Hình ảnh những phát hiện đầu tiên trong đợt khảo sát tại Phật Viện Đồng Dương trong chuyến thám hiểm của đoàn nhà khảo cổ học Henri Parmentier năm 1902.
Lúc này, Phật Viện vẫn còn lại khá nhiều những phế tích của một trung tâm Phật giáo hoành tráng thủa xưa.
-------------------
Phật viện Đồng Dương là một trung tâm Phật giáo nổi tiếng không chỉ của Vương quốc Chăm Pa cổ xưa, mà nó còn có ý nghĩa vô cùng lớn tới cả khu vực Đông Nam Á đương thời. Đây được xem là thánh địa Phật giáo có sức lan tỏa và ảnh hưởng tới các khu vực xung quanh trong các quốc gia Đông Nam Á cổ xưa.
Bia ký cho hay, vào năm 875, “do lòng tin vào Phật giáo, Nhà vua đã cho dựng lên một Phật viện [Vihara] và đền thờ Laksmindra Lokesvara Svabhyada”. Cũng trên tấm bia này, có nhắc đến “cõi cực lạc” [Svargapura] hay “đô thị giải phóng” [moksapura], “nơi trú ngụ” của Phật [Buddhapada]. Nhà vua nhấn mạnh đến kẻ nào phạm tội ác phải chịu đầy xuống địa ngục. Bia Đồng Dương 875 còn cho hay, sau khi xây dựng xong, Nhà vua cũng đã cúng dường nhiều ruộng đất, tiền bạc, nô lệ… cho Lokesvara. Ngài dặn rằng: sau khi băng hà, được đổi danh hiệu là Paramabuddhaloka. Như vậy, Nhà vua Indravarman II đã đồng nhất mình với Phật dưới dạng Bồ Tát.
Kinh đô Indrapura nằm gọn trên cánh đồng Đồng Dương, rộng khoảng 2 km. Các nhà nghiên cứu giải thích rằng, Đồng Dương là cánh đồng thiêng. Từ “Dương” là biến âm của từ “Yan” [trời/sự linh thiêng]. Quả thật, với địa thế thung lũng chữ nhật, có ba mặt Đông, Nam, Tây được đồi núi bao bọc, rồi có cả dòng Ly Ly, như là một mạch mối giao thương với bên ngoài, được bố trí kín đáo, đã tạo cho Kinh đô này vô cùng hiểm trở, linh thiêng.
Năm 1901, các nhà khảo cổ học Pháp là L. Finot và sau đó, năm 1902, H. Parmentier đã khai quật ở đây trên quy mô lớn và đã tìm thấy 229 hiện vật, trong đó nổi tiếng nhất là bức tượng Phật đứng bằng đồng, cao hơn 1 mét. Đây có thể coi là pho tượng hoàn hảo nhất, đặc sắc nhất trong số những tượng Phật giáo Đông Nam Á thời cổ.
H. Parmentier còn cho biết: một mặt bằng kiến trúc chính của Phật viện này cùng nhiều tác phẩm điêu khắc đá quý giá. Đền thờ chính và các tháp phân bố trên một trục từ Tây sang Đông, dài khoảng 1.300 mét, chung quanh có tường gạch bao bọc. Từ khu đền chính có một con đường dài khoảng 760 mét chạy về phía Đông đến thung lũng hình chữ nhật như cảnh quan còn thấy hiện tại. Ngoài chính điện, ở đây còn tìm thấy nền tăng xá, giảng đường và nhiều dấu vết kiến trúc khác, giả thiết như là nơi lưu trú của các sư tăng về đây tu học.
