Nguyễn Quang Lập
Cụ Võ và cụ Hồ tại Sở chỉ huy Chiến dịch Biên giới (1950).
Mình được bạn bè và người nhà cụ Võ báo tin: cụ đã về trời lúc 18h9 phút ngày 04/10/2013, hưởng thọ 103 tuổi, cái tuổi xưa nay hiếm. Tiếc thương cụ vô hạn, mình không biết làm gì hơn, xin đăng lại bài viết của mình năm cụ tròn 100 tuổi, tưởng là cụ đi lúc đó, cầu cho cụ được bình an nơi cõi Phật.
Kỉ niệm nhỏ về Võ Đại tướng
Dân Quảng Bình ở Hà Nội hầu hết đã gặp cụ Võ, dân làm báo viết văn Quảng Bình hầu hết đã đến nhà cụ chơi, thế mà mình thì không.
Bữa trước ngồi nhậu với Trần Quang Đạo, Bảo Ninh, Nguyễn Hữu Quí, chúng nó hẹn đến chơi nhà cụ, mình không đi.
Anh Mĩ rất gần gũi cụ, xưa đã từng theo cụ cả năm trời vào cái thời lấy Tây Nguyên làm thủ đô kinh tế, với cô Hà lại là chỗ thân thiết, anh bảo mình đến chơi mấy lần, nhưng mình ngại, không đến.
Chẳng phải vì sợ mang tiếng thấy người sang bắt quàng làm họ, chỉ vì mình ngưỡng mộ từ lâu rồi, ngưỡng mộ thấm tận xương tủy, bây giờ gặp chẳng may vì lí do gì đó làm mình thất vọng thì chán lắm.
Đã có đôi ba người ở xa thì yêu quí kính trọng vô cùng, khi gặp cái là chán ngoét, đôi khi vì chuyện đó mà buồn cả tháng. Thành ra mình quyết định ở xa ngưỡng mộ cụ thôi.
Dân Quảng Bình, là nói dân sở tại, ai cũng có thể chê bai, kể cả bố mẹ, nhưng cụ Võ thì không, tuyệt nhiên không. Thế gian có ba người dân Quảng Bình thờ phụng đó là Chúa, Phật và cụ Võ.
Họp hội đồng hương năm nào cụ cũng đến, hễ cụ đến trễ tí là lại xôn xao, thì thào không biết có chuyện chi mà giờ này cụ chưa đến. Cụ nói nhỏ, người nghe thì đông, hầu hết chẳng nghe gì nhưng hễ cụ nói xong ai nấy đều hân hoan như vừa nghe xong thánh chỉ.
Chẳng phải thời cụ làm quan cụ lo lót được cho dân Quảng Bình. Mình hỏi nhiều ông quan to Quảng Bình, nói cụ Giáp có bố trí được ghế này ghế nọ không,? Ai cũng thở hắt ra, nói è he.. có mô. Hễ có việc gì của tỉnh người ta chạy đến chỗ nọ chỗ kia chứ chẳng bao giờ chạy đến cụ.
Thì Phật, Chúa tóm lại có lo được cho dân chút gì đâu nhưng có đánh chết dân vẫn không thôi thờ phụng. Cụ Võ cũng thế thôi.
Quý Doãn nói cụ đánh hai đế quốc to đã trợt mặt rồi, mình còn đòi hỏi cụ cái chi nữa.
Thời xưa các ông bộ chính trị đều có ảnh phóng to, lồng khung treo tường cả. Mình còn bé chẳng biết ông nào ra ông nào, chỉ duy nhất cụ là mình biết, bởi vì cụ là Đại tướng. Con nít thì Đại tướng là nhất, còn mấy cái chức khác thì mặc kệ, chẳng quan tâm.
Sáu, bảy tuổi ngồi há mồm nghe anh Chanh, anh Út kể chuyện cụ, sướng rêm người.
Anh Chanh kể tướng Đờ Cát gọi điện cho Cụ Hồ xin tha. Cụ Hồ hỏi Đại tướng ý kiến chú ra răng? Đại tướng nói thưa Bác thằng mô tha thì tha chứ Đờ Cát thì dứt khoát không tha. Tụi mình vỗ tay rào rào, nói đúng đúng không tha! Không tha!
