Tên lửa đường đạn Bulava: Đứa con đẻ khó
7 lần thất bại trong 12 lần thử nghiệm cho đến năm 2009, Bulava là nỗi hổ thẹn của nền công nghiệp quốc phòng một thời hùng mạnh của nước Nga.
Vòng xoáy ánh sáng kỳ lạ được cho là do tên lửa Bulava phóng hỏng ngày 9.12.2009 tạo ra trên bầu trời Nauy
Bulava và tàu ngầm lớp Borey - vũ khí chiến lược chủ chốt của Nga trong thế kỷ XXI
Tên lửa đường đạn xuyên lục địa phóng từ tàu ngầm R30 3M30 Bulava-30 (ký hiệu trong các hiệp ước quốc tế là RSM-56, ký hiệu do NATO đặt là SS-NX-30) là tên lửa 3 tầng nhiên liệu rắn mới triển khai trên tàu ngầm của Nga.
Nga thông qua quyết định phát triển tên lửa Bulava vào năm 1988.
Nhiệm vụ phát triển Bulava được giao cho Viện Kỹ thuật Nhiệt Moskva (MIT). Lập luận quan trọng cho lựa chọn này là mong muốn chuẩn hóa các tên lửa đường đạn nhiên liệu rắn triển khai trên biển và trên bộ, cũng như giảm chi phí phát triển và sản xuất tên lửa. Thời gian để MIT phát triển Bulava ngắn hơn 2 lần so với thông thường (đến 15 năm).
Tàu ngầm nguyên tử mang tên lửa đường đạn lớp Projekt 955 Borey do Viện thiết kỹ thuật tàu biển trung ương TsKB Rubin thiết kế, có lượng giãn nước 14.700/24.000 tấn, kích thước 170х13,5х9 n, độ sâu lặn tối đa 450 m, tốc độ 15/29 hải lý/h, thủy thủ đoàn 107 người, trong đó có 55 sĩ quan.
Tàu đầu tiên lớp Borey là К-535 Yuri Dolgoruky bắt đầu đóng ngày 2.11.1996, hạ thủy ngày 12.2.2008 và ngày 19.6.2009 ra khơi lần đầu chạy thử nhà máy.
Tàu thứ hai К-550 Aleksandr Nevsky khởi đóng ngày 19.3.2004, thời hạn bàn giao năm 2010.
Ngày 19.3.2006, đúng vào ngày Hạm đội tàu ngầm Nga, đã tổ chức lễ khởi đóng tàu thứ ba Vladimir Monomakh, thời hạn bàn giao năm 2011. Aleksandr Nevsky và Vladimir Monomakh đóng theo thiết kế cải tiến Projekt 955А, khác nhiều về công nghệ đóng và hình dáng vỏ tàu, cũng như số hầm phóng tên lửa có thể tăng lên đến 20.
Công tác chuẩn bị đóng tàu thứ tư Svyatitel Nikolai theo thiết kế Projekt 955U bắt đầu từ tháng 12.2009.
Bulava được phát triển và sản xuất hoàn toàn tại các xí nghiệp công nghiệp quốc phòng Nga, được chuẩn hóa tối đa với hệ thống tên lửa chiến lược mặt đất Topol-M, tên lửa đường đạn xuyên lục địa đầu tiên do Nga phát triển từ sau khi Liên Xô sụp đổ.
Tên lửa đường đạn xuyên lục địa Bulava dùng để trang bị cho các tàu ngầm nguyên tử chiến lược mới nhất lớp Projekt 955 Borey, trong đó có tàu ngầm Yuri Dolgoruky với 16 hầm phóng tên lửa.
Đến năm 2015-2017, Nga dự định đóng tổng cộng 8 tàu ngầm nguyên tử Borey trang bị các loại vũ khí mới nhất, trong đó có Bulava.
Đặc điểm:
- Các động cơ tầng 1 và tầng 2 sử dụng nhiên liệu rắn, động cơ tầng 3 sử dụng nhiên liệu lỏng (để bảo đảm tốc độ cần thiết và khả năng cơ động ở giai đoạn tách đầu đạn).
- Tên lửa được phóng nghiêng nên cho phép tàu ngầm mang tên lửa thực hành phóng trong “hành tiến”.
- Tên lửa có thể mang 6-10 đầu đạn hạt nhân dẫn độc lập (MIRV) siêu vượt âm có tổng trọng lượng 1,15 tấn, có khả năng thay đổi quỹ đạo bay về độ cao và hướng bay.
- Biên dạng bay độ cao nhỏ cho phép liệt Bulava vào loại tên lửa tựa đường đạn (quasi-ballistic missile).
Tính năng kỹ thuật chính:
- Tầm bắn tối đa, km: 8.000.
- Trọng lượng phóng, tấn: 36,8.
- Số tầng: 3.
- Loại phần chiến đấu: Tự tách, mang nhiều đầu đạn hạt nhân dẫn đường độc lập MIRV.
- Số đầu đạn, đương lượng nổ: 6-10 x 100-105 kT.
- Tải trọng chiến đấu, kg: 1150.
- Hệ dẫn: quán tính.
- Chiều dài contenơ phóng, m: 12,1.
- Chiều dài không tính phần đầu tên lửa, m: 11,5.
- Đường kính tối đa, m: 2.
- Đường kính contenơ phóng, m: 2,1.
- Chiều dài/trọng lượng tầng 1, m/t: 3,8 / 18,6.
Tàu ngầm nguyên tử Dmitri Donskoi
Quá trình thử nghiệm
Bulava bắt đầu được thử nghiệm vào năm 2004, dự kiến đưa vào trang bị năm 2009 cùng với tàu ngầm Yuri Dolgoruky.