Những nghiên cứu khảo cổ học của H. Parmentier đã chỉ ra rằng, ở đây có khu đền thờ chính, dài 326 m, rộng 155 m, xung quanh có tường gạch bao bọc. Từ khu đền chính có một con đường dài 760 m chạy về phía Đông. Khu đền này có 3 nhóm kiến trúc, chạy theo hướng Đông Tây: Nhóm phía Đông còn vết tích của tu viện Phật giáo, với di tồn còn lại là hai hàng 8 cột chạy song song, có bệ thờ lớn bằng sa thạch chạm khắc rất sinh động. Nhóm giữa còn lại là một ngôi nhà dài, chạy theo hướng Đông – Tây. Nhà có tường không dầy, cửa ra vào ở hai đầu hồi, hai vách tường có nhiều cửa sổ. Ở đây, tìm thấy 4 pho Hộ pháp [Dvarapala] khá lớn, cao khoảng 2 mét. Nhóm phía Tây là các đền thờ chính và tháp phụ xung quanh. Đền thờ chính là tháp truyền thống có mặt bằng hình vuông, cửa ra vào ở hướng Đông, phía trước có tiền sảnh, quanh tháp thờ có trang trí hình đầu voi và những mô hình tháp nhỏ. Trong đền/tháp chính có bệ thờ lớn bằng sa thạch, có nhiều trang trí công phu, tỉ mỉ, đặc biệt là cảnh sinh hoạt cung đình.
Phật viện Đồng Dương được đức vua Jaya Indravarman II, trị vì khoảng từ 875-899, thành lập năm 875 được khắc trong văn bia của ngài dựng tại di tích. Minh văn của vua Jaya Indravarman II ghi chép rằng:
“Đức vua Indravarman đã cúng dường ruộng đất và mùa màng thu hoạch, nô lệ nam nữ, bạc, vàng, đồng, và những vật quý khác đến Ngài Sri Laksmindra-Lokesvara, để xử dụng cho chư tăng, để hoàn thiện sự Hoằng Pháp. Bất cứ ai – vua chúa, đẳng cấp tướng lãnh [ksatriyas], đẳng cấp Bà-la-môn, quan lại… thương nhân, kẻ nào dời chuyển, phá hoại hoặc… [những lễ vật này], chúng sẽ bị đoạ vào địa ngục Maharaurava; trái lại, ai bảo trì, phát hiện chúng [những lễ vật đã bị di dời], tùy theo hạnh nguyện, có thể tái sinh vào cõi Niết Bàn!”
Theo minh văn trên, Phật viện này được cúng dường cho Laksmindra-Lokesvara, là đấng bồ-tát hộ trì cho vương triều Indrapura, trị vì vương quốc Chămpa từ 875-981. Đây là phức hợp kiến trúc đền – tháp Phật giáo to lớn và quan trọng nhất của vương quốc Chămpa được thể hiện qua các công trình kiến trúc cũng như tác phẩm điêu khắc mang lại một vẻ đẹp độc đáo duy nhất trong nghệ thuật Chàm. Ngoài ra di tích này cũng cung cấp những bia ký quan trọng góp phần tìm hiểu lịch sử và văn hóa vương quốc Chăm Pa trong các thế kỷ 9-10.
Theo mô tả của Parmentier, Phật viện này có ba tổ hợp chính trải rộng trên một chiều dài 1300 mét, theo trục Đông – Tây, được phân bố thành ba khu tường bao vuông vức, Parmentier đặt tên là Khu [Enceinte] I, Khu II và Khu III.
Khu I bao gồm Phật đường chính của hoàng gia và những đền – tháp phụ bao quanh; Khu II là một tiền đình [mandapa] hình chữ nhật dùng để chuẩn bị nghi lễ như múa thiêng, hát thiêng, bày lễ vật… kết hợp với Khu I; Khu III là tự viện nơi hành lễ của chư tăng trong Phật viện và của các tín đồ.
Khu I là một tổ hợp đền – tháp đồ sộ dựng trong một khu tường bao hình chữ nhật, 326 x 155 mét, bao gồm Phật đường chính là kiến trúc to lớn nhất, trong chánh điện của nó bày một đài thờ lớn bằng sa thạch gắn sát vào tường phía tây. Đài thờ này là một tác phẩm điêu khắc hoàn chỉnh gồm hơn 30 hoạt cảnh khắc họa tiểu sử của đức Phật Thích Ca Mâu Ni dựa theo hai phẩm Quảng Đại Trang Nghiêm Kinh/Thần Thông Du Hý Kinh/Phổ Diệu Kinh [Lalitavistara Sutra] và Bổn Sinh Kinh [Jataka Sutra]. Đặc biệt, các hoạt cảnh này diễn tả chi tiết và nhấn mạnh ba cuộc đại giác ngộ cuối cùng của đức Phật Thích Ca [Sakyamuni],chẳng hạn các cảnh Đại Xuất Gia [Mahabhiniskramana], Sa Nặc [Chandaka] dắt con ngựa Kiền Trắc [Kanthaka] trở về hoàng cung mang theo chiếc vương miện của thái tử Sĩ Đạt Ta [Sitthartha], đoàn quân của Ma vương [Mara]và ba người con gái của Ma vương hiện lên quấy phá đức Phật khi ngài thiền định, đức Phật chiến thắng Ma vương.... Trên đài thờ này thờ ngẫu tượng của vị thần chủ của Phật viện là Bồ – tát Laksmindra – Lokesvara.
