Chắc chắn nhóm 12+ này ko chỉ dừng lại ở quy mô 12+, mục đích của họ là muốn tự mình tổ chức giải, cho UEFA ra rìa. Giải SL có thể sẽ mở rộng cũng như tăng số hạng đấu hoặc một hình thức nào đấy để hút thêm thành viên. Xét cho cùng càng đông càng nhiều tiền mà ai lại đi chê tiền bao giờ.
1 bài phân tích khá hay của Page "Tôi là "+5" " trên facebook
"
Một giải đấu mà không hề có đội xuống hạng như European Super League sẽ kém cạnh tranh? Không hề, thậm chí còn ngược lại - nó sẽ càng tăng tính cạnh tranh và hấp dẫn hơn.
Trong phần thông báo ít giờ trước của nhóm 12 CLB sáng lập (Founding Clubs) về thể thức cũng như điều lệ cơ bản của European Super League chúng ta có thể thấy rõ thiên hướng phát triển của một hệ thống giải đấu nhượng quyền thương hiệu (franchise) kiểu Mỹ và khác biệt hoàn toàn với những hệ thống giải đấu truyền thống ở Châu Âu kiểu lên - xuống hạng.
Vậy hệ thống giải đấu nhượng quyền thương hiệu là gì?
Nếu như ở một giải đấu truyền thống, quyền tham dự giải sẽ phụ thuộc vào thành tích thi đấu của các đội thì ở một giải đấu nhượng quyền thương mại nó lại phụ thuộc vào khoản phí mà các đội duy trì thường kỳ ở đó - tức là không có chuyện lên hay xuống hạng mà chỉ có dừng duy trì phí để rời giải hoặc đóng phí và tham gia giải.
Điều này nếu nghe qua có thể dễ khiến chúng ta liên tưởng đến chuyện mua suất để có chỗ và nó chỉ là “sân chơi thượng lưu” cho những đội nhà giàu. Tuy nhiên, thực tế về bản chất đây không phải một phi vụ mua bán mà đó đơn giản là việc chứng minh khả năng tài chính của đội hay đảm bảo đầu vào chất lượng cho giải - bởi thực tế một giải đấu bao gồm toàn bộ những CLB có nền tài chính vững mạnh thì mới có thể tạo ra sân chơi đỉnh cao thực sự.
Đó là lý do mà trong thể thức của European Super League sẽ luôn đảm bảo một chỗ cho 12 Founding Clubs bao gồm: AC Milan, Arsenal, Atletico Madrid, Chelsea, Barcelona, Inter Milan, Juventus, Liverpool, Manchester City, Manchester United, Real Madrid và Tottenham Hotspur (trong tương lai sẽ còn 3 CLB khác nữa). Thực tế đây cũng là 12 đội bóng có nền tài chính vững hàng đầu ở Châu Âu.
Ngoài ra, European Super League cũng không là một giải đấu franchise hoàn toàn bởi những nhà sáng lập vẫn muốn duy trì một chút yếu tố của giải đấu truyền thống bằng việc thêm vào 5 đội khách mời có thể dành quyền tham gia bằng thành tích thi đấu (nâng tổng số đội tham gia lên 20)
Nhưng nếu không còn lo lắng bị xuống hạng thì 15 đội bóng chắc suất (Founding Clubs) sẽ không có mục tiêu thi đấu qua đó giảm tính cạnh tranh? - Thực tế đây là cách tư duy của giải đấu truyền thống, động lực thi đấu của một giải franchise nó được thúc đẩy theo một cách khác hẳn.
Cùng lướt qua thống kê để thấy một giải franchise kiểu Mỹ cạnh tranh khốc liệt và hấp dẫn đến thế nào: trong 30 năm qua, 10/30 đội bóng rổ đã vô địch NBA, 18/30 đội bóng chày đã vô địch MLB, 14/32 đội bóng bầu dục đã vô địch NFL; 13/31 đội bóng khúc côn cầu trên băng đã vô địch NHL. Còn tại Premier League có 8 đội từng vô địch, Serie A có 7 đội từng vô địch hay La Liga thì con số này chỉ là 5 đội.
