Cũng chã biết được ,mọi thứ phải thích nghi thôi. Trước khi Duy Tân Minh Trị thì Nhật có khắc chi Việt mấy đâu, đói rách như nhau.
Đem qua sân trung lập là nước Mỹ thì thấy Nhật là cộng đồng di dân khá đông lại là những nước di dân đầu tiên của châu Á mà xem ra không khá hơn các cộng đồng dân cư gốc Á mấy. Nhìn chung thua xa bọn Ấn và Tàu.
Về lũng đoạn thì thua Tàu nhưng về đem tư duy, kỹ thuật vào giúp các nước mà nơi người Nhật nhập cư đã làm nên những siêu cường về nông nghiệp và công nghiệp cụ ơi. Nói chung người Nhật đã có đóng góp rất lớn cho nền kinh tế các nước nơi họ đến, mặc dù sự kỳ thị vì cuộc Thế chiến cũng không át nổi những thành công và đóng góp của người Nhật.
"
Di sản Nhật trong lòng Brazil
Gary Duffy
BBC News, Sao Paulo
Một trăm năm sau ngày những người Nhật đầu tiên di dân sang Brazil, đất nước này đang hồi tưởng cột mốc đánh dấu một di sản có ý nghĩa quan trọng.
Với cộng đồng ước tính 1,5 triệu người, Brazil là nơi có sắc dân Nhật Bản sinh sống nhiều nhất bên ngoài lãnh thổ xứ Mặt trời mọc.
Lễ kỷ niệm 100 năm làn sóng di cư là dịp tưởng nhớ những người Nhật đầu tiên đặt chân xuống cảng Santos gần Sao Paulo để khai phá mảnh đất mới.
Ngoài ra, theo các nhà tổ chức, đây cũng là thời điểm cám ơn người dân Brazil đã chào đón những người tiền trạm.
165 gia đình người Nhật quyết định rời tổ quốc tới Brazil vào ngày 18/6/1908 để mong thoát khỏi cảnh đói nghèo, thất nghiệp ở Nhật Bản lúc đó; trong khi các đồn điền cà phê ở Brazil lại có nhu cầu thuê nhân công.
Nhưng những đồ vật được trưng bày tại Bảo tàng Di dân Nhật Bản tại Sao Paulo cho thấy không phải tất cả mọi chuyện đều xuôi chèo mát mái.
Bước đầu khó nhọc
Những cư dân đầu tiên tới Brazil đã phải đối mặt với cú sốc văn hóa lớn: khác biệt về ngôn ngữ, đồ ăn và thời tiết.
Mục tiêu lớn nhất của họ là kiếm một tài sản càng nhanh càng tốt rồi trở về cố hương, nhưng đối với nhiều người, mọi chuyện không hề dễ dàng như vậy.
Bà Lidia Yamashita thuộc Bảo tàng Di dân Nhật Bản tại Sao Paulo nói: “Khi những cư dân đầu tiên tới đây, cây cà phê chưa có năng suất cao”.
“Rồi Thế chiến II bùng nổ khiến họ không thể quay trở về quê hương. Mọi kỳ vọng của họ thay đổi. Họ buộc phải ở lại Brazil và coi đó là mảnh đất họ sẽ sống suốt đời”.
Nhiều người nhập cư đầu tiên và thế hệ sau này đã thành công trong xã hội Brazil khi chuyển tới các thành phố. Nhưng những bước đi đầu tiên thực sự khó nhọc.
Ông Kokei Uehara, giờ là giáo sư tại Đại học Sao Paulo đồng thời là Chủ tịch hội Nhật Bản, nhớ lại thời kỳ gian khó khi mới tới Brazil.
“Tôi đã phải nai lưng ra làm việc dù khi đó mới chỉ là cậu bé chín tuổi”.
“Tôi thường phải làm việc ở đồn điền vào ban sáng, sau đó thay quần áo và tới trường. Tôi thường cuốc bộ bằng chân trần qua bốn cây số. Đôi khi trời quá nắng nóng và bàn chân tôi bỏng rát”.
Nhiều gia đình đã bị phân tán khi quyết định đi tới miền đất hứa Brazil.
