Chuyến đi của các cụ mợ hay quá. Em thích đi một chuyến thế này lắm mà chưa bố trí được thời gian. Nhưng không sớm thì muộn em cũng phải làm một chuyến.
Cụ ơi cho em hỏi vài câu:
1- Đoàn cụ đi vào tháng mấy thế?
2- Nhiệt độ trên nủi đoạn đường HCM lạnh nhất là khoảng bao nhiêu độ? Ở đường HCM các cụ đi tốc độ khoảng bao nhiêu km/h và mặc những gì?
3- Chuẩn bị hành lý một người thì ngoài những thứ thông thường như quần áo, bàn chải, khăn mặt, thuốc men cơ bản v.v... thì có những thứ gì là thiết yếu và những thứ gì khác tuy không thiết yếu nhưng theo cụ nên mang theo?
4- Xe cào cào là xe nhãn hiệu và model gì vậy cụ? Đi đường dài có bị ê mông không ạ?
5- Cái xe PCX chở 2 người là loại bao nhiêu phân khối vậy ạ?
Cảm ơn cụ nhiều!
Chào cụ, cảm ơn cụ đã quan tâm. Cụ hỏi chi tiết chắc cụ cũng đang chuẩn bị cho chuyến đi, em xin phép trả lời chi tiết nhất có thể, có gì chưa đúng mong cụ thông cảm, kinh nghiệm cá nhân của em thôi.
1. Đoàn bọn em đi vào tháng 11 ạ. Nói chung đi tour để thời tiết thuận lợi nhất là từ tháng 11 đến tháng 3 hàng năm ạ. Với chương trình đi tour xuyên Việt thì đi thời gian này thời tiết mát mẻ, đoan miền bắc có thể hơi lạnh một chút. Quan trọng nhất là tránh được mùa mưa bão miền trung, rất nguy hiểm khi đi đường rừng núi, và tránh được mùa mưa ở miền Nam, cũng như thời tiết cũng không quá nắng gắt.
2. Đường HCM cơ bản không có cao độ cao nên thời tiết cũng gần tương đồng với các miền đồng bằng của mình thôi, gặp gió mùa đông bắc thì hơi lạnh chút. Qua Huế thì thời tiết kiểu miền Nam rồi nên nắng ấm quanh năm rồi, Tây Nguyên mát mẻ.
Về tốc độ di chuyển bọn em đi xe PKN và chủ yếu đi thong thả ngắm cảnh nên như đường HCM bọn em thường chạy tầm 60-70km/h, thi thoảng đoạn nào đẹp vắng an toàn mới dám lên 80km/h, chạy như vậy tốc độ trung bình thường đạt 50km/h.
Về trang phục: Trang bị quần giáp, áo giáp, mũ Fullface, găng tay motor, giầy cao cổ mũi cứng, khăn cổ, mũ choàng... đơn giản thì có thể dùng bộ giáp rời, chuyên nghiệp và an toàn hơn thì nên dùng bộ quần áo giáp liền, nếu chỉ đi tốc độ chậm thì chỉ cần bộ quần áo giáp hàng bình dân cả bộ 2-3 củ là ok, Mũ fullface nên dùng mũ loại tốt một chút, cái CPU là quan trong nhất, bên cạnh đó kính mũ tốt sẽ chống lóa tốt khi đi đêm, nên chọn loại kính trong, giấy cao cổ chắc chắn tránh bị lật cổ chân và chống mài mòn tốt khi gặp sự cố bị ngã.
