“Ma trận” ủy thác nghìn tỷ ở Faros FLC – Trịnh Văn Quyết đã chọn ai? (Kỳ 2)
Đại gia Việt 13/09/2016, 10:11 GMT+7
Nguồn
viettimes.vn
Kỳ trước, chúng tôi đã đề cập đến một số cái tên được cho là có vai trò quan trọng trong lịch sử tăng vốn cũng như quá trình vận hành của các công ty thành viên trong hệ sinh thái doanh nghiệp FLC. Nhưng ngoài mối quan hệ hợp tác đơn thuần, liệu những cái tên như Nguyễn Văn Mạnh, Trịnh Văn Đại, Nguyễn Thị Phú hay Trịnh Thị Thanh Huyền,… còn có sợi dây liên hệ nào với ông chủ FLC, để có thể được tin tưởng chọn mặt gửi vàng cho những trọng trách lớn lao?
Ông chủ FLC chọn không ít những cái tên trong gia tộc để “chọn mặt gửi vàng”, tham gia vào vũ điệu tăng vốn của mình
Căn cứ theo tài liệu mà VietTimes thu thập được thì có
không ít những cái tên thân thiết trong gia tộc của ông chủ Tập đoàn FLC, Trịnh Văn Quyết.
Em rể, em gái
Cái tên
Nguyễn Văn Mạnh sẽ khiến nhiều người nghĩ đến phu quân của đương kim Tổng Giám đốc FLC Hương Trần Kiều Dung.
Tuy nhiên, nhân vật Nguyễn Văn Mạnh (SN 1977) muốn nói tới ở đây lại là
em rể của Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC, Trịnh Văn Quyết. Cụ thể là chồng bà Trịnh Thị Thúy Nga (SN 1979), em gái ông Quyết.
Nên biết, ông Mạnh là người ghi dấu ấn đậm nét trong tiến trình tăng vốn của cả FLC, KLF lẫn ROS, khi luôn là nằm trong nhóm những người đóng góp nhiều nhất. Tuy nhiên, khi các mã này niêm yết và tạo được vị thế ổn định trên sàn, ông lại lùi về phía sau và dần biến mất trong danh sách các cổ đông lớn.
Như tại ROS, trong lần tăng vốn đầu tiên của DN này vào giữa năm 2014, khi nâng VĐL từ mức 1,5 lên 225 tỷ đồng, ông Mạnh chính là người đóng góp nhiều nhất với 104,3 tỷ đồng – chiếm 46,36% cổ phần.
Đến cuối năm 2015, khi VĐL của Faros đã được tăng lên mức 3.037,5 tỷ đồng, ông Mạnh vẫn là 1 trong 3 cổ đông lớn nhất với 380 tỷ đồng.
Tuy nhiên, ngày Faros trình sàn – chỉ ít tháng sau, cái tên Nguyễn Văn Mạnh đã hoàn toàn biến mất trong danh sách các cổ đông lớn.
Như đã đề cập ở kỳ trước, ông Mạnh có một người chị gái sinh năm 1972 là bà Nguyễn Thị Hồng Dung, cái tên đã được ROS ủy thác 360 tỷ đồng vào cuối quý III/2014.
Tài liệu của VietTimes cho biết thêm, rằng vợ chồng ông Nguyễn Văn Mạnh và bà Trịnh Thị Thúy Nga còn nắm một khối lượng cổ phần đáng kể tại Công ty TNHH Hải Châu – mắt xích quan trọng của hệ sinh thái doanh nghiệp FLC – có trụ sở tại số 402 đường Mê Linh, phường Khai Quang, Tp. Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc.
Theo Giấy phép ĐKKD thay đổi vào ngày 17/04/2015 của công ty này, thì phần vốn đóng góp của vợ chồng ông/bà Mạnh – Nga là 306,3 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 51%. Còn 294,3 tỷ đồng (49%) vốn góp còn lại là của CTCP Liên doanh Đầu tư Quốc tế KLF (đại diện là ông Trần Thế Anh).
Đáng chú ý khi song thân của ông Trịnh Văn Quyết cũng từng có một thời gian tham gia góp vốn tại Công ty TNHH Hải Châu.
