Hôm nay, cuối tuần em đã có dịp đưa một đoàn khách đặc biệt " người Miền Trung" về thăm Lễ Chùa Vĩnh Nghiêm, trên đường đi từ TP Bắc Giang về thì đã làm hướng dẫn viên "bất đắc dĩ" cho các cụ/ mợ ấy. Giới thiệu qua về Bắc Giang, lịch sử Chùa và vùng đất Trí Yên, Yên Dũng nơi ngôi chùa toạ lạc...về đến địa phận Trí Yên, em chỉ mọi người nhìn sang hai bên dãy núi hai bên đường "Núi Phượng hoàng và núi cô tiên" và mọi người đều thấy ấn tượng về vùng đất này cũng như câu chuyện nguồn gốc nơi đây. Nơi đây là quê hương của em nên về Chùa xong em cũng mời các cụ ghé qua nhà e luôn " nhà ngay ngoài cổng"; ở lại buổi trưa ai cũng khen quê em Yên Bình, trong mát, sạch sẽ....em mượn lời khách để pr quê em tí xíu ạ. Nhân đây em cũng xin giới thiệu Qua về Núi cô Tiên cho các cụ mợ đã theo dõi thớt quê em ạ.
"Sự Tích Núi Cô Tiên"
Trí Yên nơi ấy Quê tôi
Có dòng sông Lục có đồi cô Tiên
Trí Yên là đất mẹ hiền
Có sông Thương đổ, có thuyền ngược xuôi
Trí Yên có cảnh tình người
Chùa La lịch sử bốn phương sum vầy
Từ xa xưa khi đất nước mới khai sinh lập địa. Ngọc Hoàng Thượng đế sai 100 cô tiên nữ tìm nơi Linh ứng để xây dựng đất kế đô. Khi đi bay qua địa phận Yên Dũng thấy cảnh sông lục núi huyền đẹp đẽ mơ mộng, nàng tiên thứ 100 mải ngắm cảnh núi sông rồi nằm ngủ quên mất cả công việc. Khi tỉnh dậy thì các nàng tiên khác đã đắp xong và bay hết về trời. Nàng vội vàng đắp ngọn núi thứ 100 trên địa phận đất Lương Bằng. Ngọc Hoàng sai 100 con chim Phượng hoàng bay xuống để thị sát và tìm chỗ đậu thì không thấy ngọn Bằng Lương đâu, nên thiếu chỗ đậu mà tung cánh bay đi và thế là cả đoàn Phượng Hoàng tung cánh bay theo. Đất kế đô không thành lập được.
Nàng tiên thứ 100 đắp xong, bay về trời, thì cổng trời đã đóng. Ngọc Hoàng tức giận đày cô xuống trần gian, mãi mãi phải nằm ở nơi đó. Và thế là thân xác cô hoá thành ngọn núi, mà người đời gọi là núi "Cô Tiên". Nên vùng Đức La thường có câu ca:
"Núi cô Tiên gối đầu con Phượng
Sông tổ rồng uốn lượn vùng quang"