http://soha.vn/vi-sao-viec-cam-sung-dan-hoan-toan-se-khong-bao-gio-xay-ra-o-nuoc-my-20171011190313237.htm
Vì sao việc cấm súng đạn hoàn toàn sẽ không bao giờ xảy ra ở nước Mỹ?
Tiến sĩ Terry F. Buss | 12/10/2017 08:15 PM
Cấm súng đạn được xem như là một vấn đề xã hội không lối thoát mà chính phủ Mỹ không giải quyết nổi.
Tối ngày 1/10, nước Mỹ lại một lần bàng hoàng trước vụ
xả súng kinh hoàng nhất lịch sử, làm 59 người chết và hơn 500 người khác bị thương. Ba tháng trước đó, một tay súng ủng hộ Thượng nghị sĩ Bernie Sanders cũng xả đạn vào đội bóng chày của Đảng Cộng hòa, suýt giết chết nghị sĩ Steve Scalise và nhiều người khác. Một người thiệt mạng, 8 người khác bị thương trong vụ việc.
Mỗi khi xảy ra xả súng, theo "thủ tục", các quan chức chính phủ đều bày tỏ thương xót với gia đình nạn nhân, rồi sau đó chỉ trích phe chính trị đối lập vì không thể giải quyết vấn đề súng đạn.
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu về vụ xả súng đẫm máu Las Vegas.
Các chính trị gia cũng "tát nước theo mưa," tranh thủ chiếm lòng cử tri bằng các bài phát biểu nhiều chiều. "Các chuyên gia" lai lịch không rõ ràng bỗng nhiên xuất hiện tràn ngập các phương tiện truyền thông với những phát ngôn thái quá về nguyên nhân cốt lõi của vấn đề súng đạn, và đưa ra những giải pháp gần như không thể áp dụng được.
Trong khi đó, nhiều ban, ngành tranh cãi liệu phải chăng nước Mỹ đang thiếu nguồn dữ liệu đáng tin cậy để đưa ra chính sách phù hợp. Cựu giám đốc FBI James Comey từng nói nguồn tin của FBI thực sự là nỗi hổ thẹn với nước Mỹ.
Định nghĩa thế nào là một vụ xả súng vẫn chưa được xác định: dựa trên số người bị bắn, số người thiệt mạng hay hoàn cảnh cụ thể của từng vụ bắn súng? Nhiều nhà phân tích coi xả súng tương tự như các vụ giết chóc giữa các băng đảng xã hội đen hoặc giữa các nhóm buôn ma túy.
"Tại sao Mỹ không cấm súng đạn?" là một câu hỏi đơn giản nhưng chưa có câu trả lời thỏa đáng từ chính phủ. Trong khi đó, Australia đã cấm súng từ thời ông John Howard sau vụ xả súng kinh hoàng ở nước này năm 1996.
Số người chết vì súng đạn rất đáng báo động. Trong thập kỉ qua, tính trung bình, hơn 33.000 người Mỹ chết vì súng. 2/3 trong số đó (21.000 vụ) là tự sát. Khoảng 1.300 nạn nhân thiệt mạng trong các vụ bạo lực gia đình liên quan đến súng. 586 trường hợp do tai nạn. 11.000 vụ giết người, và 14 người thiệt mạng do xả súng. Khoảng 6.000 người chết vì súng là nam thanh niên, đa số là người da màu.
Tại Chicago, tính riêng trong năm 2016, có khoảng 762 vụ giết người nhưng có tới 4.330 vụ bắn nhau. Các tội ác gây chết người chủ yếu liên quan tới ma túy và tranh giành địa bàn. Chỉ 1/3 vụ giết người không liên quan tới súng. Cụ thể, gần 6 trên 10 vụ mưu sát được thực hiện với súng ngắn. Súng trường ít khi được sử dụng.
Theo BBC, có 40% người Mỹ sở hữu ít nhất 1 khẩu súng. Dân số Mỹ đã đạt hơn 300 triệu người, nhưng số lượng súng còn nhiều hơn.
Trong 50 năm qua, có 131 vụ xả súng – những vụ bắn súng chết ít nhất 3 người trở lên. 948 người đã thiệt mạng, hầu hết bởi súng trường. Hầu hết thủ phạm xả súng đều có vấn đề tâm lí.
