(trích Luận Anh hùng, Dịch Trung Thiên):
...Cũng như vậy, do ti tiện con người trở thành lưu manh, lưu manh cũng chia ra hai loại. Một loại là tầm thường ti tiện, một loại là hào phóng rộng rãi. Loại trước chẩng lấy gì làm may mắn, suốt đời làm tay sai, ăn cắp vặt, không thể mở mày mở mặt. Loại sau có nhiều vận may, thường gây dựng thành đại nghiệp. Thứ nhất, họ chẳng có gì ngoài chiếc gậy và tờ giấy trắng, chẳng nghĩ ra được gì, đôi lúc lại muốn làm chuyện lớn, như “làm hoàng đế” chẳng hạn. Có ước muốn lại có thời cơ, đúng là “mong ước thành sự thật”. Thứ hai, họ vốn chẳng có gì, nếu có, thì phần lớn là của bất nghĩa hoặc là nhặt được, không phải là do lao động mà có, chẩng hề xót thương, dám “phân phát cả ngàn vàng”. Thứ ba, bản thân họ chẳng mấy trong sạch, làm gì còn chuyện đi bới móc thói hư tật xấu của người khác. Tự nhiên, họ sẽ biết bỏ qua cho người khác. Hơn nữa, họ là người cùng cực nhất, họ hiểu rõ nhân tình thế thái và nỗi khổ của con người, người ta sợ gì và muốn gì. Họ có nhiều cách để thu phục lòng người. Đã biết cách dùng người hiểu người, lại là người hào phóng rộng rãi, thì chẳng lo không mua được chó săn, không lo không có người yêu mến, phò trợ. Một khi thiên hạ đại loạn,đại loạn, khói lửa ngút trời, nhân đó mà ra tay dẹp loạn đoạt quyền. Lưu Bang chính là loại người đó. Thắng lợi cuối cùng của Lưu Bang không phải là không có lý. Xưa có câu “Được lòng người thì được thiên hạ, mất lòng người thì mất thiên hạ”. Việc được, mất của Lưu, Hạng đúng là phải xem xét từ chuyện “được lòng người”. Vậy hai người họ đã đối xử với người khác như thế nào? Vậy thì hai người đó đối đãi người khác như thế nào? Đại thể là, Hạng Vũ quan tâm người, Lưu Bang tín nhiệm người. Quan tâm hoặc tín nhiệm vốn đều có thể thu phục được lòng người. Nhưng vấn đề là, Hạng Vũ quan tâm người, nhưng quan tâm không đúng chỗ. Lưu Bang tín nhiệm người và tín nhiệm đến cực điểm. Như phần trên đã nói, Trần Bình vốn là người bị ngờ là “tư thông với chị dâu, chiếm đoạt tiền vàng, phản phúc vô thường”. Chí ít, Trần Bình từng nhận hối lộ là sự thật. Nhưng chỉ sau một lần trò chuyện, Lưu Bang đã hết sức tín nhiệm Trần Bình. Lưu Bang hỏi Trần Bình: Thoạt đầu tiên sinh ở Nguỵ, sau lại sang Sở, bây giờ thì đến với quả nhân, chẳng nhẽ một người trung thực thành tâm lại luôn đổi ý như vậy sao? Trần Bình đáp lời: Đúng vậy, trước sau tôi đã phụng sự Nguỵ vương rồi Hạng vương. Nhưng vì Nguỵ vương không biết dùng người nên đành phải sang với Hạng vương. Hạng vương không thể tín nhiệm người, tôi lại đành phải chạy đến với đại vương. Tôi ra khỏi đó với hai bàn tay trắng, không nhận sự giúp đỡ của người khác thì sống sao nổi? Nếu đại vương dùng được mưu kế của tôi thì xin nhận cho, bằng không, tôi xin được “thôi việc”. Số tiền người ta cho, tôi chưa đụng tới, xin trao hết cho ngài. Nghe xong, Lưu Bang đứng lên, có lời xin lỗi, còn trao chức quan lớn cho Trần Bình, về sau, Trần Bình bàn với Lưu Bang dùng kế phản gián bên quân Hạng Vũ bằng cách bắn đạn bằng bạc, lập tức Lưu Bang đã cho xuất bốn vạn cân hoàng kim (đồng) để Trần Bình tuỳ ý sử dụng, không cần phải báo lại. Kết quả, Trần Bình vừa dùng kế nhỏ, quả nhiên khiến Hạng Vũ sinh nghi, không còn tín nhiệm những viên quan tâm phúc như Phạm Tăng, Chung Ly Muội… Không chỉ dùng người thì không nghi mà còn phải rộng rãi thoải mái, hoàn toàn tương phản với thái độ hẹp hòi của Hạng Vũ. Đối với người khác Lưu Bang thực rộng rãi. Lưu Bang đã học được tính rộng rãi từ người mẹ mỗi khi phải trả gấp bội số tiền nợ rượu của Lưu Bang, nhưng quan trọng hơn là “ý chí không nhỏ” của mình. Lưu Bang muốn giành lấy cả thiên hạ, đương nhiên không thể tính toán tới sự được mất của thành trì nào đó, càng không thể chi li với món tiền nhỏ đó. Vì “mục tiêu lớn lao”, Lưu Bang có thể nhẫn nhịn, ví dụ kìm nén dục vọng của mình. Năm 206 trước Công nguyên, Lưu Bang từ Vũ Quan vào Tần, vào thành Hàm Dương. Trước mặt là “cung thất, màn trướng, chó ngựa, của cải, hàng ngàn cô gái”, Lưu Bang không