FLC đang có bài nhạy cảm quá. Em cũng thấy FLC của anh Quyết quả là ảo diệu.
Các cụ có thông tin gì k?
Link gốc:
http://thuonggiaonline.vn/me-hon-tran-cua-flc-tu-faros-den-dong-tien-ao-dieu/
Nhóm cổ đông từ FLC đã “biến” Faros từ công ty siêu nhỏ thành siêu nhà thầu với vốn điều lệ 4.300 tỷ đồng. Thế nhưng tiền tăng vốn, tiền FLC tạm ứng thi công hàng nghìn tỷ giữa lúc “nhàn rỗi”… đã được đem uỷ thác đầu tư, tạo nên vòng quay “ảo diệu” của dòng tiền.
Ngày 1/9/2016, 430 triệu cổ phiếu ROS –CTCP Xây dựng Faros niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM, thu hút sự tò mò của nhà đầu tư. Từ một doanh nghiệp “siêu nhỏ”, năm 2014, nhóm cổ đông đến từ tập đoàn FLC đã biến Faros thành siêu nhà thầu tăng vốn “thần tốc”.
Một năm rưỡi trước, Faros chỉ cho thuê đồ thể thao, vui chơi giải trí, bán đồ ăn uống… nay bỗng “lột xác” thành nhà thầu xây dựng, đảm nhận nhiều dự án nghìn tỷ của FLC. Điều tưởng chừng như không thể lại xảy ra ở Faros !
“Chớp mắt” tăng vốn nghìn tỷ
Bộ máy điều hành của Faros phần lớn là các lãnh đạo chủ chốt đến từ tập đoàn FLC, như Chủ tịch Faros Doãn Văn Phương, từng là Phó chủ tịch, tổng giám đốc FLC, Phó tổng giám đốc – Kế toán trưởng Nguyễn Thiện Phú cũng từng là Kế toán trưởng của FLC.
Các thành viên HĐQT gồm Trịnh Văn Đại, Nguyễn Văn Mạnh đều là những người sáng lập, có sở hữu lớn tại FLC và hàng loạt công ty thành viên…
Với ekip lãnh đạo này, mô hình phát triển công ty, tăng vốn nghìn tỷ, uỷ thác đầu tư, tạo dòng tiền… cũng được “chuyển giao” từ FLC sang Faros. Khi nhóm cổ đông của FLC xuất hiện, Faros bắt đầu hành trình tăng vốn “thần tốc” như từng diễn ra ở FLC, KLF, HAI…
Năm 2014, Faros đã tăng vốn lên 225 tỷ đồng từ mức khiêm tốn 1,9 tỷ đồng do 3 cổ đông lớn góp, gồm: Nguyễn Văn Mạnh (46,36%), Trịnh Văn Đại (33,11%), Hoàng Thị Thu Hà (19,87%).
Ngày 28/5/2015, HĐQT của Faros ra nghị quyết tăng vốn từ 225 tỷ đồng lên 1.125 tỷ đồng. Hai tháng sau, lại ban hành nghị quyết tăng vốn từ 1.125 tỷ đồng lên 3.037 tỷ đồng. Hai đợt tăng vốn này đều hoàn thành trong năm 2015, nhờ phát hành thêm cho cổ đông hiện hữu với tổng giá trị 2.812 tỷ đồng.
Từ đây, hoạt động kinh doanh của Faros có tăng trưởng “phi mã”, cụ thể, doanh thu thuần năm 2015 đạt 969 tỷ đồng, tăng 74,7 lần so với năm trước, lợi nhuận sau thuế đạt 116 tỷ đồng, tăng 61 lần…
Đến tháng 3/2016, Faros đã nâng vốn điều lệ lên 4.300 tỷ đồng nhờ phát hành cổ phần riêng lẻ. Mức vốn này đã tăng gấp 2.263 lần chỉ trong vòng 2 năm sau khi có nhóm cổ đông FLC “hà hơi” giúp sức.
