(VTC News) - Sau gần 4 tháng kể từ ngày nhóm phóng viên VTC News thâm nhập, phản ánh, “vương quốc bầy đàn” bán hàng đa cấp có gì đổi khác?
» Bầy đàn đa cấp: Lãnh đạo Thái Bình ‘ra đòn’ chí tử
» Một ngày ở 'chốn bầy đàn' bán hàng đa cấp
» Trở lại 'vương quốc bầy đàn' bán hàng đa cấp
» Lũ lượt rời khỏi 'vương quốc' đa cấp
» Bệnh quái gở ở 'vương quốc bầy đàn' bán hàng đa cấp
» Hãi hùng ‘vương quốc bầy đàn’ kinh doanh đa cấp
Như chúng tôi đã đưa tin, sau loạt bài gây chấn động của VTC News về “vương quốc bầy đàn bán hàng đa cấp”, lãnh đạo các sở, ngành, địa phương ở tỉnh Thái Bình đã đồng loạt vào cuộc.
Trở lại “vương quốc” này vào một ngày nắng gắt, nhóm phóng viên VTC News nhận thấy nhiều sự đổi khác.
“Chó không nhận ra chủ”
Đó là lời khẳng định của một chuyên viên trong quá trình đào tạo, cho ra lò khóa học viên bán hàng đa cấp mới tại lớp học của Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Lô Hội (sau đây gọi tắt là công ty Lô Hội) ở địa chỉ Km6, đường 10, xã Song An, huyện Vũ Thư (Thái Bình).
Ở nhà, dù trời nắng nóng gay gắt, học viên của Lô Hội cũng không được mặc quần đùi, áo ba lỗ (Ảnh: PV VTC News)
Trong quá trình “nhồi sọ” các học viên mới, chuyên viên này cho hay: “Trước ở nhà các nhân viên của công ty thường ăn mặc lôi thôi, nhếch nhác như nông dân. Nhưng từ khi họ làm công việc này, họ đã mang phong cách lịch sự, sang trọng, thậm chí quý phái của một doanh nhân thành đạt khiến chó không nhận ra chủ”.
Thấm nhuần tư tưởng này, các học viên của công ty Lô Hội cứ đi làm là phải diện áo sơ mi, quần âu, thắt cà vạt (với nam) chỉnh tề, còn ở nhà cũng không được mặc quần đùi, áo ba lỗ. Điểm mới lạ so với trước của “vương quốc” này chính là quy định kì quặc: Ở nhà cũng không được mặc quần đùi cho dù nắng nóng phát sốt tới gần 40 độ C.
Lý giải về điều này với phóng viên VTC News, em Hoàng Thị Thảo (1993, quê ở Thanh Hóa) – người quản lý nhà trọ có tên “Super Teen” (họ dịch là Tuổi trẻ siêu đẳng) với 20 người (7 nam, 13 nữ) ở thôn Minh Quàn (xã Minh Quang, Vũ Thư) cho hay: “Bọn em nghiêm cấm con gái mặc quần đùi khi ở nhà.
Ở đây toàn các bạn nữ sinh năm 1995 – 1991, chủ yếu quê Thanh Hóa, trong đó có cả người Hà Nội. Các bạn nữ ở đây đều phải mặc áo sơ mi hoặc áo phông dù trời nắng nóng bởi khi ở chung cả nam lẫn nữ với nhau như thế này mà ăn mặc như vậy trông sẽ thiếu mỹ quan”.
Trước ở nhà các nhân viên của công ty thường ăn mặc lôi thôi, nhếch nhác như nông dân. Nhưng từ khi họ làm công việc này, họ đã mang phong cách lịch sự, sang trọng, thậm chí quý phái của một doanh nhân thành đạt khiến chó không nhận ra chủ
Chuyên viên "nhồi sọ" học viên bán hàng đa cấp
Như chúng tôi đã phản ánh trước đó, việc ăn chung, ngủ chung ở “vương quốc” này đã dẫn tới nhiều hệ lụy đau lòng. Không ít cô gái trẻ phải nạo phá thai khi đang ở độ tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”. Số khác thậm chí còn mắc căn bệnh quái gở “thèm đàn ông” do ngày ngày phải chứng kiến các cặp đôi trong phòng diễn “cảnh nóng”.
Quy định mới trên được xem là giải pháp tình thế nhằm hạn chế tối đa những hệ lụy từ việc ăn ở “bầy đàn” như thời nguyên thủy ở “vương quốc” này.
Nói về phong cách ăn mặc nhìn là biết nhân viên của công ty Lô Hội, Thảo tự hào khoe: “Cùng là dùng sức lực để làm ra tiền mưu sinh, nhưng những người nông dân làm ra lúa, gạo để nuôi tụi em như bố mẹ em thì khác xa tụi em lắm.
Doanh nhân bọn em sẽ có một cái gì đó toát lên sự đẳng cấp từ cách ăn mặc tới lời ăn tiếng nói. Nhiều khi, bố mẹ em còn văng tục hay cãi chửi nhau, nhưng tụi em không thế”.
