Trên con đường đi tìm công lý cho tử tù Hồ Duy Hải
Ls. Trần Hồng Phong
Hôm nay ngày 4-12-2015, là đúng một năm ngày tử tù Hồ Duy Hải bất ngờ được hoãn thi hành án tử hình vào phút 89! Trong một diễn biến bất ngờ và hy hữu, mà cuối cùng là sự vỡ òa vui sướng (tôi nghĩ và tin vậy) của cộng đồng xã hội. Duyên phận thế nào đã khiến tôi tình cờ trở thành một "nhân chứng bất đắc dĩ" trong sự kiện này, vụ án này. Những ngày qua, thậm chí suốt cả năm qua, tôi đã nhận được không biết bao nhiêu lời hỏi thăm tin tức, tình hình về Hồ Duy Hải: Hiện nay Hải ra sao? Liệu có hy vọng Hồ Duy Hải sẽ được minh oan? tôi (ls Phong) đã và dự định sẽ làm những gì tiếp theo trong vụ án này? những diễn biến mới nhất? ...vv
Hồ Duy Hải tại phiên tòa sơ thẩm
Có thể nói đây đều là những câu hỏi khó, rất khó và thậm chí vượt ra ngoài khả năng của tôi.
Tuy nhiên, vì Hồ Duy Hải đã trở thành một nhân vật quá nổi tiếng, thậm chí là biểu tượng của niềm hy vọng về một nền tư pháp hướng tới công lý và sự thật khách quan. Bản thân tôi chỉ riêng trong vụ án này đã có thêm và nhận được rất nhiều lời động viên, chia sẻ của rất nhiều những người bạn - dù có thể không hề quen biết! (Tuy chưa bao giờ gặp mặt nhưng đã cảm thấy thân thiết, tôn trọng nhau). Có được điều ấy có lẽ cũng không ngoài niềm mong mỏi công lý cho Hồ Duy Hải.
Chính vì vậy, tôi nghĩ mình có trách nhiệm và nên chia sẻ với mọi người về những tình tiết, thông tin mà mình biết về vụ án Hồ Duy Hải, ngoài những điều mà báo chí đã đăng. Vì đây là điều mà có lẽ nhiều người cũng mong muốn được biết, để cùng có thêm niềm tin, sức mạnh và sự bền bỉ trên con đường đi tìm công lý cho Hồ Duy Hải.
-----------------
Ghi chú: Vì không có thời gian và cũng không dự định trước là mình sẽ viết những gì, nên những gì tôi viết dưới đây có lẽ sẽ không được "trật tự" lắm và có lẽ sẽ viết thành nhiều bài. Quá trình viết sẽ có thể chỉnh sửa, bổ sung ... mong quý vị thông cảm và chia sẻ.
--------------------
I.
Tôi muốn bắt đầu bằng việc vì sao vì sao tôi trở thành luật sư trong vụ án Hồ Duy Hải. Đó là một ngày khoảng cuối tháng 2 năm 2011. Có hai người phụ nữ tìm đến văn phòng tôi, nhờ nghiên cứu hồ sơ và "cứu giúp" cho Hồ Duy Hải. Đó là chị Nguyễn Thị Loan (mẹ Hồ Duy Hải) và Nguyễn Thị Rưỡi (dì ruột Hồ Duy Hải).
Ban đầu, khi biết Hồ Duy Hải đã có bản án phúc thẩm (tức là chỉ còn chờ thi hành án), tôi đã từ chối vì nghĩ rằng đã quá trễ. Không còn mấy hy vọng. Nhưng nghe chị Loan và chị Rưỡi rất tha thiết, nên tôi đồng ý sẽ nghiên cứu và chỉ nhận lời nếu cảm thấy Hồ Duy Hải thật sự bị oan.
Sau khoảng nửa tháng nghiên cứu hồ sơ, trao đổi chi tiết với nhiều cộng sự trong văn phòng, tôi cảm thấy rất ... mông lung.
Nhưng nếu Hồ Duy Hải thực sự là hung thủ giết người, thì tại sao dấu vân tay thu giữ được tại hiện trường không phải là của Hồ Duy Hải? (Trong khi tại bản án sơ thẩm, mặc dù có kết luận giám định kết luận rất rõ là cả 10 dấu vân ngón tay của HDH đều không trùng khớp, thì Tòa lại nói là "không giám định được"). Chính sự khác biệt một cách cố ý giữa ghi nhận trong bản án và Kết luận giám định dấu vân tay, là động lực quan trọng và khởi đầu - để cả văn phòng chúng tôi, một cách thận trọng, đi đến sự nhận định thống nhất là nhiều khả năng Hồ Duy Hải đã bị oan.
Tôi quyết định gọi điện cho chị Loan, chị Rưỡi, và đồng ý nhận nghiên cứu hồ sơ vụ án một cách chính thức và sẽ làm đơn đề nghị giám đốc thẩm cho Hồ Duy Hải nếu thực sự nhận thấy Hồ Duy Hải bị oan. Cả hai chị đều đồng ý như vậy. Họ nói có niềm tin và nhiều bằng chứng để tin rằng HDH không thể là hung thủ giết người.
Sau đó là cả một quãng thời gian dài suốt nhiều tháng trời chúng tôi nghiên cứu hồ sơ, đi tìm nhân chứng, trực tiếp xuống hiện trường ... (tôi sẽ nói chi tiết vào một dịp khác). Tôi chỉ có thể nói là chưa bao giờ chúng tôi bỏ ra nhiều thời gian và công sức, tìm tòi, đánh giá đến từng chi tiết nhỏ nhất trong hồ sơ vụ án như trong vụ án này.
