Trong thớt này có bao nhiêu cụ mợ đã trực tiếp làm việc với ông Trần HÙng này? Trực tiếp bị ông này kiểm tra? E cho là không nhiều. Nhưng chỉ những người ấy mới có thể đánh giá được phần nào bản chất ô này là tốt hay xấu.
Còn lại những cụ chưa từng va với ông này thì các cụ dựa vào những gì để tin ông ấy thế? Dựa vào bài chém gió hoành tráng vụ phân bón Thuận Phong, dựa vào những bài tự sự đạo đức đăng FB, dựa vào những bài báo ca ngợi ông ấy? Kể cả các cụ có gặp trực tiếp ông ấy, ăn uống nói chuyện, nhưng chưa "vào việc" thì cũng chưa có cơ sở nào để khẳng định là ông ấy tốt hay xấu. Bản thân e cũng chưa tiếp xúc vs ô TH này, tất cả những thông tin về ô TH mà em biết cũng như khá nhiều cụ ở đây: vài bài báo, vài bài fb, vài đoạn video. Nhưng e thấy xấu tốt ngang ngửa nhau. Vụ Thuận Phong thì thể hiện ra là tốt, còn vụ Con Cưng thì đã bị phê bình. Còn chuyện nói đạo lý thì có rất nhiều người khi chưa bị lộ còn nói đạo lý hay hơn ông TH nhiều.
E không kết luận là ô TH đúng hay sai tốt hay xấu. Mà e thấy là việc các cụ chỉ dựa vào những thông tin ảo, đơn giản như vậy để đặt lòng tin rồi bây giờ mất lòng tin thì em nói thật là thấy các cụ quá ngây thơ, hoặc là chót đặt lòng tin nhầm chỗ bây giờ thấy đổ vỡ quá.
một doanh nghiệp của hai kĩ sư công nghệ thông tin trẻ ( có thể coi là nhân tài đất việt), kinh doanh thật thà, ứng dụng công nghệ thông tin rất tốt để quản lý điều hành hệ thống, được các đối tác lớn trên thế giới đánh giá cao, có hoài bão, bỗng dưng bị đặt vào luồng xoáy và bay mất hơn 50 tỉ vì mấy lời anh ấy buông ra với cánh báo chí diều hâu đi theo anh ấy, xong anh ấy chỉ bị phê bình
Hai chàng trai 8x, Nguyễn Quốc Minh và Lưu Anh Tiến xây dựng hệ thống Con Cưng với hơn 400 cửa hàng và nuôi tham vọng đưa doanh số tới cột mốc tỉ đô-la mỹ
Cắt tóc ngắn, vóc người tầm thước, chiều cao tương đồng, trong chiếc áo thun sẫm màu, chân đi giày thể thao, Nguyễn Quốc Minh (40 tuổi) và Lưu Anh Tiến (37 tuổi) có phong cách trẻ trung, không có dáng vẻ chủ tịch và CEO của một công ty có doanh thu hơn 200 triệu USD.
Dù không còn là công ty khởi nghiệp nhưng cả hai vẫn ngồi chung phòng làm việc qua ô kính nhìn xuống ngã tư Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Lương Bằng, khu vực sầm uất bậc nhất đô thị Phú Mỹ Hưng (quận 7, TP.HCM). Cùng ngành công nghệ thông tin, có nhiều sự tương đồng về tính cách, họ là bộ đôi ăn ý trong việc xây dựng hệ thống bán lẻ Con Cưng lên hơn 400 cửa hàng.
Với khoảng 150 nhân viên, độ tuổi trung bình chưa tới 30, văn phòng Con Cưng thiết kế trẻ trung chiếm một tầng lầu rộng 800m² của tòa cao ốc Lawrence S.Ting. Nhưng Con Cưng chuẩn bị dời văn phòng sang cao ốc Phú Mỹ Hưng Tower mới xây kế bên, diện tích được mở rộng lên gấp đôi phù hợp với sự mở rộng về quy mô nhân sự.