Năm 2016, 16 người da màu không vũ trang bị cảnh sát bắn chết. Những vụ tấn công nhằm vào người da màu trong thời gian gần đây đã dẫn tới sự thành lập của tổ chức Black Lives Matter (tạm dịch: Người da màu đáng được sống). Tổ chức này đã cùng với nhiều nhóm vận động xã hội khác tổ chức biểu tình rầm rộ ở các thành phố lớn của Mỹ. BLM kêu gọi các cảnh sát cần có trách nhiệm hơn trong việc sử dụng súng và yêu cầu cảnh sát ngừng tuần tra trong các khu dân cư nghèo.
Biểu tình Black Lives Matter tại Minneapolis. Ảnh: Star Tribute
Từ năm 2007 đến 2016, 537 cảnh sát hi sinh trong lúc làm nhiệm vụ. Năm 2015, 43 cảnh sát thiệt mạng. Năm 2016, con số này là 66. Số cảnh sát bị tấn công đang gia tăng nhanh chóng và hầu hết đều vì bị trả thù. Năm 2016, tại Baton Rouge, 5 sĩ quan bị một tay bắn tỉa bắn hạ. Các cảnh sát trong xe tuần tra thường là mục tiêu được ưa chuộng nhất.
Buôn bán trái phép vũ khí ở Mỹ là một vấn nạn, nhưng trộm cướp vũ khí còn là vấn đề nghiêm trọng hơn. Cục Rượu, Thuốc lá, Súng và Chất nổ (ATF) của Mỹ ước tính có tới 500.000 khẩu súng bị trộm hàng năm và cuối cùng bị tuồn ra thị trường. Nhưng trớ trêu thay, súng không phải bị tuồn từ Mexico vào Mỹ mà ngược lại. Mexico hiện cũng đang gặp rắc rối lớn với súng đạn, khi chỉ có 1% số súng được đăng kí. Các băng đảng ma túy Mexico (hay còn được gọi là "Cartel") buôn lậu qua biên giới hai nước, và cuối cùng gây ra tệ nạn, bạo lực và giao tranh trên đường phố Mỹ.
Việc sở hữu giấy phép mua bán và sở hữu súng hợp pháp đã ngày càng được siết chặt. Đã có vô số luật liên bang quy định quy trình xin giấy phép cùng các luật bổ sung của từng bang. Nhìn chung, phe ủng hộ súng cho rằng những luật này quá gò bó, có xu hướng cấm đoán mua bán và sử dụng súng. Phe phản đối lại nhận định những luật này quá yếu và không hiệu quả.
Hãy cùng xem lời bình luận của ông Steve Schmidt trên kênh MSNBC: "Ngày nay, mua thuốc ho còn khó hơn mua một khẩu AK-47." Dù biết sự thật nằm giữa quan điểm của 2 phe ủng hộ và phản đối sử dụng súng, nhưng không ai biết làm thế nào để hòa giải được cả 2 bên.
Việc cấm súng hoàn toàn sẽ không bao giờ xảy ra. Những quan điểm dưới đây sẽ cho thấy những cái nhìn khác biệt từ góc độ của 2 phe trong cuộc tranh cãi về súng đạn mà nhiều người có thể bỏ qua.
Quyền sở hữu súng là một phần nhỏ trong vấn đề quyền con người. Trong thập kỉ qua, phe cánh tả đã tìm mọi cách để loại bỏ Tuyên ngôn Nhân quyền khỏi Hiến pháp Mỹ.
Theo Tuyên ngôn Nhân quyền, quyền tự do của mỗi người có tính phổ quát, bất khả xâm phạm và hoàn toàn tự nhiên. Quyền này không chịu sự quản lí của chính phủ. Chính phủ có nhiệm vụ bảo vệ các quyền này, chứ không phải vứt bỏ chúng.
