Sau gần 3 tháng GS Vũ Hà Văn nhận lời Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng về làm Giám đốc khoa học Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn (Big Data), dự án đầu tiên được triển khai là giải trình tự hệ gene 1.000 người Việt.
GS Văn cho biết, Viện Big Data sẽ có nhiều dự án khác nhau nhưng đây là dự án đầu tiên được thực hiện theo tiêu chí ban đầu khi thống nhất ý tưởng cùng người đứng đầu tập đoàn, đó là những nghiên cứu có khả năng mang lại ứng dụng cao cho xã hội.
Bốn tiêu chí để quyết định giải mã gene người Việt bao gồm: tận dụng được những đột phá của công nghệ thế giới trong thời gian gần đây; tận dụng cơ sở dữ liệu của người Việt; hướng tới những vấn đề mà nếu người Việt không tự làm thì sẽ không ai giải quyết cho mình và mang lại lợi ích cho cộng đồng.
"Dự án về gene người đảm bảo đúng bốn mục tiêu này chứ không phải là sản phẩm mang tính phô trương", GS Vũ Hà Văn nói và cho biết dự án này đã được người đứng đầu tập đoàn quyết định đầu tư mức kinh phí 4,5 triệu USD.
Lý giải về thời điểm có thể tận dụng được công nghệ của thế giới, GS Vũ Hà Văn chia sẻ, nghiên cứu về gene mới và rất đắt đỏ. Cách đây 10 năm làm dự án với quy mô tương tự, chỉ những nước lớn có tiềm lực mạnh như Anh, Mỹ mới nghĩ đến.
Khi đó chi phí có thể lên tới hàng tỷ đô la, nhưng thời điểm này, chi phí đó đã giảm đi nhiều lần do khoa học phát triển với tốc độ rất nhanh. Đã đến lúc Việt Nam có thể tận dụng thành quả khoa học của thế giới trong lĩnh vực này.
"Với quy mô 1.000 người, dữ liệu này đủ lớn để có cơ sở cho các nghiên cứu về sau và ứng dụng trong y tế. Hiện ở Đông Nam Á, quy mô 1.000 người đã là đề tài tầm cỡ, không phải nước nào cũng làm được", GS Văn nói. Để triển khai dự án trong giai đoạn đầu, những người khỏe tự nguyện tham gia sẽ được lựa chọn và làm các xét nghiệm theo đúng tiêu chí lấy mẫu gene của quốc tế.
Thế giới đã nghiên cứu các biến dị về gene vì nó liên quan đến các vấn đề về y học, sức khỏe và các bệnh của con người. Tuy nhiên Việt Nam mới chỉ nghiên cứu biến dị gene trên tập thể nhỏ vài chục người.
Khi có dữ liệu gene của 1.000 người Việt, dựa vào các đặc tính có thể nghiên cứu đối sánh trên các bệnh khác nhau. Ví dụ với ung thư, sẽ lấy gene của người bệnh để so sánh với cơ sở dữ liệu gene của người khỏe, từ đó tìm thông tin để đưa ra cảnh báo đối với những người có nguy cơ mắc bệnh cao.
Khi đã có đủ dữ liệu hệ gene, mỗi bệnh cố định có thể mất 6 tháng đến một năm để tìm ra được thông tin giá trị, đưa ra các cảnh báo thuốc đặc trị cho người Việt
Từ dữ liệu gene sẽ có phác đồ điều trị đến từng người bệnh
Ở góc độ nghiên cứu cơ bản, GS Vũ Hà Văn kỳ vọng những phát hiện khác biệt từ gene người Việt phản ứng khác với từng bệnh của người châu Âu. Dữ liệu này hiện thế giới không có, vì vậy mọi phát hiện đều mang tính mới.
Đưa vào ứng dụng, các nghiên cứu lĩnh vực này phục vụ xã hội được nhiều hơn khi các thông tin về hệ gene có thể hỗ trợ bác sĩ đưa ra những phác đồ điều trị riêng cho từng bệnh nhân phù hợp với đặc tính di truyền của họ.
"Đây cũng là xu hướng của thế giới vì các điều chỉnh chung hiện không còn hiệu quả, nên muốn tăng chất lượng chăm sóc sức khỏe cộng đồng thì việc cần phải làm là hệ thống cơ sở dữ liệu gene", GS Vũ Hà Văn nói.
GS Văn cho biết, mỗi năm ông sẽ có 3 tháng làm việc ở Việt Nam với cường độ cao cùng với đội ngũ các nhà khoa học trẻ của Viện. Các cộng sự phụ trách theo chuyên môn riêng như TS Đào Đức Minh, PGS Lê Đức Hậu hay PGS Lý Lê.
TS Minh từng tham gia nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm nghiên cứu quân đội Hoa Kỳ. Anh về Việt Nam làm chuyên gia nghiên cứu về xử lý ảnh và trí tuệ nhân tạo (AI) tại Viện nghiên cứu và phát triển Viettel. Hiện TS Minh đầu quân về Viện Big Data phụ trách mảng AI, xử lý tín hiệu, xử lý ảnh, thị giác máy tính và máy học.
TS Minh sẽ triển khai các dự án nghiên cứu và phát triển các mô hình và thuật toán AI trong chẩn đoán bệnh bằng ảnh y tế, tập trung vào các ứng dụng có nhu cầu và cấp thiết nhất như phát hiện các khối u hay chẩn đoán một số loại ung thư dựa trên ảnh X quang và chụp cắt lớp.
PGS Lê Đức Hậu (chuyên gia Tin sinh học của Viện nghiên cứu tế bào gốc và công nghệ gene Vinmec) về làm Trưởng phòng Y sinh tính toán của Big Data và PGS Lý Lê (từng giảng dạy và nghiên cứu tại khoa Sinh Đại học Quốc Tế, TPHCM) là chuyên gia nghiên cứu của dự án.
Hiện nhóm nghiên cứu của dự án cũng hợp tác với các nhà nghiên cứu về hệ gene và các bệnh di truyền tại Mỹ, Đức, Nhật, Singapore, Thái Lan, Nhật Bản.
GS Vũ Hà Văn cho biết, dù lường trước sẽ có nhiều khó khăn bởi khoa học không phải thứ dễ cho ngay kết quả, nhưng ông tin với sự ủng hộ cả về nhân lực và kinh phí, dự án sẽ gặt hái kết quả phục vụ cộng đồng.
"Cộng đồng người Việt sẽ được hưởng lợi khi sử dụng nền tảng dữ liệu ứng dụng vào khám, chữa bệnh. Với các nhà nghiên cứu khoa học trong nước và quốc tế cũng có thể khai thác dữ liệu này khi cần", GS Vũ Hà Văn nói.