Nam Huỳnh Đạo "mua danh 3 vạn, bán danh 3 đồng": 7 phần đáng thương, 3 phần đáng trách
Kim Thiền | 04/07/2017 07:29 AM
9
Trên mạng xã hội, Nam Huỳnh Đạo đang được nhắc đến dưới góc nhìn trào phúng, với rất nhiều sự giễu cợt. Có đáng để môn phái này phải nhận những cái nhìn thiếu thiện cảm đến thế?
Không phải Nam Huỳnh Đạo, vị cao thủ bí ẩn khác sẽ đấu võ sư Vịnh Xuân Flores
1. Trước khi clip võ sư
Huỳnh Tuấn Kiệt thi triển võ công thượng thừa với các đệ tử được phát tán và lập tức tạo nên một làn sóng viral trên khắp các mạng xã hội, ở Việt Nam không quá nhiều người biết đến môn phái
Nam Huỳnh Đạo, tuy nhiên không ít người dân Sài Gòn chẳng lạ gì với hình ảnh võ sinh của võ phái này chiều chiều lại dợt võ ở đình Nam Chơn, đường Trần Quang Khải.
Đấy là một hình ảnh đẹp, góp phần tạo thêm nét đẹp cho một Sài Gòn đâu đó vẫn giữ được những nét cổ truyền trong lòng một thành phố lớn, đông đúc và đang dần bị bao phủ bởi những khối nhà cao tầng sừng sững.
Trong chương trình "Chuyện từ những con đường" do VTV9 Đài truyền hình Việt Nam thực hiện về con đường Trần Quang Khải - TP.HCM, tổ đình Nam Chơn là một trong những điểm nhấn mang đậm dấu ấn văn hóa, và trong đó võ phái Nam Huỳnh Đạo được mô tả như sự điểm xuyết đầy tính truyền thống cho di tích văn hóa này.
Video tạm dừng
Nam Huỳnh Đạo - Đình Nam Chơn (nguồn: VTV9)
Thả mình theo câu chuyện về con đường dài hơn 10 phút này, người xem được biết về một phái võ thuần Việt, mang đậm bản sắc dân tộc, xuất phát từ một danh tướng đời nhà Nguyễn - Tổng trấn Bắc thành Nguyễn Huỳnh Đức, được hậu duệ đời thứ bảy Huỳnh Tuấn Kiệt sáng lập dựa trên nền tảng dòng võ gia truyền, kết hợp cùng các dòng võ khác mà tạo nên.
Những hình ảnh thi đấu, tập luyện, nhất là hình ảnh những môn sinh nhỏ tuổi làm dấy lên trong lòng người xem một niềm tự hào về võ thuật cổ truyền Việt Nam. Nói không ngoa, Nam Huỳnh Đạo là người ta biết nhiều hơn đến đình Nam Chơn. Tổ đình và võ phái là sự kết hợp vẹn toàn đầy tính văn hóa, nhân văn, thượng võ và truyền thống dân tộc.
Thậm chí, trong kỳ thi đai đẳng cấp quốc gia khu vực 3, với sự tham gia của gần 1.000 võ sư, HLV đến từ 16 tỉnh thành trong khu vực do Liên đoàn võ cổ truyền Việt Nam tổ chức ở nhà thi đấu quận 7, TP.HCM cuối tháng Năm vừa qua, Nam Huỳnh Đạo được đánh giá là môn phái nghiêm ngắn và "có chất", chuẩn bị kỹ lưỡng và nổi trội bậc nhất.
2. Nam Huỳnh Đạo, vì thế không phải là môn phái "hữu danh vô thực", thậm chí là tên tuổi của võ cổ truyền TP.HCM, nhưng cái video clip của võ sư Huỳnh Tuấn Kiệt được phát tán đã khiến hình ảnh môn phái xấu đi một cách thảm hại. Vì sao nên nỗi?
Video tạm dừng
Những địch thủ thách thức công phu “truyền điện” của Nam Huỳnh Đạo
Theo nhận định của khá nhiều võ sư uy tín, không khó để "lật tẩy" thứ võ công được sử dụng trong đoạn clip được lan truyền này. Theo đó, thứ võ công sử dụng trong đó khó lòng tồn tại trên thế giới, dù ở bất cứ môn phái nào, và những thứ được thấy hoàn toàn là diễn xuất.
Theo đánh giá chủ quan, nhưng võ sinh, đệ tử tham gia chủ động diễn xuất, bởi rất có thể họ được chưởng môn "rót mật vào tai" rằng: "Nếu thầy thi triển đúng công phu, rất có thể các con sẽ nhận phải chấn thương nặng. Do đó thầy trò phải kết hợp diễn xuất, giúp cho người ngoài được phen thưởng lãm công phu thượng thừa của môn phái, mà vẫn đảm bảo an toàn cho các trò".
Thứ công phu "thượng thặng" tưởng chừng như chỉ có dịp chứng kiến trong phim ảnh ấy, Nam Huỳnh Đạo chẳng phải là người đi đầu. Trước đó, ở Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan, thậm chí là Canada, đã có rất nhiều video clip ghi lại thứ công phu tương tự như chưởng môn Huỳnh Tuấn Kiệt, nhưng kiểm chứng khoa học thì chưa bao giờ có.
Thứ công phu ấy không khó để kiểm chứng. Chỉ cần một chiếc máy quay, một người bình thường không thuộc môn phái là hoàn toàn có thể chứng minh nó là thật hay diễn. Nếu chứng minh được năng lực thực sự, nó sẽ là một tiếng vang lẫy lừng, một sự ngạc nhiên cao độ. Có lẽ vì thế, từ sau khi video clip được đăng tải, cả Huỳnh Tuấn Kiệt và Nam Huỳnh Đạo đều im hơi lặng tiếng.
Video tạm dừng
Xem Chưởng môn Huỳnh Tuấn Kiệt phái Nam Huỳnh Đạo biểu diễn nội công với các đệ tử.
Phải chăng, đấy là một chiêu thức PR được tính đến để quảng bá cho môn phái Nam Huỳnh Đạo? Dù xưa nay, võ thuật cổ truyền luôn là dòng chảy lặng lẽ trong đời sống xã hội, nhưng với sự phát triển của truyền thông, PR cho võ thuật cổ truyền là điều đáng hoan nghênh, tuy nhiên khi nội dung và hình thức PR vượt quá giới hạn, nó trở nên phản cảm và nực cười.
Nam Huỳnh Đạo đang phải chịu điều tiếng bởi chính màn PR "quá lố" của mình. Từ một võ phái chính thống với uy tín có được qua mấy chục năm cùng không ít sự khổ công gầy dựng, sự cố này làm Nam Huỳnh Đạo mất đi gần như tất cả tiếng tăm, phải thu mình, bế quan chịu đựng trước miệng lưỡi thế gian.
Võ đạo vốn coi trọng sự chính nhân quân tử. Dù có mạnh, dù có giỏi, nhưng những gì Nam Huỳnh Đạo cùng võ sư Huỳnh Tuấn Kiệt làm đang đi ngược lại với truyền thống võ học đó. Thay vì náu mình chờ mọi chuyện qua đi, nên chăng Nam Huỳnh Đạo ra mặt, có sự giải thích rõ ràng. Những người yêu thích võ thuật cổ truyền vẫn đang chờ một câu trả lời!