“Ngày 18.8.2018 mình được ‘giải oan’ nên coi như khai sinh thứ hai. Lĩnh vực của mình làm chín năm cũng như chín tháng mười ngày nên lấy cột mốc này kỷ niệm,” Lưu Anh Tiến, nhà cựu vô địch cuộc thi Robocon năm 2006 khu vực châu Á - Thái Bình Dương, CEO Con Cưng nói với Forbes Việt Nam.
Cô Lê Cảnh Bích Hạnh, giám đốc điều hành chuỗi bán lẻ thời trang Vascara với 150 cửa hàng nhận xét: “Con Cưng là một ‘Thế Giới Di Động’ của ngành hàng mẹ bầu và em bé.”
Hiện tại, công ty này quản lý ba thương hiệu riêng biệt: Con Cưng – hệ thống cửa hàng đồ mẹ bầu và em bé với 374 cửa hàng, ToyCity – đồ chơi với 62 cửa hàng và CF 0-12 – thời trang trẻ em với 38 cửa hàng.
Xét về số lượng, quy mô của Con Cưng vượt trội so với các đối thủ cạnh tranh trên thị trường như hệ thống BiboMart (136 cửa hàng), Kids Plaza (113 cửa hàng), Shoptretho (40 cửa hàng)...
Con Cưng làm việc trực tiếp với các nhãn hàng nên hưởng được mức chiết khấu tốt nhất. Thậm chí, những tên tuổi lớn như Nestlé, tập đoàn sở hữu các thương hiệu sữa Milo, sữa mẹ bầu MOM&me, sữa bột Nestlé NAN Kid, bột ngũ cốc dinh dưỡng Cerelac… còn chiều lòng đối tác bằng cách sản xuất chai nước mắm “mi-ni” dành cho em bé ăn dặm với dòng chữ “Only Concung” trên bao bì. Một số nhãn hàng thậm chí dành ưu ái cho Con Cưng phân phối độc quyền sản phẩm cao cấp trong năm đầu tiên.
Ông Soren Bech, tổng giám đốc công ty Reckit Benckiser Việt Nam, nhãn hàng sữa Enfa đánh giá: “Con Cưng là một tổ chức trẻ và năng động, đang gầy dựng niềm tin với người tiêu dùng. Con Cưng có một hệ thống thương hiệu đa đạng nhất và chúng tôi có thể cung cấp đầy đủ các sản phẩm được sản xuất ở cả Mỹ lẫn trong khu vực.”
Có mặt ở 47 tỉnh thành, dự kiến cuối năm 2020 hệ thống bán lẻ này sẽ phủ kín 63 tỉnh thành. Tập khách hàng chính của công ty được “định nghĩa” từ lúc em bé nằm trong bụng mẹ – tức mẹ bầu đến khi sáu tuổi, tương đương khoảng 10 triệu người. Doanh thu bán hàng của công ty mỗi ngày đạt hơn 10 tỉ đồng, khoảng 10% đến từ kênh trực tuyến và dự kiến tăng lên gấp đôi vào cuối năm nay.
Nhờ độ phủ, nếu người mua trực tuyến ở trung tâm TP.HCM hay Thủ Dầu Một (Bình Dương) thời gian giao hàng có thể dưới 30 phút. Hai chàng trai tự tin đưa ra khẩu hiệu “Mua sữa nhanh hơn trà sữa!” Lợi thế mạng lưới rộng khắp và thế mạnh về hệ thống quản lý khiến khách hàng vừa đăng nhập đặt hàng, hệ thống xác định vị trí khách hàng, kết nối tự động giữa cửa hàng và tài xế GrabExpress, AhaMove gần nhất.
Thoáng thấy bóng tài xế tới cửa nhân viên đưa ngay món đồ cần giao, “nhanh hơn thật vì không mất thời gian xếp hàng như trà sữa.” “Ngay từ ban đầu, mình xác định lợi thế cạnh tranh là am hiểu công nghệ. Mở ra một chuỗi thì vấn đề làm sao quản lý được khi hệ thống mở rộng chứ không phải làm sao bán được hàng,” Tiến nói.
