1. Tính hợp pháp của kháng nghị của Viện trưởng VKSND tối cao
Một vấn đề được Hội đồng xét xử (HĐXX) TAND tối cao nêu ra là kháng nghị của Viện trưởng VKSND tối cao không đúng quy định của pháp luật vì ************* đã có Quyết định 639/2012 bác đơn xin ân giảm án tử hình của Hồ Duy Hải. Hàm ý ở đây là khi ************* đã bác đơn ân giảm án tử hình thì Viện trưởng VKSND tối cao không được quyền kháng nghị.
************* là nguyên thủ Quốc gia chứ không phải cơ quan tố tụng. Hiến pháp, pháp luật trao cho ************* quyền ân giảm đối với tội phạm chứ không phải khẳng định một người có tội hay không. Khi ************* xem xét đơn xin ân giảm thì vấn đề có tội hay không có tội đã được Tòa án quyết định, có hiệu lực và ************* tôn trọng điều đó. ************* chỉ xem xét với những tình tiết nhân thân thì người phạm tội đó có đáng được ân giảm hay không.
Quyết định không ân giảm của ************* không có nghĩa là lời khẳng định quyết định buộc tội tử hình của Tòa án là đúng.
Cơ sở pháp lý của kháng nghị của Viện trưởng VKSND tối cao là Hiến pháp và các luật liên quan. Viện trưởng VKSND tối cao hoàn toàn có quyền kháng nghị ngay cả khi ************* đã có quyết định bác đơn ân giảm án tử hình. Trường hợp VKSND tối cao kháng nghị đúng, người tử tù được tuyên không có tội thì cũng không có nghĩa là ************* đã ra quyết định sai.
Đặt câu hỏi VKSND tối cao kháng nghị có đúng không khi ************* đã bác đơn xin ân giảm án tử hình là một câu hỏi không phù hợp
2. Sự độc lập của Hội đồng xét xử
Nhiều ý kiến nêu, liệu HĐXX trong trường hợp này là
Hội đồng thẩm phán TAND tối cao có độc lập không khi Chủ tọa Hội đồng đó - người đồng thời là Chánh án TAND tối cao, trước đây là Viện trưởng VKSND tối cao và đã từng ra quyết định không kháng nghị giám đốc thẩm trong cùng vụ án? Quan điểm của tôi cho rằng ý kiến này là có cơ sở.
Tòa án và VKSND thực hiện chức năng khác nhau nhưng lại giải quyết các vấn đề giống nhau khi thụ lý cùng một vụ việc. Cụ thể, trong vụ việc giám đốc thẩm này: Trước đây khi hồ sơ đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm gửi lên Viện trưởng VKSND tối cao thì vấn đề mà Viện trưởng VKSND tối cao phải xem xét là liệu bản án của Tòa án có bị sai không và nếu sai thì có đáng để kháng nghị không. Khi quyết định kháng nghị tức là Viện trưởng đã cho rằng có sai sót trong đó, còn nếu quyết định không kháng nghị có nghĩa là Viện trưởng đã cho rằng không có sai sót trong đó hoặc có sai nhưng không đáng để nêu vấn đề.
Cùng một người, nếu trước đây đã cho rằng, bản án không sai thì bây giờ sao có thể phủ định chính mình khi trả lời câu hỏi tương tự trong khi vụ án không có tình tiết mới. Điều này chẳng khác nào “chưa xét xử thì quan điểm của vị Chủ tọa HĐXX đã được ấn định”.
3. Về vấn đề “có sai sót về tố tụng nhưng không thay đổi bản chất vụ án”
Câu hỏi đầu tiên mà Hội đồng thẩm phán TAND tối cao nêu để biểu quyết trong vụ án Hồ Duy Hải là “Vụ án đã có những sai sót về tố tụng như đã nêu. Những sai sót đó có làm thay đổi bản chất vụ án hay không?”. 17/17 thành viên biểu quyết là “Không thay đổi bản chất vụ án”.
Đặt ra câu hỏi này để biểu quyết, Hội đồng thẩm phán TAND tối cao đã mắc một số sai lầm.
Thứ nhất, với câu hỏi đó, thông điệp mà cơ quan xét xử cao nhất của Việt Nam truyền đi là dù quá trình xét xử có vi phạm tố tụng thì bản án vẫn được công nhận, nếu Hội đồng giám đốc thẩm tin rằng người đó có tội.
Không rõ từ khi nào Tòa án lại xem nhẹ pháp luật tố tụng đến vậy. Bất cứ ai học luật từ bậc học cử nhân đều hiểu rằng công lý được bảo đảm bằng pháp luật tố tụng. Đứng trước một vụ án hình sự, bao giờ phía nạn nhân và phía buộc tội cũng muốn bị cáo phải bị kết tội và chịu án nghiêm khắc. Đối với họ, như vậy mới là công lý. Còn đối với phía bị cáo và gia đình bị cáo thì phải tuyên vô tội hay có tội với hình phạt nhẹ hơn mới là công lý.
Như vậy, công lý không nằm ở có tội hay không có tội, hình phạt nặng hay nhẹ mà ở chỗ thủ tục điều tra, truy tố, xét xử có công bằng không, người bị buộc tội có được bảo đảm quyền tố tụng của mình không, chứng cứ có đủ cơ sở để buộc tội không… Đó là lý do tại sao vi phạm pháp luật tố tụng có thể dẫn tới hủy án. Sai sót về tố tụng trong vụ án Hồ Duy Hải phải được xem xét nghiêm túc từ chính nó, để cân nhắc có hủy án hay không.
Không thể lấy cái gọi là “bản chất vụ án không thay đổi” để biện minh và sau đó là bỏ qua cho sai sót về tố tụng.
Thứ hai, đặt câu hỏi như vậy
Hội đồng thẩm phán TAND tối cao đã đi lạc đề vì nó không phù hợp với chức năng và nhiệm vụ của xét xử giám đốc thẩm. Nhiệm vụ của xét xử giám đốc thẩm không phải là xem xét người bị buộc tội thực sự có tội hay không, đó là nhiệm vụ của Tòa án sơ thẩm hoặc phúc thẩm. Nhiệm vụ của xét xử giám đốc thẩm là xem xét bản án cấp dưới có sai không và nếu sai thì có bị hủy không.
Thứ ba, Hội đồng thẩm phán TAND tối cao đã quá chú trọng đến chuyện Hồ Duy Hải có tội hay không có tội mà quên đi nhiệm vụ quan trọng nhất của xét xử giám đốc thẩm là nêu và chấn chỉnh những cái sai trong quá trình tố tụng hình sự và sai trong áp dụng pháp luật hình sự trong xét xử
Thật đáng tiếc phải nói rằng, quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao trong vụ án Hồ Duy Hải là một bản án thực sự chưa thể hiện công lý