THX: Trung Quốc đưa giàn khoan thứ hai xuống Biển Đông
Giàn khoan Hưng Vượng của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Hải dương Trung Quốc (CNOOC) đã rời Yên Đài, khởi hành xuống Biển Đông hoạt động vào 10h18 ngày 30/4.
Thông tin trên được Tân Hoa xã đăng tải cùng ngày và được nhiều tờ báo dẫn lại. Theo báo này, hệ thống định vị động lực độc đáo của nó có thể bảo đảm cho giàn khoan này hoạt động bình thường trong môi trường bão cấp 12 ở Biển Đông. Tuy nhiên, báo Trung Quốc không cho biết vị trí hoạt động cụ thể của giàn khoan này.
Bài báo cho hay, Hưng Vượng là giàn khoan nước sâu nửa chìm thứ tư do công ty CIMC Raffles bàn giao cho CNOOC.
Giàn khoan này hoạt động sâu nhất là 1.500m, độ sâu tối đa của giếng khoan là 7.600m, nhân viên trên giàn khoan theo quy định là 130 người, tải trọng sàn tàu là 5.000 tấn.
Giàn khoan này từ khi ký kết hợp đồng đến khi bàn giao chỉ có 35 tháng. Đến đây, công ty CIMC Raffles đã có 9 giàn khoan nước sâu nửa chìm đến các vùng biển trên thế giới như biển Bắc Hải, Brazil, vịnh Mexico, Tây Phi để hoạt động.
Trước giàn khoan Hưng Vượng, từ tháng 5 đến tháng 7/2014, Trung Quốc đã kéo giàn khoan nước sâu Hải Dương 981 hạ đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam và bị dư luận thế giới lên án mạnh mẽ.
Chuẩn bị mưu đồ mới?
Cũng trong năm 2014, truyền thông quốc tế đưa tin, các công ty dầu khí Trung Quốc đang mua sắm thêm nhiều tàu và giàn khoan mới.
Tờ Australian dẫn tin từ Cơ quan Tư vấn và Dữ liệu Hàng hải IHS Maritime của Mỹ cho biết, số hàng đặt mới trong nửa đầu năm 2014 nhiều hơn bất kỳ năm nào trong bốn năm qua. Và nhu cầu mua giàn khoan cùng tàu vẫn còn tiếp tục.
Theo báo này, năm 2013 Trung Quốc đã đặt hàng một giàn khoan lớn tải trọng 30.000 tấn, nhằm đưa ra khai thác ở Biển Đông năm 2016. Giàn khoan này có thể hoạt động ở độ sâu hơn 1.500m và có thể chịu được sóng lớn và giông bão. Bên cạnh đó còn hai chiếc nữa cũng được lên kế hoạch đặt hàng. Các giàn khoan này có quy mô tương đương giàn khoan nước sâu Hải Dương 981.
Việc này cho thấy Trung Quốc đang đẩy nhanh việc tăng cường thiết bị cho kế hoạch khai thác dầu ngoài khơi, và tăng cường các tàu bảo vệ, mạo hiểm hơn ở vùng nước giàu tài nguyên Biển Đông.
"Đây chỉ là khởi đầu của một kế hoạch lớn và có dự tính của Trung Quốc trong việc kiểm soát các nguồn tài nguyên ở Biển Đông", Gary Li, nhà phân tích của IHS nói.
Việc tăng cường thiết bị là một phần chính sách quốc gia, ở khu vực mà mục tiêu về chính trị và an ninh năng lượng của Bắc Kinh có chồng lấn với nước khác, Philip Andrews-Speed, một chuyên gia về an ninh năng lượng tại Viện nghiên cứu Năng lượng của Singapore nhận định. "Tôi chắc rằng họ sử dụng các giàn khoan này làm tuyên bố chính trị cũng như dùng để khai thác".
Năng lực mới cho phép Trung Quốc tiến vào Biển Đông, vượt qua các nước như Việt Nam và Philippines, vì các nước này phụ thuộc nhiều vào chuyên môn của nước ngoài, Andrews-Speed đánh giá.
http://m.baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/thx-trung-quoc-dua-gian-khoan-thu-hai-xuong-bien-dong-3266033/