Khi lập Con Cưng, Tiến có bằng kỹ sư điện – điện tử đại học Bách khoa TP.HCM, còn Minh có bằng tiến sĩ khoa học máy tính đại học Georgia (Hoa Kỳ). Ở công ty họ phân vai rõ ràng. Tiến lo đối ngoại, phụ trách phát triển kinh doanh nên nhắc đến Con Cưng các đối tác bên ngoài phần lớn chỉ biết đến chàng trai gốc Quảng Bình này.
Ngược lại, với sự am hiểu công nghệ, Minh gánh vác việc xây dựng hệ thống quản lý, củng cố Con Cưng từ bên trong. “Một là xương, một là thịt. Bên ngoài khách hàng có thể chỉ thấy Tiến nhưng sự cứng cáp của Con Cưng đến từ anh Minh,” Tiến nói.
Các nhân viên trẻ gọi họ là cặp “cô dâu, chú rể” tại văn phòng vì sự gắn bó và trẻ trung. “Sự cứng cáp” của Con Cưng mang dấu ấn của công nghệ. Việc quản lý được tự động hóa tối đa. “Bán lẻ kiểu truyền thống là bán hàng trước tiên, còn bán hàng kiểu mới là dự báo trước, bán hàng sau,” Tiến nói.
Chẳng hạn, cửa hàng Con Cưng Phú Mỹ Hưng sức mua một tuần 10 lon sữa Glico Icreo 800 gam nhập khẩu. Kiểu bán cũ là sau khi hết hàng, nhân viên bổ sung thêm hàng hóa. “Kiểu mới” là Con Cưng dự phóng trước sức mua để hàng hóa chủ động có sẵn trên kệ.
Quản lý chi tiết tới từng mã sản phẩm (SKU) tại từng cửa hàng, dựa trên dữ liệu lịch sử, hệ thống tự động đề xuất số lượng hàng hóa cần chuẩn bị theo một ma trận có tính đến tốc độ tăng trưởng của công ty, của ngành hàng đó và các sản phẩm có khả năng sử dụng thay thế. Điều này giúp hệ thống có phương án mua hàng tối ưu.
Ông Binu Jacob, tổng giám đốc Nestlé Việt Nam đánh giá: “Con Cưng gây ấn tượng bởi đội ngũ nhân viên năng đông, linh hoạt, luôn chủ động tìm hiểu nhu cầu người tiêu dùng để đưa ra những tư vấn tốt nhất. Con Cưng sở hữu nền tảng công nghệ hiện đại với hai nhà sáng lập đều là chuyên gia công nghệ.”
Hệ thống này đang quản lý dữ liệu của gần ba triệu ông bố, bà mẹ “bỉm sữa” đã ghé qua hệ thống trong chín năm qua với các thông tin: tên tuổi, số điện thoại, vị trí mua hàng, mua hàng hóa gì, tần suất mua hàng, mỗi lần giỏ hàng có bao nhiêu món, mua đồ cho bé bao nhiêu tuổi, cho con trai hay con gái…
Khách hàng của họ không tự nhiên tới. Con Cưng tài trợ sổ khám bệnh với logo của công ty cho các bệnh viện nhi và phụ sản tại TP.HCM để vừa xây dựng thương hiệu, vừa “kéo” khách hàng nhí ngay từ trong bụng mẹ. Công ty kết hợp với các nhãn hàng, tặng voucher khuyến mãi mua hàng tại hệ thống Con Cưng.
Sau đó, nhờ hệ thống mạnh, công ty gửi cho các nhãn hàng phản hồi: tần suất mua hàng, số lượng mỗi lần mua, sản phẩm bán chạy nhất, suy nghĩ khách hàng về sản phẩm… điều các nhãn hàng không có được qua các kênh truyền thống hay siêu thị.
