Xưa đọc Quân sử, nhớ mãi câu chuyện về rau xanh :
Một đơn vị bộ binh cắm chốt, có hội phụ nữ kết nghĩa dưới xuôi thỉnh thoảng gửi rau xanh lên chốt. Hôm đó, có rau dưới xuôi lên, cũng không còn tươi, lính nhặt nhạnh được ít rau còn ăn được, số còn lại vứt bỏ. Lúc sau nhìn ra, thấy mấy cậu lính của đài quan sát pháo binh chốt gần đấy đang lục lọi nhặt mót nốt một vài nhánh rau thối để về ăn. Đọc mà cảm động rơi nước mắt. Ôi những ngày con đất Việt, những đứa con ra đi từ những mái tranh nghèo, rất rất nhiều người mãi không được trở về làng quê nghèo của mình.
Rau xanh trên đó cực hiếm, kể cả có về chợ dưới Thị xã Hà Giang thì vẫn rất đắt.
Rau tươi được gửi lên, thường là xu hào thì lá đã thối nhũn, phần củ cũng vậy, muốn ăn phải cắt bỏ phần thối đi.
Còn chỉ có rau khô, xu hào muối, ca la thầu (củ cải muối phơi khô).
Thịt thì cũng chỉ có thịt lợn muối, thịt hộp, cá hộp thời đó đã hiếm rồi.
Trên đồi dọc các con suối chỗ đó có cây đay rừng là món rau của lính chưa bị đẩy lên hầm. Nhưng loại lá này không ăn nhiều được.
Trên đó có món chè chốt, cực kỳ nổi tiếng thời gian đó.
Dọc các sườn núi có rất nhiều nương chè của dân đã tản cư hết để lại. Toàn loại chè cổ thụ, cây cao gốc cả người ôm. Bị pháo bắn nhiều cành lá bị phạt sạch, nhưng sau khi mưa thì búp bật ra rất nhiều. Tụi em đeo ba lô đi hái, về sao bằng nắp xoong quân dụng. Mang theo khi xuống dưới thị xã đổi rau, đổi thịt lên liên hoan.
Có lần tụi em đào được gần 4 chậu nhôm nhộng ong bầu đất.
Đêm đó 1 nửa tải đạn vào hang, nửa còn lại đi đào tổ ong. Tìm đủ cả cửa hang chính lẫn lỗ cửa phụ rồi chất củi đốt. các ông còn lại cầm đuốc, thấy con ong nào bay tháo ra thì tìm mọi cách đốt cho nó rơi xuống. Cửa chính cứ đào rộng dần ra đến khi cả cái tổ hở ra thì cũng dùng đuốc đốt hết những con ong còn thấy. Loại ong này mà bị đốt 1 cái thì cõng xuống làng Ping cấp cứu. Bị 2 con đốt thì chắc khó, vì phẫu dưới làng Ping cũng chỉ là phẫu dã chiến.
Chỉ dưới này mới có rau dớn, dấp cá,...!