Phe cánh tả không muốn tự do tín ngưỡng hay tự do báo chí, ngôn luận. Đảng viên đảng Dân chủ gần đây đã công kích các thẩm phán do Tổng thống Donald Trump bổ nhiệm vào các tòa án liên bang vì họ thừa nhận là người Công giáo. Phe cánh tả tìm cách cản trở quyền tự do ngôn luận bằng những quy tắc cấm phát biểu thù địch, xúc phạm, gây hấn. Nhưng mặt khác, lại ủng hộ các nhóm "chống phát xít" sử dụng bạo lực để ngăn phe bảo thủ phát biểu.
Truyền thông của phe bảo thủ đang bị quản lí bởi cơ quan quản lý liên bang và đứng trước nguy cơ bị đóng cửa. Phe cánh tả muốn chính phủ quyết định công dân Mỹ có quyền gì, không phải phụ thuộc vào Hiến pháp nữa.
Quyền sở hữu vũ khí không chỉ đơn thuần là ngăn cấm súng đạn, mà nó còn là cuộc chiến bảo vệ mọi quyền tự do trong Tuyên ngôn Nhân quyền. Phe ủng hộ súng coi việc cấm đoán là vấn đề về quyền con người. Quyền này sẽ được bảo vệ bằng mọi hình thức có thể bởi những người sở hữu súng.
Vấn đề súng đạn đã trở thành một phần quan trọng trong việc quyết định giá trị nào sẽ được ưu tiên tại đất Mỹ. Phe cánh tả muốn "bơm" vào đầu người dân suy nghĩ về quyền con người, cách cư xử và hành động đúng đắn trước chính phủ.
Trận chiến chính trị trở nên rõ ràng hơn vào năm 2016 trong cuộc bầu cử tổng thống khi bà Hillary Clinton, đại diện cho cánh tả, lên "sàn đấu" với ông Donald Trump. Ông Trump giành chiến thắng, và sau đó ông công kích tất cả các quan điểm chính trị cực đoan của cả phe cánh tả và cánh hữu: từ chống phát xít, ủng hộ vô chính phủ, chống toàn cầu hóa cho tới chủ nghĩa da trắng thượng đẳng, chủ nghĩa quốc gia, theo phát xít và quyền thay thế. Mỹ hiện tại giống như nước Đức những năm 1930 vậy.
Ông Trump tranh luận với bà Hillary trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016. Ảnh: Reuters
Hiện nay, các luồng ý kiến ở Mỹ đang phân hóa mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Một cuộc điều tra của trung tâm nghiên cứu Pew cho thấy nước Mỹ đang xung đột căng thẳng nhất trong vòng 20 năm trở lại đây. Sự khác biệt còn thể hiện rõ rệt giữa thành thị và nông thôn, miền Bắc và miền Nam, miền Tây và miền Đông, chủng tộc, giới tính và bản sắc vùng.
Ví dụ, cánh tả muốn phá bỏ các di tích của cuộc Nội Chiến Mỹ ở miền Nam, nhưng người vùng miền Nam lại muốn giữ chúng lại. Dân miền Nam cũng ủng hộ mạnh mẽ quyền sở hữu súng. Tương tự, những thành phố lớn ven biển ở bờ Đông và bờ Tây phản đối kịch liệt súng đạn trong khi miền viễn Tây, với những chủ trang trại, nông dân, thợ mỏ, thợ khai thác gỗ và các nhóm độc lập lại rất coi trọng và cần tới súng vì nhiều mục đích khác nhau.
Cuộc vận động cấm súng đạn mắc kẹt trong những nỗ lực định nghĩa lại các giá trị Mỹ. Không may là, các nhóm cực đoan đã kéo các luồng ý kiến về 2 cực ý kiến chính trị, khiến sự thỏa hiệp không còn khả thi nữa.
Do đó, súng sẽ còn rất lâu mới bị cấm bởi cả cánh tả lẫn cánh hữu đều không đủ lực để áp đảo phe còn lại.
Những người ủng hộ súng cho biết các giải pháp pháp luật nhằm kiểm soát súng đạn không hề hiệu quả. Các chính trị gia dường như chẳng biết gì về súng, ngoại trừ ủng hộ hoặc phản đối. Đối với họ, vấn đề súng đạn chỉ là phương thức và phương tiện để đạt được những mục đích chính trị, kể cả khi làm sai lệch sự thật và các vấn đề liên quan. Giới truyền thông hiện đang ủng hộ cấm súng, cũng đã sẵn sàng thổi bùng cuộc tranh luận về súng bằng những thông tin "giả".