Hệ thống giải đấu truyền thống có một lỗ hổng đó là “nước chảy chỗ trũng”, các đội bóng top đầu ngày càng mạnh, còn những đội top dưới sau mỗi lần xuống hạng thì họ tụt dốc không phanh do lợi nhuận giảm sút và không thể duy trì được cầu thủ chất lượng. Chính vì vậy mà một giải đấu truyền thống không thể tránh khỏi tình trạng bị phân hoá năng lực mạnh mẽ.
Nếu chúng ta đã chán ngán việc Premier League là sân chơi riêng của Big 6, La Liga quanh đi quẩn lại chỉ có Real Madrid và Barcelona hay Serie A chỉ có Juventus độc bá thì rõ ràng nên ủng hộ cho một mô hình franchise như European Super League.
Lý do nào khiến những giải đấu nhượng quyền kiểu Mỹ hấp dẫn đến vậy? Đó chính là chính sách giới hạn trần lương của mỗi đội, đây là một phương án triệt để và ưu việt hơn nhiều luật công bằng tài chính của UEFA.
Luật công bằng tài chính (Financial Fair Play) dường như chỉ đánh vào phần “ngọn” tức là khống chế hành vi chi tiêu quá trớn của các đội bóng so với ngân sách thực tế của họ - không những không tạo ra sự công bằng mà còn khoét sâu hơn vào sự bất công khi những đội bóng yếu vốn có nền tảng tài chính kém lại dễ tổn thương hơn nhiều các CLB giàu có sử dụng “Doping tiền”.
Chính sách giới hạn trần lương lại đánh vào phần “gốc”, hướng đến rõ ràng hơn mục tiêu tạo ra một môi trường cạnh tranh cân bằng, đội bóng nào cũng sẽ có tiềm lực gần như nhau trong việc chiêu mộ nhân sự. Một đội bóng yếu vẫn có thể liều mình bạo chi và chịu lỗ doanh thu miễn sao không quá trần lương là được (nếu như với luật công bằng tài chính thì đã bị phạt rồi), ngược lại một đội bóng mạnh khi đạt đến giới hạn trần lương thì sẽ không thể bổ sung nhân sự kể cả họ có lãi thừa ra cả đống tiền trong ngân sách.
Dù không thông báo chi tiết về chính sách cụ thể của mình, nhưng các Founding Clubs đã thể hiện khá rõ ràng hướng đi này bằng việc nhấn mạnh sẽ có một khung chi tiêu được đề ra cho toàn bộ các đội bóng tham dự (the competition will be built on a sustainable financial foundation with all Founding Clubs signing up to a spending framework.)
Ngoài ra, trong thể thức của European Super League cũng rất tương đồng thể thức của những giải franchise kiểu Mỹ, đó là kết hợp cả thể thức League và Cup.
Tại các giải franchise kiểu Mỹ, giai đoạn một luôn có thể thức League với hai bảng đấu của bờ Đông và bờ Tây, sau khi giai đoạn một kết thúc sẽ chọn ra những đội đứng đầu hai bảng tiến vào giai đoạn hai có thể thức đấu Cup để tìm ra đội vô địch trong trận chung kết. Ở European Super League, cũng chia làm hai giai đoạn như vậy với giai đoạn một là hai bảng đấu, mỗi bảng mười đội và giai đoạn hai là tứ kết, bán kết và chung kết.
Việc kết hợp cả hai thể thức sẽ khiến nhà vô địch trở nên thuyết phục hơn, họ sẽ phải mạnh cả trong việc duy trì phong độ xuyên suốt mùa giải lẫn lỳ lợm trong các trận knock-out. Điều này dĩ nhiên cũng làm tăng thêm sự khốc liệt và độ hấp dẫn.
Sự tương đồng cuối cùng đó là Ban tổ chức giải cũng đồng thời là ông chủ của những CLB tham gia giải.