Những pháp nhân nhận ủy thác đầu tư
Liên quan đến bà Trịnh Thị Thúy Nga, lưu ý rằng, bà Nga hiện đang giữ cương vị Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật của
Công ty TNHH Sản xuất và Xuất nhập khẩu Huy Hoàng – pháp nhân đã được CTCP Xây dựng Faros ủy thác đầu tư tổng cộng 218 tỷ đồng.
Công ty TNHH Sản xuất và Xuất nhập khẩu Huy Hoàng được thành lập vào ngày 23/09/2013 với vốn điều lệ chỉ 14 tỷ đồng; Trong đó, bà Trịnh Thị Thúy Nga đóng góp 9,8 tỷ đồng (70%), bà Nguyễn Thị Huyền Trang đóng góp 4,2 tỷ đồng (30%).
Song đến ngày 15/01/2014, công ty này đã bất ngờ tăng vốn điều lệ lên gấp hơn 7 lần, đạt giá trị 100 tỷ đồng; trong đó bà Thùy Nga đóng góp 70 tỷ đồng còn bà Huyền Trang đóng góp 30 tỷ đồng.
Đáng nói khi nhiều pháp nhân khác được Faros ủy thác đầu tư cũng là những công ty mà hai bà Trịnh Thị Thúy Nga và
Nguyễn Thị Huyền Trang tham gia góp vốn và nắm giữ trọng trách.
Có thể kể đến
CTCP FLC Travel, pháp nhân được ROS ủy thác đầu tư 48 tỷ đồng.
Theo Giấy ĐKKD thay đổi ngày 17/03/2016, công ty có trụ sở tại Khu Trũng, Quốc lộ 13, xã Vĩnh Thị, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc, do bà Hương Trần Kiều Dung làm Chủ tịch HĐQT. Công ty có vốn điều lệ 100 tỷ đồng, trong đó bà Trịnh Thị Thúy Nga đóng góp 14,7%, KLF đóng góp 36,6%. Được biết, bà Đỗ Thị Giáp, thân mẫu của ông Trịnh Văn Quyết từng là cổ đông sáng lập nên FLC Travel.
Hay
Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng và Thương mại Vân Long, pháp nhân được ROS ủy thác 92 tỷ đồng.
Theo Giấy ĐKKD thay đổi ngày 24/7/2014, công ty này được thành lập vào 22/01/2008, có trụ sở tại Khu HC Hán Lữ, P. Khai Quang, TP. Vĩnh Yên, T. Vĩnh Phúc, với vốn điều lệ 100 tỷ đồng (năm 2013 VĐL của công ty chỉ là 30 tỷ đồng); Trong đó bà Trang đóng góp 50 tỷ, ông Cao Sơn Tinh đóng góp 1 tỷ và KLF đóng góp 49 tỷ đồng. Công ty hiện do bà Nguyễn Thị Huyền Trang đảm nhiệm cương vị Giám đốc.
Tiếp đó là
Công ty TNHH Đầu tư Thương mại và XNK Damexco – pháp nhân được ROS ủy thác đầu tư 286,2 tỷ đồng.
Nó vốn có tên cũ là Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Đại Dương, thành lập ngày 10/03/2010, trụ sở chính tại số 402 đường Mê Linh, phường Khai Quang, Tp. Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc (tức là cùng địa chỉ với Công ty TNHH Hải Châu của vợ chồng ông/bà Nguyễn Văn Mạnh – Trịnh Thị Thúy Nga (?!)).
Theo Giấy ĐKKD thay đổi ngày 20/05/2014, công ty có vốn điều lệ 4,5 tỷ đồng, do bà Nguyễn Thị Huyền Trang đóng góp 89% và và Trịnh Thị Út Xuân đóng góp 11%. Bà Xuân – thường trú tại Duyên Hy, Định Hưng, Yên Định, Thanh Hóa – giữ vai trò TGĐ kiêm người đại diện theo pháp luật của công ty.
Liên quan đến bà Nguyễn Thị Huyền Trang, được biết, nữ doanh nhân này từng đóng một vai trò quan trọng trong lịch sử tăng vốn của KLF (cập nhật tại 31/07/2013, nắm giữ 2,4 triệu cổ phiếu, tương đương với 9,1% vốn cổ phần).
