Đạo diễn giỏi chưa chắc phải quay đại cảnh hoành tráng mới thấy được sự ác liệt.
Hồi làm Ván bài lật ngửa, đạo diễn Khôi Nguyên dùng đúng mấy bức tường vỡ tung tóe, vài anh lính chạy qua chạy lại trong khung hình chỉ thoáng thấy giày, thấy mũ, vài khẩu súng rơi ngổn ngang mà tả được trận quân Ngô Đình Diệm đánh Bình Xuyên.
Thời làm Cỏ Lau, đạo diễn Vương Đức cho người xem thấy cái thùng phuy bị pháo bắn tung, ông phó chính ủy trung đoàn tháo chạy vào hầm cùng thương binh, vai vác 2-3 khẩu súng cho lính, một góc hầm nhỏ lúc nào ầm ào tiếng pháo, tiếng trực thăng, bộ đội bước ra khỏi miệng hầm vài bước là bị bắn gục. Chỉ vài phút với gần chục anh lính mà xem phim thấy chiến trường Quảng Trị căng như dây đàn. Qua đó người ta hiểu được mỗi mét đất có bao nhiêu người chết, vì sao sau chiến tranh cỏ lau ở đó lại tốt đến thế.
Nhưng chục năm sau, Mùi cỏ cháy của anh đạo diễn "mười phân vẹn mười" học ở Nga về, huy động cả xe tăng, pháo lớn, hàng trăm bộ đội vượt sông, xung phong, phòng ngự chống xe tăng địch phản kích... nói chung là đủ các kiểu mà xem vẫn không ra một trận đánh có tầm cỡ.
Mà phim ấy anh Mười được chính đạo diễn Vương Đức làm cố vấn mới tài, vẫn không đỡ nổi.