Trong thông báo của Founding Clubs, chủ tịch giải đấu European Super League chính là Florentino Perez - chủ tịch đương nhiệm của Real Madrid, ba phó chủ tịch còn lại cũng là chủ tịch hiện tại của Arsenal, Manchester United và Liverpool. Mới nghe, chúng ta có thể nghĩ rằng họ “vừa đá bóng vừa thổi còi” - như vậy sẽ thiếu đi sự khách quan. Tuy vậy, các giải franchise của Mỹ vẫn luôn hoạt động như vậy một cách trơn tru và minh bạch suốt nhiều năm nay.
Thực tế, mối quan hệ BTC và các CLB tham gia là hai cá thể riêng rẽ như các giải đấu ở Châu Âu lại mang nhiều tiềm ẩn tiêu cực hơn bởi đích ngắm của cả hai là không như nhau. Ví dụ mục tiêu của BTC Champions League là UEFA là nâng tầm thương hiệu của giải đấu thì các CLB tham gia lại hướng đến nâng tầm thương hiệu chỉ của CLB họ, đôi lúc hai mục tiêu này sẽ xung khắc nhau, và thực tế là mâu thuẫn nổ ra nên European Super League mới ra đời.
Trong đại dịch COVID hầu như UEFA bị ảnh hưởng rất ít bởi các sân bóng không bán được vé không phải là việc của họ mà là của các CLB. UEFA vẫn có tiền bản quyền đều đều đảm bảo doanh thu trong khi các CLB thì sống dở chết dở với những khoản lỗ. Tuy nhiên, vì là những cá thể riêng biệt với mục tiêu riêng biệt nên UEFA không quan tâm tình hình các đội, trái lại còn muốn mở rộng thêm quy mô giải đấu qua đó giảm bớt lợi ích của mỗi đội - và đây chính là giọt nước tràn ly.
Với cơ cấu BTC cũng chính là chủ sở hữu các CLB, mục tiêu chung của toàn bộ đều sẽ được thống nhất - đó là nâng tầm thương hiệu giải đấu. Vấn đề của từng CLB cũng sẽ là vấn đề của cả European Super League. Dòng lợi nhuận khổng lồ của giải cũng sẽ chảy trực tiếp về các CLB mà không qua trung gian là UEFA qua đó thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các Founding Clubs nói riêng và cả bóng đá Châu Âu nói chung.
Vậy các giải đấu truyền thống của từng quốc gia sẽ thế nào? Nó sẽ chết vì European Super League không? Hoàn toàn không bởi các Founding Clubs vẫn có nguyện vọng được chơi ở Premier League, La Liga và Serie A - tức là European Super League sẽ chỉ thay thế Champions League và Europa League của UEFA mà thôi.
Dòng tiền khổng lồ mà Founding Clubs có được từ European Super League cũng sẽ được san sẻ tới các CLB không đủ điều kiện chơi ở giải này thông qua thị trường chuyển nhượng cầu thủ trong khi các CLB đó vẫn có thu nhập tại các giải đấu truyền thống tương tự hiện tại - như vậy tức là thậm chí nó còn thúc đẩy đào tạo trẻ hơn cả trước đó.
Việc giới hạn khung chi tiêu của European Super League cũng hạn chế sức mạnh của Founding Clubs qua đó giảm bớt tình trạng “nước chảy chỗ trũng” và gián tiếp tăng độ hấp dẫn của những giải đấu truyền thống.
Như vậy, việc cố gắng “doạ” cấm các đội Founding Clubs có quyền tiếp tục chơi ở giải truyền thống rõ ràng là hạ sách của các Liên đoàn bóng đá quốc gia. Chưa kể bản thân các Liên đoàn cũng không có thẩm quyền làm điều đó, ví dụ FA không hề có vai trò là BTC của Premier League nên không thể cấm Arsenal, Manchester United, Chelsea, Liverpool, Manchester City và Tottenham Hotspur tham dự giải đấu này. Họ chỉ có thể làm điều đó với FA Cup và Carling Cup mà thôi.
Các CĐV có thể lên án các Founding Clubs tham lam, nhưng họ lại không nhận ra sự ưu việt của hệ thống giải nhượng quyền thương mại (franchise)."