Thế nào là Phi Lợi Nhuận??? Góc nhìn về mô hình Đại học phi lợi nhuận trá hình ở Việt Nam.
August 2, 2014 at 10:07pm
Gần đây, theo dõi tranh cãi về tính chất “phi lợi nhuận” của các trường đại học tư ở Việt Nam, mình thấy có rất nhiều điều chướng tai gai mắt khi các trường đại học tư ở Việt Nam rất hay “chém gió” và tự PR bản thân là trường đại học phi lợi nhuận đầu tiên của Việt Nam. Chủ đề “phi lợi nhuận” là một chủ đề khá thú vị được mình quan tâm nghiên cứu khi học thạc sỹ tại Mỹ về ngành này. Xin chia sẻ với các bạn một số vấn đề liên quan để làm sáng tỏ.
Lợi nhuận là gì?
Trước tiên, chúng tôi cần làm rõ với nhau khái niệm
lợi nhuận, trước khi nói tới khái niệm
phi lợi nhuận, bởi kinh nghiệm thực tế ở Việt Nam khi đi khảo sát mức sống và thu nhập dân cư cho các dự án, mình thấy là có một sự nhầm lẫn rất phổ biến giữa khái niệm lợi nhuận với
doanh thu.
Doanh thu là số tiền thu về sau khi bán các sản phẩm, dịch vụ của một đơn vị cung cấp.
Chi phí là số tiền phải bỏ ra để vận hành và sản xuất, hay cung ứng sản phẩm dịch vụ.
Lợi nhuận = Doanh thu – Chi phí.
Rất nhiều người ở Việt Nam nhầm lẫn giữa doanh thu và lợi nhuận. Lấy ví dụ, khi đi khảo sát tình hình kinh tế của một hộ gia đình sản xuất đậu phụ ở nông thôn, khi hỏi lợi nhuận một năm bao nhiêu thì họ nói một con số rất khó tin. Hóa ra, là họ đang báo số tiền thu về từ việc bán đậu phụ, chứ chưa hề trừ đi chi phí mua đậu tương, chi phí nhân công và các chi phí khấu hao khác. Tương tự, một hộ nuôi lợn thì chỉ nhớ số tiền bán lợn là bao nhiêu, chứ không ghi chép chi phí mua cám, chi phí nhân công (rất khó tính), nên thành ra họ rất hay lẫn lộn giữa doanh thu và lợi nhuận. Sự nhầm lẫn này không chỉ xảy ra ở các hộ nông dân ít học, mà còn xảy ra cả ở những tổ chức, cơ quan chính trị, xã hội.
Như vậy, các bạn cần nhớ công thức kể trên để nắm rõ khái niệm lợi nhuận. Một khi mà chưa rõ lợi nhuận, thì sẽ hiểu sai bản chất “phi lợi nhuận”.
Phi lợi nhuận là gì?
Phi lợi nhuận, tiếng anh được viết là “non-for-profit” hay “not-for-profit” hoặc viết ngắn gọn là “non-profit” được hiểu chính xác là “không phân chia lợi nhuận cho các chủ sở hữu, cổ đông” mà lợi nhuận của nó được tái sử dụng cho mục tiêu của tổ chức. Bất cứ tổ chức nào, đáp ứng tiêu chí kể trên thì đều được coi là tổ chức phi lợi nhuận.
Tổ chức phi lợi nhuận có thể là một tổ chức phi chính phủ và cũng có thể là tổ chức chính phủ. Ví dụ, một quỹ từ thiện có doanh thu từ việc đi quyên góp, vận động các nhà tài trợ để cung cấp dịch vụ y tế cho người nghèo chẳng hạn, một năm giả sử họ quyên góp được 20 tỷ VND, chi phí để triển khai chương trình (gồm cả lương nhân viên, chi phí vận hành) là 10 tỷ, thì số tiền dư ra 10 tỷ VND sẽ không được phép chia cho các nhân viên hay sáng lập viên của Quỹ, số tiền đó phải được dùng cho những hoạt động tiếp theo của tổ chức ở những năm sau.
