Nguồn khoáng nóng Thuần Mỹ - Nhà nước chậm đầu tư, dân tự do khai thác
Thứ ba, ngày 22 tháng 09 năm 2009 cập nhật lúc 16:06
“Nguồn khoáng nóng Thuần Mỹ, huyện Ba Vì được phát hiện từ năm 1999, độ nóng cao nhất tới 43 độ C và có độ khoáng, độ tinh sạch cấp quốc gia nhưng đến nay đã được 10 năm, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội) mới chỉ thực hiện duy nhất công đoạn khoan thăm dò còn người dân đua nhau khoan giếng, mở dịch vụ tắm khoáng nóng một cách tự do” – Đó là nhận định ngắn gọn của ông Chủ tịch HĐND xã Thuần Mỹ Phạm Hồng Phong.
* 10 năm mới hoàn thành 3 mũi khoan thăm dò
Nguồn khoáng nóng Thuần Mỹ được tình cờ phát hiện thông qua chương trình hỗ trợ người dân khoan giếng nước sạch do UNICEF tài trợ. Khi đó các hộ dân thôn 5 lấy nước giếng sử dụng thấy nóng, tưới rau bị héo liền báo cáo chính quyền và đây cũng là thôn duy nhất trong số 6 thôn của xã Thuần Mỹ được tận hưởng nguồn khoáng này. Ông chủ tịch HĐND giải thích rằng, những năm trước đó người dân xã La Phù, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ nằm đối diện với xã Thuần Mỹ bên kia sông Đà cũng phát hiện và khai thác nguồn khoáng nóng; có nghĩa nguồn khoáng này thông nhau nằm dưới tầng đáy sông Đà.
Được nằm trên mỏ nước khoáng nóng, những người mừng nhất có lẽ là các cấp chính quyền từ xã tới tỉnh và điều có thể nhìn thấy được là cơ hội phát triển kinh tế thương mại, dịch vụ, du lịch; đời sống người dân Thuần Mỹ được thay đổi. Tuy vậy, từ khi phát hiện ra nguồn khoáng này, mãi tới năm 2005, Công ty CP xây dựng du lịch Bình Minh mới được các cấp có thẩm quyền cấp phép thăm dò nguồn khoáng nóng ở đây. Do thực hiện chậm trễ, máy móc đưa vào thực hiện không đủ năng lực nên đến năm 2008, công ty mới hoàn thành khoan thăm dò 3 mũi ở độ sâu trên 100 m, cách mép nước sông Đà khoảng 200 m. Sau khi bơm liên tục trong vòng 1 tháng, công ty đo lại mực nước khoáng thì mức nước trở lại như ban đầu và có thể đánh giá trữ lượng mỏ khoáng nóng ở đây rất dồi dào. Từ đó tới nay, sau khi sáp nhập vào Hà Nội, việc quy hoạch khai thác nguồn khoáng nóng ở đây cũng như việc cấp phép cho doanh nghiệp vào khai thác vẫn trong tình trạng “dậm chân tại chỗ”.
Đối với xã Thuần Mỹ, công việc duy nhất trong việc quản lý nguồn khoáng này là quy hoạch vùng khoáng nóng 7 ha. Năm 2008, xã tiếp tục mở rộng vùng quy hoạch nhưng do thời gian quá độ sau khi Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội, chủ trương này chưa được phê duyệt.
* Dịch vụ tắm khoáng nở rộ
Đến thôn 5 xã Thuần Mỹ mới thấy sự thay đổi của một làng quê vốn thuần nông này khi người dân biết tranh thủ của “trời cho” để làm kinh tế. Con đường làng sat sát những biển hiệu mọc lên như nấm: dịch vụ tắm khoáng nóng kèm cà phê, bia lạnh và ăn uống. Theo thống kê của xã Thuần Mỹ, ngay từ năm 2000 người dân thôn 5 đã nhanh nhạy khoan giếng mở dịch vụ tắm khoáng nóng và đến nay phát triển lên 75 hộ gia đình với khoảng 700 phòng tắm. Khách các nơi đổ về nườm nượp, các xã huyện lân cận cũng có và cả khách nội thành cũng đến với hy vọng chữa được các bệnh ngoài da, đau lưng, đau khớp… Bình quân mỗi ngày, xã Thuần Mỹ đón vài trăm khách tới tắm; đặc biệt các ngày nghỉ, ngày lễ, mùa đông, trước và sau Tết lượng khách tăng đột biến. Giá cả mỗi lần tắm tương đối hợp lý, từ 10.000 – 25.000 đồng tùy mức độ đầu tư của mỗi nhà chủ; cuộc sống của người dân khấm khá lên thậm chí có gia đình xây được nhà cao tầng từ dịch vụ tắm khoáng nóng.
Nhà tắm Trung Toàn có thể coi là hạng sao ở thôn này với 13 phòng tắm, dịch vụ ăn uống, nghỉ ngơi đồng bộ. Anh Trần Quang Trung, chủ nhà tắm cho biết, gia đình anh mở dịch vụ tắm khoáng từ năm 2004, khoan giếng ở độ sâu 80 m. Đang là mùa nóng nhưng mỗi ngày nhà tắm gia đình anh vẫn đón được vài chục khách với giá 25000 đồng mỗi lượt khách tắm. Anh cũng cho biết, càng khoan sâu nước khoáng càng nóng, càng sạch.
Còn nhà tắm Kiệm Oanh đầu tư 11 phòng tắm nhưng thuộc diện bình dân. Ông bà chủ cho biết, hiện nay nhà tắm đầu tư nhiều do vậy gần như dịch vụ gần như bão hòa, nếu đầu tư phòng tắm càng nhiều càng bị lỗ. Ông bà vẫn lấy nông nghiệp làm chính, dịch vụ tắm chỉ nhộn nhịp mấy tháng mùa đông.
Tuy nhiên, một nghịch lý diễn ra là, gần 10 năm dân Thuần Mỹ mở dịch vụ tắm khoáng nóng nhưng không có một cơ quan chức năng nào đứng ra cấp phép kinh doanh và có thể coi đây là dịch vụ kinh doanh có điều kiện vì khá nhạy cảm. UBND xã Thuần Mỹ mới thực hiện công việc thu phí với mức 700 đồng/buồng một ngày và chỉ quản lý về mặt an ninh trật tự, phòng chống tệ nạn xã hội và vệ sinh môi trường.Theo chiến lược phát triển du lịch của huyện Ba Vì đến năm 2010, nguồn khoáng nóng Thuần Mỹ sẽ được tiến hành quy hoạch cùng với một số điểm du lịch khác. Trong khi đợi hiện thực hóa chủ trương này, những người quản lý ở Thuần Mỹ vẫn mong mỏi các cơ quan thẩm quyền xiết chặt quản lý việc khai thác, kinh doanh nguồn tài nguyên khoáng nóng ở Thuần Mỹ.
Đây là nơi ae mình định đến, cách Hà nội khoảng 70km đường nhựa, các kụ xem và tham khảo rồi cho ý kiến nhé