Tháng 8/2106, Bản cáo bạch niêm yết của Foros cho biết, hiện ông Trịnh Văn Quyết – chủ tịch FLC là cổ đông lớn nhất của Faros, sở hữu 179,7 triệu cổ phiếu, chiếm 41,79% vốn điều lệ (tính đến 6/7/2016). Còn trước đó, phần lớn cổ phần Faros nằm trong tay các “phó tướng” như Doãn Văn Phương, Lê Thành Vinh, Nguyễn Thiện Phú, Hương Trần Kiều Dung…
Công ty TNHH MTV FLC Land (công ty con của FLC) là cổ đông tổ chức duy nhất, sở hữu 22,48 triệu cổ phần Faros, chiếm 5,23%.
Ván bài “uỷ thác đầu tư”
Với một công ty còn non kinh nghiệm ở lĩnh vực thầu xây dựng, câu hỏi đặt ra là, hàng nghìn tỷ đồng góp vốn của cổ đông được “tiêu” như thế nào?
Ngay sau khi thâu tóm xong Faros, năm 2014, các hoạt động uỷ thác đầu tư tài chính bắt đầu “nở rộ” với quy mô hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng.
Đáng chú ý, năm 2014, Faros uỷ thác cho hai cá nhân Nguyễn Thị Hồng Dung nhận 360 tỷ đồng, Lê Thị Thơm nhận 390 tỷ đồng, chỉ phải trả lãi suất 0% trong năm 2014, và tính lãi suất 6%/năm trong năm 2015.
Nguồn tiền uỷ thác cho hai cá nhân này lấy từ tiền tạm ứng của FLC tạm ứng cho Faros thi công dự án FLC Sầm Sơn song chưa sử dụng. Đến 20/8/2016, công ty xác nhận đã thu hồi 2 khoản uỷ thác này.
Năm 2015, Faros đẩy mạnh tăng quy mô uỷ thác vốn cho 5 cá nhân gồm: Nguyễn Quang Trung nhận 225 tỷ đồng, Trần Văn Toản nhận 400 tỷ đồng, Hồ Thị Hiền nhận 370 tỷ đồng với lãi suất từ 4-6%/năm, thời gian 3 năm.
Faros “bơm” hơn 2 nghìn tỷ uỷ thác cho 7 công ty “ruột” gồm: Damexco nhận 286 tỷ đồng, Fujikaen Việt Nam nhận 162 tỷ đồng, Newland Holdings Việt Nam nhận 207,4 tỷ đồng, công ty Huy Hoàng nhận 218 tỷ đồng, FLC Travel nhận 48 tỷ đồng, công ty Vân Long nhận 92 tỷ đồng… Lãi suất uỷ thác cho các công ty này đều là 5%/năm. Cần lưu ý, có 4 công ty nhận uỷ thác vốn là bên có liên quan đến FLC Group, do bà Hương Trần Kiều Dung, ông Nguyễn Văn Mạnh… làm chủ tịch hoặc tổng giám đốc.
Tổng số tiền uỷ thác cho 7 công ty và 5 cá nhân đến cuối năm 2015 lên tới hơn 3.093,7 tỷ đồng.
Ngoài ra, trong năm 2015, Faros còn uỷ thác đầu tư ngắn hạn cho hai cá nhân, gồm: bà Nguyễn Thị Hiên nhận 137,9 tỷ đồng, bà Nguyễn Minh Điểm nhận 100,9 tỷ đồng trong vòng 12 tháng với lãi suất 6%/năm.
Faros ước tính sẽ thu được 105,7 tỷ đồng –
toàn bộ tiền lãi tính trước của các khoản đầu tư uỷ thác với thời hạn hợp đồng 3 năm, trả lãi cuối kỳ. Số tiền lãi thu được từ uỷ thác đem lại lợi tức thấp hơn cả gửi ngân hàng.