“Thà chết đói còn hơn ăn ốc bươu vàng, tôm, cua đồng”
Tạm gác lại câu chuyện trên, tìm hiểu sâu về bữa ăn vốn được xem là nghèo nàn chất dinh dưỡng của những học viên thuộc công ty này, chúng tôi ái ngại trước lời khẳng định của một người quản lý mạng lưới học viên bán hàng đa cấp: “Thà chết đói còn hơn ăn ốc bươu vàng, tôm, cua đồng bởi đó không phải là phong cách của doanh nhân!”.
Như VTC News đã phản ánh, mỗi bữa cơm của các học viên Lô Hội chỉ khoảng 5.000 đồng nên nhiều khi họ phải tranh thủ ra đồng bắt cào cào, châu chấu, chuột, thậm chí cả ốc bươu vàng để cải thiện bữa ăn.
Bữa cơm đạm bạc của học viên Lô Hội với rau khoai là món chủ đạo
Thế nhưng, trong lần trở lại vương quốc này, chúng tôi ái ngại trước phát ngôn hùng hồn gây sốc của Thảo – “bà trùm” nắm trong tay số phận của 20 học viên khác kể trên: “Các hệ thống khác, ngôi nhà khác như thế nào thì em không biết, nhưng với nhà em, em nghiêm cấm hệ thống đội nhóm ra đồng bắt cua, cá…về ăn.
Thà chết đói hoặc ăn cháo còn hơn! Đi bắt tôm, cua, cá… ngoài đồng là chuyện bình thường, điều đương nhiên bởi mình đang dùng chính sức lực của mình để kiếm cái ăn, nhưng đã trở thành một doanh nhân thì phải ra dáng doanh nhân. Còn làm một ông/bà nông dân thì ra một ông/bà nông dân, không thể lộn xộn như vậy được!”.
Chia sẻ với chúng tôi về bữa ăn hàng ngày của họ, Thảo nói: “Buổi sáng có thể bọn em ăn cá với rau. Chiều có thể ăn thịt với canh. Một bữa 20 người tụi em có 120.000 – 150.000 đồng tiền mua thức ăn. Dù ở độ tuổi bẻ gẫy sừng trâu, nhưng bọn em ăn không nhiều, chỉ 2 – 2,5 kg cá cho 20 người là đủ, còn đâu bọn em sẽ ăn rau.
Nếu không ăn cá, bọn em sẽ ăn thịt. Chỉ khoảng 1 kg thịt thôi, nhưng sẽ nấu kèm với dừa hoặc đậu. Gạo thì bố mẹ gửi ở quê ra cho tụi em. Cứ 30kg gạo, bạn đó sẽ được tính đủ ăn trong 3 tuần. Những ai không có gạo gửi ra thì đóng tiền mua về”.
Cảnh học viên Lô Hội mặc nguyên đồng phục ra đồng bắt cua, ốc bươu vàng
Rời ngôi nhà “Tuổi trẻ siêu đẳng”, chúng tôi tìm tới nhà trọ có tên “Phương Đông 2” do Mai Minh Hiếu (1989, quê Thanh Hóa) quản lý với 15 người (trong đó có 3 bạn nữ).
Hiếu chia sẻ, 15 người thường góp khoảng 90.000 đồng/bữa ăn. Với số tiền ấy, họ chỉ mua được gần 1 kg thịt gà, còn lại là rau muống hoặc 6 – 7 mớ rau khoai lang.
“Những hôm có thêm người thì bọn em bớt mâm, nhưng vẫn ăn như cũ”, Hiếu nói.
Cũng theo tâm sự của cậu bé này, bữa ăn của các phòng trọ khác như Nhịp sống mới, Ngôi sao cười, Đại bàng vàng, Đại bàng lửa, Phượng hoàng Lửa hay Phương Đông 1, Phương Đông 3…cũng chẳng khá khẩm hơn.
Trong khi đó, Thảo cho hay: “Tên nhà là do bọn em tự đặt ra vì mỗi nhà có một chủ riêng, cần một cái tên để khi mọi người nhắc đến, họ sẽ nhớ ra ngay là nhà nào”.
Cảnh học viên Lô Hội hì hục vào bếp chuẩn bị bữa ăn cho khoảng 15 người
Khi phóng viên đặt câu hỏi, những người không có tiền để góp ăn với cả phòng do chưa có thu nhập hoặc bị bố mẹ phản đối, cắt viện trợ sẽ ăn uống ra sao, Thảo phân trần: “Thì mình vẫn phải cho họ ăn thôi chị. Khi nào họ làm ra tiền, họ sẽ đóng góp thêm sau”.
Thái Bình là tỉnh thuần nông, tìm việc làm thêm cũng khó, vả lại, các học viên của công ty Lô Hội cũng không có nhu cầu ấy nên mọi khoản chi tiêu của họ phụ thuộc hoàn toàn vào trợ cấp từ phía gia đình – những người nông dân ở các tỉnh khác đang ngày đêm bòn mót từng đồng với hi vọng số tiền ấy sẽ giúp con ăn học thành người.