Rất nhiều lần chỉ còn một mình tôi ngồi trong căn phòng vắng trên lầu 2, trong nguyên một căn nhà không còn ai vào lúc 8 giờ tối. Xung quanh đèn tắt tối như mực. Tôi đã nhìn không biết bao nhiêu lần hình ảnh hai nạn nhân bị cắt cổ một cách dã man, máu me đầy người ... để rồi cảm thấy sợ đến "nổi da gà" khi một mình mò mẫm trong bóng đêm đi xuống cầu thang ra về. Không biết bao lần tôi mong nằm chiêm bao sẽ được "gặp" hai nạn nhân, để họ chỉ giúp ai là hung thủ giết người ...
Tôi "kể lể" những điều này không có hàm ý nào khác, là muốn nói lên rằng trong vụ án này, chúng tôi đã làm việc hết sức nghiêm túc, cẩn trọng. Trên cơ sở tôn trọng sự thật khách quan, có sự trao đổi, phản biện...giữa nhiều người. Từng câu chữ mà tôi viết ra, nêu trong Đơn đề nghị giám đốc thẩm, là kết quả của lao động miệt mài và trí tuệ. Hoàn toàn không có bất kỳ một sự phỏng đoán chủ quan nào cả.
Thế nên, thật đáng buồn, là những người có thẩm quyền đã không xem, không đoái hoài gì đến những điều chúng tôi trình bày trong đơn. Họ không hề phản biện, không hề chỉ ra chúng tôi đã nói không đúng ở chỗ nào? tại sao có những mâu thuẫn, bất thường trong hồ sơ vụ án. Mà chỉ trả lời một cách siêu đơn giản và ngắn gọn, là "đã xử đúng người, đúng tội".
Chị Nguyễn Thị Loan, mẹ Hồ Duy Hải, trước cổng Viện kiểm sát nhân dân tối cao (Hà Nội) ngày 15-11-2011. Tôi và chị Loan cùng đi nộp đơn kêu oan cho HDH. Tôi chụp tấm ảnh này làm tư liệu. Đây chỉ là một trong hàng chục chuyến đi Hà Nội kêu oan cho con của chị Loan - trong suốt những năm qua.
------------------
Một số hình ảnh tại Bưu điện Cầu Voi trong chuyến xác minh của tôi tháng 4/2011:
Đây là nơi xác hai nạn nhân được phát hiện. Cũng chính là nơi xác định hung thủ đã gây án. Những vết đen trên tường là vết máu. Phía bên trái là cầu thang đi lên lầu. Cơ quan điều tra đã không khám nghiệm hay tìm hiểu trên lầu có dấu vết gì không. Mà chỉ đơn giản mô tả là lối lên lầu bị khóa. Trong khi đó, một nhân chứng cho tôi biết vào khoảng 22h trong đêm xảy ra vụ án trên lầu sáng đèn!
Đây là lavabo bên trong nhà vệ sinh. Bên trong cũng còn dấu vết một số vết máu. Theo những bản khai ban đầu, thì Hồ Duy Hải nói đã kéo một nạn nhân vào đây và đập đầu nạn nhân vào lavabo. Tuy nhiên sau đó lời khai này bị xem như không đúng. Cơ quan điều tra thu được vài cộng tóc ở đây, nhưng quá trình giám định đã làm hỏng và cũng không xác định được là của ai.
Bưu điện Cầu Voi nhìn từ phía sau. Ngay phía sau cánh cửa sắt, bên ngoài là hai cánh cửa nhôm là nơi phát hiện xác hai nạn nhân. Nhà vệ sinh nằm ở phía bên phải, sát bên cạnh.
Đây là quầy giao dịch tại Bưu điện Cầu Voi thời điểm xảy ra vụ án. Lúc này (tháng 4/2011) bên trong tất cả các phòng đều được dọn trống.
Những vết máu dính trên tường tại khu vực xảy ra vụ án mạng
Nơi phát hiện xác hai nạn nhân. Một không gian khá chật hẹp. Thời điểm xảy ra vụ án đây là khu vực bếp.
Bưu điện Cầu Voi nhìn từ bên ngoài (phía trước là Quốc lộ 1). Theo Cáo trạng, thì Hồ Duy Hải đã dựng xe gắn máy dưới sân, vào bên trong nói chuyện với hai nạn nhân và sau đó sát hại hai người. Sau đó Hồ Duy Hải lên xe chạy về nhà. Trên báo Thanh Niên mô tả hai cảnh cổng sắt bị khóa. Trong lá đơn đầu tiên, tôi nêu nghi vấn: nếu Hải lên xe chạy về sau khi gây án thì ai đã khóa cánh cổng. Theo đơn của tôi, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã cử người vào xác minh tình tiết này, và kết luận hai cánh cổng không bị khóa như báo Thanh Niên nêu. Tuy nhiên hai cánh cổng ở trạng thái khép lại. Tôi đã trực tiếp gặp người đầu tiên vào Bưu điện sáng ngày hôm sau đêm xảy ra vụ án, anh cho biết hai cánh cổng khép. Như vậy, hung thủ hay ai đã khép hai cánh cổng này?
Thời điểm này (tháng 4/2011) bưu điện đã hoang vắng hơn 4 năm kể từ ngày xảy ra vụ án mạng. Ban ngày ở phía trước (ngoài đường), có người thuê bán xe gắn máy. Còn bên trong bưu điện, các căn phòng bên trong đều khóa cửa và không ai dám vào. Đặc biệt căn phòng nhỏ phía sau, nơi xác hai nạn nhân nằm, bị chặn bằng một chiếc tủ đứng. Phía sau thì khóa qua hai lớp cửa. Tôi đã năn nỉ người trông coi mở cửa vào khu vực này!
..............
Còn tiếp ...