anh Tạch bây giờ thành HOTBOY rồi
Mời các bạn theo dõi bản tin thời sự (26/4).
Sáng 26/4 tại Hà Nội, tại trụ sở Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đã diễn ra Tọa đàm “Thức tỉnh trách nhiệm – truyền thông với đạo đức và trách nhiệm của doanh nghiệp”. Tọa đàm do Trung tâm Nghiên cứu Truyền thông Phát triển (RED), đơn vị thành viên của VUSTA, tổ chức; Giáo sư - Tiến sĩ, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết chủ trì.
Cuộc tọa đàm “Thức tỉnh trách nhiệm” do Trung tâm Nghiên cứu Truyền thông Phát triển Tổ chức là một diễn đàn để các chuyên gia, đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức xã hội và giới truyền thông trao đổi, phân tích và hướng tới một cơ chế hiệu quả nhằm phát huy hơn nữa vai trò của truyền thông trong việc nâng cao ý thức trách nhiệm và đạo đức của doanh nghiệp.
Tại tọa đàm, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết đã thay mặt Trung tâm Nghiên cứu Truyền thông Phát triển trao danh hiệu “Trách nhiệm” và kỷ niệm chương cho hai nhân vật có đóng góp lớn nhất trong phát hiện và đấu tranh với Toyota Việt Nam để đưa vụ xe Toyota có lỗi ra ánh sáng. Đó là kỹ sư cơ khí Lê Văn Tạch, một nhân viên của Toyota Việt Nam, và nhà báo Nguyễn Thái Sơn của báo Thanh Niên.
Kỹ sư Lê Văn Tạch có dịp kể lại toàn bộ quá trình đấu tranh của ông với hãng Toyota Việt Nam, một quá trình trong đó ông gặp không ít khó khăn vì không biết phải phản ánh vụ việc tới đâu và cho ai; thậm chí bị đe dọa từ chính những đồng nghiệp người Việt. Ông khẳng định: “… để quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng không bị xâm chiếm thì tinh thần vì cộng đồng của những người tham gia sản xuất ra sản phẩm là rất quan trọng. Nhưng mọi nỗ lực sẽ trở thành vô nghĩa nếu không có sự trợ giúp của báo chí và sự nhập cuộc của các cơ quan chức năng”.
Đây là lần đầu tiên giải “Trách nhiệm” được trao ở Việt Nam, do một tổ chức xã hội đứng ra thực hiện. Với việc trao danh hiệu và kỷ niệm chương cho kỹ sư Lê Văn Tạch và nhà báo Nguyễn Thái Sơn, Trung tâm Nghiên cứu Truyền thông Phát triển mong muốn truyền tải thông điệp tôn vinh và khuyến khích những cá nhân, tổ chức đóng góp đối với cộng đồng chỉ thông qua một việc làm tưởng như đơn giản là làm đúng trách nhiệm của mình. Chẳng hạn, như ông Trần Minh, Giám đốc Trung tâm, đã nêu rõ trong tham luận: “Trách nhiệm của doanh nghiệp chưa cần đến mức phải là những hoạt động từ thiện, nhân đạo rầm rộ, hoành tráng. Trách nhiệm của doanh nghiệp trước hết là những công việc cụ thể, trực tiếp hơn. Đó là trách nhiệm với chính người lao động của doanh nghiệp, như đào tạo kỹ năng, bảo đảm an toàn lao động, để không xảy ra những thảm kịch như vụ sập mỏ đá Lèn Cờ. Đó là trách nhiệm với khách hàng, như bảo đảm chất lượng tiêu chuẩn hậu mãi, để không tái diễn những sự cố như vụ xe Toyota bị lỗi và công ty nhiều năm bỏ qua kiến nghị của chính nhân viên mình…”.