Kết quả là, việc thỏa hiệp sử dụng súng không hề khả thi, ít nhất tại thời điểm hiện tại.
Những người phản đối súng lại có quan điểm khác. Họ muốn cấm lưu hành các loại vũ khí bán tự động, có chức năng giống vũ khí tấn công nhưng chỉ dành cho mục đích dân sự, không phải quân sự. Bằng việc đánh đồng những vũ khí dân sự hợp pháp với các loại vũ khí quân sự bất hợp pháp, họ hi vọng sẽ loại bỏ tất cả các loại súng trường chuyên dùng để tấn công.
Nhiều khẩu súng được tìm thấy bên trong phòng khách sạn của Stephen Paddock, thủ phạm vụ xả súng Las Vegas. Ảnh: CNBC
Những người phản đối súng có nhiều hành động mâu thuẫn với ý kiến của mình. Trong vụ Las Vegas, kẻ sử dụng súng dùng liên tục 15 khẩu súng tự động, làm 59 người chết và hàng trăm người bị thương. Phe phản đối súng ngay lập tức lên tiếng yêu cầu cấm hẳn loại vũ khí này, bởi chỉ quân đội mới có quyền sử dụng chúng. Nhưng, phe ủng hộ súng đã liên tục chỉ ra rằng, loại vũ khí này đã bị cấm từ những năm 1930. Hung thủ trong vụ Las Vegas đã cải tiến vũ khí bán tự động và biến chúng thành loại tự động. Dưới thời Tổng thống Obama, một người kiên quyết phản đối súng đạn, việc cải tiến vũ khí bán tự động thành vũ khí tự động đã được chấp nhận và hợp pháp hóa.
Có vẻ như Quốc hội và các nhóm chính trị đã vận động thông qua luật cấm các loại thiết bị có thể sử dụng để biến một vũ khí bán tự động hợp pháp thành loại vũ khí tự động bất hợp pháp. Thông qua điều luật như vậy không phải việc khó. Tuy nhiên, những nhà kinh doanh và phát minh đã tìm cách lách luật trước khi nó được thông qua. Với công nghệ ngày nay, những máy in 3D cũng có thể chế tạo ra thiết bị chuyên biệt và vũ khí tự động.
Chỉ vài giờ sau vụ Las Vegas, bà Hillary Clinton và cấp dưới Tim Kane, cho rằng nếu tên hung thủ sử dụng giảm thanh, hắn có thể giết nhiều người hơn nữa bởi các nạn nhân sẽ không thể nghe được tiếng đạn và tìm nơi trú ẩn. Nhưng các loại giảm thanh không hoàn toàn triệt tiêu âm thanh của vũ khí, chúng chỉ làm giảm tiếng động đến một mức nhất định. Việc phát tán các thông tin sai lệch về súng chỉ khiến cuộc tranh luận ngày càng khiến 2 phe cách xa nhau. Những người ủng hộ súng sẽ không bao giờ đồng thuận với lệnh cấm đoán dựa trên thông tin sai lệch.
Những nỗ lực cấm súng hoặc giới hạn sử dụng súng thường được đề cập sau mỗi lần có xả súng; vụ Las Vegas là trường hợp gần đây nhất. Dù rất đau thương, nhưng những người ủng hộ súng chỉ ra rằng những sự kiện này rất hiếm, và thường có nét riêng biệt. Trong vài năm qua, những tay súng có rất ít điểm chung: từ thành viên của nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS, những học sinh trung học có vấn đề tâm lí cho tới những tín đồ cuồng đạo và những người tàn độc.
Hầu hết trong các vụ xả súng đều có sự xuất hiện của một hoặc nhiều khẩu súng trường. Chỉ 39 khẩu được mua một cách bất hợp pháp!
Một cửa hàng súng ở Texas, Mỹ. Ảnh: Reuters
Có thể thấy, vấn đề không phải ở việc các loại súng tự động được dùng để bắn dân thường. Vấn đề thực sự nằm ở các loại tội ác đường phố. Chicago, một trong những thành phố năng động nhất của Mỹ, báo cáo có tới 540 vụ giết người bằng súng trong 6 tháng đầu năm 2017. 3/4 các vụ giết người được thực hiện bằng súng ngắn, không phải vũ khí tự động. Hầu hết các vụ đều liên quan đến hoạt động xã hội đen.
