Phó Chủ nhiệm UB các vấn đề xã hội thấy các giải pháp Bộ trưởng Đinh La Thăng đưa ra chủ yếu là tăng đầu tư. "Thế này thì làm khó cho đất nước quá, đã nghèo mà ngành nào cũng đòi tiền".
Đặt câu hỏi đầu tiên cho Bộ trưởng GTVT trong phiên giải trình hôm nay, Chủ nhiệm UB Tài chính - Ngân sách QH Phùng Quốc Hiển thấy dù đã có nhiều giải pháp nhưng tình hình tai nạn giao thông vẫn nghiêm trọng, số vụ tai nạn, người chết và người bị thương không giảm. Ông nói đùa “từng gọi ông Hồ Nghĩa Dũng khi còn đương chức Bộ trưởng GTVT là vị tư lệnh nướng nhiều quân nhất, hàng năm chết 1 sư đoàn, bị thương 4 sư đoàn”.
Ông thấy Bộ trưởng Thăng chỉ ra nhiều nguyên nhân song chưa chỉ rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về ngành, tức Bộ GTVT, đến đâu.
Bộ trưởng Đinh La Thăng: Mọi phương tiện giao thông đều bình đẳng trước pháp luật
Bộ trưởng Đinh La Thăng “đính chính” là liên tiếp trong 3 năm gần đây, số vụ tai nạn, người chết và bị thương đều giảm. Theo số liệu từ Bộ Công an, từ đầu năm 2011 đến nay đã xảy ra gần 50.000, làm chết hơn 12.000 người, bị thương hơn 54.000 người, giảm so với năm trước.
Tuy nhiên, ông Thăng thừa nhận số lượng như vậy vẫn là rất lớn và nghiêm trọng.
Có cách nào bớt thu tiền dân?
Cơ chế tài chính trong xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ được nhiều ĐB đặt câu hỏi. Phó đoàn ĐBQH Hải Phòng, ông Trần Ngọc Vinh, chỉ ra nhận định của dư luận về đầu tư trong ngành giao thông vận tải là “chất lượng thấp, thiếu hiệu quả, thất thoát nhiều trong khi các công trình hạ tầng giao thông chưa được cải thiện rõ rệt”.
“Trong khi đời sống nhân dân gặp khó khăn thì Bộ lại lại đề xuất thu phí lưu hành phương tiện, không nhận được sự đồng thuận”, ông Vinh nói.
Bộ trưởng Thăng cho biết quỹ bảo trì đường bộ đã được quy định trong Luật Giao thông đường bộ năm 2008, với mục tiêu đảm bảo nguồn thu để bảo trì, duy tu đường bộ, chứ “không phải bây giờ Bộ mới đề xuất”.
Chia lửa với ông Thăng, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Minh nhận định bài toán giao thông muốn giải cần sự vào cuộc của toàn xã hội với nhiều cơ chế, giải pháp đồng bộ.
“Quỹ bảo trì đường bộ là biện pháp nhiều nước trên thế giới đã áp dụng, với mục tiêu phục vụ tốt hơn hạ tầng giao thông, làm cho giao thông an toàn hơn”, bà Minh nói. “Nhưng trong giai đoạn này đang có nhiều khó khăn về kinh tế - xã hội, cần cân nhắc thận trọng về thời điểm triển khai và mức thu phí, làm sao để người dân chấp nhận”.
Nhắc lại câu hỏi của ông Vinh về tình trạng xuống cấp ở nhiều đoạn trên Quốc lộ 5, Bộ trưởng Thăng cho rằng nếu quỹ bảo trì đường bộ đi vào hoạt động sẽ có kinh phí bảo trì tuyến đường này trong năm nay.
Nói thế nhưng ĐB Nguyễn Bá Thuyền vẫn không hài lòng với việc “cứ nói đến dân là thu tiền”.
“Đây đúng là biện pháp dễ nhất, nhưng trong tình trạng tham nhũng, lãng phí đáng lo ngại như hiện nay, làm sao dân thấy thuyết phục”, ông Thuyền nói.
Ông Nguyễn Văn Tiên, Phó Chủ nhiệm UB các vấn đề xã hội của QH, cũng thấy các giải pháp Bộ trưởng Thăng đưa ra chủ yếu là tăng đầu tư. “Thế này thì làm khó cho đất nước quá, đã nghèo mà ngành nào cũng đòi tiền”, ông Tiên thốt lên. “Có cách nào ít tiền mà hiệu quả không?”
Ông Thuyền đề nghị hạn chế các biện pháp thu tiền của dân, nếu thu phải đưa ra QH bàn, đồng thời cân nhắc các cơ chế khác.
Giữ lại tiền phạt có giảm lạm thu?
Các ĐB cũng băn khoăn về cơ chế giữ lại 100% tiền thu phạt cho lực lượng làm nhiệm vụ.
Theo ông Thuyền, đang có cách nhìn nhận khác nhau giữa nhà nước và người dân về vấn đề này.
Nhà nước coi đây là nguồn thu để đầu tư trang thiết bị và bồi dưỡng cho lực lượng làm nhiệm vụ; nhưng người dân thấy không nên vì công chức vốn hưởng lương ngân sách, nếu chế độ thấp thì ngân sách phải tăng chế độ cho họ, ông Thuyền phân tích.