Cô Lê Cảnh Bích Hạnh đánh giá Việt Nam là đất nước đang phát triển, quy mô thị trường chưa hẳn lớn với các tập đoàn đa quốc gia. “Họ có xu hướng chọn một nhà phân phối lớn trở thành là kênh phân phối chính và Con Cưng đáp ứng được điều kiện này,” cô nói.
HIỆN NAY CON CƯNG TÍCH HỢP GIỮA KÊNH TRỰC TUYẾN VÀ TRUYỀN THỐNG giúp khách hàng có thể tự động đặt lại đơn hàng cũ mua tại cửa hàng. “Hệ thống sẽ ngày một thông minh hơn,” Tiến nói.
Dự kiến đến cuối năm 2020, mỗi quầy tính tiền của Con Cưng sẽ xuất hiện thêm một màn hình “bán thêm” sản phẩm liên quan đến giỏ hàng: “Chẳng hạn nếu anh mua Durex chắc chắn sẽ được gợi ý mua thêm Rocket 1h,” Tiến ví dụ.
“Thông minh hơn” nữa dựa trên lịch sử mua hàng, Con Cưng muốn gợi ra nhu cầu của khách hàng trước khi chính họ nhận ra. Chẳng hạn, sắp tới người từng mua gạc rơ lưỡi, bình sữa cho em bé 3-4 tháng tuổi rất có thể vào một ngày đẹp trời lướt Internet sẽ bắt gặp quảng cáo mua sữa bột, tã bỉm cho em bé 1-2 tuổi và sau đó là quần áo, đồ chơi cho bé 3-4 tuổi.
Nhưng công nghệ mạnh mẽ cỡ nào, ngành bán lẻ vẫn có bóng dáng của con người. Ở Con Cưng, tỉ lệ bán hàng nhảy việc theo tháng là 5 – 7%. Dù vậy, hai chàng trai vẫn có cách xử lý theo hướng công nghệ: số liệu thống kê chỉ ra xu hướng nhảy việc theo mùa vụ và theo vị trí địa lý. Từ đây hệ thống sẽ đưa ra dự báo để khối nhân sự chủ động tuyển dụng nhân viên mới.
Con Cưng có khoảng 3.000 nhân viên trực tiếp bán hàng. Mỗi nhân viên ngoài lương cứng được nhận thưởng hoa hồng, và tỉ lệ hoa hồng cho một số mặt hàng khác nhau phụ thuộc vào độ khó của sự tư vấn. “Con Cưng chỉ có một bạn tính lương thưởng cho vài ngàn nhân viên, kể cả tính tăng ca, tính hoa hồng cũng do hệ thống tự động chạy,” Minh nói, lần hiếm hoi lên tiếng trong buổi trả lời phỏng vấn.
Nhân viên có ứng dụng theo dõi các sản phẩm đã bán được trong tháng, hoa hồng lũy kế, thu nhập do tăng thêm ca, thêm giờ làm. Ưa thích công nghệ là vậy nhưng cả hai giữ quan điểm trong ngành bán lẻ, marketing tại điểm bán là quan trọng nhất.
Tiến lập luận “400 điểm bán ở vị trí tốt chính là xây dựng quảng bá thương hiệu” và nêu nguyên tắc chọn cửa hàng: “Cứ chỗ đẹp nhất là thuê mặt bằng, nếu không chiến thắng thì phải xem lại thị trường, nếu thị trường không có vấn đề gì thì phải nhìn lại mình.”
Mặt bằng lý tưởng Con Cưng muốn nhắm tới có mặt tiền dài 10 mét, rộng 100 – 150m², ở vị trí thu hút được chú ý. Có mặt bằng phù hợp, phần tiếp theo đã được công nghiệp, bên ngoài là kích cỡ bảng hiệu, logo, số lượng và khoảng cách đèn chiếu… bên trong gạch lát, trần thạch cao, đèn chiếu, kệ trưng bày, quầy thu ngân được “định nghĩa” rõ. Khi đã ‘định nghĩa’ rõ họ biết đâu là mặt bằng phù hợp. Suất đầu tư mỗi cửa hàng Con Cưng hiện nay vào khoảng 800 triệu đồng, kể cả tiền sửa chữa, biển hiệu, kệ hàng và các trang thiết bị.
