Chúng ta sống trong thế gian này, rốt cuộc vì lẽ gì? Rốt cuộc, cả đời này có ý nghĩa gì? Có giá trị gì? Điều này rất đáng khiến cho chúng ta phản tỉnh. Qua kinh điển, đức Phật dạy chúng ta, nhân sinh là chuyện như thế nào? Kinh Phật nói một câu chẳng dễ nghe là “nhân sanh thù nghiệp” (đời người nhằm đền trả nghiệp), “thù” là “báo thù” (報酬: đền đáp, báo đáp). Trong quá khứ, quý vị đã tạo nghiệp, hiện tại đáng nên thọ báo. Nói cách khác, một đời người để làm gì? Đến chịu đựng báo ứng! Trong quá khứ, quý vị tạo thiện nhân, đời này báo ứng tốt đẹp, nên mới hưởng sự báo ứng tốt đẹp. Trong đời quá khứ làm điều bất thiện, bèn hứng chịu quả báo chẳng tốt lành! Con người sanh trong thế gian chẳng có gì khác! Nhằm chịu báo! Mấy ai có thể giác ngộ?
Chẳng gặp Phật pháp, nhất là chẳng gặp pháp môn này, xác thực là đời người nhằm đền trả nghiệp, chẳng có một tí biện pháp nào! Mạng của mỗi người đều đã được định sẵn, ai cũng đều chẳng thể trốn tránh vận mạng. Chư vị xem Liễu Phàm Tứ Huấn, số mạng suốt đời của Viên Liễu Phàm đã được định sẵn, số mạng một đời của mỗi người chúng ta cũng đều đã định sẵn, đó gọi là “một miếng ăn, một hớp uống, không gì chẳng được định trước”, đều đã được định sẵn, chẳng có ai là ngoại lệ. Nếu quý vị gặp một thầy bói thật sự cao minh, ông ta cũng biết rõ ràng. Nếu không hiểu đạo lý Phật pháp, sẽ chẳng có cách nào sửa đổi vận mạng. Được rồi! Ta hiểu đạo lý Phật pháp đôi chút, đoạn ác, tu thiện, sửa đổi vận mạng của chính mình, bất quá là lại tạo một chút nhân lành, khiến cho vận mạng lại chuyển thành tốt hơn một chút, quả báo lại tốt đẹp hơn một chút. Nói cách khác, vẫn chẳng thoát khỏi nhân duyên quả báo! Câu nói “nhân sanh thù nghiệp” của Phật đã định sẵn cho quý vị. Nếu chúng ta thật sự liễu giải ý nghĩa bao hàm trong ấy, đích xác là một sự cảnh tỉnh to lớn: Đời người chẳng có ý nghĩa, chẳng có giá trị! Vì vậy, tổ sư bảo chúng ta phải nhàm lìa Sa Bà, [vì] sanh trong Sa Bà là để đền trả nghiệp! Sau khi quý vị đã giác ngộ, hãy nên nhàm lìa thế giới Sa Bà. Nếu có thể buông bỏ, hãy nhất tâm nhất ý cầu sanh Tịnh Độ, đó là người thật sự thông minh, triệt để giác ngộ.
Trích A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA-tập 163-phần 82
Người giảng LÃO HÒA THƯỢNG TỊNH KHÔNG