'Bulava gây nguy hiểm cho chính nước Nga'
Cập nhật lúc :6:04 AM, 22/02/2012
Các chuyên gia quân sự Nga đã đưa ra ý kiên quanh việc tên lửa Bulava dù gặp "quá nhiều vấn đề" khi thử nghiệm lại được đưa vào phục vụ.
(ĐVO) Bài viết được một số chuyên gia đăng tải trên tờ
Kommersant cho rằng, tên lửa đạn đạo liên lục địa phóng từ tàu ngầm (SLBM) Bulava sẽ được Hải quân Nga đưa vào phục vụ trong năm nay
(>> chi tiết) còn quá nhiều vấn đề, và rằng, Bulava không thể dễ dàng chấp nhận đi vào phục vụ trong Hải quân như vậy, nó có thể gây ra nhiều vấn đề an ninh quốc gia cho chính nước Nga chứ không phải với kẻ thù.
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, ông Alexander Sukhorukov nói với giới truyền thông hôm 19/2: "Tổng thống Dmitry Medvedev đã ban hành văn bản cho phép đưa tên lửa vào hoạt động và việc ký kết đã sẵn sàng".
Tuy nhiên, theo chuyên gia phân tích quân sự Viktor Baranets, việc này là một sự "liều lĩnh" và "nguy hiểm" bởi tên lửa Bulava chưa được phát triển đầy đủ. "Tên lửa hiện hành của chúng ta có thể gây ra nguy hiểm cho chính Hải quân Nga hơn là đối với hải quân kẻ thù", ông Baranets nói.
Bất kỳ một sự cố nào đối với tên lửa Bulava sẽ gây ra nguy cơ hạt nhân đối với nước Nga.
Hồi tháng 12/2011, Tổng thống Nga Medvedev tuyên bố: "SLBM Bulava đã hoàn thành các đợt phóng thử nghiệm và sẽ nhanh chóng được đưa vào phục vụ trong Hải quân Nga". Tuyên bố được đưa ra sau khi Hải quân bắn thử thành công hai lần liên tiếp đối với tên lửa Bulava vào ngày 23/12/2011.
(>> chi tiết)
Nhìn lại các vụ phóng thử tên lửa Bulava, giới phân tích rất lo ngại tỷ lệ thành công 11/19 lần phóng thử. Một số chuyên gia cho rằng, số lần phóng thử Bulava thất bại trên thực tế còn nhiều hơn nữa. Theo đánh giá của cá nhân ông Pavel Felgenhauer, một chuyên gia quân sự, trong 12 lần phóng thử Bulava đầu tiên, chỉ có một lần là thành công. Quân đội Nga cho rằng các trục trặc xuất hiện trong các lần phóng thử là do nhà sản xuất và khẳng định "không có sự thay thế cho Bulava".
SLBM Bulava (định danh NATO là SS-NX-30), được phát triển bởi Viện Công nghệ Nhiệt Moscow từ 1998. Tên lửa có thể mang tới 10 đầu đạn phân tách độc lập MIRV
(>> chi tiết) để có thể "chọc thủng" hệ thống phủ thủ của đối phương.
Tên lửa đạn đạo này sử dụng nhiên rắn 3 tầng đẩy, được thiết kế để triển khai trên tàu ngầm hạt nhân lớp Borey và có thể tấn công mục tiêu ở cự li tới 8.000 km.