Trước khi khởi nghiệp, Lưu Anh Tiến là cái tên từng khá nổi tiếng trong giới sinh viên Việt Nam giai đoạn 2005-2006 ở cương vị đội trưởng đội Robocon “Bkpro” vô địch cuộc thi Robocon khu vực châu Á – Thái Bình Dương 2006. Khi ấy, trả lời phỏng vấn, Tiến giải thích: “Tham gia cuộc thi cố gắng giành giải nhất, nổi tiếng thì được nhiều người biết đến, nhiều người biết thì việc kinh doanh sau này thuận lợi hơn.”
Tiến gặp Minh vào năm 2010, khi vừa về nước sau thời gian du học ở Mỹ, hợp cạ, hai người mau chóng trở nên thân thiết. Nhận thấy thị trường sản phẩm cho mẹ bầu và em bé tiềm năng chưa có hệ thống nào đủ mạnh thống lĩnh họ quyết định khởi nghiệp.
Cửa hàng Con Cưng được sơn màu hồng, thương hiệu gần như đồng nhất trong chín năm vận hành
So với các hệ thống bán lẻ, thương hiệu Con Cưng khá dễ nhận biết nhờ lớp áo hồng mặt tiền mỗi cửa hàng. Tại sao màu hồng? Cả hai lý giải khi khởi nghiệp chọn màu sắc ưa thích của nữ giới, đối tượng chính mua sắm. Cửa hàng đầu tiên của Con Cưng sơn màu hồng tại 128 Điện Biên Phủ (Bình Thạnh, TP.HCM).
Từ xa, tòa nhà đập vào mắt, cả Minh và Tiến reo lên “Eureka!” vì biết họ lựa chọn đúng. “Nghiên cứu khoa học đã chỉ ra người đi đường chỉ có 0,5 giây để nhận biết một thương hiệu,” Tiến nói.
Sau chín năm, vài lần bổ sung thêm bớt không đáng kể, màu sắc nhận diện của chuỗi cửa hàng này về cơ bản vẫn không thay đổi so với ngày đầu. Cái tên Con Cưng ra đời sau nhiều lần nhắc lên đặt xuống. Họ muốn lựa chọn một thương hiệu hai âm tiết cho dễ phát âm, đồng thời liên quan gần gũi đến ngành hàng kinh doanh.
Ở thời điểm năm 2011 các đối thủ khác đã nhanh tay sở hữu những tên gọi hay ho như “Mẹ và Bé”, “Bé Yêu”… Biết thương mại điện tử là con đường tất yếu phải đi họ cũng không quên quét những tên miền còn vô chủ. Và rồi, cái tên Con Cưng bật ra, kết quả từ việc chuyển ngữ “Bé” thành “Con”, “Yêu” thành “Cưng” và tên miền
Concung.com trước đó chưa ai đăng ký.
Bước chân vào kinh doanh, Tiến ít xuất hiện trước báo giới. Anh và Con Cưng nổi tiếng bất đắc dĩ lần thứ hai trong khủng hoảng truyền thông năm 2018. Một ngày giữa năm 2018, 6 giờ sáng, đang ngủ, Tiến bị đánh thức với một cuộc điện thoại. Người bên kia thông báo có bài báo viết Con Cưng bán một sản phẩm thời trang CF 0-12, tức ConCung Fashion, thương hiệu thời trang riêng, với tem nhãn không rõ ràng.
“Kệ họ,” Tiến nhắm mắt ngủ tiếp vì bộ phận chăm sóc khách hàng và nhân viên đã giải thích với khách hàng trước đó cả tháng trời. 8 giờ sáng, cuộc điện thoại thứ hai: Bài viết có hàng ngàn lượt thích và hàng trăm lượt chia sẻ. Anh bật dậy chạy đến công ty!