Tài liệu của VietTimes còn cho biết thêm rằng,
chỉ riêng trong ngày 12/11/2015, cá nhân bà Trang đã ký tới ba hợp đồng mua bán nhà ở tại dự án Khu đô thị Du lịch sinh thái FLC Sầm Sơn, xã Quảng Cư, thị xã Sầm Sơn tỉnh Thanh Hóa với CTCP Tập đoàn FLC. Cả 3 hợp đồng đều được tài trợ bởi Ngân hàng Agribank – Chi nhánh Hà Nội.
Sẽ không ít người cảm thấy bất ngờ nếu biết
bà Nguyễn Thị Huyền Trang sinh ngày 02/09/1990…
Anh em họ và người trong quê
Ông
Trịnh Văn Đại, một đại cổ đông “thoắt ẩn” khác khi ROS trình sàn (từng nắm giữ 413,15 tỷ đồng vốn góp tại ROS, chiếm 13,6% cổ phần), theo tìm hiểu của VietTimes, cũng là chỗ thân quen của ông Trịnh Văn Quyết. Cụ thể là anh em con chú con bác, cùng có nguyên quán tại Vĩnh Thịnh, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc.
Phu nhân của ông Trịnh Văn Đại (SN 1966) – bà
Nguyễn Thị Phú (SN 1968) – chính là một trong 8 cái tên trong danh sách nhận phân phối 156 triệu cổ phiếu “ế” của CTCP Tập đoàn FLC mà VietTimes đã đề cập trong tuần trước.
Được biết, ngày KLF (cổ phiếu của CTCP Liên doanh Đầu tư Quốc tế KLF) mới trình sàn, cả ông Đại lẫn bà Phú đều là những cổ đông hàng đầu. Cụ thể ông Đại có thời điểm nắm giữ tỷ lệ sở hữu tới 10%, còn bà Phú cũng là gần 7%. Tuy nhiên, sau đó cả hai người đều đã nhanh chóng “xả hàng”, hạ tỷ lệ sở hữu xuống dưới 1%.
Chưa hết, em rể ông Đại, ông
Trần Văn Toản (chồng bà Trịnh Thị Thanh Huyền, từng sở hữu tới 9% cổ phần FLC), chính là cái tên được CTCP Xây dựng Faros ủy thác 400 tỷ đồng nhưng cũng lại đồng thời là cái tên có trong danh sách 8 nhà đầu tư nhận mua 156 cổ phiếu “ế” của FLC.
Một tài liệu mà VietTimes mới thu thập được cho biết, mới đây, ông Trịnh Văn Đại đã được bổ nhiệm làm Giám đốc
CTCP Vật tư Thiết bị và Xây dựng Đô Thành Hà Nội, một DN mới chỉ thành lập từ ngày 19/04/2016, có trụ sở tại B28-BT1A Khu đô thị mới Mỹ Đình 2, Phường Mỹ Đình 2, Quận Nam Từ Liêm Hà Nội, với vốn điều lệ 20 tỷ đồng.
Đáng chú ý người đóng góp 80% vốn cổ phần (16 tỷ đồng) cho công ty nêu trên là bà
Hồ Thị Hiền, một phụ nữ sinh năm 1972, có hộ khẩu thường trú tại xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc – quê hương của ông Trịnh Văn Đại cũng như ông Trịnh Văn Quyết.
Nên biết rằng
Hồ Thị Hiền chính là một trong 8 cái tên nhận mua 156 triệu cổ phiếu “ế” của FLC và Hồ Thị Hiền cũng là cái tên được CTCP Xây dựng Faros ủy thác cho 370 tỷ đồng.
Ngoài ra, cập nhật tại ngày 16/06/2016, Hồ Thị Hiền còn là cổ đông sở hữu tới 24 triệu cổ phiếu FLC, tương ứng với 3,78% vốn cổ phần của Tập đoàn này.
Tuy nhiên, không loại trừ khả năng bà Hồ Thị Hiền chỉ là người được chọn để đứng tên…