Chưa khai thác được đất hiếm có thể khiến Việt Nam lỡ cơ hội chiếm lĩnh thị trường tài nguyên này, theo Tổng cục phó Địa chất và Khoáng sản Nguyễn Văn Nguyên.
vnexpress.net
Có tâm lý "cơm không ăn, gạo vẫn còn đó", tức chưa khai thác đất hiếm thì vẫn còn và để dành cho đời sau. Ông nghĩ sao về điều này?
- Đúng, đang có những suy nghĩ như vậy. Nó xuất phát từ cách tiếp cận thông tin, cách nhìn về đất hiếm. Nhiều người luôn nghĩ đó là khoáng sản chứa những kim loại rất hiếm nên để lại cho thế hệ sau. Thực tế những nguyên tố này lại không hiếm như vậy, chúng có mặt khắp nơi trong các thành tạo địa chất khác nhau.
Sở dĩ đất hiếm hiện nay có giá trị cao vì với điều kiện công nghệ và bài toán kinh tế thì người ta chỉ khai thác đất hiếm ở các mỏ lớn, có thể triển khai theo quy mô công nghiệp nên số mỏ như vậy sẽ ít. Tương lai không thể loại trừ có thể khai thác các kim loại đất hiếm ở những vị trí nhỏ hơn dẫn tới nguồn cung lớn hơn và giá trị đất hiếm giảm dần.
Ngoài ra, như tôi đã nói hiện nay nhiều quốc gia, đặc biệt là các nước ASEAN cũng đang đẩy mạnh việc khai thác đất hiếm. Điều này đồng nghĩa nguồn cung sẽ dồi dào hơn, giá thành giảm. Một yếu tố nữa khiến chúng ta không nên chần chừ khai thác đất hiếm là mặc dù chưa tìm ra nguyên liệu thay thế, các nước đi đầu đang đẩy mạnh nghiên cứu vật liệu khác để tránh phụ thuộc vào đất hiếm.
Theo tôi, đất hiếm thực sự hiếm bởi sự tuyển luyện, chiết tách chúng từ quặng đất hiếm ra các kim loại có giá trị phục vụ nhiều ngành kinh tế như chế tạo nam châm, tuabin điện gió, xe điện, xử lý môi trường, quốc phòng, công nghệ cao. Khi đất hiếm đang là xu thế trên thế giới thì chúng ta nên khai thác để có thể chọn đúng điểm rơi.