Turing sau chiến tranh - Bi kịch cuộc đời và lời tri ân muộn màng
Từ năm 1945, Turing kiêm nhiệm làm việc tại Phòng Thí nghiệm Vật lý Quốc gia, nghiên cứu lý luận máy tính. Năm 1946 ông được Hoàng gia Anh tặng huân chương OBE, một vinh dự khá cao. Những năm 1947-1948 ông nghiên cứu vấn đề trí tuệ nhân tạo, làm Phó Giám đốc Phòng Thí nghiệm tính toán tại Đại học Manchester. Năm 1949 Turing trở thành nhà khoa học đầu tiên thực tế dùng máy tính để nghiên cứu toán học. Năm 1950 ông công bố luận văn “Máy tính và trí năng”, đưa ra “Phép thử Turing” (Turing Test) nổi tiếng, đặt nền móng cho khoa học trí tuệ nhân tạo. Năm 1951 ông bắt đầu nghiên cứu lý thuyết phi tuyến tính của các sinh vật. Ở tuổi 39, Turing được bầu làm thành viên Hội khoa học Hoàng gia (chức danh này còn gọi là viện sĩ).
Đáng tiếc là đầu năm 1952, Turing bị phát hiện là một người đồng tính nam khi xảy ra vụ kẻ lạ đột nhập nhà ông và người giúp kẻ trộm đó lại là Arnold Murray, một người đồng tính nam 19 tuổi, vừa mới quen biết ông. Turing khai báo vụ này cho cảnh sát.
Trong quá trình điều tra, ông thừa nhận mình từng có quan hệ tình dục đồng giới với Murray. Cuộc đời của nhà toán học thiên tài bỗng chốc biến thành địa ngục khi ông bị bắt giữ và buộc tội có quan hệ đồng tính không đứng đắn. Sau khi bị buộc tội, ông không được phép sử dụng các cơ sở vật chất kỹ thuật của Trung tâm mật mã Bletchley Park, Vương quốc Anh, nơi ông và các cộng sự từng làm việc trong Thế chiến thứ hai.
Theo luật Anh Quốc thời ấy, luyến ái đồng giới là phạm pháp, hơn nữa vụ này xảy ra sau khi hai người đồng tính nam vốn là nhân viên cơ quan tình báo Anh MI5 vừa bị bắt vì tội làm gián điệp cho Liên Xô, cho nên cả nước Anh bị bao trùm bởi nỗi sợ mưu kế luyến ái đồng giới của KGB Nga nhằm đánh cắp các bí mật khoa học công nghệ của Anh Quốc.
Dễ hiểu là người ta cũng nghi ngờ Turing do là người đồng tính nam mà có thể làm lộ bí mật kết quả nghiên cứu của mình, vì lúc ấy ông vẫn đang là một trong những người lãnh đạo công tác phá mã bí mật tại công viên Bletchley. Ông bị buộc thôi việc và bị tòa án kết tội “có hành vi bỉ ổi nghiêm trọng” (acts of gross indecency).
Tòa cho phép ông chọn một trong hai hình phạt: hoặc ngồi tù hai năm, hoặc quản thúc tại gia nhưng phải chịu “điều trị” bằng hóa chất. Ông chọn cách thứ hai. Trong một năm liền, ông bị tiêm hormone estrogene (hooc-môn nữ) — một liệu pháp ức chế ham muốn tình dục, tức diệt dục, thực chất là một hình thức thiến hoạn bằng hóa chất (chemical castration). Hậu quả đã làm hai vú ông nở to không bình thường và gây ra nhiều đau khổ cùng những biến đổi tâm lý trong quãng đời còn lại của ông.
Tuy vậy, khi bị phát hiện là người đồng tính nam, Turing đã bị luật pháp thời ấy đối xử tàn nhẫn, vì không chịu nổi nỗi đau thể xác cùng lời buộc tội nghiệt ngã, dẫn đến việc ông tự kết liễu đời mình. Ngày 7/6/1954 Alan Turing tự sát trong phòng làm việc, khi ông 42 tuổi — độ “tuổi vàng” của các nhà khoa học. Ông bị nhiễm độc Xyanua, bên cạnh thi thể là một quả táo đang cắn dở (chưa ai xác định là quả táo có độc hay không?)
Với công trạng hiển hách nhưng Ông lại bị chính quyền đối xử tàn nhẫn trong suốt mấy năm cuối đời khiến dân chúng nước Anh phẫn nộ.
Vinh dự sau khi chết
Cống hiến lớn lao của Alan Turing trong lĩnh vực khoa học và trong cuộc kháng chiến chống phát xít của loài người không bị lãng quên. Năm 1966, Hội Máy tính (Association for Computing Machinery) sáng lập Giải thưởng Turing Award trị giá 250.000 USD có giá trị tương đương với giải Nobel. hàng năm sẽ trao cho các cá nhân có đóng góp lớn về công nghệ máy tính. Cho đến cuối thế kỷ 20, giải thưởng này đã được công nhận trên toàn thế giới. Được coi là giải Nobel trong lĩnh vực máy tính, Turing Award thực sự là vòng hoa tưởng niệm mãi mãi dành cho nhà khoa học thiên tài kiêm anh hùng số một Anh Quốc trong cuộc kháng chiến chống phát xít Đức.
