Thứ tư, 19/08/2009 - 16:10" GMT+7
--------------------------------------------------------------------------------
CSGT sẽ hóa trang để bắt xe bán khách dọc đường
Nhiều tuyến xe ở phía Bắc tràn lan xe dù, xe "hành khách" chạy đua tốc độ trên đường để tranh nhau bắt khách, bán khách dọc đường, vòng vo đón trả khách… mà không quan tâm đến quyền lợi, tính mạng của người tiêu dùng. Theo Cục CSGT, Cục sẽ bố trí lực lượng "hoá trang" để bắt quả tang những xe khách có hành vi bán khách dọc đường.
Những cuộc "đua tốc độ" tử thần trên đường
Rất nhiều hành khách từng đi trên tuyến Hà Nội - Quảng Ninh và ngược lại vẫn còn nhớ mãi cái cảm giác "rợn tóc gáy" khi "lên nhầm" phải chiếc xe chạy đua tốc độ để tranh giành khách dọc đường. Vì sao tình trạng "đua tốc độ" của một số xe khách này lại diễn ra nhiều năm nay, gây bức xúc cho hành khách và người tham gia giao thông mà chưa xử lý được dứt điểm?
Theo tìm hiểu của chúng tôi, những chiếc xe khách này thường là xe không có hợp đồng với bến nên không được vào đón khách. Để cạnh tranh khách với các thương hiệu vận tải khác họ buộc phải bắt khách dọc đường. Thế là gây nên tình trạng dừng, đỗ sai quy định để đón trả khách; vòng vo, đua tốc độ để bắt khách và nhồi nhét khách… gây nguy hiểm đến TTATGT.
Đường lên cầu Bãi Cháy - nơi thường xảy ra TNGT nhưng xe khách tụ tập, dừng đón khách rất đông, lộn xộn, thậm chí còn quay đầu chạy ngược đường để bắt khách, rất mất ATGT.
Điển hình của việc vòng vo bắt khách là khu vực ngã tư Loong Toòng đến đường dẫn lên cầu Bãi Cháy (TP Hạ Long), xe khách tụ tập, chạy lòng vòng mời chào, thậm chí còn quay đầu chạy ngược đường để bắt khách, rất mất ATGT.
Nhiều nhà xe trưng biển một đằng nhưng lại chạy một nẻo để lừa khách, khiến khách phải xuống dọc đường. Lái, phụ xe của những chiếc xe này còn kiêm thêm nhiệm vụ "cảnh giới", họ luôn theo sát diễn biến các xe sau để tăng tốc, lấn đường, đánh võng, bất chấp tính mạng của vài chục hành khách trên xe và hàng nghìn người đang tham gia giao thông, miễn là chạy nhanh để vợt khách.
Mặc dù lực lượng CSGT Công an tỉnh Quảng Ninh từ đầu năm 2009 đến nay đã tập trung kiểm tra, xử lý vi phạm tương đối gắt gao đối với xe khách nhưng cuộc chiến giữa các doanh nghiệp và thương hiệu vận tải vẫn ngấm ngầm diễn ra.
Những "cuộc đua tốc độ" vẫn tiếp diễn, khiến TTATGT luôn là vấn đề thời sự nóng. Trong 6 tháng đầu năm 2009, đã có 3.327 xe ôtô chở khách vi phạm bị kiểm tra, xử phạt và 43 xe khách bị tạm giữ, 165 giấy phép lái xe bị tước.
Theo Phòng CSGT thì lỗi vi phạm chủ yếu vẫn là chạy quá tốc độ quy định (581 trường hợp); không đóng cửa lên xuống khi xe đang chạy (637 trường hợp); dừng, đỗ đón trả khách không đúng nơi quy định (595), chở quá số người quy định (94) và 256 trường hợp thiết bị an toàn không đảm bảo.
Trước thực trạng "nóng" trên, Công an tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Sở GTVT mở đợt cao điểm kiểm tra, xử lý xe ôtô chở khách, xe môtô, xe gắn máy từ tháng 6 đến tháng 9/2009. Sau 2 tháng triển khai, kết quả xử lý vi phạm khiến nhiều người giật mình: 27.119 phương tiện bị xử lý, phạt hành chính 8,1 tỷ đồng, tạm giữ 1.082 phương tiện, tước 696 giấy phép lái xe.