Tính đến nay, Nga đã tiến hành 12 lần thử nghiệm tên lửa Bulava, hầu hết là từ tàu ngầm Dmitry Donskoi (thuộc lớp Projekt 941UM Akula, hay còn gọi là Typhoon, được hiện đại hóa dành riêng để thử nghiệm Bulava), trong đó 7 lần thất bại.
Tàu ngầm nguyên tử Dmitri Donskoi dùng để phóng thử Bulava
Dự kiến, các vụ phóng thử Bulava trong năm 2010 sẽ được thực hiện từ cả tàu Dmitry Donskoi và lần đầu tiên từ tàu ngầm tuần dương nguyên tử mới Yuri Dolgoruky.
Những lần phóng thử thất bại liên tiếp của Bulava đang đe dọa nghiêm trọng chương trình tên lửa này, cũng như kế hoạch xây dựng lực lượng tàu ngầm mang tên lửa hạt nhân chiến lược của Nga. Nó cũng gây ra những tranh cãi kịch liệt trong giới quân sự và công nghiệp quốc phòng Nga, thậm chí làm mất chức Giám đốc MIT của tổng công trình sư Bulava, ông Yuri Solomonov vào tháng 7 năm 2009 sau lần thử nghiệm thất bại.
Dư luận chỉ trích việc chọn MIT, một cơ quan không có kinh nghiệm phát triển tên lửa đường đạn phóng từ tàu ngầm, làm cơ quan phát triển Bulava.
Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Nga vẫn quyết tâm theo đuổi dự án Bulava bất chấp những khuyến nghị không nên tiếp tục chương trình không có triển vọng này.
Có ý kiến đề xuất nối lại sản xuất tên lửa đường đạn nhiên liệu lỏng RSM-54 Sineva (NATO gọi là SS-N-23 Skiff) nổi tiếng mà các kỹ sư Đức gọi là “kỳ quan của ngành chế tạo tên lửa hải quân” nhờ tầm bắn xa, độ tin cậy và công nghệ thiết kế hoàn hảo của nó.
Viện thiết kế Makeyev, cơ quan phát triển loại đã đề xuất biến thể R-29RMU3 mang 10 đầu đạn MIRV công suất nhỏ để thay thế Bulava, nhưng Hải quân Nga khẳng định, sẽ không trang bị Sineva cho Borey.
Sau khi thời hạn nhận Bulava vào trang bị bị lùi lại, cũng có ý kiến đề xuất cải tạo Borey thành tàu ngầm mang tên lửa hành trình vì các tàu này không thể sử dụng để phóng ướt tên lửa Sineva.
Các ủy ban điều tra của Nga đưa ra kết luận nêu rõ nguyên nhân gây ra thất bại trong các cuộc thử nghiệm vừa qua là do vi phạm công nghệ sản xuất, gây ra những lỗi hỏng trong sản xuất, chứ không phải lỗi tại thiết kế của Bulava. Song có lẽ sự thật không đơn giản như thế và còn phải chờ các vụ thử sắp tới chứng minh.
Trong lúc chờ đợi Bulava, các tàu ngầm lớp Borey vốn được thiết kế để mang Bulava vẫn thất nghiệp, trở thành những con 'cá mập không răng' của Hải quân Nga.
Tàu ngầm nguyên tử chiến lược Yuri Dolgoruky lớp Projekt 955 Borey
Các vụ thử nghiệm:
TT
Thời gian
Kết quả
1
24.6.2004
Thất bại: Một động cơ nhiên liệu rắn phát nổ khi thử nghiệm động cơ
2
23.9.2004
Thành công: Khi thử nghiệm hệ thống tự động của tàu ngầm tuần dương nguyên tử Dmitry Donskoi, maket tên lửa được phóng từ hầm phóng bằng máy nén áp lực, maket tên lửa bay lên độ cao gần 40 m
3
27.9.2005
Thành công: Trong 14 phút, tên lửa bay được 5.500 km, sau đó các đầu đạn tiêu diệt thành công các mục tiêu đã định trên trường thử
4
21.12.2005
Thành công: Tiến hành phóng ngầm đến trường thử Kura và tiêu diệt mục tiêu
5
7.9.2006
Thất bại: Do trục trặc trong chương trình, ở giai đoạn thử nghiệm thứ hai, tên lửa bay lệch hướng đã định và rơi xuống biển, không đến được mục tiêu
6
25.10.2006
Thất bại: Sau vài phút bay, tên lửa bay lệch hướng, tự hủy và rơi xuống biển Bạch Hải
7
24.12.2006
Thất bại: Sau 3-4 phút bay, do hỏng động cơ tầng 3, tên lửa tự hủy
8
29.6.2007
Thành công: Tiến hành phóng ngầm, phần đầu tên lửa đến được trường thử Kura
9
28.11.2007
Thành công: Phóng ngầm tên lửa đến trường thử Kura ở bán đảo Kamchatka trong khuôn khổ chương trình thử nghiệm thiết kế-bay quốc gia đối với hệ thống Bulava
10
23.12.2008
Thất bại: Tên lửa tự hủy, nổ trên không
11
15.7.2009
Thất bại: Tên lửa tự hủy do trục trặc tầng 1 khi phóng từ biển Bạch Hải
12
9.12.2009
Thất bại: Lần phóng thất bại do động cơ tầng 3 hoạt động không ổn định.
Quá trình thử nghiệm Bulava
Diễn giải quỹ đạo bay của Bulava: [1] Tách tầng 1; [2] Tách tầng 2; [3] Liên lạc dẫn đường; [4] Tách tầng 3; [5] Tách đầu đạn ngắm bắn; [6] Các đầu đạn đi vào khí quyển (RIAN, 2009-2010).