Những người dân "nhà dột cũng không dám sửa" ở Hà Nội
KHÁNH AN - Thứ năm, 05/09/2024 06:30 (GMT+7)
Nằm trong diện giải phóng mặt bằng dự án
Vành đai 1 (Hà Nội) nên hàng trăm hộ dân nhiều năm liền sống trong cảnh tạm bợ, "nhà dột cũng không dám sửa".
Sống trong căn nhà dột nên cứ trời mưa là bà Mai mất ngủ, lo hứng nước mưa. Ảnh: Khánh An
Nghe tiếng mưa, bà Trần Thị Mai (sinh năm 1942, khu vực Đầm Bầu, phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình) tỉnh giấc, đi tìm xô và chậu. Bà với tay đặt chiếc chậu to nhất lên nóc tủ quần áo, một chiếc xô đặt đuôi giường, một chiếc đặt sát mép tường. Bát, đĩa trong nhà cũng được "huy động" để hứng nước mưa tại những vị trí dột trong nhà. Cùng thời điểm đó, các con của bà dùng xô để tát nước ra khỏi nhà.
Bà Mai kể, bắt đầu mua đất từ một xã viên hợp tác xã và xây nhà tại khu vực này từ năm 1991. Căn nhà hơn 50m2 có 1 tầng, 1 gác xép.
Hiện tại, bà đang sống trong căn nhà cùng 2 con và cháu. Dù nhà dột, các mảng tường nứt vỡ nhiều năm, song cả gia đình chỉ chắp vá chứ không dám xây dựng, sửa chữa do nằm trong diện giải phóng mặt bằng phục vụ thi công Vành đai 1.
"Chúng tôi sống ở đây nhưng lúc nào cũng trong tình trạng thấp thỏm, chờ ngày giải phóng mặt bằng" - bà Mai cho hay.
Bà Mai mua đất, xây nhà tại khu vực này từ năm 1991. Ảnh: Khánh An
Người dân sống tạm bợ trong những căn nhà dột, rêu mốc bám kín tường. Ảnh: Khánh An
Gia đình ông Mai Xuân Thanh cũng rơi vào tình cảnh tương tự khi nhà hỏng hóc cũng không dám sửa chữa. Ông Thanh cho biết, chuyển về khu vực dọc tuyến đường dốc Bệnh viện phụ sản Hà Nội sinh sống từ năm 2011. Hiện tại, 2 vợ chồng ông cùng 2 người con, 4 người cháu đang sinh sống trong căn nhà rộng 25m2.
"Khu vực này nằm trong dự án treo hơn 50 năm nên chúng tôi không được cấp sổ đỏ. Tất cả người dân đều không có hộ khẩu, mà hằng năm đều phải làm giấy tạm trú" - ông Thanh kể lại.
Mới đây, ông được chính quyền địa phương thông báo về mức đền bù giải phóng mặt bằng Vành đai 1. Theo đó, gia đình ông được đền bù 252.000 đồng/m2 - mức đền bù theo đất nông nghiệp. Cộng cả các khoản hỗ trợ, ông được nhận 334 triệu đồng cho căn nhà 25m2. Với mức đền bù này, gia đình ông không đủ mua 1 suất tái định cư.
Ông cho biết, với công việc xe ôm như hiện tại, nếu phải "gánh" thêm một khoản nợ khi mua suất tái định cư, ông không biết lấy nguồn tiền ở đâu để chi trả. Ông Thanh cho biết, hoàn toàn đồng thuận với việc giải phóng mặt bằng khu vực này để thi công đường Vành đai 1. Tuy nhiên, mức đền bù như vậy thì gia đình 8 người nhà ông không biết sẽ đi đâu về đâu.
"Chúng tôi được giao đất, sử dụng đất để ở, được nộp thuế đất ở đô thị. Quá trình xây dựng nhà ở trên đất, cư dân chúng tôi không hề nhận bất kỳ một văn bản thông báo vi phạm nào của các cơ quan chức năng. Thế nhưng, chúng tôi chỉ nhận được mức giá đền bù 252.000 đồng/m2 đất. Chúng tôi thắc mắc rằng, tại sao khi nộp thuế thì xác định cho chúng tôi là đất ở, đến khi làm dự án, đền bù lại áp giá đất nông nghiệp" - ông Thanh nói.
Những hộ gia đình trong diện giải tỏa của dự án Vành đai 1 ở khu vực dọc tuyến đường dốc Bệnh viện phụ sản Hà Nội và ngõ 1137 La Thành (phường Ngọc Khánh, Ba Đình, Hà Nội). Ảnh: Khánh An
Trong khi đó, theo UBND quận Ba Đình, khu vực Đầm Bầu có nguồn gốc đất lại là đất nông nghiệp và đất hồ ao công. Loại đất này khi thu hồi phục vụ dự án Vành đai 1 không đủ điều kiện bồi thường đất theo giá đất ở, chỉ được hỗ trợ theo tỉ lệ với giá đất ở nên số tiền hỗ trợ rất thấp, không đủ tiền để mua nhà tái định cư.
Dự án vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục có chiều dài 2.274m. Điểm đầu giao với đường Cát Linh - La Thành - Yên Lãng tại Hoàng Cầu (quận Đống Đa), điểm cuối tại nút giao thông Voi Phục (quận Ba Đình).
Tổng đầu tư dự án gần 7.200 tỉ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 5.800 tỉ đồng, chi phí xây dựng đường là 636 tỉ đồng. Dự án được phê duyệt từ tháng 12.2017, dự kiến hoàn thành năm 2020, nhưng cho đến nay chậm tiến độ do chậm giải phóng mặt bằng.