phải không động lòng. Lưu Bang không hề để ý tới lời khuyên ra khỏi cung của Phàn Khoái. Cũng thật dễ hiểu, làm gì có chuyện một anh nhà quê từ một nơi hẻo lánh tới, đứng trước bao nhiêu của quý kỳ lạ như hoa như ngọc, vàng xanh rực rỡ mà lại không hoa mắt ù tai, thần kinh hoảng loạn? Chỉ e từ trong cuống họng cũng giơ tay ra. Nhưng sau khi nghe những lời nghịch tai mà chân thành của Trương Lương, Lưu Bang ra khỏi cung Tần, đưa quân về Bá Thượng, kiên quyết làm mọi việc để giữ lòng dân, ngay cả rượu thịt, bò dê, người Tần dâng lên uý lạo quân sĩ, Lưu Bang cũng không nhận, còn nói quân sĩ đã có quân lương, không nỡ phung phí của dân, khiến người Tần không nén nổi mừng vui, chỉ sợ Lưu Bang không thể là Tần vương. Lưu Bang chơi nước cờ rất cao tay, sánh với lúc Hạng Vũ vào Hàm Dương đã cho quân sĩ cướp bóc giết người, đốt trụi thành trì trong suốt ba tháng, rõ ràng Lưu Bang càng được lòng dân. Lưu Bang kìm nén dục vọng, kìm nén cả tình cảm. Năm 203 trước Công nguyên, Hàn Tín hạ xong hơn bảy mươi thành của nước Tề, có vùng đất rộng lớn như vậy, đô thành đều là địa bàn của Hàn Tín. Có một vốn liếng lớn như vậy, Hàn Tín muốn mặc cả với Lưu Bang. Hàn Tín cho người cầm thư tới chỗ Lưu Bang, nói người Tề hay mưu mẹo biến đổi, Tề là nước luôn luôn phản phúc, phía nam lại liền với nước Sở. Nếu không lập ngay một ông vua giả để trấn giữ thi e tình thế sẽ không yên. Lúc này Lưu Bang đang bị quân lính Hạng Vũ vây khốn ở Huỳnh Dương, Thái công và Lã thị đang trong tay Hạng Vũ, tức giận đầy bụng không biết xả đi đâu. Lưu Bang vừa thấy sứ giả mang thư đến, lửa giận lại bùng lên thành lời: Đồ khốn! Lão bị khốn ở đây, ngày ngày chờ người đến cứu, nay ngươi lại muốn làm Tề vương giả! Lưu Bang lớn tiếng mắng tiếp, Trương Lương và Trần Bình biết lúc này không nên đắc tội với Hàn Tín, liền đạp vào chân Lưu Bang làm ám hiệu Lưu Bang lại mắng: Rõ là một lũ chẳng ra gì! Nam tử hán đại trượng phu, lấy công dựng nghiệp, bình định chư hầu, vua thật phải như vậy, vì sao lại phải làm vua giả! Đó chính là công phu tuỳ cơ ứng biến, về điểm này Hạng Vũ không làm được. Hạng Vũ cũng không biết kìm nén bản thân. Nếu việc này rơi vào tay Hạng Vũ, chắc Hạng Vũ chẩng nói nửa lời, cho chém người luôn, hơn nữa còn tự tay đi giết Hàn Tín. Đây không phải là vấn đề tính cách. Chẳng ai có sẵn tính “nhẫn”, do bức bách mà phải “nhẫn”. Có hai loại nhẫn. Một loại là không thể không nuốt giận vào trong khi đứng trước cường quyền bạo ngược, nói đó là nhẫn nại, chẳng thà nói đó là không biết làm sao. Đánh thì không đánh được, liều mạng thì không đủ sức, không nhẫn thì biết làm gì? Như vậy không thể coi là nhẫn. Nhẫn đúng nghĩa là muốn làm việc gì đó và có khả năng làm được nhưng nhẫn nhịn không làm. Như muốn chiếm của cải, cung nữ trong cung Tần và có thể chiếm được, nhưng đã tự động bỏ đi, làm được như vậy không phải dễ. Rõ ràng đây mới là nhẫn thực sự. Tức là, bản thân chiến thắng bản thân, tự mình xuống tay với chính mình. Phía trên chữ nhẫn là chữ đao, là cầm dao rạch vào tim mình! Một người có thể xuống tay với chính mình, chắc chắn không run tay khi đối phó với người khác. Vì vậy, người biết nhẫn nhịn là người có trái tim sắt. Lưu Bang có trái tim sắt. Một lần quân Sở truy kích Lưu Bang, để có thể thoát thân, Lưu Bang đã đẩy con trai, con gái của mình xuống xe. Người phu xe là Hạ Hầu Anh ba lần ôm chúng lên xe và lại ba lần Lưu Bang đẩy chúng xuống. Hạ Hầu Anh không chịu nổi, nói: Việc tuy gấp, nhưng vẫn có thể cho xe chạy nhanh hơn mà? Sao có thể bỏ mặc chúng? Lúc này Lưu Bang mới trốn chạy cùng với hai con. Người xưa nói, hổ dữ không ăn thịt con, hẳn phải là người quá độc ác, tàn nhẫn mới dám vứt bỏ con ruột của mình. Vì vậy, lúc Phạm Tăng phát hiện thấy một kẻ ham tài hiếu sắc như Lưu Bang, khi vào Hàm Dương không tơ hào một thứ gì, Phạm Tăng mới hiểu đây là kẻ thù cực kỳ hung hãn tàn nhẫn, nếu không sớm trừ đi, tất sẽ mang hoạ nuôi hổ dữ. Đáng tiếc, lúc đó có nhiều người không nhìn ra điểm này, kể cả Hạng Vũ lẫn Hàn Tín....