Hoá trang để bắt quả tang
Không riêng tuyến Hà Nội - Quảng Ninh mới gây "tai tiếng" về phong cách phục vụ, về đảm bảo an toàn tính mạng của hành khách… mà nhiều tuyến vận tải đường dài cũng đang bộc lộ kiểu kinh doanh chụp giật, manh mún và không tôn trọng hành khách trên xe.
Xe khách dừng bắt khách trái phép trên đường Giải Phóng (Hà Nội).
Anh Phạm Thái Bình, ở huyện Hậu Lộc (Thanh Hoá) bức xúc điện thoại đến Đường dây nóng Báo CAND cho biết: "Tôi lên xe đi về Thanh Hoá từ Bến xe phía Nam, nhưng khách đã chờ đến 45 phút mà chiếc xe này vẫn không chạy, đứng ì ở cổng để tiếp tục bắt khách. Đây là việc coi thường hành khách, mất TTGT nhưng không thấy lực lượng chức năng nào xử lý".
Tình trạng ùn ứ, lộn xộn ở cổng ra của Bến xe phía Nam, rồi tình trạng dừng, đỗ trái phép để đón khách dọc đường Giải Phóng diễn ra nhiều năm nay, không những gây bất bình, bực bội cho hành khách mà còn gây ách tắc giao thông, ảnh hưởng nghiêm trọng đến TTGT đô thị.
Sáu tháng đầu năm 2009, Thanh tra GTVT Hà Nội đã xử phạt 1.512 xe khách vi phạm, tạm giữ 242 phương tiện, nhưng chỉ ngay sau đó, các phương tiện này lại tiếp tục vi phạm. Do "cung" vượt quá "cầu" nên tình trạng tranh giành, lôi kéo, bán khách dọc đường thường xuyên diễn ra với các tuyến vận tải.
Chính vì việc tranh giành khách đã dẫn đến một loạt vụ mâu thuẫn, gây án giữa một số nhà xe, có vụ khiếu kiện kéo dài như việc một lái xe tuyến Thái Bình - Quảng Ninh bị thiệt mạng. Gần đây nhất là việc sử dụng "luật rừng" trong cạnh tranh vận tải giữa tuyến Hà Nội - Xuân Trường (Nam Định).
Bán khách dọc đường khi chưa được sự đồng ý của khách là vấn đề gây bức xúc trong dư luận nhiều năm qua nhưng chưa bị xử lý.
Từ 1/7, theo Luật GTĐT năm 2008, hành vi sang nhượng khách dọc đường cho xe khác mà không được khách đồng ý sẽ bị xử phạt từ 300-500 nghìn đồng. Mức phạt này cũng áp dụng với người điều khiển ôtô chở khách có hành vi đe dọa, tranh giành, lôi kéo khách, bắt ép khách sử dụng dịch vụ ngoài ý muốn. Nhưng để bắt quả tang được những lỗi trên không hề đơn giản nếu không có nạn nhân tố cáo.
Theo Thượng tá Vũ Quý Phi, Trưởng phòng Hướng dẫn tổ chức tuần tra kiểm soát GTĐT, Cục CSGT thì tới đây lực lượng CSGT sẽ hoá trang trên xe khách, bằng kỹ thuật nghiệp vụ ghi nhận lại những hành vi của lái xe, chủ phương tiện, thông báo cho lực lượng công khai dừng phương tiện để xử lý (bằng cách cho chủ phương tiện xem lại các hình ảnh vi phạm này).
Chúng ta đang trong quá trình thực hiện cam kết khi đã là thành viên của WTO, đã có một số tập đoàn nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực vận tải trong nước như sự ra đời của tuyến xe chất lượng cao Mỹ Đình - Hà Tu (Quảng Ninh) mang thương hiệu Kumho (Hàn Quốc) và Việt Thanh (Việt Nam) với phong cách phục vụ chu đáo, lịch sự, văn minh, tiện lợi đã dần đánh bại một số thương hiệu vận tải làm ăn thời vụ, chụp giật cùng tuyến.
Nếu một số thương hiệu vận tải trong nước không đổi mới, nâng cao chất lượng phục vụ, không tạo được sự văn minh trong kinh doanh thì chúng ta sẽ bị thua trên chính sân nhà
Theo CAND