Theo như lời các học viên của Lô Hội thì bữa ăn của họ đã được cải thiện đáng kể so với trước. Không còn những bữa ăn chỉ vỏn vẹn 5.000 đồng như trước nữa. Thế nhưng, rời thôn Minh Quàn (xã Minh Quang) tới thôn Nghĩa Chính (xã Phú Xuân, thành phố Thái Bình), phóng viên VTC News vẫn bắt gặp cảnh học viên của công ty này mặc nguyên đồng phục, xắn quần, lội ruộng bắt cua, ốc bươu vàng.
Thế mới thấy, rời nách bố mẹ, những đứa trẻ ở độ tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” trên sẽ phải chịu một cuộc sống bấp bênh, thiếu thốn, thậm chí đói khổ như thời nguyên thủy dù họ luôn ăn diện bảnh bao để cố che đi sự thật trần trụi ấy.
Tường "cấm yêu" do các chủ nhà trọ ở Thái Bình tự sáng chế ra
Vẫn ngủ chung, nhưng cấm yêu
Trở lại câu chuyện mà rất nhiều người quan tâm đó là kiểu sống “bầy đàn”, ăn ngủ chung như thời nguyên thủy mà VTC News từng phản ánh, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên với quy định ở “vương quốc” này mà có lẽ ngay cả các nhà làm luật cũng sững sờ: “Cấm yêu”.
Sau khi có quy định mỗi nhà trọ chỉ được ở từ 15 - 20 người để đảm bảo tối thiểu 3m2/người thì nhiều chủ nhà trọ đã “chống chế” bằng cách cơi nới, ngăn đôi nhà để tách thành 2 phòng cho thuê được nhiều người hơn và dĩ nhiên họ sẽ kiếm được nhiều tiền hơn.
Chẳng thế mà khi nghe phóng viên đề cập tới chuyện ăn ngủ chung, Hiếu vội vàng giải thích: “Không có chuyện tụi em ăn nằm với nhau đâu. Nhà này có 2 phòng, nam ngủ ở nhà ngoài, nữ ngủ ở nhà trong. Tối đến là có chốt khóa cửa, ngăn cách đàng hoàng”.
Theo quan sát của chúng tôi, nếu các bạn nữ trong nhà của Hiếu khóa cửa phòng vào buổi tối xem như tuyệt đường dẫn ra nhà vệ sinh, nhà tắm và khu bếp của những người đứng sau cánh cửa ấy. Nói cách khác, chẳng may đêm đến có bạn nam nào muốn đi vệ sinh chỉ còn nước chạy ra đường hoặc sang nhờ nhà hàng xóm một khi cửa phòng các bạn nữ đã khóa và mọi người đang say giấc nồng.
Thế mới thấy lý giải của chàng trai tuổi Kỷ Tỵ chưa thật sự thuyết phục người nghe mặc dù thái độ của cậu bé hết sức chân thành và thẳng thắn.
Còn Thảo, cô nàng này quả quyết: “Với cương vị là chủ nhà, nếu trong nhà có 1 cặp hay có người nào có tình trạng thích nhau thì em sẽ đuổi ra khỏi nhà vì cá thể đó sẽ gây ảnh hưởng tới cả tập thể”.
Chuyện tình cảm vốn là điều khó nói, nhiều khi còn khó nhận biết. Chẳng thế mà mỗi ngày có cả nghìn nhà thơ, nhà văn đau đầu trong việc tìm câu chữ diễn tả thứ cảm xúc ấy. Vả lại, luật pháp Việt Nam, thậm chí các nước trên thế giới cũng đâu có cấm con người ta yêu thương nhau, cấm nhiều khi cũng chẳng được. Thế nhưng, “luật cấm yêu” lại đang tồn tại ở vương quốc bầy đàn bán hàng đa cấp ở Thái Bình.
Còn nữa...
Độc giả suy nghĩ gì ề những đổi thay trong cách sống của nhân viên công ty Lô Hội hay có phản hồi về cuộc ống, cách thức hoạt động của công ty đa cấp hãy gửi phản hồi cho chúng tôi vào ô thảo luận phía cuối bài viết hoặc email tới
toasoan@vtc.vn. Trân trọng cám ơn!
» Bầy đàn đa cấp: Lãnh đạo Thái Bình ‘ra đòn’ chí tử
» Một ngày ở 'chốn bầy đàn' bán hàng đa cấp
» Trở lại 'vương quốc bầy đàn' bán hàng đa cấp
» Lũ lượt rời khỏi 'vương quốc' đa cấp
» Bệnh quái gở ở 'vương quốc bầy đàn' bán hàng đa cấp
» Hãi hùng ‘vương quốc bầy đàn’ kinh doanh đa cấp
Nhóm PV VTC News