Phi lợi nhuận không có nghĩa là không có lợi nhuận
Rất nhiều người nhầm lẫn là “phi lợi nhuận” thì có nghĩa là không có lợi nhuận. Cách hiểu này là sai, bởi lẽ có rất nhiều tổ chức tuy là phi lợi nhuận, nhưng lợi nhuận hàng năm của họ rất cao. Cái việc mang tính quyết định họ có phải là tổ chức phi lợi nhuận hay không phụ thuộc vào cách họ ứng xử với lợi nhuận, chứ không phải việc họ có lợi nhuận hay không.
Liệu Đại học có phi lợi nhuận được không?
Nếu xét đại học như một đơn vị, tổ chức thì doanh thu của nó là từ các nguồn sau: đóng học phí, tài trợ của ngân sách chính phủ, quyên góp của nhà hảo tâm, cựu học viên, các hoạt động kinh doanh phi giáo dục khác…vv
Chi phí của nó sẽ bao gồm: chi phí trả lương giáo viên, mua sắm thiết bị dạy học, mua hoặc thuê địa điểm, đóng thuế….vv
Như vậy, lợi nhuận của đại học sẽ vẫn tuân theo công thức: Lợi nhuận =Doanh thu – Chi phí.
Vậy thì một đại học nếu được xét là “phi lợi nhuận” thì toàn bộ lợi nhuận của nó không được phép phân chia cho các cổ đông, chủ sở hữu và nhân viên của trường. Không một xu nào lợi nhuận được phân chia. Thế thì, nhìn vào trường hợp Đại học Hoa Sen, đại hội cổ đông quyết định chia cổ tức ở mức 20% sau khi tranh cãi đòi mức 30% cho thấy cái tính chất “phi lợi nhuận” thực chất chỉ là trò “treo đầu dê, bán thịt chó” mà thôi. Giáo dục là một ngành siêu lợi nhuận, do vậy nếu không kiểm soát một cách chặt chẽ thì sẽ rất dễ bị lợi dụng để các doanh nghiệp núp bóng kinh doanh giáo dục với vỏ bọc được lăng xê ầm ĩ là “phi lợi nhuận”.
Trong Luật giáo dục đại học năm 2013, lại quy định hoàn toàn sai khi cho phép chia lợi nhuận với tỉ lệ cổ tức hằng năm lại không được vượt quá lãi suất trái phiếu chính phủ. Như vậy, tôi có thể khẳng định người làm luật Giáo dục đại học năm 2013 đã hiểu sai bản chất “phi lợi nhuận” hoặc bị các cổ đông của các trường phi lợi nhuận lobby để cho phép họ chia cổ tức như đầu tư trái phiếu chính phủ. Điều này đồng nghĩa với việc nếu làm đúng luật thì không trường đại học nào ở Việt Nam thực sự là “phi lợi nhuận”.
Làm thế nào để xác định tính “phi lợi nhuận”của một tổ chức?
Ở Việt Nam, ai cũng có thể đưa ra một tuyên bố. Ví dụ, một ông ăn cướp có thể tuyên bố là ông ta không ăn cướp nếu không có bằng chứng cụ thể. Một trường mới thành lập có thể tự tuyên bố trường mình là “phi lợi nhuận” nếu chưa ai chứng minh được ông ta chia lợi nhuận cho cổ đông. Do vậy, để xác định được một đơn vị có phải là một tổ chức “phi lợi nhuận” hay không thì phải xem xét một cách cụ thể báo cáo tài chính của đơn vị đó, xem phân bổ lợi nhuận như thế nào. Do vậy, chỉ khi có báo cáo tài chính được kiểm toán thì chúng ta mới có thể phân định ai là “phi lợi nhuận” đích thực, ai là giả danh “phi lợi nhuận” để kiếm lời. Đây là một vấn đề khá nan giải ở Việt Nam bởi lẽ, tính không minh bạch trong quản lý tài chính là một điều quá phổ biến ở Việt Nam. Báo cáo tài chính gian dối, hai hệ thống số sách kế toán, cùng ma trận hóa đơn chứng từ khống, và hàng loạt công ty kiểm toán được lập ra theo mô hình “bán dấu ăn tiền” dường như là một thách thức rất lớn để minh bạch hóa báo cáo tài chính của một tổ chức. Một hình thức trá hình khác để không phải chia lợi nhuận nhằm bảo tồn tính “phi lợi nhuận” là đẩy cao chi phí lên một cách bất hợp lý. Ví dụ, một trường đại học tư tự gọi mình là “phi lợi nhuận” trả lương cho giảng viên (đồng thời là cổ đông của trường) với mức lương cao gấp
hàng chục, hàng trăm lần mức lương trung bình của một giảng viên đại học ở Việt Nam làm cho chi phí trả lương của trường rất cao. Do chi phí cao nên lợi nhuận của trường hoặc là âm (không phải đóng thuế do báo lỗ) hoặc là rất ít để không cần phải chia sau khi đóng thuế nữa.
