Cảnh sát thì không thể bình luận thêm gì cả , còn hàng trăm người dân sao quá vô cảm, tại sao dân chỉ đứng xem khi mỗi người có thể góp một xô nước? Cháy nhà ra mặt Quốc Zaaaaaaaa. Ôi quê tôi.....
Người Việt “đành phải vô cảm” để tự bảo vệ mình?
Người Việt không vô cảm
Chuyện vô cảm đã được dư luận nói đến từ nhiều năm nay. Rất nhiều bức xúc, phát ngôn… được đưa ra để luận tội những hành động vô cảm. Tuy nhiên, rất nhiều bức xúc, rất nhiều chia sẻ về vấn đề này cũng có nghĩa là người ta đang không vô cảm.
Trước hết, phải khẳng định một điều: Người Việt (nói chung) không vô cảm. Nói điều này không phải là kiểu “cãi chày cãi cối” như một bạn đọc nào đó đã phản ứng mà thực tế, điều đó đã được minh bằng hàng loạt biểu hiện.
Hãy thử nhìn lại, hàng năm, cứ đến mùa mưa bão, khi một khu vực nào đó của Tổ Quốc bị lũ lụt, thiên tai, đã có hàng ngàn, hàng vạn người sẵn sàng đóng góp từ số tiền lương ít ỏi của mình để chia sẻ. Hay cứ đến mùa mưa bão, hai tiếng “miền Trung” lại làm hàng triệu trái tim xót xa, lo lắng. Người ta có thể dễ dàng đọc được những dòng comment, những tình cảm thân thiết được gửi gắm đến miền Trung ruột thịt...
Hãy nhìn hình ảnh những em bé bớt tiền ăn sáng, những bà cụ bớt tiền lương hưu, những sinh viên dày công đi quyên góp quần áo, đồ dùng rồi đích thân đến tận những nơi vùng bão lũ để cưu mang những người đồng bào của mình…
Hãy ngắm nhìn hình ảnh hàng vạn người xếp hàng để được hiến những giọt máu đào nhằm cứu mạng sống của những bệnh hiểm nghèo, sẽ thấy rằng người Việt không hề vô cảm.
Rồi hàng vạn người đã lặng lẽ “góp đá xây Trường Sa” để bảo vệ Tổ Quốc mình…
Để thấy rằng, người Việt không vô cảm.
… nhưng “đành phải vô cảm”
Nhưng dù nói thế nào, thì trên thực tế, trong nhiều tình huống, người Việt cũng lại đang có thái độ ứng xử một cách vô cảm. Vì sao vậy?
Nhà thơ, nhà báo Hồng Thanh Quang có nói một câu: Chúng ta vô cảm để tự bảo vệ mình! Điều đó thật đúng, nhưng cũng thật đau xót.
Một phụ nữ tâm sự: Bản thân chị là người sống tình cảm và luôn mong muốn được chia sẻ với những người xung quanh. Chị sẵn sàng góp tiền cho các cá nhân, tổ chức để làm từ thiện. Bản thân chị cũng tự mình bỏ công sức đi thu gom quần áo, sách vở… rồi đáp những “chuyến xe bão táp” mang đi miền núi làm từ thiện. Tuy nhiên, có lần, khi nhìn thấy một kẻ móc túi người khác ngay trước mắt, chị đã phải… nhắm mắt làm ngơ vì sợ nguy hiểm. “Lát sau, thấy người bị hại khóc lóc vì mất số tiền dùng để mua thuốc chữa bệnh cho người thân, tôi thấy vô cùng xấu hổ và ân hận. Nhưng, chính bản thân tôi cũng không biết, lần sau gặp trường hợp tương tự, tôi có dám làm khác đi không?” – chị này tâm sự.
Tâm lý “đành phải vô cảm” diễn ra khá phổ biến khi điều đầu tiên người ta nghĩ chính là sự an toàn của bản thân và gia đình.