Xung quanh Phật đường chính là các đền thờ phụ đều trổ cửa về hướng Đông, có thể đây chính là những ngôi đền nhỏ để thờ phượng tổ tiên của vua Jaya Indravarman II mà văn bia của ngài đã đề cập; đặc biệt, sát vào bốn bức tường bao có bảy ngôi miếu hướng về bốn phương, trong miếu thờ bảy vị bồ – tát Hộ Thế [lokapala]; tấm bia nổi tiếng của vua Jaya Indravarman II cũng được tìm thấy trong khu vực này.Khu I nối với Khu II bằng một tháp – cổng gopura khép kín với tường bao ở phía đông.
Khu II gồm một mandapa [tiền đình]có kiến trúc hình chữ nhật có hai cửa chính Đông – Tây và hai bức tường Nam – Bắc mỗi bên có sáu cửa sổ, mái lợp bằng ngói dẹp hình mũi tên. Tiền đình là nơi tổ chức múa hát thiêng và chuẩn bị lễ vật cũng như thiền định trước khi vào hành lễ tại Phật đường của Khu I. Chính tại ngôi tháp – cổng ở hướng đông của tổ hợp này, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy ba pho tượng thần hộ pháp dharmapala xung quanh cửa chính của ngôi tháp. Bốn pho tượng hộ pháp này [một pho tìm thấy tại phía bắc tháp – cổng của Khu III] đều có kích thước bề thế, mỗi pho được thể hiện bằng một tảng đá to nguyên khối đứng trên một con thú thiêng như thủy quái makara, trâu, sư tử, gấu được gắn vào dưới đế tượng. Chiều kích đồ sộ và phẩm chất thẩm mỹ tuyệt hảo của các tác phẩm điêu khắc ở Đồng Dương bộc lộ một kỹ thuật tạc tượng điêu luyện mà các giai đoạn nghệ thuật trước đó chưa đạt được.
Khu III bao gồm một kiến trúc lớn hình chữ nhật có bốn hàng cột lớn chống đỡ mái ngói, về phía Tây của tự viện này có một đài thờ trên đó thờ pho tượng Phật Di Lặc (?) bằng sa thạch ngồi buông thỏng hai chân trên một cái ngai cao. Những hoạt cảnh được chạm trổ quanh đài thờ này, cũng dựa theo Quảng Đại Trang Nghiêm Kinh [Lalitavistara Sutra], kể các câu chuyện về cuộc đời của Phật Thích Ca trước khi ngài xuất gia là thái tử Sĩ Đạt Ta/Tất Đạt Đa [Siddhartha], bao gồm cảnh đản sinh đức Phật dưới tán cây Vô Ưu [Asoka] trong vườn Lâm Tì Ni [Lumbini], hoàng hậu Ma Da [Maha Maya] tái sinh vào cõi trời Đạo Lợi [Trayastrimsa], nỗi buồn của bà kế mẫu Ma Ha Ba Xà Ba Đề [Mahaprajapati] vì hoàng hậu Maya từ trần, cảnh thái tử xin phép vua cha Tịnh Phạn [Suddhodana] được đi dạo trong kinh thành Ka Tì La Vệ [Kaplilavastu].