Do vậy, một khi chưa minh bạch hóa vấn đề quản lý tài chính thì đừng vội vàng tin bất cứ một tuyên bố “phi lợi nhuận” của bất cứ một đơn vị nào, bởi có thể chính họ là những kẻ kinh doanh giáo dục khao khát lợi nhuận nhưng lại khoác vào mình một bộ áo cà sa “phi lợi nhuận” nhằm các mục tiêu mờ ám thay vì mục tiêu giáo dục chân chính.
Tại sao ĐH nước ngoài phi lợi nhuận được còn ĐH Việt Nam thì không?
Ở nước ngoài, cụ thể là Mỹ, mô hình đại học phi lợi nhuận được họ triển khai từ hàng trăm năm nay, trong khi đó mô hình này mới bắt đầu được nhen nhóm ở Việt Nam khi Chính phủ cho phép các đại học tư ra đời (hay còn gọi là xã hội hóa giáo dục). Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu mô hình đại học phi lợi nhuận ở Việt Nam có thể thành công hay không? Theo quan điểm của cá nhân mình, dựa trên quan sát và phân tích thực tiễn thì sẽ phải rất lâu nữa mới có thể có mô hình đại học phi lợi nhuận thành công ở Việt Nam.
Thứ nhất, khả năng huy động tài chính ở Việt Nam cho giáo dục đại học còn rất hạn chế. Chả có một đại gia hay mạnh thường quân nào ở Việt Nam chịu bỏ ra hàng trăm tỷ đầu tư đại học mà không mong lấy lại lợi nhuận. Ở Mỹ, các đại gia và mạnh thường quân họ quá giàu với tài sản tỷ đô, nên việc quyên góp vài chục, vài trăm triệu cho trường là điều quá bình thường. Các bạn nên nhớ, tư bản ở Mỹ là tư bản đã phát triển tới giai đoạn cực thịnh, tư bản văn minh, còn tư bản ở Việt Nam là tư bản sơ khai, hoang dã, nửa nạc, nửa mỡ nên nếu là một đại gia hoặc là tìm ngành khác đầu tư kiếm lời hoặc là giả danh “phi lợi nhuận” để kinh doanh giáo dục chứ hiếm có vị nào sẵn sàng bỏ tiền túi ra để mở đại học thực chất “phi lợi nhuận” một cách đúng nghĩa.
Thứ hai, khả năng thực chất của các trường trong việc cung cấp sản phẩm giáo dục có “chất lượng”. Ở Mỹ, các đại học danh tiếng, thu học phí cao đều là các trường tư có danh tiếng về chất lượng giảng dạy, nghiên cứu. Do đó, cho dù thu học phí cao họ vẫn thu hút được rất nhiều sinh viên giỏi. Chính sinh viên giỏi này khi thành công họ lại quyên góp cho trường hàng trăm, hàng tỷ USD, đồng thời thu hút được nhiều mạnh thường quân tài trợ cho trường xây dựng một khu học xá mang tên họ để lưu danh hậu thế. Các vị này quá giàu rồi, chả biết tiêu tiền vào việc gì nên thường muốn “ghi danh” mình cho những đóng góp từ thiện của họ, đồng thời trả ơn ngôi trường giúp họ thành công. Ngược lại, ở Việt Nam, chất lượng giáo dục đại học tư đang là một vấn đề. Rất nhiều trường đại học tư mở ra có chất lượng rất tệ, giáo viên thì không có đi thuê giáo viên part-time bên ngoài, chương trình giảng dạy thì chắp vá, chả ra thể thống gì, toàn vẽ đề án để xin cấp mã ngành, rồi thực tế triển khai thì khác xa những gì vẽ ra trên đề án. Bộ giáo dục thì không có khả năng và không thể giám sát nên giữa làm và báo cáo là một trời một vực. Giảng đường thì nay thuê chỗ này, nay thuê chỗ kia. Nhiều trường giảng viên trẻ măng, mới vừa tốt nghiệp đại học cũng đứng giảng, trong khi hồ sơ xin mã ngành thì hàng chục giáo sư đi mượn danh từ trường khác để nộp cho anh Luận, anh Ga nhằm cốt lấy được phê duyệt mã ngành. Làm ăn bố láo từ bản chất người làm giáo dục thì đừng hô hào “phi lợi nhuận”.