Tại ngôi nhà ở Sao Paulo, Adelia Muramoto kể rằng bà đã phải chia tay người chị gái lúc đó mới tám tuổi ngay trước khi con tàu rời đi Brazil.
Người cậu hứa với gia đình sẽ mang người chị của bà sang Brazil một năm sau đó, nhưng chiến tranh và loạn lạc đã khiến họ chỉ được đoàn tụ sau 36 năm.
Bà Muramoto nói: “Tôi nghĩ mọi chuyện sẽ đơn giản, và tôi sẽ sớm gặp chị mình. Nhưng tôi không bao giờ nghĩ sẽ mất nhiều thời gian để chúng tôi đoàn tụ như vậy”.
“Thời gian cứ thế trôi đi khi tôi tới Brazil. Khi tôi chơi với những đứa trẻ khác, và chị tôi không có ở đó, chỉ tới lúc ấy tôi mới nhận ra là chị đã không có bên mình”.
Ảnh hưởng nhãn tiền
Ít có nơi nào cho thấy sự ảnh hưởng của người Brazil gốc Nhật mạnh mẽ như ở quận Liberdade thuộc Sao Paulo.
Sau nhiều năm sống ở vùng nông thôn, nhiều người di cư Nhật đã chuyển tới thành phố vì một tương lai tốt đẹp hơn.
Quán xá, nhà hàng, chợ búa và các lễ hội đường phố khiến Liberdade dường như là một phần nào đó của Tokyo chứ không phải thuộc về một thành phố Mỹ Latinh nữa.
Và đó cũng chính là một trong những điểm du lịch hút khách nhất của Sao Paulo.
Ngày cuối tuần, khu vực ken chặt người tới thưởng thức các loại đồ ăn phong phú. Thói quen ăn uống của người Brazil cũng thể hiện rõ sức ảnh hưởng của người nhập cư Nhật Bản tới người dân địa phương.
Ngoài việc làm thay đổi thói quen ăn uống một cách giản tiện nhất trước đây, họ còn mang tới các kỹ thuật canh tác giúp Brazil trở thành một siêu cường về nông nghiệp như hiện nay.
Những người Brazil gốc Nhật Bản cũng để lại những điểm nhấn đây đó trong văn hóa Brazil.
Ruy Ohtake là một kiến trúc sư hàng đầu đồng thời là tác giả một số tòa nhà nổi tiếng ở Sao Paulo như khách sạn Unique và viện Tomie Ohtake.
Ông Ohtake nói rằng điều quan trọng là những người Brazil gốc Nhật phải đóng vai trò lớn hơn nữa trong xã hội Brazil.
“Mọi người đều là cư dân Brazil, và họ có sức ảnh hưởng tích cực”.
“Tôi không nghĩ đó là điều tốt khi tự phân rẽ cộng đồng và sống một cách cô lập. Sự hòa nhập với những người Brazil khác rất quan trọng.”
Siêng năng
Các nhà lãnh đạo cộng đồng địa phương đều cho rằng người Brazil gốc Nhật Bản hoàn toàn hòa nhập với xã hội ở nơi họ sống.
Một thế kỷ sau làn sóng những người nhập cư đầu tiên, 40% thế hệ sau này có sự pha trộn hai dòng máu.
Tuy nhiên, nhà sử học Arlinda Rocha Nogueira nói rằng sự chuyển đổi này còn chưa hoàn tất.
Bà nói: “Tôi không cho rằng họ đã hòa nhập 100%”.
"Chỉ có thế hệ thứ ba hay thứ tư mới tiến tới sự hòa nhập. Tôi không thấy điều đó ở thế hệ đầu hay thứ hai. Có nhiều cộng đồng Nhật Bản ở đây quá khép kín”.
Tuy vậy, dường như tinh thần bền bỉ, sự siêng năng và cần cù đã khiến nhiều người Brazil gốc Nhật tiến tới thành công mà có lẽ những người di dân đầu tiên từ xứ sở Mặt trời mọc chưa hề hình dung ra.
Một trăm năm đã qua, bản thân sự thành công đó đã là một phần của lễ kỷ niệm.
"