“Chưa kể một số cán bộ có thể lợi dụng quy định này để lạm quyền thu phạt nhiều hơn so với thực tế vi phạm”, ông Thuyền chỉ ra lo ngại của người dân.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Minh nhận định tuy các lực lượng kiểm soát giao thông có lương và phụ cấp, nhưng họ phải làm ngoài giờ và trực đêm nhiều, chế độ phụ cấp quá ít. Bà Minh lấy ví dụ cảnh sát giao thông trực đêm phòng chống đua xe chỉ được phụ cấp 100.000 đồng một đêm.
Thứ trưởng Tài chính cho biết nhiều địa phương đề nghị nâng mức phụ cấp này, vì chế độ thấp càng tạo điều kiện cho sự nhũng nhiễu.
Bà Minh cho rằng quy định công khai minh bạch về biên lai, giấy tờ khi thu phạt sẽ tránh được tình trạng lạm thu.
Trước băn khoăn “tiền có vào ngân sách không” của một số ĐB, Thứ trưởng Minh khẳng định toàn bộ tiền phạt giao thông được thu và chi qua hệ thống kho bạc một cách minh bạch. “Cho đến nay chưa thấy có phản ánh gì về tiêu cực”, bà Minh nói và cho biết số tiền thu phạt giao thông năm 2011 là 2.540 tỷ đồng.
Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý nhận thấy vấn đề này còn nhiều ý kiến khác nhau nên đề xuất một chuyên đề bàn riêng về việc sử dụng tiền thu phạt vi phạm giao thông.
Đã xử lý bao nhiêu cán bộ tiêu cực?
Nhắc đến lực lượng trực tiếp xử lý vi phạm giao thông, các ĐB cũng không khỏi lo ngại về chất lượng đội ngũ này.
Ông Phùng Quốc Hiển thấy trong các giải pháp của Bộ trưởng Thăng chưa có việc “tăng trách nhiệm và ý thức của đội ngũ thực thi công vụ, giảm tiêu cực và yêu cầu họ làm đúng chức trách, nhiệm vụ”.
Bộ trưởng Thăng đồng tình rằng không thể chỉ đỗ lỗi cho người vi phạm mà trong nhiều nguyên nhân có vấn đề chất lượng người thực thi công vụ. Ông Thăng cho biết đang cùng Bộ Công an xây dựng đề án nâng cao phẩm chất những người thực thi công vụ trong ngành gia thông, gồm cả lực lượng thanh tra giao thông và cảnh sát giao thông.
Phó Chủ nhiệm UB Pháp luật Đặng Đình Luyến thì muốn biết đã xử lý bao nhiều “cán bộ chiến sĩ làm trực tiếp còn yếu về năng lực, còn tiêu cực, tác phong thái độ còn chưa tốt” như trong báo cáo của Bộ trưởng Thăng.
Tuy nhiên cả Bộ GTVT và Bộ Công an đều không đưa ra câu trả lời. Chỉ có Phó Chủ tịch UBND Đà Nẵng trong báo cáo của mình cho biết từ đầu năm 2012, thành phố đã xử phạt 6 cán bộ làm giao thông có biểu hiển nhũng nhiễu, tiêu cực.
Chưa công bằng?
Một số ĐB cũng nêu cảm nhận về sự phân biệt đối xử trong xử lý các vi phạm giao thông. Ông Phùng Quốc Hiển thấy “trong khi các nước ưu tiên phương tiện công cộng, thì ta lại hạn chế hoạt động của taxi” và thấy loại hình phương tiện này bị nhiều “sức ép”.
Đại diện thành phố đang thi hành các biện pháp hạn chế taxi, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi chỉ ra những khó khăn thực tế về hạ tầng gồm diện tích cho giao thông ít, nhiều đường hẹp, số phương tiện tăng nhanh…
Ông Khôi cho biết việc điều tiết hoạt động theo giờ, theo tuyến đối với taxi chỉ là một trong số các biện pháp thành phố áp dụng để giảm tải giao thông trong giờ cao điểm. Ông cho biết sẽ tiếp thu các ý kiến và học tập kinh nghiệm của TP.HCM trong quản lý taxi.
ĐB Dương Trung Quốc thì lưu ý Bộ trưởng Thăng tình trạng “xe biển xanh, xe công, số lượng nhiều hơn xe biển trắng, xe cá nhân, nhưng bị xử lý vi phạm giao thông rất ít”. Không có số liệu thống kê vi phạm của đối tượng này, ông Quốc lo ngại có sự không công bằng trong xử lý.
Bộ trưởng Thăng, dẫn lời của Phó tổng cục trưởng Tổng cục cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an Đỗ Đình Nghị, khẳng định mọi phương tiện đều bình đẳng trước pháp luật, “nếu trên thực tế có việc xe công không bị xử lý thì chỉ là số ít”.
Ông Thăng cho biết sẽ cho trao đổi với Bộ Công an làm nghiêm hơn việc này để nhân dân tin tưởng.