Những vụ thanh toán nhau trên đường phố đã quá phổ thông đến nỗi báo chí không còn mặn mà với chúng. Và đây cũng là một vấn đề. Khi truyền thông tràn ngập tin tức về vụ xả súng và không đoái hoài gì đến những vụ bắn nhau hàng ngày, những cuộc tranh luận về kiểm soát súng không thể xử lí đúng trọng tâm của vấn đề.
Những vụ giết người ở các thành phố của nước Mỹ mang những nét đặc trưng của "chiến tranh sắc tộc." Những người Mỹ gốc Phi thường dễ trở thành nạn nhân hơn người da trắng hoặc người Latin. Cảnh sát bạo hành nhóm người Mỹ gốc Phi đã dẫn tới sự thành lập của các tổ chức vận động xã hội như Black Lives Matter, trong khi các chủng tộc khác thì không. Các cuộc biểu tình quy mô lớn ở Mỹ cũng rất phổ biến. Bạo lực đang có chiều hướng gia tăng.
Quyền con người, quyền công dân và những cuộc biểu tình đã làm phức tạp hóa vấn đề súng đạn, khiến nó khó giải quyết hơn, và các bên đối lập ngày càng rời xa bàn đàm phán.
Những người ủng hộ súng tin rằng quyền sở hữu súng cũng giúp đảm bảo họ có thể tự bảo vệ bản thân khỏi chính phủ, ít nhất là trên lí thuyết. Nước Mỹ được thành lập một phần bởi Anh Quốc tấn công thuộc địa này lần đầu vào năm 1776 và lần thứ hai vào năm 1812.
Những người phản đối súng cho rằng việc viện vào Tuyên ngôn Nhân quyền để sở hữu súng không còn hợp lí nữa khi người Anh không còn đe dọa nước Mỹ như hơn 200 năm trước. Nhưng phe ủng hộ súng vẫn vin vào lí do này.
Một bộ phim tài liệu của Mỹ về chiến tranh Việt Nam nói đây là lần đầu tiên người Mỹ bắt đầu không còn tin tưởng chính phủ. Các tổng thống Eisenhower, Kennedy, Johnson và Nixon đều không thành thật về nguyên nhân, diễn biến và kết quả của cuộc chiến.
Tổng thống Bush và Obama cũng đưa ra thông tin không chính xác về những cuộc chiến ở Libya, Syria, Iraq và Afghanistan, đặc biệt về vũ khí hủy diệt hàng loạt ở Iraq và vũ khí hóa học ở Syria.
Những người ủng hộ súng, ít nhất là là những người cực đoan, không tin tưởng chính phủ tới mức độ họ không bao giờ muốn từ bỏ quyền sở hữu súng. Những nhóm khủng bố cánh tả đã bị chính phủ chặn đứng.
Nguyên nhân cơ bản này đã dẫn tới sự thành lập của các nhóm cực đoan bao gồm nhóm chủ nghĩa phát xít, nhóm "quyền lực thay thế", nhóm ủng hộ người da màu (Báo Đen), nhóm ly khai Puerto Rico, và nhiều tổ chức khác.
Năm 1973, Phong trào Người Anh Điêng dẫn tới một cuộc xung đột và giao tranh với lực lượng liên bang trong hơn 2 tháng tại Wounded Knee, South Dakota.
Năm 1993, FBI cũng có cuộc đấu súng với nhóm tôn giáo "Branch Davidians" được trang bị nhiều loại vũ khí hạng nặng. Hơn 76 người đã thiệt mạng trong cuộc giao tranh tại Waco, Texas.
Giao tranh tại Waco, Texas kết thúc sau 51 ngày với một vụ cháy kinh hoàng, khiến 76 người thiệt mạng. Ảnh: Life/Getty
Gần đây, năm 2016, các chủ trang trại, những người phản đối chính quyền liên bang, cũng tham gia đấu súng ở Utah, Nevada và Oregon.