3. Xe máy có hạn chế là chở được ít đồ, nên tiêu chí gọn nhẹ cũng quan trọng, xe chở nặng, cồng kềnh cũng ảnh hưởng đến an toàn. Quần áo nên dùng các loại nhẹ, nhanh khô. Thường 2-3 vài bộ đồ quần áo lót nhanh khô, hôm nào đến chỗ nghỉ giặt hôm đấy, bọn em thường mang xà phòng bột cho vào chai lavi mang đi, cuối ngày giặt luôn, cuốn vào khăn tắm vắt khô, sau đó treo vào chỗ gần có gió quạt hoặc điều hòa, sáng hôm sau khô keng mà lại tiết kiệm tiền giặt là. Mang thêm một áo gió mỏng nhưng chống gió tốt, một cái áo lông vũ ultra light siệu nhẹ,khi gấp chỉ gọn như nắm tay nhưng giữ nhiệt rất tốt, phòng khi trời lạnh quá.
Một bộ quần áo khá quan trọng là bộ quần áo mưa, tuyệt đối không dùng áo mưa chùm rất mất an toàn. Bộ quần áo mưa phải gọn gàng và tương đối kín vì có thể đi mưa cả ngày, ủng đi mưa, găng tay chống nước.
Các đồ sinh hoạt cá nhân thì tùy nhu cầu từng người mà chuẩn bị nhưng nên mang theo một con dao gấp nhỏ, 1 đèn pin nhỏ, pin sạc dự phòng, võng lúc nào mỏi có thể ra vệ đường mắc vào cây nằm nghỉ, một bình nước bảo ôn, sáng pha trà nóng mang uống cả ngày, uống nước dọc đường vừa tốn kém mà dễ không hợp vệ sinh, đau bụng.
Nên có một túi đồ y tế cấp cứu như bông băng, thuốc sát trùng, thuốc đau bụng...để sơ cứu kịp thời tại chỗ khi cần.
Đi dài ngày, gần như 100% sẽ bị táo bón, nên mua một hộp C sủi loại tốt ngày pha nước uống một hai viên sẽ đỡ.
Nếu đi nhiều ng thì nên trang bị bộ đàm liên lạc với nhau trên đường, có nội quy chuyến đi rõ ràng.
Ngoài ra còn thứ quan trọng là đồ sửa xe: mang bộ vá xe, bơm điện, các bộ tool cơ bản, bugi, má phanh dự phòng, bảo dưỡng cẩn thận xe trước khi lên đường.
Còn những thứ ko quá cần thiết thì ko cần mang theo, chỉ đừng quên là ví dày một tí, nếu khi đi phát sinh nhu cầu gì có thể đến thị các TP hoặc thị trấn bây h đồ cũng sẵn, dễ mua.
Nên sắp xếp đồ đạc sao cho đồ dùng thường xuyên, hay dùng trên đường dễ lấy, lúc chuẩn bị đồ đã tính phương án lên đồ lên xe thế nào sao cho gọn gàng, dễ chằng buộc, có phương án chống nước ướt đồ khi trời mưa.
4. Xe cào cào là Honda XR150, như anh bạn đi con này chuyến đấy bảo là ổn, ko ê mông, tuy nhiên còn phụ thuộc vào sức khỏe từng người. Bọn em trước khi đi những chuyến xa đã đi rất nhiều cung tầm 1000 -2000km nên cũng quen rồi. Lâu không đi mà đi dài ngay dễ bị đau người vì không quen, cụ nào bị đau lưng có thể dùng đai bó lưng cũng rất hiệu quả.
5. Xe PCX hiện có hai loại 125cm3 và 150cm3, loại nào cũng chở được hai người hết, em đã chở hai người leo hết các đèo Tây Bắc từ hà Giang đến Y Tý, Khau Phạ bằng xe 125 và không vấn đề gì hết chỉ hơi yếu tí thôi, 150 thì khỏe hơn tí, cứ tằng tằng leo dần thôi. Còn cụ muốn leo khỏe thì phải chơi xe côn PKL chứ xe ga này vẫn leo ổn nhưng chạy kiểu dưỡng sinh è è leo lên thôi.
Chúc cụ sẽ thực hiện được chuyến đi mong muốn, cần gì cụ cứ hỏi, em biết đc gì sẽ chia sẻ ngay.