Minh vừa bay đi Mỹ, bước xuống sân bay thì nhận tin dữ. Những ngày sau đó mới thực sự giông bão khi tên Con Cưng xuất hiện tiêu cực trên các phương tiện truyền thông chính thống. Trên Facebook nhiều KOL (Key Opinion Leader) xuống phím, góp lửa kêu gọi tẩy chay hệ thống.
Các bài viết tiêu cực về thương hiệu được chia sẻ ở nhiều diễn đàn trở thành chủ đề nóng, ý kiến bình luận theo chiều hướng tiêu cực hơn nữa. Ngay lập tức doanh thu toàn hệ thống tụt dốc 30% trong tuần sau đó do khách hàng bán tín bán nghi.
“Mình mất sáu năm để tăng được năm ký nhưng chỉ cần năm ngày tụt đi năm ký,” Tiến cười kể lại. “Cảm giác lúc ấy mình như tứ bề thọ địch, mỗi ngày uống hết một vỉ Panadol vì đau đầu, cảm thấy áp lực kinh khủng. Cốc nước đưa lên miệng còn nghẹn. Chỉ ước ngủ một giấc thật dài, tỉnh dậy có ai đó đã giải quyết êm xuôi còn mình đi kinh doanh, bắt đầu từ số 0 cũng được.”
Tiến thậm chí đã nghĩ đến tình huống xấu nhất anh ngã xuống, Minh chưa về, ai dẫn dắt Con Cưng? Tiến lấy lại tinh thần khi Minh xuất hiện ở công ty. Hai người hội ý. Tiến hỏi: “Mình có sai không?” Minh cứng cỏi: “Không”. “Có sai sót không?” Trả lời: “Có thể!”
Sai sót thì cùng lắm bị phạt, cả hai tự nhủ và cố nghĩ theo chiều hướng tích cực. Nhưng cả hai sớm nhận ra với đà tụt giảm doanh số, nếu sự việc trắng đen không rõ ràng, nghi ngờ kéo dài vài tháng chuỗi sẽ phá sản. Bị dồn đến chân tường họ phản công.
Tham khảo bộ phận pháp lý, Con Cưng quyết định ra thông báo gây sốc treo thưởng một tỉ đồng cho khách hàng đầu tiên phát hiện công ty nhập hàng không chính hãng. “Nhiều người chưa biết đến Con Cưng nên công ty còn sống thì cũng nên quảng cáo,” Tiến tự nhủ và không quên chèn hình ảnh bỉm sữa vào thông báo với suy nghĩ “nếu công ty không chết, ai chưa biết thì sẽ biết đến Con Cưng.” Cơ quan quản lý đang vào cuộc thanh tra toàn hệ thống nên giải thưởng này được rút lại sau hai ngày.
KHỦNG HOẢNG BÙNG PHÁT KHOẢNG BA TUẦN thì bộ đôi thấy ánh sáng cuối đường hầm. Họ chuẩn bị mọi thứ phục hồi vì hiểu có được minh oan khách hàng vẫn lưỡng lự mua sắm. Slogan Con Cưng được đổi thành “Trust & Love” (tạm dịch: Tin cậy và Yêu thương) như một cách tái khẳng định.
Ngày 18.8.2018, “Con Cưng như được sinh ra lần thứ hai “khi cơ quan quản lý công bố kết luận thanh tra với ý chính “về cơ bản công ty đã chấp hành đúng các quy định của pháp luật trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, chất lượng sản phẩm hàng hóa và nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa.”
