: “Sao bác không dùng tiền mà mua, một con mèo con sao có thể đổi được năm ba ký thịt?”.
Ông đáp lại bằng tiếng Kinh lơ lớ: “Dùng cái tiền để mà làm gì? Nhà tao dư con mèo mà tao không còn thích con mèo này nữa, tao chỉ thích thịt lợn thôi thì tao đem đổi chứ! Nếu nó thích mèo thì đổi thịt cho tao chứ!”.
Bà Vàng Thị Mỹ - người Mông Hoa, chủ con lợn đang xẻ thịt - quay sang tôi trách móc: “Nó nói đúng đấy. Bọn tao thích gì thì cứ việc đem xuống đây mà đổi với nhau thôi. Nhưng con mèo này nhỏ quá, tao chỉ đổi hai cân thịt lợn thôi! Mày có gì đổi cho tao không?”...
Bên cạnh, vợ chồng ông Giàng A Lìn dắt đến một con ngựa thồ, xem xem, ngó ngó một hồi và vỗ vào mông chú trâu của Mã A Sáng: “Mày cần ngựa của tao á? Vợ chồng tao cần con trâu của mày để làm nương, đổi nhé? Nhưng con ngựa của tao to, con trâu của mày bé, mày phải đổi một con trâu với một con nghé thôi...”.
Đi sâu vào trong chợ, chúng tôi chợt rùng mình khi Cốc Ly đã xuất hiện những quán bia hơi, các quán “đặc sản” phục vụ du khách với mấy cô gái quần jean xanh áo đỏ thấp thoáng, uốn éo theo điệu nhạc. Một vài cô gái dân tộc thiểu số tóc nhuộm vàng hoe lấp ló bên cửa hiệu chụp ảnh di động, mấy anh trai Mông sau vài cái liếc mắt, ngoắc tay của mấy cô đã tập tễnh đi thẳng vào quán.
Cuối chợ, nhiều bà, nhiều chị ở xuôi lên đang tổ chức thu gom chó, mèo, cho biết do bà con quanh vùng Cốc Ly không quen xài tiền nên các chủ thu gom tha hồ lừa, mua rẻ bán đắt. Cái cơ chế thị trường đang dần phá hỏng bức tranh tuyệt đẹp của những phiên chợ vùng cao...
Bóng nắng chiều ngả dài trên vách núi. Chợ phiên Cốc Ly tan dần trong sương núi. Các chàng trai Mông, Dao, Tày bịn rịn chia tay người yêu, bạn gái của mình. Cô bé Sắc người Tày mà chúng tôi mới làm quen lí nhí nói câu hẹn gặp lại phiên chợ sau bằng tiếng Tày sau khi trao cho nhau những món quà lưu niệm hai miền ngược - xuôi...
“Việc qui hoạch, xây dựng cấu trúc nhà lồng, kiôt, gian hàng giống như chợ miền xuôi đã không phù hợp với đặc điểm của chợ phiên miền núi, nhất là chúng ta đã quên đi yếu tố văn hóa, bản sắc riêng của chợ phiên” - tiến sĩ Trần Hữu Sơn, giám đốc Sở VHTT tỉnh Lào Cai, nhìn nhận như thế.
Theo ông, qua kết quả khảo sát của Sở VHTT Lào Cai về nhu cầu đi chợ của người dân tộc ít người thì nhu cầu giao tiếp, giải trí, nắm bắt thông tin của họ được đặt lên trên cả nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa. Do vậy, sẽ là vô cùng đáng tiếc nếu chúng ta làm mất đi bản sắc chợ phiên khi biến chợ vùng cao thành một nơi mang đậm tính thương mại…
VŨ BÌNH - THẾ ANH