THẾ GIỚI
Nỗi sợ hãi sờ thấy được
10/01/2015 11:06 GMT+7
TT - Ngay sau vụ tấn công khủng bố ở tòa báo và bắt cóc con tin, người Hồi giáo ở Pháp đang sống trong nỗi sợ hãi, căm giận lẫn bất lực.
Cảnh sát Pháp canh gác trước một đền thờ Hồi giáo ở Paris ngày 9-1 - Ảnh: AFP
Trên đại lộ Belleville, không xa phòng cầu nguyện Abou Bakar và cũng chỉ cách tòa soạn Charlie Hebdo vài khu nhà, người dân trên phố vẫn đang tranh luận về chuyện gì đã xảy ra.
Họ là những người Hồi giáo sống ở Paris. Kamel, thợ sơn, cứ nhắc đi nhắc lại là anh thấy đau nhói tận tim. Anh từ Algeria (cùng gốc gác quê hương của hai hung thủ) sang Pháp năm 1992 để trốn tránh nạn bạo lực của các thành phần Hồi giáo cực đoan trên quê hương anh. Giờ đây anh cảm thấy nỗi đau quá
khứ như nhân đôi bởi sự cay đắng khi bị nghi ngờ là người Hồi giáo cực đoan. Kamel than thở: “Tôi thấy điều đó trong ánh mắt những người tôi bắt gặp trên đường. Tôi có cảm giác mình bị kết tội vì là người Hồi giáo”.
Adil, chàng thanh niên 19 tuổi mặt búng ra sữa, cũng thừa nhận mình đang sợ hãi. Đang học nghề nấu bếp để kiếm sống, Adil tỏ ra giận dữ với những gì mà anh em Kouachi đã làm: “Đó không phải là Hồi giáo. Tôi đã bị sốc, thật sự sốc”. Chàng trai có ánh mắt sâu thẳm khẳng định: “Tôi sẽ đi biểu tình vào chủ nhật tới nhưng đến giờ cha mẹ tôi đã cấm tôi đi ra ngoài buổi tối”.
Tình trạng căng thẳng đang hiển hiện rõ quanh các thánh đường Hồi giáo ở Paris. Ở thánh đường Omar, khi thấy nhà báo đến, những người ở đây đều có dấu hiệu né tránh hoặc khó chịu. Một người đàn ông nói thẳng: “Không, tôi không muốn trả lời gì với cô cả bởi vì các nhà báo luôn bóp méo những gì họ đã được nghe”.
Ông Chabbar Taheib, chủ tịch Hiệp hội niềm tin và nghi lễ đang quản lý thánh đường Omar, trả lời qua điện thoại đã lên án hoàn toàn vụ tấn công tòa soạn Charlie Hebdo. Ông khẳng định: “Những kẻ làm điều đó không đại diện cho Hồi giáo”.
Nhưng cũng có một số người Hồi giáo vẫn cay đắng với những gì họ đã chạm phải trong cuộc sống hằng ngày. Như cô Claudine thừa nhận với phóng viên AFP: “Tôi làm việc trong nhà hàng thức ăn nhanh ở gần Saint Michel. Tôi có nghe lỏm một số bạn làm cùng, phần lớn là người Hồi giáo gốc ở Comores, thấy vui khi nghe tin về vụ khủng bố vì những người bị tấn công đã thóa mạ đấng tiên tri”.
Nhưng có lẽ phần lớn người Hồi giáo ở Pháp đều tin rằng những kẻ khủng bố không phải đại diện cho số đông những người như họ. Ông Amine Guellil, nhân viên môi giới nhà đất 47 tuổi, cho biết nhiều người Hồi giáo giống ông đang rất khổ tâm. “Một người Hồi giáo đàng hoàng thì không nhắm bắn ai cả. Những kẻ bắn người khác không thể là người Hồi giáo” - Amine kết luận.
Rồi ông giải thích thêm: một trong các nạn nhân của vụ tấn công tòa soạn Charlie Hebdo là viên cảnh sát 42 tuổi tên Ahmed Merabet. Viên cảnh sát này là người Hồi giáo và đã bị hai hung thủ hạ sát lạnh lùng! Trong các tin nhắn trên Twitter, dòng chữ “Tôi là Ahmed” cũng được chú ý nhiều như dòng “Tôi là Charlie” và viên cảnh sát cũng được cộng đồng người Hồi giáo tôn vinh anh hùng như các họa sĩ biếm đã bị sát hại.
Nhưng như người ta đã nói: vụ khủng bố đang tạo ra cơ hội cho các hành động cực đoan khác. Chỉ chưa đầy 48 giờ sau vụ khủng bố ở tòa báo, nhiều cơ sở thờ tự Hồi giáo ở Pháp đã bị tấn công, nơi bị bắn đạn, nơi bị viết lên tường những lời lẽ phân biệt chủng tộc, tôn giáo, nơi bị vẽ đầu heo lên cửa chính... Đã có những nơi xuất hiện các dòng chữ viết lên tường đầy hận thù “Bọn Ả Rập cút xéo đi”...
Ông Pascal Akdem, chủ tịch Hiệp hội Văn hóa Pháp - Thổ, lên tiếng: “Đừng kết tội tất cả người Hồi giáo ở Pháp. Tôi kêu gọi mọi người hãy bình tĩnh!”. Ông Abderrahim Wajou, chủ tịch Hiệp hội người Hồi giáo ở Côte Basque, cũng tuyên bố: “Chúng tôi sợ những hành vi trả thù đánh đồng như thế. Người Hồi giáo chúng tôi cũng như mọi người dân Pháp khác, chúng tôi cũng kinh hoàng với những gì đã xảy ra ở Charlie Hebdo. Điều đó hoàn toàn tàn ác”. Và ông kết luận: “Nhưng lấy ác trả ác thì chỉ gây bất ổn cho xã hội”...
http://tuoitre.vn/tin/the-gioi/20150110/noi-so-hai-so-thay-duoc/697140.html