Những giờ phút cuối của Thiếu Tướng Lê Văn Hưng qua lời kể của bà quả phụ Phạm thị Kim Hoàng, vợ tướng Hưng
Tôi quay đi. Ánh mắt bỗng chợt đập vào lá cờ vẫn dựng ở góc phòng. Tôi vội vàng đem cờ đến bên người. Tôi nói: "Bao nhiêu năm chiến đấu để bảo vệ tổ quốc. Bây giờ mình hãy giữ nó." Chúng tôi nhìn nhau cảm thông. Hưng ôm lá cờ, áp vào mặt, đôi mắt Hưng chợt ướt. Sau cùng Hưng cũng rán đứng lên hối tôi: "Mau mời má và mấy đứa nhỏ lên." Khi mẹ tôi và các con lên văn phòng, Hưng nói rõ cho mẹ tôi hiểu vì sao người phải chết và tôi phải sống.
Vâng lệnh Hưng, tôi mời tất cả sĩ quan binh sĩ còn tụ họp dưới nhà lên văn phòng. Mọi người đứng xếp hàng nghiêm trang và vô cùng cảm động. Giờ phút từ biệt sanh ly giữa những người từng bao ngày sống chết bên nhau. Hưng dõng dạc nói: "Tôi không bỏ các anh và đưa vợ con trốn sang ngoại quốc. Như các anh đã biết, cuộc hành quân chưa chi đã bị gẫy đổ nửa chừng. Tôi không phản công vào phút chót là vì dân chúng. Tôi không muốn VC pháo kích bừa bãi, biến Cần Thơ thành An Lộc thứ hai. Tôi cũng không chịu nhục đầu hàng. Các anh đã từng cộng tác với tôi, những lúc các anh lầm lỗi, tôi rầy la. Rầy la không có nghĩa là ghét bỏ. Rầy la để mến thương nhau, để xây dựng nhau. Mặc dầu đất nước ta bị bán đứng, bị dâng cho CS, nhưng các anh không trực tiếp chịu tội với quốc dân. Chính những người trực tiếp nắm vận mệnh các anh, mới chính là những kẻ trọng tội. Xin các anh tha thứ cho tôi những lỗi lầm, nếu có. Tôi bằng lòng chọn cái chết. Tướng mà không giữ được nước, không bảo vệ được thành, thì phải chết theo thành, theo nước, chớ không thể bỏ dân, bỏ nước, trốn chạy, cầu an. Tôi chết rồi, các anh hãy về với gia đình, vợ con. Nhớ rõ lời tôi căn dặn: Đừng bao giờ để bị CS tập trung các anh, dù tập trung dưới bất cứ hình thức nào. Tôi có lời chào vĩnh biệt các anh."
Tướng Hưng đưa tay chào và bắt tay từng người một. Mọi người đều khóc. Đến bên Thiếu Tá Phương, Trung Úy Nghĩa, Hưng gởi gấm: "Xin giúp đỡ giùm vợ con tôi. Vĩnh biệt tất cả." Mọi người đều đứng yên không ai nói lên được lời nào. Mẹ tôi nhào lại ôm chầm lấy người, xin được chết theo. Hưng an ủi mẹ tôi. Yêu cầu mẹ tôi cố gắng chăm lo cho cháu ngoại. Hưng ra lệnh cho tất cả mọi người phải ra ngoài.
Không ai chịu đi. Hưng phải sô từng người ra cửa. Tôi van xin: "Mình cho em ở lại chứng kiến mình chết." Người từ chối. Nghĩa hoảng sợ bỏ chạy. Hưng quay vào văn phòng đóng chật cửa lại. Tôi gọi giật Nghĩa: "Nghĩa trở lại với tôi." Tôi bảo Giêng tìm dao nạy cửa. Giêng bỏ chạy như bay. Nghĩa trở lên, đứng trước cửa chờ đợi. Có tiếng súng nổ. Tiếng nổ nghe chát chúa. Tôi đưa tay xem đồng hồ: 8 giờ 45 phút tối ngày 30 tháng 4 năm 1975. Ngày kết liễu cuộc đời của chúng tôi. Lê Văn Hưng, anh đã chết. Giêng run run lấy dao nạy cửa. Cửa bật ra. Nghĩa lách mình nhường tôi chạy vào phòng trước. Hưng ngả người nằm trên, nửa người nằm dưới, hai cánh tay dang ra, cong lên và giật mạnh, toàn thân run rảy từng cơn. Đôi mắt Hưng mở to căm hờn. Miệng Hưng há ra, đôi môi mấp máy. Tôi ôm chầm lấy Hưng hỏi: "Mình, mình ơi! Mình còn lời gì dặn dò em nữa không?" Hưng không còn trả lời được tiếng nào. Nghĩa gào lên nức nở: "Thiếu Tướng! Trời ơi, Thiếu Tướng!" Giêng chạy vào phụ Nghĩa đỡ lưng và chân, tôi đỡ đầu Hưng, đặt nằm ngay ngắn trên giường. Máu tim nhuộm thắm áo trận, ướt đỏ cả tấm drap trắng. Tôi đưa tay vuốt mắt cho người. Nghĩa vẫn gào khóc: "Thiếu Tướng! Thiếu Tướng ơi!"