Ấn Độ lặng lẽ loại IL-78 của Nga khỏi cuộc thầu
Cập nhật lúc :3:26 PM, 01/11/2012
Ấn Độ đã ầm thầm loại máy bay tiếp dầu trên không IL-78 của Nga ra khỏi chương trình mua sắm 6 máy bay tiếp dầu trên không của nước này.
(ĐVO) Cụ thể, Bộ Quốc phòng Ấn Độ đã chọn Airbus A-330 MRTT cho chương trình mua sắm 6 máy bay tiếp dầu trên không của Không quân Ấn Độ (IAF) mà không hề thông báo với phía Nga.
Ban đầu chương trình có sự tham dự của 6 ứng viên đến từ Mỹ, châu Âu, Nga, Ukraine. Trong đó, nhà thầu Antonov của Ukraineđã chủ động rút khỏi chương trình, để lại cuộc đua cho hai ông lớn là Airbus A-330 MRTT và IL-78.
Ban đầu, Bộ Quốc phòng Ấn Độ tuyên bố, tiêu chí chọn nhà thầu thắng cuộc là giá bỏ thầu thấp nhất. IL-78 đã đạt được tiêu chí đầu tiên cho nhà thầu thắng cuộc là giá bỏ thầu thấp hơn so với A-330 MRTT. Nhưng quá trình đánh giá của Không quân Ấn Độ cho thấy, IL-78 ngốn nhiên liệu nhiều hơn, chi phí bảo trì cao hơn. Tính chi phí cho quá trình hoạt động trong vòng 30 năm thì IL-78 tiêu tốn nhiều kinh phí hơn rất nhiều so với A-330.
IL-78 bị loại mà không hề hay biết, thất bại của nó còn thảm hại hơn so với các mẫu vũ khí đã tham gia đấu thầu trước đó tại Ấn Độ. Thua mọi chỉ số
Giá bỏ thầu thấp tất nhiên là yếu tố cần trong bất kỳ cuộc cạnh tranh nào nhưng đó chưa phải là đủ để dành chiến thắng. Đánh giá tính năng kỹ thuật IL-78 thua A-330 gần như mọi chỉ số.
IL-78 nhỏ hơn so với A-330, tải trọng nhiên liệu của IL-78 chỉ có 85,7 tấn trong khi A-330 mang tải trọng nhiên liệu tới 110 tấn.
Trần bay của IL-78 là 12km trong khi chỉ số trên ở A-330 là 12,7km, tốc độ tối đa của IL-78 là 850km, A-330 có tốc độ tối đa 880km. Phạm vi hoạt động của IL-78 là 7300km, A-330 có phạm vi hoạt động tới 14.800km hơn gấp đôi so với IL-78.
Tốc độ tiếp nhiên liệu của IL-78 là 2900 lít/phút, chỉ số này của A-330 tới 4600 lít/phút, điều này giúp giảm thời gian tiếp nhiên liệu trên không.
Cần nhớ rằng, phi đội chiến đấu có thể nhanh chóng quay trở lại nhiệm vụ, tốc độ tiếp nhiên liệu nhanh cũng giảm nguy cơ bị tập kích trong quá trình tiếp nhiên liệu.
Vượt trội gần như ở mọi chỉ số, A-330 MRTT dễ dàng đánh bại đối thủ đến từ Nga. Trong khi đó, A-330 còn được trang bị hệ thống điện tử hàng không tiên tiến, hệ thống quản lý tiếp nhiên liệu trên không hiện đại, trình độ tự động hóa rất cao. Để vận hành IL-78 cần phi hành đoàn tới 6 người, trong khi A-330 chỉ cần phi hành đoàn 3 người là có thể hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Trong bối cảnh tinh giảm biên chế đang trở thành xu hướng chính trên thế giới, phi hành đoàn cồng kềnh của IL-78 khiến nó mất điểm trong mắt Bộ Quốc phòng Ấn Độ.
Chi phí hoạt động cũng là nguyên nhân chính dẫn đến sự thất bại của IL-78 cũng như các vũ khí khác của Nga tại đất Ấn Độ. Các phương tiện chiến đấu và phục vụ chiến đấu của Nga có điểm mạnh là được trang bị động cơ rất khỏe. Tuy nhiên, các loại động cơ nói chung là động cơ phản lực nói riêng do Nga sản xuất thường ngốn quá nhiều nhiên liệu.
Một hạn chế khác là quy trình bảo trì của các loại vũ khí Nga khá rườm rà và tốn kém, việc cung cấp phụ tùng thay thế thường xuyên bị chậm và khan hiếm.
Những hạn chế trên khiến vũ khí Nga liên tục mất điểm trong mắt các nhà quân sự trên thế giới. Ấn Độ bắt đầu thiết lập những tiêu chuẩn cao hơn trong việc mua sắm các hệ thống vũ khí. Vì thế vũ khí Nga cũng bắt đầu rớt hạng trong quá trình đánh giá so với vũ khí phương Tây.
Bị loại mà không báo trước
Điều đáng nói trong thương vụ máy bay tiếp dầu trên không của Ấn Độ là họ chọn A-330 mà không thông báo gì cho phía Nga. Đại diện ngoại giao Nga tại Ấn Độ cho biết, họ không nhận được bất cứ thông tin nào về việc đã bị loại.
Thời gian gần đây, những vũ khí Nga tham gia đấu thầu tại Ấn Độ không một loại nào giành được chiến thắng. Từ MiG-35 tham dự trong chương trình MMRCA đến Mi-28N. Gần đây nhất, trực thăng vận tải Mi-26 thất bại dưới tay đối thủ nhẹ cân CH-47F. IL-78 cũng không thể trở thành cứu cánh cho vũ khí Nga tại đất Ấn Độ.
Từ trước đến nay, Ấn Độ là thị trường truyền thống từ thời Liên Xô, Quân đội Ấn Độ sử dụng rất nhiều vũ khí Liên Xô/Nga. Tiêm kích chủ lực của Không quân Ấn Độ là Su-30MKI và họ là quốc gia sử dụng nhiều loại tiêm kích này nhất. Bên cạnh đó, hai nước đã bắt tay phát triển tiêm kích tàng hình thế hệ 5 FGFA.Với Ấn Độ các chương trình như vậy được đánh giá là tạm ổn cho mục tiêu phát triển lực lượng của họ.
Bên cạnh đó, Ấn Độ cũng muốn tạo nên sự khác biệt so với đối thủ láng giềng Trung Quốc, một đối tác truyền thống khác của vũ khí Nga. Trong biên chế Không quân Trung Quốc có rất nhiều vũ khí gần giống với Ấn Độ và New Delhi không muốn có điều gì đó khác biệt.