Ngày 5/6/2004, Hội Logic Anh (British Logic Colloquium) và Hội nghiên cứu Lịch sử Toán học Anh (British Society for the History of Mathematics) đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm cuộc đời và sự nghiệp của Turing.
Nhân dịp này, Đại học Khoa học kỹ thuật Manchester và Đại học Manchester đã thành lập Viện Alan Turing. Người ta cũng dựng tượng đài tưởng nhớ Turing tại công viên Sackville thành phố Manchester, đặt giữa tòa nhà của Đại học Manchester trên phố Whitworth, Bức tượng đồng Turing trong khuôn viên Đại học Surrey và tấm bảng kỉ niệm tại nơi ông ở trước đây, Hollymeade, Wilslow, cũng được khánh thành trong dịp này.
Năm 2000, tạp chí Mỹ Time đưa Alan Turing vào Danh sách những người có ảnh hưởng nhất trong thế kỷ 20.
Cuối tháng 8/2009, nhà khoa học máy tính John Graham-Cumming và sinh viên Cameron Buckner phát trên mạng hai bản thỉnh nguyện yêu cầu Chính phủ Anh chính thức xin lỗi Alan Turing. Hai bản thỉnh nguyện này đã thu được chữ ký của hàng chục nghìn người, trong đó có nhà văn Ian McEwan, nhà khoa học Richard Dawkins, nhân sĩ đấu tranh bảo vệ quyền của người đồng tính Peter Tatchell…
Nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày mở đầu Thế chiến II và thể theo nguyện vọng của công chúng, ngày 10/9/2009, ********* Anh, ông Gordon Brown đã thay mặt Chính phủ chính thức gửi lời xin lỗi đến Alan Turing vì sai sót trong liệu pháp điều trị , thay cho câu trả lời bản kiến nghị yêu cầu lệnh ân xá hoàng gia dành cho Ông.
Mở đầu bản tuyên bố, ********* Brown viết: Năm 2009 là một năm của sự tái suy nghĩ sâu sắc – là dịp tốt để nước Anh với tư cách một quốc gia tưởng nhớ từ đáy lòng những gì chúng ta mắc nợ các bậc tiền bối. “Cho nên tôi vừa vui lòng vừa tự hào khi thấy rằng nhờ sự đoàn kết của các nhà khoa học máy tính, sử gia và các nhân sĩ đấu tranh vì quyền lợi của người đồng tính luyến ái, năm nay chúng ta có dịp kỷ niệm một đóng góp nữa vào cuộc chiến đấu của nước Anh chống phát xít Đức – đó là đóng góp của ông Alan Turing, chuyên gia phá khóa mật mã.”
Ông Brown viết: Turing cùng nhiều nghìn người đồng tính nam khác từng bị kết án như ông bởi các đạo luật căm sợ luyến ái đồng giới (homophobic laws), đã bị đối xử một cách đáng sợ. “Tuy rằng Turing bị xử theo luật pháp thời ấy và chúng ta không thể quay ngược kim đồng hồ, song dĩ nhiên sự đối xử với ông là cực kỳ bất công và tôi rất vui khi có dịp để nói tôi và chúng ta vô cùng lấy làm tiếc trước những gì đã xảy ra với ông.”
Kết cục bi thảm của Alan Turing bắt nguồn từ nhận thức ấu trĩ của nhân loại về hiện tượng luyến ái đồng giới, hành vi từ năm 1885 bị vương quốc Anh coi là phạm pháp. Mười ba năm sau vụ tự tử của ông, năm 1967 nước Anh mới không còn coi luyến ái đồng giới là bất hợp pháp. Phải đến năm 2009, do sức ép của công chúng, Chính phủ Anh mới công khai nói lời xin lỗi con người vĩ đại khốn khổ ấy.
Ngày 19/08/2014, cả thế giới chứng kiến một bước ngoặt trong lịch sử. Cuối cùng, Chính phủ Vương quốc Anh phải xin lỗi một trong những nhà toán học vĩ đại nhất của thế kỷ 20, Nữ hoàng Elizabeth Đệ Nhị đã ban bố lệnh ân xá đối với Alan Turing.
Dù hành động của Elizabeth II là quá muộn nhưng lệnh này đã dẫn đến một đề xuất đầy tính nhân văn, Tháng 2/2015, gia đình Turing đệ đơn yêu cầu chính quyền Anh ban hành lệnh ân xá sau khi qua đời cho gần 50 nghìn người từng bị tòa án nước này kết tội vì hành vi luyến ái đồng giới.
Rốt cuộc sự ra đi của Turing đã cứu được danh dự cho biết bao người vô cớ chịu oan.
Cuộc đời của Alan Turing đã được tái hiện qua bộ phim “The Imitation Game”
Nguồn: Youtube.