Tuy nhiên sau đó, công ty vẫn bị phạt 250 triệu đồng vì 11 lỗi vi phạm như không gắn tên địa điểm kinh doanh tại nơi kinh doanh, kinh doanh hàng hóa có nhãn ghi không đúng quy định về ngôn ngữ sử dụng…
Được minh oan, vận xui tiếp tục với Minh và Tiến khi kho hàng tại Bình Dương gặp hỏa hoạn vào cuối năm 2018. Hàng hóa thiệt hại trị giá khoảng 100 tỉ đồng và đến nay vẫn chưa lấy được tiền bảo hiểm. Việc kinh doanh của Con Cưng phục hồi chậm chạp, gặp thêm sự cố bất ngờ đẩy chuỗi vào thua lỗ trong vài tháng.
Bóc ngắn cắn dài, từ năm 2011, hệ thống phát triển hữu cơ phần lớn từ lợi nhuận tích lũy. Họ cho biết sau chín năm tổng vốn đầu tư bên ngoài qua các đợt gọi vốn mới khoảng 15 triệu USD, trong đó khoảng bảy triệu bổ sung diễn ra giai đoạn 2019 – 2020 khắc phục ảnh hưởng sự cố truyền thông và hỏa hoạn.
Đợt phát hành trái phiếu chuyển đổi của Con Cưng đầu năm 2020 hé lộ phần nào thông tin sở hữu của công ty này. Theo đó Con Cưng được định giá khoảng 65 triệu đô la Mỹ (Tiến cho rằng con số thực tế gấp đôi). Các cổ đông lớn của Con Cưng gồm Minh và Tiến, sở hữu tương đồng hơn 17%, Asia Design Company và Daiwa SSIAM Vietnam Growth Fund II LP giữ khoảng 20% cổ phần mỗi bên, số còn lại thuộc về một vài cá nhân khác.
Đợt giãn cách xã hội vào đầu quý 2.2020 hệ thống vẫn mở cửa kinh doanh, đẩy mạnh giao hàng online. Giới phân tích nhìn nhận hạn chế lớn nhất với Con Cưng là tỉ suất lợi nhuận trung bình khiêm tốn 3 – 5% của ngành bán lẻ. Các khách hàng nhí cũng lớn lên và trưởng thành theo thời gian, sau vài năm các phụ huynh hiện nay không còn là ông bố, bà mẹ bỉm sữa khiến “miếng bánh” của họ có giới hạn.
Nhân sự thay đổi cũng là điểm yếu chung của ngành bán lẻ. Và khủng hoảng 2018 có lặp lại? Nhưng hai chàng trai 8X nghĩ khác. Sau chín năm kinh doanh, bộ đôi chứng kiến sự thay đổi của thị trường do sự phát triển kinh tế. Ngày đầu, cửa hàng ở quận 6 (TP.HCM) khung kính sáng choang khiến người mua ngần ngại không dám bước vào. Nhằm kích cầu, Tiến lấy quần áo em bé treo la liệt ngoài cửa “dìm hàng” giúp cửa hàng có vẻ bình dân.
Giờ đây, họ ước tính “miếng bánh” thị trường cho mẹ bầu và em bé có giá trị khoảng năm tỉ đô la Mỹ, trong đó ngành hàng sữa đi ngang nhưng tã bỉm có thể tăng trưởng 30% mỗi năm và các phụ huynh rót tiền nhiều hơn cho các nhãn hàng cao cấp, đồng nghĩa với tỉ suất lợi nhuận của nhà phân phối này sẽ tốt hơn.
Họ khá tự tin tuyên bố có thể cải thiện tỉ suất lợi nhuận lên mức 7-8%. Cả hai dự kiến phát triển chuỗi Con Cưng lên 1.200 cửa hàng vào năm 2023, doanh thu cán mốc một tỉ đô la Mỹ. Họ đang rất tự tin? “10 năm trước thế mạnh của mình là hệ thống, bây giờ không còn là độc quyền. Nhưng mình xây dựng thương hiệu tốt, quan hệ tốt với nhãn hàng, có nhân viên đủ giỏi, có lợi thế người đi đầu, xu hướng đủ tốt, có mô hình đúng,” Tiến nói.
Theo tạp chí Forbes Việt Nam số 87, tháng 8.2020