Trong nửa đầu năm 2016, Faros tiếp tục đẩy mạnh uỷ thác vốn tổng cộng 3.566 tỷ đồng (cá nhân nhận 1.417 tỷ đồng, tổ chức nhận 2.149 tỷ đồng tại 30/6/2016). Đơn vị kiểm toán đã lưu ý về hoạt động uỷ thác vốn đầu tư của Faros trong năm 2014-2015 cùng một số giao dịch uỷ thác bằng tiền mặt giá trị lớn.
Dòng tiền hàng nghìn tỷ từ FLC chảy sang Faros, rồi chuyển sang nhiều cá nhân, tổ chức liên quan đã làm dấy lên nghi vấn phải chăng Faros đã tăng vốn điều lệ “ảo”?
Tiền chạy đi đâu?
Faros mới gia nhập lĩnh vực thầu xây dựng chưa lâu, nhưng đã được FLC “ưu ái” chọn là tổng thầu thi công nhiều dự án lớn với tổng mức đầu tư hơn 1 tỷ USD. Faros ghi điểm với tiến độ thi công thần tốc, như dự án FLC Quy Nhơn xây xong trong 11 tháng.
Tuy nhiên, khi dự án còn chưa triển khai thì FCL đã “vội vã” giải ngân tạm ứng cho Faros hàng nghìn tỷ đồng. Riêng trong năm 2014-2015, Faros được tạm ứng trước 1.149 tỷ đồng để thi công hai dự án ở Thanh Hoá và Bình Định (số liệu sau đối trừ còn lại 1.033 tỷ đồng).
Dễ thấy, Faros không thiếu tiền để triển khai các dự án, thậm chí là dư dả vốn. Do đó, HĐQT Faros đã quyết định sử dụng vốn nhàn rỗi đem đầu tư bằng cách uỷ thác vốn, thu lợi tức như đã nêu ở trên. Tổng số tiền uỷ thác lên tới 3.332,6 tỷ đồng.
Tiền của FLC đã “bơm” qua kênh nhà thầu Faros để uỷ thác cho cá nhân, tổ chức, sau đó tiền sẽ chảy đi đâu, dùng cho mục đích gì?
Có một thông tin thú vị mới được FLC công bố, cho hình dung rõ hơn về dòng tiền đổ vào các đợt tăng vốn “thần tốc” của FLC.
Theo Nghị quyết số 49/NQ-HĐQT-FLC ngày 18/8/2016 cho biết, HĐQT đã chấp thuận phân phối hơn 156 triệu cổ phiếu FLC bị “ế” trong đợt tăng vốn vừa qua cho các nhà đầu tư có nhu cầu.
Lô cổ phiếu trị giá 1.560 tỷ đồng này được bán cho 8 nhà đầu tư, mà có tới 4 cá nhân “thân thiết” đã nhận tới 1.132,9 tỷ đồng vốn uỷ thác từ Faros trước đó, là Trần Văn Toản, Hồ Thị Hiền, Nguyễn Thị Hiên, Nguyễn Quang Trung…
Hơn nữa, kiểm toán ASC lưu ý,
đợt tăng vốn điều lệ trong quý 1/2016 của Faros do 3 cổ đông góp vốn là 462,5 tỷ đồng, tương ứng các lệnh chuyển tiền đến và đi cho các bên nhận uỷ thác cùng ngày 8/1/2016.
Điều này đặt ra nghi vấn phải chăng tiền của FLC đã được “quay vòng” để giúp chính FLC tăng vốn điều lệ “ảo” ? Từ “công thức” uỷ thác vốn đầu tư lòng vòng, các công ty thành viên của FLC cũng dễ dàng hoàn thành tăng vốn nhanh chóng lên hàng nghìn tỷ như KLF, HAI, Faros…
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về những “điểm lạ” trong dòng tiền của FLC…