“Tôi suy nghĩ rất nhiều về chuyện dạy con làm người. Về lý thuyết, tôi phải dạy con làm người chính trực, có lòng trắc ẩn và sẵn sàng chia sẻ. Nhưng trong thâm tâm, tôi cũng lo cho sự an toàn của con và của chính bản thân mình bởi xã hội ngày nay quá nhiều bất trắc. Có lần, tôi đang đưa con đi học thì thấy một người phụ nữ đang bị một nhóm người xông vào đánh. Tôi chỉ liếc nhìn một cái rồi phóng xe qua rất nhanh. Về nhà, con tôi bảo: Bố ơi, sao lúc nãy bố không dừng lại cứu cô kia?. Tôi buột miệng bảo: Không, dây vào để mà phải vạ à? Nói xong, tôi bỗng thấy mình sao mà ích kỷ. Nhưng mà, có lẽ lần sau tôi vẫn sẽ làm thế..." - một người đàn ông chia sẻ.
Một hiện tượng cũng cần phải nói đến, đó là có quá nhiều những “gương tày liếp” khi lòng tốt bị lợi dụng. Những người tận tâm chỉ đường bị “thôi miên” để cướp; Những người giả tàn tật để ăn xin, bán tăm; những người giả làm nhà sư để bán hương; những người lợi dụng trẻ con đi bán kẹo cao su; những người quyên góp quần áo làm từ thiện lại đi… bán làm giẻ lau; những người ăn chặn tiền quyên góp cho người nghèo… Những hành động đó, dù không gây thiệt hai nhiều về kinh tế nhưng đã làm cho người ta mất lòng tin.
Vì thế, người ta sẵn sàng “vô cảm” quay đi khi một đứa nhỏ gày gò chìa phong kẹo cao su ra bán. Người ta cũng sẵn sàng làm ngơ, bước qua một người phụ nữ ôm con nhỏ ngủ quặt quẹo trên tay. Những người khóc lóc xin tiền để “đi ô tô về quê” vì bị “mất trộm hết tiền” cũng chẳng mấy cơ may được người khác rủ lòng thương, bởi họ nghĩ: “Nó lừa đấy!”…
Một phụ nữ kể: Khi nhìn thấy 2 tên cướp đang lượn lờ định cướp túi xách của một cô gái, chị đã ngay lập tức tìm cách đánh động cho cô gái kia. Kết cục là 2 tên cướp đành phóng xe bỏ đi. Điều đáng nói là, ngay lập tức, mấy người bán hàng cạnh đó bảo chị: "Ngu thế. Nó cướp thì kệ nó. Mày làm chị lo thót cả tim. Lần sau đừng làm thế nhé, có ngày nó đánh chết!".
“Tôi nghe xong không biết nên cười hay nên mếu. Những người khuyên tôi, họ cũng không phải là người vô cảm, bởi nếu vô cảm, họ đã không lo cho tôi, không mắng tôi như thế. Chỉ có điều, họ đã nhìn thấy quá nhiều những cảnh người tốt bị trả thù…” - chị nói.
Dù rằng vẫn còn những con người sẵn sàng xả thân vì việc nghĩa mà không ngại hiểm nguy; Dù những lý lẽ biện minh cho hành động vô cảm của nhiều người có thể vẫn chỉ là… ngụy biện, nhưng cũng thật khó để trách ai đó, nếu họ vì sự an toàn của bản thân mà đành phải quay đi. Càng khó có thể trách một người mẹ nếu họ dạy con “tránh xa” những vụ va chạm, cãi vã…
Có người cho rằng, vấn đề không phải là lên án hành động được cho là vô cảm, mà phải làm thế nào để tạo thuận lợi, môi trường cho người dân có thể chia sẻ, giúp đỡ người khác mà không gặp nguy hiểm. Đó chính là trách nhiệm của những nhà chức trách và những lực lượng thực thi luật pháp. Còn bạn nghĩ thế nào?
Theo Mỹ Hạnh
VnMedia
Ai có thể phá vỡ thói vô cảm trong xã hội?
Thái độ yếm thế, mũ ni che tai được thể hiện rất rõ trong phương châm ứng xử của số đông, từ thấp đến cao…
Người Việt không vô cảm, nhưng có lẽ nhiều người đang kìm nén hoặc cố giấu đi cảm xúc thật của mình, nhất là trong bối cảnh xã hội có nhiều hiện tượng bất an như hiện nay. Nói cách khác, cảm xúc của nhiều người đang "ngủ đông”.