Khu III là một tu viện lớn dành cho sinh hoạt của tu sĩ trong Phật viện bao gồm việc giảng Pháp và hành lễ trước pho tượng của đức Phật tương lai Di Lặc (?), vì vậy nó là một kiến trúc mở không có tường để tiện cho chư tăng và tín đồ lễ lạc. Về phía Đông của Khu III là một tháp – cổng chính, có kích thước lớn, mở lối vào tự viện và Phật đường của hoàng gia. Xung quanh tự viện có hai hàng bảo tháp [stupa]nằm trong tường bao.
Kiến trúc của tu viện Đồng Dương bộc lộ sự phát triển hoàn chỉnh của kỹ thuật cấu trúc đền – tháp Chăm – pa với những ảnh hưởng mới tiếp thu từ các nền nghệ thuật láng giềng, và có thể của vùng Nam Ấn. Những xu hướng mới này đã góp phần cách tân kỹ thuật xây dựng mà cụ thể là việc kết hợp thành thạo những bộ phận chịu lực bằng sa thạch với tường và mái tháp bằng gạch trong cùng một công trình. Kỹ thuật xây dựng này đã được kế thừa và phát triển toàn mỹ hơn trong các giai đoạn kiến trúc đền – tháp kế tiếp từ đầu thế kỷ 10 trở đi.
Sử sách đã từng ghi chép rằng, khi Lê Hoàn còn làm tướng của Triều Đinh, đem quân đi đánh Chiêm Thành năm 982, đã khiến cho cả tòa thành Indrapura bị phá tan, Vương triều Indrapura bị sụp đổ hoàn toàn, chấm dứt sứ mệnh của triều đại này trong lịch sử Chăm Pa.
Tuy nhiên, không phải do sự tàn phá của vị tướng quân Lê Hoàn ở thế kỷ thứ 10, khi mà các nhà nghiên cứu có ý kiến rằng, Kinh thành Indrapura với Phật viện Đồng Dương là hai nơi hoàn toàn khác nhau. Thế nhưng, Phật viện này cho đến nay dường như chỉ còn là phế tích, do chiến tranh và thiên nhiên hủy hoại.
Dấu vết của cuộc tàn phá khủng khiếp đó còn lưu lại rất rõ tại di tích Đồng Dương và nó đã được Parmentier làm sáng tỏ khi ông tiến hành cuộc khai quật khảo cổ học tại đây vào năm 1902. Parmentier xác nhận rằng, Phật đường hoàng gia đã bị cướp phá một cách hệ thống, và đã bị phá hủy bởi một trận hỏa hoạn khổng lồ. Ông phát hiện rằng các bức tường của Phật đường đã bị cháy đổ, những lanh-tô/đà cửa bằng đá bị gãy đổ vì lửa cao, và một số pho tượng hoặc đã bị cháy đen vì lửa hoặc bị hủy hoại bằng khói. Ông cũng phát hiện vết tích của một mảnh tượng apsara – vũ nữ thiên tiên bị cháy thành than, ông cho rằng pho tượng này đã bị kéo đổ xuống từ đài thờ chính của Phật đường. Những phát hiện quan trọng khác từ trong chánh điện của Phật đường bao gồm nhiều pho tượng đá và nhiều phần của đài thờ chính bị đập phá tuy nhiên một số không có dấu vết của lửa. Mục đích của những kẻ phá hủy dường như muốn hủy diệt toàn bộ Phật viện.
Parmentier đã kết luận ngay sau cuộc khai quật rằng Phật viện này đã bị bỏ phế sau khi nó hoàn toàn bị tàn phá.
------------------------------------
Khi mới phát hiện di tích, các nhà khảo cổ học Pháp rất vui vì còn nhiều người Chăm ở xung quanh khu vực, nhưng rồi họ thất vọng vì những người Chăm hiện tại không hề biết gì về di tích, họ không đọc được bia ký, không biết cách làm gạch, nung gạch. Họ hoàn toàn xa lạ. Khi được thuê để đào bới khai quật, họ cũng không biết làm, nên phải thuê người Việt.
Thất vọng, các nhà khảo cổ học Pháp đành sang Ấn Độ để học chữ và nhờ một số người Ấn sang giúp mới xử lí được phần lập vẽ bản đồ, rập và dịch bia ký, cách bảo quản hiện vật [ buộc dây thừng bằng dừa xung quanh tượng khi vận chuyển...]
-----------