Đi dọc vùng đất bắc Ấn và Tây Tạng này các bác có thể nhìn thấy rất nhiều những lá cờ ngũ sắc. Chắc các bác cũng đã biết nhưng em xin cứ dài dòng nói về lá cờ này vậy.
Người TQ và VN mình hay giải thích là 5 mầu của lá cờ (trắng, đỏ, lục, vàng, lam) đó là tượng trưng cho thuyết Ngũ hành: Kim, mộc, thủy, hỏa, thổ nhưng em rằng cái đó chưa đúng vì Đại thừa giáo xuất phát từ Ấn độ => Tây Tạng rồi mới truyền qua TQ mà những triết lý của Ấn Độ lại khác xa TQ.
Theo quan điểm của triết học Ấn độ thì 5 yếu tố đầu tiên hình thành lên thế giới là:
Đất, nước, lửa, gió và bầu trời nên 5 lá cờ này nó tượng trưng cho 5 nguyên tố sơ khởi là như vậy. Sau này số 5 trở thành con số linh thiêng của Phật giáo như: "Ngũ giới, ngũ trí, ngũ uẩn, ngũ bộ chú, ngũ phương và Ngũ Phật" thì dần dần 5 lá cờ này nó tượng trưng hết thảy cho cả những yếu tố đó. Những yếu tố đó là gì? Kể ra thì rất dài dòng nhưng thôi các bác cứ hiểu đơn giản VD như Ngũ phương là có Trung tâm và 4 phía bắc, nam, đông, tây xoay quanh. Ngũ Phật là có 1 ông Phật ngồi giữa xung quanh là các Bồ tát, La hán... đoại loại thế....
Trên những lá cờ này họ thường ghi những câu bùa chú mà bố tây mới hiểu được và họ treo lên và nhờ gió gửi những lời cầu nguyện đó lên tới trời. Em cũng chẳng hiểu gì về những câu bùa chú đó, và cũng chẳng hiểu ở đây họ cầu nguyện những gì. Nên hỏi Padma thì bạn ấy nói
"À thì cầu nguyện cho cuộc sống tốt đẹp hơn" Em hỏi rõ
"Tốt đẹp hơn là như thế nào?" "Thì giầu có hơn, may mắn hơn, khỏe mạnh hơn...." Ô thế hóa ra cũng giống VN mình các bác à Em là kẻ vô thần, chẳng hiểu gì về kinh kệ, giáo lý Phật pháp cả nhưng cứ thấy nó kỳ kỳ thế nào ý. Đức Phật chủ tâm diệt dục (tự diệt bớt ham muốn của mình đi) nhưng người ta đến chùa toàn cầu xin ăn lên làm ra, may mắn, danh vọng, quyền lực rồi kẻ đánh đề cầu xin trúng đề, chủ đề cầu xin con đề trượt, buôn lậu cầu không bị công an bắt, công an thì lại cầu bắt được tội phạm..... Cứ loạn cả lên, chẳng biết thế nào chứ em cũng xin cá với các bác là Đức Phật ngồi bên trên có nghe thấy được cũng chẳng biết phù hộ cho ai. Thế nên mấy ông sư lại bày ra trò phải công đức, công đức càng to thì trời Phật càng phù hộ... Thê là nhiều người đem tiền bẩn đi dựng tượng, đúc chuông.... với mong muốn Đức Ngài phù hộ cho mình. Chắc Đức Phật ngồi trên cao cũng giận dữ lắm vì nó đang đi ngược lại các giáo lý của ngài. Chuyện này đem so với chuyện thời trung cổ khi quyền lực của Giáo Hoàng là tối thượng, ngài là người duy nhất có liên hệ được với Thiên Chúa rồi ngài đi rửa tội cho các vị quân vương lấy tiền cũng chẳng khác nhau lắm.
Tôn giáo nào cũng thế, ban đầu sinh ra với mục đích cứu rỗi nhân loại, nhưng trải qua hàng ngàn năm dần dần nó sẽ bị biến tướng rồi lại quay ra phục vụ cho những kẻ trục lợi trên tôn giáo đúng không các bác?
Quay lại chuyện những lá cờ. Người ta treo những lá cờ này từ dưới lên một cái cột như hình nan hoa xe đạp vậy. Gió sẽ thổi và đem lời cầu nguyện của họ đến với đấng bề trên. Và họ cho rằng treo cờ phải treo đúng ngày chứ không nó lại mang đến những điều không tốt, và hết 1 năm vào ngày tết họ lại phải thay cờ mới cũng như những điều ước mới. Nhưng do khí hậu ở đây khắc nghiệt nên chưa hết 1 năm mà cờ đã bay mầu và nhiều cái rách tơi tả