Em hỏi cụ Gồ thì thấy có một số kinh nghiệm thế này, dán lên đây hầu các cụ:
1. Trường hợp lốp sau nổ:
Thông thường, nếu lốp sau nổ thì xe dù tròng trành khá mạnh nhưng tay lái ít bị ảnh hưởng. Lúc này tài xế phải cho xe giảm tốc từ từ, ép dần vào lề đường mới được dừng hẳn. Mức độ nguy hiểm phụ thuộc vào loại xe bạn đang chạy, lốp càng cao thì độ nghiêng xe càng lớn, chạy tốc độ cao, chở tải nặng thì nguy hiểm càng gia tăng. Lúc này, hậu quả hoàn toàn thuộc vào tài trí xử lý khôn khéo của tài xế.
2. Trường hợp lốp trước nổ:
Kinh nghiệm 1:
Nếu lốp trước bị nổ, tiếng nổ vừa phát ra là xe bị nghiêng ngay về phía lốp bị nổ. Tài xế cầm tay lái không chắc có thể bị vô-lăng tác động gây thương tích và xe sẽ bị cướp lái tức thì, khó tránh việc lao vào các phương tiện đi ngược chiều, lao vào dải phân cách hoặc bị lật nhào…
Muốn xử lý tốt sự cố này, tài xế phải có thói quen cầm tay lái tốt. Tư thế cầm lái đúng là tay trái bạn luôn cầm vô-lăng ở vị trí 9 giờ (tưởng tượng vô-lăng là chiếc đồng hồ), tay phải đặt tại vị trí 1 hoặc 2 giờ. Ngón cái của tay trái luôn ôm vòng tay lái bên trên chạc ba một chút. Lúc nghe tiếng nổ hoặc xì lớn, phản xạ đầu tiên của tài xế là tay trái cầm thật chặt vào vô-lăng, tay phải liền chụp ngay ở vị trí 3 giờ (cũng ở chạc ba).
Xe nghiêng bên phải thì dùng tay trái kéo vô-lăng lại, tay phải đẩy ra. Xe nghiêng bên trái thì tay trái đẩy ngược ra, tay phải kéo vô-lăng về phía phải, quyết giữ cho xe đi thẳng theo đà quán tính, chân hãm tốc độ xe bằng một lực thắng vừa phải, rồi cho xe từ từ dừng lại. Quan trọng là không được thắng gấp, nếu không sẽ gây lật xe.
Kinh nghiệm 2:
Điều đơn giản và quan trọng nhất khi đó là kiểm soát nỗi sợ hãi và làm theo những bước sau:
- Giữ bình tĩnh: phớt lờ bản năng khiến bạn đạp phanh hoặc giật vô-lăng.
- Từ từ tăng tốc để giữ kiểm soát xe. Giữ xe chạy thẳng. Giữ chắc tay lái bằng cả 2 tay và ở vị trí 10h và 2h để tránh mất lái.
- Giảm tốc độ từ từ.
- Để xe chạy theo quán tính.
- Nhẹ nhàng đạp phanh khi xe xuống đến vận tốc khoảng 48 km/h.
- Bật xi-nhan phải. Nếu có thể, không bao giờ dừng xe bên lề trái vì đó là nơi vô cùng nguy hiểm.
- Xuống xe, và thở phào nhẹ nhõm vì đã an toàn vượt qua nguy hiểm.
Một số lưu ý:
Điều cần nhớ là không được đạp phanh gấp (bởi phanh gấp khi lốp bị nổ sẽ làm xe mất cân bằng và khó kiểm soát hơn). Nếu bạn hốt hoảng đạp phanh, xe của bạn có thể quặt về một bên và sau đó sẽ lật và sẽ lăn nhiều vòng. Bạn cũng không được rời chân ga đột ngột. Bởi khi đó xe của bạn chuyển trọng lượng từ bánh sau lên bánh trước và dẫn tới mất kiểm soát.