Ông Tổ nghề của sân khấu trong Nam thì cụ Đào duy Từ được suy phong, theo một quan điểm khá "chất phác Nam Bộ", đại khái kiếm ăn được thì là nhờ Tổ độ cho. Cũng mô típ này, nếu có anh nào thua lô mà nhảy sông, đội cò sẽ tôn thành Tổ Lô, tha hồ mà ăn oản. Tuy nhiên, cụ Đào Tấn mới thực sự là Tổ sư của nghề Tuồng, từ nghề Tuồng mới đẻ ra sân khấu cải lương cải cúc, rồi vọng cổ vọng vai từ đấy phái sinh.
Sân khấu phía Bắc thời của các ghính hát chèo thì không thờ Tổ nghề mà mỗi vở diễn đều dựa trên một điển tích cổ xưa trong văn học, các diễn viên sẽ tâm niệm thành kính hướng về chính nhân vật mình hóa thân, cũng là một hình thức "ẩm thủy tư nguyên" rất nhã và bác học.
Còn từ dạo Tây lông thực dân cho đến khi râu cụ Mác phát tán về hàng thợ cạo An Nam, ghính kịch cụ Thế Lữ chắc là diễn theo kịch pháp của Bết tôn Bờ rếch, rồi đến khi nhã nhạc Liên Xô tràn sang, lý luận Sít táp nhi láp ki hay ảnh hưởng của thế hệ cùng tên ông này chi phối toàn bộ lý luận lý sự của sân khấu và điện ảnh phiá Bắc. Tổ nghề chắc phải trao cho hai ông Tây kia, nhưng vì các ông ấy không ngửi được khói hương và không quen thủ lợn cả cỗ gà luộc nguyên con, cho nên giới kịch nghệ phía Bắc chỉ tế Tổ bằng vài bài khảo luận khi có dịp.