Trớ trêu thay, những nhóm vận động cánh tả thường sử dụng tới súng để đạt được mục đích. Nhóm Báo Đen, một tổ chức đòi quyền lợi cho người da màu, đã đấu súng nhiều lần với lực lượng chính quyền trong những năm 1960.
Nhóm ly khai Puerto Rico hồi năm 1954 cũng xả súng vào Quốc hội Mỹ, làm 5 nghị sĩ bị thương và trong những năm 1960, tiếp tục tấn công cảnh sát và đánh bom những địa điểm công cộng. Trong những năm 1970, Quân đội Giải phóng Symbionese của phe cánh tả cũng thực hiện các vụ thảm sát cùng nhiều cuộc tấn công bạo lực bằng vũ khí tự động.
Những nhóm phản đối phát xít đã lên tiếng đả kích những người ủng hộ ông Trump, trong khi nhóm cực đoan cánh hữu đã sử dụng bạo lực để đe dọa đối thủ, nhưng gần đây phát ngôn viên của họ đã bắt đầu kêu gọi "phản đối" bằng vũ lực chống lại phe cánh hữu.
NRA là tổ chức ủng hộ súng có tiếng nói trên chính trường Mỹ. Nhóm này tự nhận là một tổ chức nhân quyền, và điều này khiến các nhóm nhân quyền khác tức giận. NRA cũng bị thù địch bởi tất cả các nhóm phe cánh tả.
Tổ chức NRA có khoảng 5 triệu thành viên ủng hộ việc sở hữu súng và luôn hỗ trợ các ứng viên tranh cử có xu hướng đồng ý súng đạn. Tổ chức này cũng gây quỹ để tổ chức các phong trào nhằm hạ gục ứng viên có mong muốn bài trừ vũ khí nóng. Nói ngắn gọn, ít đảng viên đảng Cộng hòa có thể đắc cử nếu NRA kiên quyết đối đầu họ. Hàng năm, NRA cũng thực hiện đánh giá từng thành viên Quốc hội dựa trên lá phiếu của họ trong các vấn đề về súng.
Nhiều người tin rằng ảnh hưởng của NRA đang ngày càng suy yếu, vì ngày càng nhiều tiền được đổ vào hệ thống chính trị.
Trong năm 2016, bà Hillary Clinton đã đầu tư hơn 1 tỉ USD trong đợt tranh cử. Trong khi đó, tổ chức NRA chỉ bỏ ra khoảng 5 triệu USD hàng năm cho bầu cử. Những người phản đối súng hi vọng khi ảnh hưởng của NRA suy giảm, nhiều cơ hội đàm phán sẽ được mở ra giữa 2 phe.
Nhưng, đối với NRA, bất kì hạn chế nào về súng cũng là "con dốc trơn trượt" dẫn tới lệnh cấm hoàn toàn.
Người Mỹ, dưới con mắt của những người bảo thủ, đang đối diện với những vấn đề nghiêm trọng hơn súng đạn.
Vấn nạn ma túy đang hoành hành ở Mỹ là một trong số đó. Chính phủ phản ứng bằng cách ngừng quy tội lạm dụng chất gây nghiện, khiến hàng loạt trùm ma túy được ra tù.
Năm ngoái, gần một triệu trẻ nhỏ vào đất Mỹ bất hợp pháp. Chính phủ Mỹ phản ứng bằng việc cấp việc làm, cung cấp phúc lợi và cho phép cấp quyền công dân.
Những tài xế say xỉn là cơn ác mộng với cộng đồng, khiến 10.000 người thiệt mạng hàng năm. Chính phủ phản ứng bằng cách không trừng trị thẳng tay bia rượu khi tham gia giao thông.
Cấm súng đạn được xem như là một vấn đề xã hội không lối thoát mà chính phủ không giải quyết nổi. Trước đây, quy trình đăng kiểm nghiêm ngặt, kiểm tra sức khoẻ tâm thần, cấm tấn công, cấm vũ khí tự động, cấm sử dụng đạn dược và các loại vũ khí tương tự đã không đạt được hiệu quả.
Với sự chia rẽ hiện nay trong xã hội Mỹ, khả năng có đủ người đứng ra cùng giải quyết vấn đề là rất thấp.