Ngày nay ra đường người ngay sợ kẻ gian, đa số sợ đấu tranh trực diện với cái xấu và cái ác. Thật thà, thẳng thắn thì thua thiệt- câu nói này đã xuất hiện lâu mà đáng buồn thay, bây giờ lại trở nên quá phổ biến. Thái độ yếm thế, mũ ni che tai được thể hiện rất rõ trong phương châm ứng xử của số đông, từ thấp đến cao. Người có chính kiến, dám làm, dám chịu, dám tranh đấu cho lẽ phải và sự công bằng giờ hiếm quá. Cái phần tích cực lại bị "một bộ phận không nhỏ" cái tiêu cực lấn lướt.
Chỉ có thể cắt nghĩa hiện tượng này là hệ luỵ của một quá trình chuyển biến lớn lao mà xã hội ta đang trải qua. Ở giai đoạn này, hàng loạt chuẩn mực và giá trị bị xô lệch, cũ- mới, tốt-xấu... đan xen. Đây là một cuộc tranh đấu sống còn để xác lập những chuẩn mực của xã hội mới mà tất cả chúng ta đều mong muốn và hy vọng là sẽ tốt đẹp hơn bây giờ.
Thậm chí, hiện tượng vô cảm, xin tạm gọi là như thế, chi phối cả những người đóng vai trò chính thiết kế, chi phối sự vận hành của xã hội, đó là đội ngũ cán bộ, đảng viên. Cái xấu đang thấm vào, tha hoá và chuyển hoá một bộ phận không nhỏ những người này.
Nhân dân và cả xã hội nhìn vào hành vi và cách ứng xử của bộ phận này mà quyết định cảm xúc và thái độ ứng xử của mình.
Có bao nhiêu người nói một đằng, làm một nẻo, lời nói và hành động khác xa nhau, thậm chí trái ngược nhau. Có bao nhiêu người đứng trên bục giao giảng nhưng điều lớn lao nhưng kỳ thực anh ta không phải là như vậy. Họ tưởng có thể che mắt được nhân dân nhưng thực ra nhân dân biết cả. Nhận diện họ chẳng đến mức quá khó nhưng loại bỏ họ khỏi bộ máy lại là một việc cực khó...
Để đánh thức cảm xúc lành mạnh và tốt đẹp của số đông, biến thành hành động thực tế, và trở thành xu thế chủ đạo của cả xã hội, phải bắt đầu bằng khả năng nêu gương, làm trước, làm mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, từ cao xuống thấp.
Không nên nói nhiều, bàn nhiều nữa mà hãy hành động, thể hiện thông qua những hành động cụ thể. Đó là cách tấn công hiệu quả nhất vào sự vô cảm.
Muốn thanh lọc và loại bỏ sâu mọt khỏi bộ máy thì phải xem lại cơ chế vận hành và cách thức tổ chức bộ máy đó. Một cơ chế để đảm bảo cho cái tốt, cái tích cực, cái ưu việt thắng thế, không thể là gì khác ngoài dân chủ.
Nhớ lại trước đây, cán bộ, đảng viên đúng là khuôn mẫu để quần chúng nhân dân nhìn vào. Thời đó đâu có nhiều luật, quy tắc, qui định như bây giờ. Thế mà xã hội bình yên, môi trường sống trong trẻo. Quan ra quan, dân ra dân.
Bây giờ, trong lúc hoàn thiện thể chế, pháp luật, điều cần nhất là người cán bộ, lãnh đạo phải nêu gương tốt đề dân làm theo và tin theo. Cấp trên làm gương cho cấp dưới, cấp dưới làm gương cho cấp thấp hơn, người cán bộ ở cơ sở làm gương cho dân chúng noi theo. Như thế sẽ tạo ra trật tự.
Cán bộ làm gương không vô cảm thì cả xã hội sẽ không vô cảm. Tinh thần và ý thức công dân sẽ được đánh thức và đề cao. Ngược lại, chúng ta chẳng biết điều gì sẽ xảy ra./.