Thứ ba, một sự khác biệt lớn giữa mô hình đại học phi lợi nhuận ở Việt Nam và Mỹ đó chính là tính minh bạch tài chính. Ở Mỹ, do minh bạch tài chính nên một trường đại học không thể tự phong cho mình là “phi lợi nhuận” mà sau đó chia lợi nhuận sẽ bị pháp luật xử lý. Còn ở Việt Nam thì mạnh ai lấy làm, tự mình tuyên bố, thành ra lợi nhuận hàng năm chia cổ tức 20-30% vẫn cứ gào lên mình là “phi lợi nhuận” nhằm lấy lòng giới chính trị và lừa bịp xã hội. Rồi cuối cùng, vì xâu xé miếng bánh lợi nhuận mà “đánh nhau” đến lúc đó “cháy nhà mới ra mặt chuột” thì mới rõ thực chất “phi lợi nhuận” nó như thế nào. Khi nào mà chưa minh bạch tài chính, thì mọi tuyên bố chỉ là tuyên bố xuông mà thôi. Việc tự phong cho mình là “phi lợi nhuận”, rồi cuối cùng lại chia lợi nhuận với tỷ lệ 20% giống như việc anh cạo trọc đầu, mặc áo cà sa, rồi giả vờ tụng kinh gõ mõ để tuyên bố mình là sư nhằm ăn mày cửa phật, ăn tiền công đức nhưng tối về lại dấm dúi lấy tiền công đức mua thịt chó để ăn và sau đó đi ngủ với gái vậy.
Kết luận và khuyến nghị
Trong hoàn cảnh hiện nay, theo cá nhân tôi nghĩ, chính phủ khuyến khích xã hội hóa giáo dục là đúng. Và trong hoàn cảnh thực tế khi chúng ta đang ở giai đoạn tư bản hoang dã, người đầu tư quan tâm đầu tiên tới lợi nhuận, thì việc cho phép họ được hưởng một mức lợi nhuận nhất định là
hợp lý. Mức không quá lãi suất trái phiếu theo tôi là hợp lý trong giai đoạn hiện nay để người đầu tư có chút lợi nhuận mà vẫn theo đuổi được đam mê giáo dục của mình.
Để phát triển mô hình giáo dục “phi lợi nhuận” ở Việt Nam, tôi khuyến nghị Chính phủ cần làm mấy việc sau:
1. Chỉnh sửa lại luật giáo dục Đại học năm 2013, theo đó bỏ khái niệm “phi lợi nhuận” nếu được chia cổ tức 8%. Chỉ khi không chia lợi nhuận mới được coi là “phi lợi nhuận”.
2. Luật nghiêm cấm các trường tự phong cho mình là “phi lợi nhuận” nếu không có cơ chế “tuyệt đối không chia lợi nhuận” và hệ thống báo cáo tài chính minh bạch được kiểm toán và được công bố công khai.
2. Luật quy định chặt chẽ về tính minh bạch tài chính trong thu chi và phân bổ lợi nhuận cho các quỹ.
3. Luật khuyến khích bằng cách miễn giảm thuế cho các trường “phi lợi nhuận” đích thực và truy thu thuế, phạt hành chính thật nặng những trường gian lận trong thu chi, giả danh “phi lợi nhuận” nhưng lén lút lập quỹ đen để chia chác lợi nhuận.
4. Thành lập một ủy ban giám sát có thể độc lập ở Hiệp hội các trường ngoài công lập để tự giám sát lẫn nhau trong việc thực hiện quy tắc “phi lợi nhuận” ở những trường được công nhận mô hình này.
Trần Ngọc Thịnh