Anh Út kể đội bóng đá nước mình đá với đội Trung Quốc, bị sút quả 11m, nếu bắt thì thủ môn sẽ vỡ ngực chết, không bắt thì thua. Trưởng đoàn gọi điện cho cụ Hồ hỏi thưa Bác có bắt không, cụ Hồ thương thủ môn chết tội, định nói thôi không bắt. Đại tướng ưỡn ngực rập chân, nói thưa Bác... dù chết Tổ quốc mình cũng không thể thua. Cả lũ nhảy lên reo hò, nói đúng đúng! Dù chết cũng không thua!
Rồi xúm lại hỏi anh Út cuối cùng mình có thắng không. Anh Út vênh mặt lên, nói thắng chơ răng. Sướng muốn ngất luôn.
Đại khái cái gì Cụ Hồ cũng hỏi Đại tướng, cái gì Đại tướng cũng quyết định ngon lành, toàn trúng không thôi. Tâm hồn bé thơ của mình đầy ắp những chuyện như thế.
Mấy chục năm sau, hình như năm 1980, đang ăn cơm bỗng nghe tin cụ đựơc phân làm trưởng ban Sinh đẻ có kế hoạch, bỏ cơm nằm khóc rưng rức suốt cả buổi chiều. Tâm hồn bị tổn thương trầm trọng giống như thấy người ta đang làm nhục bố mình.
Năm sau, kỉ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ, đài ngâm bài thơ Hoan hô chiến sĩ Điện Biên, mình ngồi phục xem người ta có ngâm câu Hoan hô Đại tướng Võ Nguyên Giáp/ Sét đánh ngày đêm xuống đầu giặc Pháp hay không. Hoá ra không.
Điên tiết mình đập tan cái đài của anh Đuya, sau phải vay tiền gần chết mua cái đài mới đền anh.
Năm 1984, đoàn kịch Quân đội dựng vở Bài ca Điện Biên, hình như kịch bản của Sĩ Hanh, Doãn Hoàng Giang đạo diễn. Nghĩ bụng chắc người ta chẳng mời cụ đến dự đâu. Hóa ra cụ đến. Bụng phục thầm quân đội quá xá, chỉ có quân đội gan mới to thế chứ chẳng ai dám đâu.
Mình đứng cuối hội trường hồi hộp chờ xem cái đoạn kết. Đoạn kết có chi tiết chính uỷ mặt trận báo cáo chiến dịch thắng lợi, chỉ mỗi câu báo cáo Đại tướng hay báo cáo Đại tướng Võ Nguyên Giáp mà cãi nhau ỏm tỏi.
Anh Giang thì cứ tủm tỉm cười nói rồi mày xem anh xử lí thế nào.
Vở kịch quá dài, hơn hai tiếng, xem mệt cả người, rồi cũng đến hồi kết. Khi tập thì anh Đoàn Dũng, trong vai chính uỷ mặt trận, chỉ quay điện thoại về chỉ huy sở mặt trận báo cáo với Đại tướng. Nhưng khi đó, anh Đoàn Dũng chạy vụt xuống đứng trước mặt cụ, rập chân ưỡi ngực chào.
Cụ bị bất ngờ, lúng túng đứng lên.
Anh Đoàn Dũng nói to, dõng dạc từng tiếng một: Báo cáo Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng tư lệnh mặt trận, chiến dịch Điện Biên Phủ đã hoàn toàn thắng lợi. Tướng Đờ Cát đang ở trước mặt chúng ta!
Cả ngàn người vụt đứng dậy vỗ tay như sầm rền, kéo dài hơn 10 phút, nhiều người khóc oà.
Mình bật khóc nức nở, chạy ra khỏi hội trường đứng khóc, hét to ôi sướng quá trời ơi!
Tối đó về nhà nằm lúc lúc lại bật khóc. Đang viết những dòng này cũng nước mắt như mưa.
NQL